VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
*****
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 244/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2007
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC KHẮC
PHỤC HẬU QUẢ VÀ ĐỐI PHÓ VỚI MƯA LŨ Ở CÁC TỈNH MIỀN TRUNG
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng
Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo
công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai các biện pháp phòng, chống lũ ở
các tỉnh miền Trung. Ngày 16 và 17 tháng 11 năm 2007, tại các buổi làm việc với
lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các Sở, ban, ngành của các tỉnh Quảng Nam, Quảng
Ngài, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải,
Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban quốc gia
Tìm kiếm Cứu nạn và Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo
chung cho các tỉnh miền Trung bị mưa lũ như sau:
Nhiệm
vụ quan trọng của các tỉnh miền Trung lúc này là nhanh chóng khắc phục hậu quả
các đợt mưa lũ qua, sớm ổn định đời sống của nhân dân, phục hồi sản xuất; đồng
thời khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với những đợt mưa lũ trong những
ngày tới:
1. Khắc phục hậu quả về dân sinh
Ủy ban
nhân dân các tỉnh miền Trung cần phát huy mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả
thiên tai, bao gồm: ngân sách của địa phương, kinh phí hỗ trợ từ Trung ương,
nguồn quyên góp của đồng bào hảo tâm cả nước, hỗ trợ của các tổ chức trong và
ngoài nước, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các nguồn hàng, kinh phí được hỗ
trợ, động viên tinh thần tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách"
trong cộng đồng; nhiệm vụ ưu tiên là đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng ngập
lũ:
- Hỗ
trợ khẩn cấp gạo, mỹ ăn liền cho dân, việc cứu trợ phải kịp thời, đúng đối tượng,
đặc biệt là đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn bị chia cắt, kiên quyết
không để một người dân nào bị đói do thiếu lương thực;
- Hỗ
trợ các loại nguyên liệu phục vụ cho nấu ăn như dầu hoả, than, củi... hỗ trợ
trước mắt và lâu dài, đảm bảo cho cuộc sống của người dân đến khi có nguồn thu
hoạch, dự kiến là 3 tháng, đến sau tết âm lịch và chống đói giáp hạt, mức cứu
trợ theo hướng dẫn chung của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
2. Đề phòng dịch bệnh phát sinh sau lũ
Môi
trường sau lũ bị ô nhiễm nghiêm trọng, dễ phát sinh dịch bệnh, vì vậy phải chống
phát sinh dịch bệnh trong vùng bị ngập lũ bằng các giải pháp: dùng thuốc khử
trùng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật bị chết trong lũ, làm sạch
các nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước dùng cho ăn uống. Bộ Y tế có trách nhiệm
cung cấp đủ nhu cầu thuốc cho các địa phương; các địa phương tăng cường tuyên
truyền ý thức tự phòng bệnh cho nhân dân, thực hiện ăn chín, uống sôi đề phòng
lây lan của bệnh dịch tả cấp.
Có biện
pháp cụ thể ngăn chặn việc lây bệnh từ các địa phương ngoài vào vùng ngập lũ
thông qua việc cung cấp mặt hàng, nhu yếu phẩm. Đề phòng dịch bệnh H5N1 ở gia cầm;
bệnh tai xanh ở lợn, bệnh lở mồm long móng...
Bộ Y tế
bố trí bộ phận thường trực tại Đà Nẵng, giám sát về dịch bệnh và vệ sinh an
toàn thực phẩm.
3. Giúp dân dựng lại nhà cửa bị đổ, sửa chữa nhà bị hư hỏng
Sau lũ
người dân cần sớm ổn định cuộc sống, những gia đình bị mất nhà cửa phải được bố
trí nơi ăn ở tạm trong thời gian chờ dựng lại. Huy động mọi lực lượng
trên địa bàn: Quân đội, Công an, thanh niên và các tổ chức đoàn thể giúp dân dựng
lại nhà cửa bị sập đổ, sửa chữa những căn bị hư hỏng.
Chỉ đạo
các ngành chức năng trong tỉnh cung cấp đủ nguồn vật tư cần thiết cho việc dựng
lại nhà cho dân, tránh đầu cơ trục lợi, đặc biệt là những loại vật tư cần thiết
như tôn lợp nhà, xi măng...
Bộ
Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm nguồn cung cấp vật tư và thực phẩm,
kiểm soát giá cả thị trường. Kiên quyết xử lý những trường hợp đầu cơ trục lợi.
4. Đảm bảo việc học hành cho các cháu học sinh
Đến
nay các cháu học sinh trong vùng ngập lũ đã nghỉ học gần một tháng, để đảm bảo
cho các cháu học sinh cuối cấp dự kỳ thi chung với học sinh cả nước, cần phải
tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
-
Nhanh chóng dựng lại, sửa chữa khôi phục các trường học bị sập đổ, bị hư hỏng
trong lũ để có nơi học cho các cháu;
-
Trong thời gian chờ sửa chữa trường lớp phải bố trí nơi học tạm cho học sinh
ngay sau khi nước rút;
- Sở
Giáo dục chuẩn bị cung cấp đủ sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh, bổ
sung đủ số giáo trình, vở viết bị trôi, bị ướt do lũ;
- Bộ
Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo để hỗ trợ sách giáo khoa và thiết bị dạy học, đồng
thời thống nhất việc điều chỉnh nội dung các môn học, lịch thi... để các cháu học
sinh cuối cấp có thể dự kỳ thi tốt nghiệp cùng với học sinh cả nước.
5. Phục hồi sản xuất sau lũ
Lũ đã
tàn phá nhiều diện tích canh tác, để nhanh chóng phục hồi sản xuất cần tiến
hành thực hiện đồng thời các công việc:
- Phục
hồi diện tích canh tác, vệ sinh đồng ruộng, tổ chức san, vét những diện tích bị
đất đá bồi lấp;
- Tu bổ,
sửa chữa các công trình thuỷ lợi phục vụ cho canh tác nông nghiệp như
kênh mương, hồ đập, các công trình lấy nước bị hư hỏng. Những công trình thiết
yếu hoặc hư hỏng nhẹ được sửa chữa ngay, tổng hợp các công trình bị hư hỏng nặng
cần nhiều kinh phí để ghi vốn trong kế hoạch ngân sách những năm sau của địa
phương hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện;
- Cung
cấp đủ giống cho các địa phương bị thiệt hại: giống lúa, hoa màu, đặc biệt là
giống cây ngắn ngày để nhân dân nhanh chóng có nguồn thu hoạch bù lại những
mất mát về lương thực.
Giao Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu giống của các địa phương,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ cấp từ nguồn dự trữ quốc gia hoặc sử dụng nguồn tiền
hỗ trợ để mua. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, giúp đỡ các địa
phương về nơi cung cấp giống.
6. Khôi phục lại cơ sở hạ tầng bị hư hỏng
- Khôi
phục lại các công trình giao thông bị hư hỏng như đường sá, cầu cống. Những
công trình hư hỏng nhẹ, công trình cấp bách sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ sửa
chữa ngay, công trình bị hư hỏng nặng cần nhiều vốn, được bố trí trong ngân
sách hàng năm của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương để thực hiện;
- Ủy
ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch chi tiết bảo vệ quần thể di sản
văn hoá. Sau khí lũ rút, cần duy tu, bảo dưỡng, tôn tạo các công trình bị hư hỏng
và đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu bảo tồn di sản văn hoá,
- Giao
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan trực thuộc sửa chữa khôi phục
hệ thống thông tin liên lạc.
7. Đối phó với mưa lũ trong thời gian tới
Theo dự
báo của Trung tâm dự báo khí trượng thủy văn Trung ương, trong những ngày tới,
diễn biến mưa lũ ở các tỉnh miền Trung còn phức tạp, có khả năng xuất hiện các
đợt lũ lớn. Hiện nay lũ trên các sông còn ở mức cao, nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị
hư hỏng chưa được khôi phục lại, đây là điều bất lợi cho khu vực.
Để làm
tốt công tác phòng, chống lũ trong thời gian tới, các tỉnh miền Trung cần triển
khai cấp bách các công việc sau:
- Thực
hiện di dời dân ra khỏi những vùng nguy hiểm: vùng có khả năng ngập sâu; vùng
có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét; vùng cửa sông, ven đầm phá thường xuyên ngập
lũ; có phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước;
- Ủy
ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phối hợp với các địa phương điều động, triển khai
lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn, sẵn sàng thực hiện khi có tình huống
khẩn cấp xảy ra;
- Bộ
Công Thương chỉ đạo ngành điện kiểm tra mực nước các hồ chứa để xử lý, chuẩn bị
cho đợt lũ mới.
Văn
phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh miền
Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hoà biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để
b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Công Thương, Ỵ tế, Giao thông vận tải,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Lao động-Thương binh và Xã hội,
Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng,
Thông tin và Truyền thông;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương;
- Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hoà;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
các Vụ: TH, CN, KTTH, KG, VX;
Lưu: Văn thư, NN (5b). xh 50b
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Nguyễn Xuân Phúc
|