ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
30/TB-UBND
|
Thanh
Hóa, ngày 19 tháng 02 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGUYỄN ĐÌNH XỨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI SỞ Y TẾ
Ngày 16 tháng 02 năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã có buổi làm việc với Sở Y tế. Tham dự buổi
làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm
Đăng Quyền, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ và Lãnh đạo Văn phòng UBND
tỉnh. Sau khi nghe Lãnh đạo Sở Y tế báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động y tế năm
2015, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới và ý kiến tham gia của các đại
biểu tham dự hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh
Nguyễn Đình Xứng kết luận như sau:
Trong thời
gian qua, ngành y tế đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được một số kết
quả, chuyển biến rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân: Đã triển
khai có hiệu quả các hoạt động công tác y tế dự phòng không để xảy ra dịch bệnh lớn, khi có dịch bệnh xảy ra đã kiểm tra, lấy mẫu, bao vây,
dập dịch kịp thời. Nhiều cơ sở khám
chữa bệnh, cơ sở vật chất của các bệnh viện, trạm xá được
đầu tư, nâng cấp. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng
lên, nhiều kỹ thuật cao được ứng dụng thành công tại các bệnh viện tuyến tỉnh,
tuyến huyện, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị
và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng
thắn thừa nhận một số hạn chế, yếu kém, đó là: Nhìn chung
công tác y tế của tỉnh ta vẫn bị tụt hậu so với một số tỉnh, thành phố cả về cơ
sở vật chất và chất lượng khám chữa bệnh và một số kỹ thuật cao; công tác xã
hội hóa trong lĩnh vực y tế kết quả còn hạn chế; tình trạng quá tải trong các
bệnh viện công lập đang là vấn đề bức xúc lâu nay nhưng
chưa được giải quyết một cách căn cơ; một số chỉ số, chỉ
tiêu y tế cơ bản còn thấp so với bình quân chung của cả nước, như số giường
bệnh/vạn dân, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong các
bệnh viện có chuyển biến nhưng chưa được giải quyết một
cách triệt để; vẫn còn xảy ra một số vụ việc đáng tiếc,
ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Việc
tuyển dụng, đề bạt cán bộ còn thiếu công khai, minh bạch,
gây dư luận xấu trong ngành; chưa tham mưu cho tỉnh ban
hành được những cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân
lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế về làm việc tại tỉnh.
Bệnh viện tư ra đời nhiều nhưng chưa nghiên cứu được cơ
chế chính sách tạo môi trường để phát triển.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn
chế là do: chậm đổi mới về tư duy về phát
triển y tế và chăm sóc sức khỏe, ngành y tế chưa tham mưu cho
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổng kết thực
tiễn các vấn đề đặt ra, như: vấn đề quá tải trong các bệnh viện công, vấn đề hiệu quả hoạt động của các bệnh viện tư, để
có những giải pháp phù hợp huy
động được các nguồn lực cho phát triển y tế; việc đầu tư cơ sở vật chất chủ yếu còn dựa vào đầu tư công; hoạt động của ngành còn khép
kín, việc phối hợp đấu mối với các ngành trong tỉnh và các Bộ, ngành Trung
ương để huy động các nguồn lực cho phát triển y tế còn hạn chế.
Để khắc phục
những hạn chế, yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh, chăm sóc
sức khỏe cho nhân dân, trong thời gian tới, ngành y tế cần triển khai một số
nhiệm vụ sau đây:
1. Mục tiêu
- Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày
càng tốt hơn, góp phần tăng tuổi thọ
trung bình của người dân trong tỉnh cao hơn trung bình
chung của cả nước.
- Phấn đấu 100% người nghèo, nông
dân, người có thu nhập thấp có bảo hiểm y
tế, được cung cấp các dịch vụ cơ bản về y
tế và chăm sóc sức khỏe.
- Nâng số giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ
bác sỹ/vạn dân cao hơn bình quân chung của cả nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
2. Giải pháp.
2.1. Từng cán bộ lãnh đạo của ngành y
tế cần phải đổi mới tư duy trong cách nghĩ, cách làm về phát triển y tế. Cần xác định công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa là vấn đề
an sinh xã hội, vừa là một loại hình dịch vụ đặc biệt, vừa là vấn đề xã hội,
vừa là kinh tế, làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa góp
phần phát triển nguồn nhân lực, vừa phát triển dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng
kinh tế.
- Đổi mới tư duy từ tập trung bao cấp
sang tư duy xã hội hóa, huy động cộng đồng tham gia phát triển y tế, nhà nước
chỉ đầu tư những hoạt động không có khả
năng thu hồi vốn, tư nhân không làm được; từ tư duy khép kín trong ngành, trong
bệnh viện, trong tỉnh sang tăng cường phối hợp với các ngành, phối hợp với Bộ Y
tế, các bệnh viện Trung ương, với các tỉnh để trao đổi kinh nghiệm, chuyển
giao công nghệ và huy động các nguồn lực cho phát triển y tế.
- Đổi mới tư duy
về đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao,
phát triển kỹ thuật cao phải gắn với hiệu quả kinh tế, tạo
thương hiệu. Nghiên cứu phương án đầu tư các dịch vụ dùng chung
cho các bệnh viện trong tỉnh, nhất là đầu tư các kỹ thuật cao để tiết kiệm nguồn
lực và phát huy hiệu quả đầu tư.
- Đổi mới tư duy
về việc chuyển từ hỗ trợ của nhà nước cho các bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp
cho người bệnh là chủ yếu thông qua việc hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Đầu tư của
nhà nước tập trung vào hỗ trợ cho người dân mua bảo hiểm y tế.
- Phải đổi mới
cơ chế quản lý nguồn lực, nhân lực và tài chính chuyển từ các cơ quan quản lý
nhà nước là chủ yếu sang trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và
tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
2.2. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống tổ
chức y tế dự phòng. Giao Sở Y tế chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề
án và tổ chức hội thảo về phương
án triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015
của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế và Phòng y tế để
đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo
Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện, phù
hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối và chỉ đạo, hướng dẫn hợp giữa trung tâm y tế, bệnh viện huyện và
trạm y tế xã, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
2.3. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập Đề án
phát triển các cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng
Thanh Hóa trở thành trung tâm y tế chất lượng cao của cả nước. Đề án cần căn cứ tình hình thực tế của tỉnh và các quy định của pháp luật
để phân loại cụ thể các loại hình cơ sở
y tế, từ đó xây dựng cơ chế quản lý bệnh
viện về cán bộ và tài chính cho phù hợp với từng loại hình, báo
cáo UBND tỉnh trước 31/3/2016:
- Đối với bệnh viện công gồm: Nhóm
bệnh viện tự trang trải được chi phí chi thường xuyên, nhà nước đầu tư cơ
sở vật chất; Nhóm bệnh viện tự trang trải cả chi thường xuyên và
đầu tư cơ sở vật chất; Nhóm bệnh viện trang trải một phần
chi phí chi thường xuyên; Nhóm trạm y tế xã.
- Đối với các bệnh viện đầu tư theo
hình thức đối tác công tư, quy hoạch những bệnh viện nào,
theo các hình thức: Doanh nghiệp đầu tư - Nhà nước quản lý, vận hành; Doanh
nghiệp đầu tư - Bệnh viện công hợp tác về
nhân lực.
- Đối với bệnh viện tư gồm những bệnh
viện nào, gắn với quy hoạch phát triển hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh.
- Cổ phần hóa một số bệnh viện nếu
thấy hiệu quả và khả thi.
2.4. Trên cơ sở Đề án phát triển các cơ sở
khám chữa bệnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng
cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao về làm việc tại Thanh Hóa báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/4/2016. Các cơ chế,
chính sách chủ yếu là tập trung vào đào tạo và bố trí việc làm phù hợp với trình độ, năng lực. Trong đó cần cụ
thể hóa các chính sách trong việc: thu hút bác sỹ nội trú
về tỉnh, gắn với việc bố trí vị trí, chức vụ công tác phù hợp; thu hút bác sỹ tốt nghiệp các Trường Đại học Y có uy tín
như Đại học Y Hà Nội vào các bệnh viện (cả bệnh viện công lập và bệnh viện tư)
để hỗ trợ cử đi đào tạo và quay về phục vụ cho tỉnh; thu hút bác sỹ về công tác
tại các trạm y tế xã.
3. Về
một số đề nghị của Sở Y tế.
- Về điều chỉnh
quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 định hướng đến
năm 2030: Đồng ý về chủ trương điều chỉnh quy mô giường bệnh cho phù hợp với mục tiêu tỉnh khá của cả nước vào
năm 2020, báo cáo UBND tỉnh, Ban Thường
vụ Tỉnh ủy theo quy định.
- Giao Sở Y tế
chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đàm phán với bệnh viện Thanh Hà
về cơ chế phối hợp để quản lý sử dụng tài sản bệnh viện Thanh Hà đã đầu tư theo
hướng xây dựng bệnh viện Thanh Hà thành bệnh viện chuyên khoa ung bướu, báo cáo
UBND tỉnh trước ngày 31/3/2016.
- Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với
các đơn vị liên quan xác định mô hình đầu tư bệnh viện chấn thương chỉnh hình,
báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/3/2016,
để làm cơ sở xúc tiến đầu tư.
- Về Đề án sáp nhập Bệnh viện 71 và
Bệnh viện Phổi Thanh Hóa: Yêu cầu Sở Y tế báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/02/2016, để báo cáo Bộ
Y tế quyết định trong tháng 3 năm 2016.
- Về thành lập
Bệnh viện Lão khoa Thanh Hóa: Chưa xem xét việc thành lập Bệnh viện Lão khoa Thanh Hóa. Trước mắt, Sở Y tế nghiên cứu xây dựng phương án
thành lập Khoa Lão khoa thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh báo cáo UBND tỉnh.
- Về đầu tư xây
dựng mới Khoa Nội A của Bệnh viện đa khoa tỉnh: Giao Bệnh viện đa khoa tỉnh lập
đề xuất chủ trương đầu tư gửi Sở Kế
hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo, HĐND, UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Về triển khai
Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ quy
định về y tế xã, phường, thị trấn: Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các đơn
vị liên quan xây dựng kế hoạch và đề xuất cơ chế triển khai thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.
- Về tuyển dụng
68 bác sỹ đào tạo theo địa chỉ: Yêu cầu Sở Nội vụ, Sở Y tế
rà soát, đánh giá chất lượng của số bác sỹ
được cử đi đào tạo, chủ trương và cam kết khi cử đi đào tạo, địa chỉ là miền
núi hay đồng bằng; đồng thời xây dựng phương án tuyển dụng
bác sỹ đào tạo theo địa chỉ để bổ sung cho các huyện miền
núi còn thiếu đảm bảo công khai, minh bạch, báo cáo UBND tỉnh.
- Về đề nghị
tuyển dụng nhân viên y tế: Trước mắt, vẫn tiếp tục tạm dừng tuyển dụng công
chức, viên chức, hợp đồng lao động theo
chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7369/UBND-THKH
ngày 27/7/2015.
Trường hợp cần tuyển dụng bác sỹ để
bổ sung thay thế cho số bác sỹ về hưu (chưa xem xét tuyển dụng nhân viên khác),
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng
kế hoạch, tiêu chuẩn tuyển dụng theo phương thức tuyển công khai, thi hoặc xét tuyển, trong đó ưu tiên sinh viên tốt nghiệp
các trường có chất lượng đào tạo uy tín, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định
để triển khai thực hiện.
- Yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và
Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y
tế cho số đối tượng là nông dân, người có thu nhập thấp chưa có khả năng đóng bảo
hiểm y tế, báo cáo UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh xem xét, quyết
định (trên cơ sở nguồn kinh phí dôi ra do một số bệnh viện chuyển sang cơ chế
tự chủ, xây dựng lộ trình để đến năm 2020 cơ bản các đối tượng trên được hỗ trợ
đóng bảo hiểm y tế).
- Giao Sở Tài
chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí ngân sách hàng năm để xây dựng hoặc nâng cấp các trạm y tế xã đã xuống cấp theo đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số 4773/QĐ-UBND
ngày 31/12/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh;
bố trí nguồn lực để xây dựng và đưa vào sử dụng Trụ sở của
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm vào đầu năm 2017.
Văn phòng UBND tỉnh thông báo ý kiến kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh để các đơn vị có liên quan thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTr Tỉnh ủy, TTr
HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (b/c);
- Các sở: Kế hoạch và Đầu tư: Y tế; Tài
chính; Nội vụ;
- Chánh Văn
phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, THKH, VX.
|
TL.
CHỦ TỊCH
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG
Phạm Đình Minh
|