BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số: 2718
|
Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2008
|
THÔNG BÁO
VỀ
VIỆC Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG BÙI BÁ BỔNG TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT SẢN XUẤT
ĐÔNG XUÂN 2007-2008 VÀ TRIỂN KHAI SẢN XUẤT HÈ THU, MÙA 2008 CÁC TỈNH DUYÊN HẢI
NAM TRUNG BỘ VÀ TÂY NGUYÊN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất
Đông Xuân 2007-2008 và triển khai sản xuất Hè Thu, Mùa 2008 các tỉnh Duyên hải
Nam Trung bộ và Tây Nguyên vào ngày 25 tháng 4 năm 2008 tại Quảng Ngãi.
Tham dự hội nghị có Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung
tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, Chi cục BVTV, Trung tâm giống cây trồng
của các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Lãnh đạo các cơ quan thuộc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm các Cục, Vụ, Trung tâm, các Viện Nghiên
cứu, Trường Đại học và một số doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Bùi Bá Bổng và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi
Trương Ngọc Nhi chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã nghe các báo cáo của
Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Cục Thủy lợi, các Viện và ý kiến tham luận của các
đại biểu. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã phát biểu kết luận Hội nghị như sau:
1. Đánh giá kết quả sản xuất lúa Đông Xuân 2007-2008
Sản xuất Đông Xuân 2007-2008 các
tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong điều kiện hết sức khó khăn: rét
đậm kéo dài, mưa trái mùa gây ngập úng nặng, nên nhiều nơi có một số diện tích
bị thiệt hại và năng suất giảm. Ước sản lượng giảm khoảng 7 - 8% so với Đông
Xuân 2006-2007. Nhìn chung toàn vùng trong điều kiện thời tiết rất bất thuận
nhưng sản xuất lúa không bị thiệt hại lớn là một sự cố gắng của các địa phương
trong công tác chỉ đạo sản xuất. Tuy nhiên nếu kiên quyết hơn trong chỉ đạo
thời vụ thì ít thiệt hại hơn, những diện tích giảm năng suất đều do gieo sạ sớm
.
Có thể rút ra một số kinh nghiệm
trong công tác chỉ đạo vụ Đông Xuân này là:
- Thời vụ phải chỉ đạo quyết
liệt, tập trung, không để nông dân tự phát gieo sạ;
- Những vùng sản xuất lúa bấp
bênh cần chuyển mạnh sang trồng màu;
- Ứng dụng tốt các biện pháp kỹ
thuật như cơ cấu giống, chăm sóc (chú ý khâu bón phân) để tăng hiệu quả;
- Mở rộng ứng dụng các TBKT mới
như phát triển lúa lai vừa qua rất thành công ở Quảng Nam, Bình Định.
2. Triển khai vụ lúa Hè Thu, vụ Mùa 2008
Tinh thần chỉ đạo chung là phải
quyết liệt ngay từ đầu vụ để giành thắng lợi, dự kiến những khó khăn như hạn,
nóng, bão lụt để sẵn sàng đối phó khắc phục.
a. Đối với các địa phương
Các Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xây dựng kế hoạch sản xuất Hè Thu và vụ Mùa 2008, ban hành hướng dẫn
và phổ biến đến huyện, xã. Một số khâu then chốt quyết định có thể báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị như quy định thời vụ, cơ cấu giống; xây dựng và
triển khai kế hoạch sản xuất giống cho vụ Đông Xuân tới.
Các giải pháp cần lưu ý là:
- Phải bảo đảm đủ nước tưới, có
phương án chống hạn, tổ chức nạo vét kênh mương, tu bổ hồ chứa, vận hành tốt hệ
thống thủy lợi;
- Chỉ đạo tốt lịch thời vụ, từng
tiểu vùng (huyện, xã) thời vụ cần tập trung. Kiên quyết không để gieo sạ tự
phát theo kiểu “áo vá”;
- Chủ động nguồn giống lúa theo
cơ cấu giống của tỉnh;
- Phải làm tốt công tác dự tính,
dự báo; đặc biệt cảnh báo rầy nâu truyền bệnh VL, LXL để ngăn ngừa (đã xuất
hiện RN mang mầm bệnh VL, LXL trên một số mẫu điều tra). Cần triển khai xây
dựng hệ thống bẩy đèn ở mỗi tỉnh để giúp công tác chỉ đạo;
- Sản xuất tiết kiệm đầu vào,
thực hiện tốt 3 giảm - 3 tăng, chú ý không gieo sạ dày, sử dụng thuốc phòng trừ
sâu bệnh theo 4 đúng, bón phân hợp lý, tính toán giảm khoảng 20-30% chi phí;
- Bắt đầu triển khai mô hình thu
hoạch lúa bằng máy; tổ chức hội thi máy thu hoạch lúa;
- Tăng cường công tác kiểm tra
các tổ chức, cá nhân cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn như: giống, phân
bón, thuốc BVTV. Đặc biệt do nhu cầu các tỉnh phía Bắc cần mua lúa giống cho vụ
Hè Thu và Mùa 2008, các tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ việc cung ứng lúa giống,
bảo đảo chất lượng lúa giống.
b. Trách nhiệm các cơ quan thuộc Bộ
- Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Cục
Thủy lợi, các Cục, Vụ liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, giải quyết khó
khăn và các đề nghị của các địa phương.
- Trung tâm Khuyến nông Khuyến
ngư Quốc gia hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư các tỉnh công tác tuyên
truyền phổ biến kịp thời các mô hình tốt.
- Các Viện, Trường cần phối hợp
với các địa phương tập trung nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật,
nhất là nghiên cứu giống lúa phục vụ sản xuất. Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải
Nam Trung bộ cần phải đưa nhanh các giống lúa kháng rầy ra sản xuất.
3. Đối với chỉ đạo sản xuất các cây trồng khác cần
quan tâm
- Cần tập trung chỉ đạo phát
triển mạnh cây bắp, đậu nành, đậu phộng.
- Đối với hướng sản xuất cây
sắn, cà phê, cao su thực hiện theo chỉ thị và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
Văn phòng Bộ xin thông báo để các đơn vị biết, phối hợp và thực hiện. Cục
Trồng trọt là đầu mối để theo dõi và báo cáo Bộ kết quả triển khai, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng
(để b/c);
- Thứ
trưởng Bùi Bá Bổng (để b/c);
- Sở
NN&PTNT các tỉnh DHNTB và TN;
- Các Cục,
Vụ, Viện, Trung tâm liên quan;
- Lưu VT .
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT.CHÁNH
VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN
PHÒNG
Nguyễn Minh
Nhạn
|