Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 116/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Văn Trọng Lý
Ngày ban hành: 08/05/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 116/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Ngày 09 tháng 04 năm 2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Tổng Cục Hậu cần – Bộ Công an, Tổng Cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm và các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều cơ chế, chính sách, quy định, quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương ban hành và tích cực triển khai thực hiện. Việc sản xuất rau, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm an toàn cũng đã có chuyển biến nhất định.

Tuy nhiên, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập thể hiện ở một số mặt cụ thể như sau:

1. Nhận thức của người sản xuất, người chế biến, người phân phối, người tiêu dùng thực phẩm chưa cao, chưa hiểu hết tác hại của việc không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, những thói quen không hợp vệ sinh trong tiêu dùng thực phẩm vẫn còn tồn tại.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động còn chưa quyết liệt nên người tiêu dùng thực phẩm còn chủ quan, người dân chưa thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Tại nhiều nơi, môi trường sản xuất không bảo đảm vệ sinh, cách thức tổ chức sản xuất nhỏ, lẻ, phân tán không tuân thủ quy trình dẫn đến kém hiệu quả và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Một số cơ chế, chế tài trong lĩnh vực quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa phù hợp; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát còn thiếu và yếu cả về lực lượng và tổ chức thực hiện; nhìn chung, tính quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện từ Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương tới tỉnh, thành phố chưa cao.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI:

Trên cơ sở sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, căn cứ tình hình thực tế, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, tích cực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được giao nhằm tạo sự chuyển biến thực sự sâu sắc trong năm 2008 và các năm tiếp theo, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số công việc sau:

1. Nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là tiếp tục khống chế, đẩy lùi, tiến tới dập tắt dịch bệnh tiêu chảy cấp. Yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương thực hiện triệt để các nhiệm vụ được giao tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch tiêu chảy cấp; tập trung vào công tác truyền thông, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Bộ Nội vụ

Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tổ chức hệ thống quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, trình Chính phủ ban hành trong quý II năm 2008.

Nghị định cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an thực phẩm, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

3. Bộ Y tế

a) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2008.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng, ban hành danh mục mức tồn dư tối đa cho phép các hóa chất độc hại, vi sinh vật trong nông sản thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, sửa đổi, ban hành các quy định và điều kiện cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, thức ăn phục vụ công nghiệp, trường học, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi.

4. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

a) Sớm hoàn thành đề án xây dựng vùng sản xuất nông sản, thủy sản an toàn, trước hết tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt rau quả. Đồng thời có giải pháp phù hợp hướng dẫn, quản lý các hộ nông dân, cơ sở sản xuất nhỏ, phân tán bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất.

b) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm trong bảo quản và chế biến nông, thủy sản, thực phẩm.

c) Hoàn thiện các quy định, quy chuẩn và hệ thống tổ chức kiểm tra về điều kiện môi trường trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; có giải pháp thanh tra, kiểm tra, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản, thực phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan để ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, trước hết tập trung vào các loại: rau, quả, chè, gia súc, gia cầm, thủy sản.

5. Bộ Công thương

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành đề án ngăn chặn tình trạng nhập lậu thực phẩm qua biên giới, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2008.

b) Tăng cường hoạt động của lực lượng kiểm soát thị trường, phối hợp với Công an, Hải quan, các cấp các ngành trong công tác ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn lưu thông trên thị trường.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch về kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối nông, lâm, thủy sản an toàn; quản lý xuất xứ sản phẩm lưu thông trên thị trường.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các cơ quan chức năng, sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng trong một chương trình tổng thể nhằm tuyên truyền, giáo dục kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm, làm thay đổi thói quen, hành vi không hợp vệ sinh của các đối tượng trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

7. Bộ Tài chính

Bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm theo các chương trình, kế hoạch, dự án, … đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Kiểm tra, kiểm soát bảo đảm việc sử dụng kinh phí đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; phối hợp với các địa phương khác và các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn liên vùng.

b) Thường xuyên báo cáo cấp ủy quán triệt và có biện pháp chỉ đạo toàn diện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương.

c) Xây dựng và chỉ đạo quyết liệt các chương trình, quy hoạch, kế hoạch xây dựng vùng rau an toàn, cơ sở giết mổ, kiểm tra vệ sinh tại chợ, thức ăn đường phố và các bếp ăn tập trung, bếp ăn tại trường học, khu công nghiệp.

d) Xây dựng quy chế phối hợp quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây hậu quả lớn và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của con người cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

đ) Tham gia đóng góp ý kiến với các Bộ, ngành chức năng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm.

9. Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm.

a) Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung ương và địa phương.

Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung ương cần thực hiện sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt bất thường để thảo luận và đưa ra phương án giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc cần sự phối hợp liên ngành.

b) Phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo liên ngành kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các văn bản, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cấp, ngành và địa phương; chỉ đạo giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp giải quyết.

c) Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương, kịp thời biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen thưởng các cá nhân, đơn vị, địa phương làm tốt và phê bình rút kinh nghiệm đối với những cá nhân, đơn vị, địa phương làm chưa tốt.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban bí thư Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ; các Vụ: TH, KTN, KTTH, PL, TCCV, TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KGVX  (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo số 116/TB -VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại hội nghị toàn quốc về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.947

DMCA.com Protection Status
IP: 3.146.178.220
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!