VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 178/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 5 năm 2018
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG
CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT TẠI BUỔI HỌP LẦN THỨ NHẤT CỦA BAN CHỈ
ĐẠO
Ngày 18 tháng 4 năm 2018, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các
đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ
đạo. Tham dự cuộc họp có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ
tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, đồng chí
Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức
Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban chỉ đạo.
Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tiến độ
xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; dự kiến Kế hoạch của Chính
phủ về triển khai thi hành Luật, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan,
các thành viên Ban Chỉ đạo để chuẩn bị, hướng dẫn thi hành tổ chức thực hiện Luật
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sau khi được Quốc hội thông qua; Bộ Nội vụ
báo cáo tiến độ và kế hoạch thẩm định 03 đề án; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh
Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang báo cáo về tình hình chuẩn bị Đề án xây dựng
đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ
tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban
Chỉ đạo biểu dương và đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương, các đồng chí
thành viên Ban Chỉ đạo trong thời gian qua đã tích cực tổ chức triển khai thực
hiện Kết luận số 21-TB/TW ngày 22 tháng 3 năm 2017 của Bộ Chính trị, chủ động
nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt và xây dựng 3 đề án thành lập 3 đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một mô hình
mới và phức tạp nhưng với sự nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ cùng với
các Bộ, ngành, địa phương, đến nay dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc
biệt cơ bản đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thống nhất, hoàn thiện
để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2018). Ba đề án thành
lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng đang được tiếp thu ý kiến của Bộ
Chính trị, gấp rút hoàn thiện, thẩm định trước khi trình Quốc hội cho ý kiến
cùng với việc thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Mặc dù các Bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng
nhưng tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao còn chậm, một số Bộ, ngành, địa
phương chưa chủ động thực hiện đúng kế hoạch đề ra, một số ngành chưa đề xuất
rõ mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của
ngành mình...
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Để bảo đảm thực hiện lộ trình đã được đề ra, nhiệm
vụ trong thời gian tới rất nặng nề và cấp bách, đòi hỏi các thành viên Ban Chỉ
đạo phải chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các công việc thuộc lĩnh
vực Bộ, ngành, cơ quan mình quản lý, đặc biệt đối với một số nội dung sau:
1. Khẳng định và quán triệt quyết tâm cao của Đảng,
Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột
phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, lan tỏa
đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và
bền vững.
Quá trình hoàn thiện dự thảo luật phải tuân thủ các
ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, tiếp tục cập nhập số liệu mới nhất, xác định
rõ lợi thế so sánh khu vực và quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động trong ngắn hạn
và lâu dài, có tầm nhìn dài hạn để hoạch định chính sách, nhất là chính sách
thu hút nhà đầu tư chiến lược và lựa chọn phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực
chủ đạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng, lợi thế so
sánh và điều kiện thực tế của từng địa phương. Một số vấn đề cụ thể trong Luật
được xây dựng theo hướng giao cho Chính phủ điều chỉnh để đảm bảo tính linh hoạt.
Thể chế, chính sách tại các đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt không trái với Hiến pháp, phù hợp với các điều ước quốc tế mà
Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; có tính vượt trội, thông thoáng, nhất quán, ổn
định lâu dài, mang tính cạnh tranh toàn cầu gắn với với bảo đảm quốc phòng, an
ninh quốc gia và cân bằng lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; cần
tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đóng góp và giải trình chặt chẽ, thuyết phục để
tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các cơ chế, chính sách cụ thể (ưu đãi đầu
tư, tài chính, ngành nghề kinh doanh...).
Tổ chức bộ máy và công tác cán bộ phải có sự chuẩn
bị kỹ để bảo đảm khi Luật có hiệu lực thì hệ thống chính quyền tại các đơn vị
hành chính - kinh tế đặc biệt có thể vận hành ngay, không để khoảng trống trong
quản lý Nhà nước khi Luật có hiệu lực. Xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy, nhiệm
vụ, thẩm quyền cụ thể của chính quyền đặc khu, các cơ quan quân đội, công an,
tòa án, viện kiểm sát, thi hành án, ngoại giao, thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước...
Quy định về tổ chức bộ máy theo hướng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả,
phân định rõ thẩm quyền và nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương, cấp tỉnh và đơn
vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đẩy mạnh phân cấp, mạnh dạn giao quyền cho Chủ
tịch Ủy ban nhân dân đặc khu, có cơ chế, chính sách để thu hút người có năng lực
tới làm việc tại các cơ quan chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội
vụ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan:
- Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại
phiên họp thứ 23 và ý kiến tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo để phối hợp
với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế
đặc biệt.
- Căn cứ yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại
văn bản số 259/UBTVQH14-PL ngày 04 tháng 4 năm 2018 xây dựng Báo cáo của Chính
phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt,
trình Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2018 để kịp báo
cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
- Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo,
khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổng thể của Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành, cơ
quan liên quan (dự thảo Quyết định kèm theo bảng phân công chi tiết các nhiệm vụ
cụ thể và thời hạn hoàn thành đối với từng thành viên Ban Chỉ đạo), báo cáo Thủ
tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trước ngày 10 tháng 5 năm 2018.
3. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành,
cơ quan liên quan và địa phương tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên Ban
Chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện đề án và dự thảo nghị quyết thành lập 03 đơn vị
hành chính - kinh tế đặc biệt, sớm trình Hội đồng thẩm định và thực hiện các thủ
tục để kịp trình Quốc hội cho ý kiến cùng với việc thông qua Luật Đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời hoàn thiện các đề án và dự
thảo nghị quyết khác liên quan đến thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới
đơn vị hành chính thuộc các huyện Vân Đồn, Vạn Ninh, Phú Quốc khi thành lập 03
đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và đảo Thổ Chu.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa,
Kiên Giang:
- Phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên
quan khẩn trương hoàn thiện các Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc
biệt để Hội đồng thẩm định xem xét cho ý kiến kịp tiến độ trình Quốc hội; chủ động
chuẩn bị, triển khai các công việc trước và sau khi Luật Đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
- Tập trung xây dựng quy hoạch có tầm nhìn chiến lược,
chất lượng để thu hút đầu tư và bảo đảm sự phát triển lâu dài của đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt. Chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng
cao, kể cả nhân lực quản lý và chuyên môn đối với các ngành nghề được xác định
là ưu tiên phát triển. Quan tâm vấn đề lựa chọn nhà đầu tư chiến lược vào các đặc
khu.
- Có biện pháp kiên quyết và có hiệu lực để chấn chỉnh
công tác quản lý đất đai, rừng, môi trường và xây dựng, ngăn chặn tình trạng
mua bán đất đai và xây dựng trái phép đang diễn biến phức tạp tại Phú Quốc, Bắc
Vân Phong, Vân Đồn, bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua
bán đất lộng hành đẩy giá lên cao, trên địa bàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để tiếp diễn tình trạng
trên.
5. Đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan liên quan (Công
an, Quân đội, Tài chính, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối
cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương các đoàn
thể...) chuẩn bị mọi công việc cần thiết, sớm hướng dẫn cụ thể các nội dung
liên quan đến tổ chức, bộ máy, hoạt động... chủ động chuẩn bị để có thể triển
khai thực hiện ngay khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có hiệu lực
và các Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khi được thông qua.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ
quan liên quan định hướng các cơ quan báo chí cung cấp thông tin kịp thời,
chính xác cho các tầng lớp nhân dân theo hướng tích cực, tạo đồng thuận trong
xã hội; xử lý trường hợp thông tin không chính xác, sai sự thật.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ chuẩn bị nội
dung cuộc họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 5 của Quốc
hội.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban
Chỉ đạo và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tổ chức TW, Ban Kinh tế TW;
- HĐ Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội
- Viện kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương các đoàn thể;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NN, CN,
TCCV, KGVX, NC;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Thg
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Văn Tùng
|