BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 160-TB/TW
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 01 năm 2020
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 62-KL/TW, NGÀY
08/12/2009 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Tại cuộc họp ngày 20/12/2019, sau khi nghe Ban Chỉ
đạo Đề án báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày
08/12/2009 của Bộ Chính trị khoá X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt
động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, ý kiến của
các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị kết luận:
1. Qua 10 năm thực hiện
Kết luận số 62-KL/TW, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính
trị - xã hội luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, có nhiều nỗ lực đổi mới nội
dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tăng cường đóng
góp ý kiến, giám sát, phản biện xã hội, sâu sát cơ sở; phối hợp ngày càng hiệu
quả với các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp, quan tâm lợi ích hợp pháp,
chính đáng của nhân dân. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn
với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, khơi dậy được động
lực trong nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm
tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt
động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa theo kịp yêu cầu
của tình hình mới. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kết quả tập hợp, đoàn
kết các tầng lớp nhân dân; vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân còn một số mặt hạn chế.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập là do một số
cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; chưa quan tâm lãnh đạo, tạo điều
kiện, bố trí cán bộ có năng lực, uy tín, kinh nghiệm thực tiễn làm công tác vận
động quần chúng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có lúc, có
nơi chưa chủ động trong tham mưu với cấp ủy và phối hợp với chính quyền để kịp
thời ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn và giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh;
năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; chưa đổi mới công tác đào tạo, bồi
dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở; điều kiện hoạt
động ở một số nơi còn khó khăn.
2. Để tiếp tục thực hiện
Kết luận số 62-KL/TW trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ
chức đảng chỉ đạo, thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
2.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận
Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
- Tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vai
trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, đề cao
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc,
các đoàn thể chính trị - xã hội trong cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản
lý, nhân dân làm chủ".
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Đảng đoàn Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Ban Bí thư Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của
hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành. Đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân
vận khéo" gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh".
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy,
chính quyền và hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của
Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
2.2. Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp
nhân dân, phát huy quyền làm chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân
dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
tạo đồng thuận xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với kỷ cương,
pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện các mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước.
- Phát huy đầy đủ vai trò đại diện của Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong bảo đảm quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; nắm chắc tình hình đoàn
viên, hội viên của từng tổ chức, tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư,
nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân với Đảng, Nhà nước và
giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền.
2.3. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động,
xây dựng tổ chức cơ sở vững mạnh
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động
đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp
nhân dân. Tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua
yêu nước, các cuộc vận động gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức
cơ sở vững mạnh, hướng trọng tâm hoạt động vào việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi
ích thiết thực của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
- Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận
Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, mở rộng sự tham gia của các tổ chức
xã hội, các cá nhân tiêu biểu, thống nhất hành động trong phong trào thi đua
yêu nước của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nâng cao hiệu quả "Ngày hội
đại đoàn kết toàn dân" ở các khu dân cư.
- Tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò nhân sĩ,
trí thức, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo
trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện
xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, trọng
tâm là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, gương mẫu của cán bộ, đảng
viên, nhất là người đứng đầu; hoạt động quản lý nhà nước, những lĩnh vực liên
quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và phát triển bền vững đất nước. Làm nòng
cốt trong thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, các mô hình tự quản,
giáo dục, hoà giải tại cộng đồng.
- Phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể
chính trị - xã hội với các hội quần chúng, các hội đoàn của người Việt Nam ở nước
ngoài, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực đóng góp vào sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật
về quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân tham gia có hiệu quả vào quản lý nhà
nước, quản lý xã hội; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân
và đạo đức xã hội.
2.4. Tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan nhà nước, chính quyền
các cấp
Phối hợp với các cơ quan nhà nước tiếp thu ý kiến
đóng góp của nhân dân về chính sách, pháp luật. Phối hợp kiểm tra, giám sát, sơ
kết, tổng kết các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, mặt trận
và đoàn thể; giải quyết kịp thời, hiệu quả những điểm nóng, phức tạp trong cộng
đồng dân cư.
2.5. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ
- Bảo đảm tính hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động
của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở;
tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng chi đoàn, chi hội, đoàn viên, hội
viên của các đoàn thể chính trị - xã hội; làm tốt công tác phát triển đảng, nhất
là ở địa bàn dân cư, vùng tôn giáo, khu vực ngoài nhà nước.
- Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối
bên trong của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với đổi mới
nội dung, phương thức hoạt động bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu
về lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác vận động quần chúng; chú trọng
lựa chọn cán bộ có uy tín, kinh nghiệm, trưởng thành từ phong trào quần chúng
làm công tác mặt trận, đoàn thể.
3. Tổ chức thực hiện
3.1. Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các
tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức
quán triệt và chỉ đạo thực hiện Thông báo kết luận này.
3.2. Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban
cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ
sở; xem xét đưa hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3.3. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan sớm chỉ đạo đánh giá các mô hình thí điểm liên quan đến Mặt
trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số
18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục
đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu
lực, hiệu quả".
3.4. Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với
các tổ chức đảng, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị -
xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo dõi,
kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kết luận số 62-KL/TW và
Thông báo kết luận này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị kết quả thực hiện.
Thông báo này phổ biến đến chi bộ.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Trần Quốc Vượng
|