VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
---------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 232/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2008
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI
LÃNH ĐẠO TỈNH ĐIỆN BIÊN
Ngày 23 tháng 8 năm 2008, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên. Cùng thăm và làm việc với
Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Xây dựng,
Giao thông vận tải, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt
Nam. Tại buổi làm việc, sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình
kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2008; ý
kiến của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, các Bộ, cơ quan dự họp; Thủ tướng
có ý kiến kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
TÌNH HÌNH
Điện Biên đã cùng cả nước thực
hiện được nửa nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2006-2010. Mặc dù là một tỉnh miền núi có
nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong Tỉnh đã
có nhiều cố gắng, đạt được thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội: kinh tế
tăng trưởng khá cao, năm 2006 đạt 10,84% và năm 2007 đạt 10,86%, đặc biệt 6
tháng đầu năm 2008 mặc dù tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến bất lợi,
thiên tai dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, đã gây khó khăn, thiệt hại nặng nề cho
sản xuất và đời sống của nhân dân, nhưng Tỉnh đã quán triệt và triển khai
nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định
kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hôi, tăng trưởng bền vững, kinh tế tăng trưởng
khá cao, khoảng 9,3%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực; các lĩnh vực
văn hóa, xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực;
đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 32,7%;
cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và thu được
kết quả bước đầu; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và tăng cường; quốc
phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu
dương sự cố gắng và những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện
Biên đã đạt được.
Tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn nhiều
khó khăn yếu kém do xuất phát điểm thấp, qui mô kinh tế còn nhỏ bé, công nghiệp
và dịch vụ chưa phát triển, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông, lâm nghiệp; thu
ngân sách mới đáp ứng được khoảng 10% nhiệm vụ chi, hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất
là giao thông nông thôn còn yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu
cầu phát triển; thu hút vốn đầu tư còn khó khăn; giải ngân các nguồn vốn đầu tư
còn rất thấp; thu nhập của dân cư còn thấp xa so với bình quân chung cả nước; tỷ
lệ hộ nghèo còn cao, đặc biệt vẫn còn 4 huyện có trên 50% hộ nghèo; kim ngạch
thương mại tuy tăng trưởng cao nhưng qui mô còn nhỏ, một số điểm thăm quan di
tích lịch sử nổi tiếng chưa được trùng tu, tôn tạo.
II.NHIỆM VỤ
TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản đồng ý với nhiệm vụ và
giải pháp đề ra trong báo cáo của Tỉnh. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch
5 năm 2006-2010, trong thời gian tới, Tỉnh cần tiến hành sơ kết nửa nhiệm kỳ,
đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được để tiếp tục phát huy; chỉ ra những
yếu kém tồn tại, những chỉ tiêu còn đạt thấp, phân tích nguyên nhân, đề ra biện
pháp để thực hiện. Nhiệm vụ đặt ra cho những năm còn lại của nửa nhiệm kỳ kế hoạch
5 năm và những tháng còn lại của năm 2008 là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ,
chính quyền và nhân dân các dân tộc của Tỉnh phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa,
vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để khai thác có hiệu
quả các tiềm năng của Tỉnh, nhất là về đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản, thủy
điện, du lịch, kinh tế cửa khẩu, tăng cường quản lý vốn đầu tư xây dựng, chống
thất thoát, lãng phí.
Trước mắt, Tỉnh cần thực hiện tốt
Chỉ thị số 723/CT-TTg , ngày 06 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc
xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm
2009; đồng thời, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Cần khẩn trương điều chỉnh quy
hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, trước hết phải bố trí lại đất đai cho phù hợp,
bảo đảm diện tích đất trồng cây lương thực: lúa, ngô, đất trồng cao su gắn với
mục tiêu di dân, tái định cư, đất trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc; làm tốt
công tác phân loại 3 loại rừng để có chính sách bảo vệ và phát triển, khai thác
phù hợp, gắn bảo vệ rừng với cung cấp lương thực cho nhân dân;
Cần có cơ chế, chính sách thu
hút đầu tư phát triển thủy điện; khai thác và chế biến khoáng sản, gắn với công
nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp;
phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với các vùng nguyên liệu.
Tiếp tục củng cố và mở rộng mạng
lưới thương mại trong Tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để phục vụ tốt hơn việc
giao lưu trao đổi hàng hóa phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân; chú trọng
đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu đi liền với các cơ chế, chính sách phù hợp để
thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc và Lào.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể
phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh, cần tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp
các điểm du lịch, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhất là các
loại hình du lịch có thế mạnh của Tỉnh như du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái
gắn với địa danh nổi tiếng Điện Biên Phủ; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các cơ sở
hạ tầng phục vụ cho hoạt động du lịch nhất là sân bay, đường giao thông kết nối
với Trung Quốc và Lào.
Tiếp tục chăm lo phát triển giáo
dục, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt là về
giao thông (đường quốc lộ và hệ thống đường giao thông nông thôn); làm tốt công
tác xóa đói giảm nghèo;
Tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh
việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; coi
công tác di dân tái định cư là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Tỉnh phải tập
trung chỉ đạo quyết liệt phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đồng thời bảo
đảm đồng bào đến nơi ở mới từng bước có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ;
Song song với việc triển khai thực
hiện các nhiệm vụ trên, cần tiếp tục chú trọng công tác bảo đảm quốc phòng, an
ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng,
xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Tiếp tục thực hiện tốt việc kiềm
chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững. Trong đó tập trung
tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bảo đảm đủ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh,
xuất nhập khẩu; tiếp tục thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, cắt giảm đầu tư
theo chỉ đạo của Chính phủ để dồn vốn cho những công trình, dự án cấp bách, sớm
phát huy hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi thu hút và giải ngân nhanh vốn đầu
tư của mọi thành phần kinh tế; quản lý thật tốt thị trường, giá cả, nhất
là đối với những mặt hàng thiết yếu, lãi suất tín dụng; chống đầu cơ đẩy giá
lên cao gây tâm lý hoang mang cho xã hội; quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội,
trước hết là thực hiện tốt những chính sách hiện có, trợ giúp thiết thực cho những
hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và
giá cả tăng cao; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, lụt
bão trong thời gian tới.
III. MỘT SỐ ĐỀ
NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về nâng quy mô trường phổ thông
dân tộc nội trú cấp huyện từ 200 lên 300 học sinh/trường; cấp tỉnh từ 400 đến
500 học sinh/ trường; về cho phép lập Đề án xây dựng 1200-2000 phòng ở cho học
sinh dân tộc nội trú dân nuôi theo cơ chế NSNN hỗ trợ 80%, xã hội hóa 20%: đồng
ý về chủ trương, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Về cho phép các trường nội
trú cấp huyện được đào tạo Trung học phổ thông; trường cấp tỉnh được đào tạo dự
bị đại học: giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định.
3. Về chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào
tạo, Bộ Tài chính qui định thống nhất mức học phí đào tạo cử tuyển và đào
tạo theo địa chỉ của các trường: giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp
với Bộ Tài chính đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về bố trí nguồn vốn trái phiếu
Chính phủ để cải tạo, nâng cấp tuyến đường vành đai biên giới từ Điện Biên đến
cửa khẩu Huổi Puốc - Na Son: đồng ý bổ sung vào danh mục đường vành đai biên giới
và bố trí vốn trái phiếu Chính phủ; giao Bộ Quốc phòng để triển khai thực hiện
trong kế hoạch năm 2009.
5. Về bố trí vốn cho Bộ Giao
thông vận tải đầu tư nâng cấp quốc lộ 279 đoạn từ Điện Biên đến cửa khẩu Tây
Trang: đồng ý bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư Dự án giai đoạn II vào
năm 2009.
6. Về chỉ đạo các Bộ, ngành liên
quan đẩy nhanh tiến độ Dự án nâng cấp quốc lộ 6, quốc lộ 279: giao Bộ Giao
thông Vận tải chỉ đạo hoàn thành trong quí I năm 2009. Riêng quốc lộ 12 đoạn
tránh ngập (cả cầu Hang Tôm); đồng ý bổ sung và bố trí đủ vốn NS theo tiến độ
thực hiện Dự án.
7. Về bổ sung đoạn tuyến đường từ
Si Pha Phìn đi cửa khẩu Si Pha Phìn -Huổi Là, huyện Mường Chà vào Dự án đường
vành đai biên giới Si Pha Phìn-Mường Nhé-A Pa Chải, hiện Bộ Giao thông vận tải
đang làm chủ đầu tư: đồng ý bổ sung vào danh mục Dự án.
8. Về bố trí vốn trái phiếu
Chính phủ năm 2009 để đầu tư 2 tuyến đường giao thông đến 2 xã chưa có đường ô
tô (là xã Nguổi Cáy - 22 Km và Nậm Lịch-12 Km) của huyện Mường Ảng: Tỉnh khẩn
trrương hoàn tất các thủ tục đầu tư để được bố trí vốn theo qui định.
9. Về bổ sung danh mục 8 tuyến
đường đến xã và liên xã vào Danh mục dự án giao thông sử dụng trái phiếu Chính
phủ: đồng ý về nguyên tắc; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
10. Về cải tạo, nâng cấp Sân bay
Điện Biên Phủ trước năm 2010 và nâng tần suất bay lên 18-20 chuyến/ tuần: giao
Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về tạm ứng 65 tỷ đồng đầu tư
giai đoạn I dự án Trung tâm Thể dục Thể thao; 55 tỷ đồng cho Dự án trùng tu,
tôn tạo Di tích Điện Biên Phủ và 70 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cho 3 khu trung tâm
của 3 huyện mới. Nâng mức hỗ trợ cho mỗi huyện mới lên 30 tỷ đồng/ huyện: đồng
ý về nguyên tắc; giao Bộ Tài chính chủ trì,cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý cụ
thể.
12. Về bổ sung nguồn vốn đối ứng
cho các dự án ODA năm 2009 theo qui định là 70 tỷ đồng: đồng ý, giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính bố trí đủ theo qui định.
13. Về quy hoạch chung thành phố
Điện Biên Phủ; giao Bộ Xây dựng chủ trì giúp Tỉnh về vốn để xây dựng quy hoạch:
giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn năm
2009 để thực hiện.
14. Về đầu tư Kè chỉnh trị sông
Nậm Rốm, đoạn 10 km qua thành phố Điện Biên: đồng ý về chủ trương; giao Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tỉnh xác định thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu
tư hợp lý.
15. Về giao Bộ Xây dựng nghiên cứu,
hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành
chính trong đầu tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình quy
mô nhỏ: đồng ý, Bộ Xây dựng sớm triển khai.
16. Về cho phép Tỉnh phối hợp với
EVN đầu tư lưới điện nông thôn theo cơ chế ngân sách nhà nước 85% - EVN 15%: đồng
ý thực hiện như cơ chế áp dụng đối với vùng Tây Nguyên và vùng đồng bào Khmer.
Giao Bộ Công Thương cùng EVN đề xuất cụ thể, rút kinh nghiệm các dự án đã hoàn
thành để mở rộng ra các tỉnh khác.
17. Về xây dựng Quy chế hoạt động
và cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn áp dụng đối với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc
tế Tây Trang: Tỉnh đề xuất cụ thể những cơ chế, chính sách, giao Bộ Kế hoạch và
Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
18. Về cho phép Tỉnh và các tỉnh
đặc biệt khó khăn tăng chi thường xuyên 5-7% so với dự toán năm trước để phát
triển sự nghiệp giáo dục, y tế: giao Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý,
trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
19. Về bổ sung 30 tỷ đồng trong
kế hoạch năm 2009 để chỉnh trang đô thị, kiến thiết thị chính và tổ chức hoạt động
kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: đồng ý về nguyên tắc; giao Bộ Tài
chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Về khắc phục tình trạng kém chất lượng
của tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phối hợp với tỉnh Điện Biên nghiên cứu, đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định.
20. Về ủy quyền cho địa phương
được cấp phép khai thác tại các điểm mỏ khoáng sản nhỏ, chưa có quy hoạch: Tỉnh
làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn cụ thể.
21. Về bổ sung thêm 01 Phó Chủ tịch
UBND Tỉnh phụ trách công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La và các chương
trình ổn định dân cư trên địa bàn: giao Bộ Nội vụ tổng hợp trình xử lý chung một
số địa phương có đề nghị.
22. Về sớm phê duyệt điều chỉnh quy
hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Sơn La: Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn khẩn trương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho
công tác di dân tái định cư; đồng ý trong lúc EVN chưa thu xếp được vốn, Bộ Tài
chính cho ứng trước trên cơ sở cam kết hoàn trả của EVN.
23. Về cho phép các hộ dân tại
thị xã Mường Lay khi tái định cư tại địa bàn khác cũng được hưởng chính sách hỗ
trợ làm nhà tạm như các hộ tái định cư tại chỗ; giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp
ý kiến các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
24. Về cho phép Tỉnh chỉ định thầu
đối với gói thầu xây lắp trên 10 tỷ và tư vấn thầu trên 500 triệu đồng phục vụ
công tác di dân tại địa bàn thị xã Mường Lay: đồng ý về nguyên tắc; giao Bộ Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng
Chínhh phủ trong tháng 9/2008.
25. Về cho phép Tỉnh được chọn địa
điểm và quy hoạch việc tái định cư quy mô nhỏ theo nguyện vọng của dân và báo
cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ: đồng ý về nguyên tắc; Tỉnh phê duyệt nhưng
lưu ý không vượt hạn mức kinh phí theo qui định.
26. Về cho phép Tỉnh có chính
sách ưu đãi đầu tư cao hơn để áp dụng cho hoạt động thu hút đầu tư tại địa bàn
Tỉnh cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc đặc biệt khó khăn: giao Bộ Kế hoạch và
Đầu tư chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý chung.
Văn phòng Chính phủ xin thông
báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu
tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Nội vụ; Giáo dục
và Đào tạo; Y tế; Ngoại giao;
- Các Tập đoàn: Cao su Việt
Nam, Điện lực Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh
Điện Biên;
- VPCP: BTCN, các PCN,
TTĐT; Các Vụ: TH, KTTH, TKBT, KTN, KGVX;
- Lưu: VT, ĐP (5) Ph. 43
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Nguyễn Xuân Phúc
|