VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số:
105/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2007
|
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI
LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HẬU GIANG
Ngày 28 tháng 4 năm 2007, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Cùng dự làm việc
có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch
và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Xây
dựng, Công nghiệp, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Công
nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN).
Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Hậu Giang báo cáo tình hình kinh tế-xã hội sau 3 năm thành lập
tỉnh và tình hình 4 tháng đầu năm 2007, ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ý
kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết
luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
TÌNH HÌNH CHUNG:
Sau 3 năm chia tách tỉnh, tuy gặp
nhiều khó khăn như Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực phấn
đấu đạt được kết quả tương đối toàn diện trên nhiều mặt kinh tế-xã hội. Tăng
trưởng GDP đạt mức bình quân chung 11% năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế
chuyển biến tích cực, trong sản xuất nông nghiệp có nhiều mô hình mới áp dụng
tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả và thu nhập trên diện tích canh
tác; sớm hình thành các khu, cụm công nghiệp mở ra triển vọng thu hút đầu tư
phát triển công nghiệp. Tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong
lĩnh vực giao thông, bộ mặt đô thị, thị xã Vị Thanh có nhiều khởi sắc. Tình
hình an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác xóa đói
giảm nghèo được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện.
Phát huy kết quả đạt được trong
3 năm qua, tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2007 của tỉnh Hậu Giang tiếp
tục ổn định và phát triển, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và thu ngân sách
tăng khá, lĩnh vực giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ,...
Tuy vậy, do điểm xuất phát thấp
nên tỉnh Hậu Giang còn nhiều khó khăn thách thức. Đến nay, trong cơ cấu kinh tế,
sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội ở mức thấp
hơn bình quân chung của toàn vùng và cả nước, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém
chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; trụ sở các cơ quan Đảng, Chính quyền và đoàn
thể của tỉnh chưa được xây dựng; cơ sở y tế phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh cho
nhân dân còn thiếu thốn; nguồn nhân lực và công tác đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu
nâng cao năng lực quản lý và sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Phát huy kết quả đạt được trong
3 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang cần tập trung chỉ đạo
quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa tỉnh Hậu Giang trở thành
tỉnh phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển
kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng.
II. VỀ PHƯƠNG
HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Tập trung sức để tạo được sự chuyển
biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt được mức tăng trưởng
cao hơn so với kế hoạch, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống
nhân dân, tăng cường an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ
thống chính trị vững mạnh, trong đó lưu ý một số nội dung:
- Về phát triển kinh tế:
+ Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch
cơ cấu kinh tế, đặc biệt coi trọng chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông
nghiệp, thủy sản, chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi và ngành nghề có giá
trị kinh tế cao nhằm tăng thêm thu nhập người dân. Trong phát triển công nghiệp,
cần chú ý công nghiệp chế biến và công nghiệp cơ khí. Chú trọng phát triển hạ tầng
các khu, cụm công nghiệp và có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư. Trước mắt,
phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam để xây dựng Nhà máy đống
tàu thủy tại cụm công nghiệp Sông Hậu, nhà máy công nghiệp phụ trợ, nhà máy sản
xuất container... Phát triển công nghiệp phải chú ý các giải pháp bảo vệ môi
trường nhất là môi trường nước (do đặc điểm của Vùng đồng bằng sông Cửu Long).
+ Tập trung đầu tư xây dựng kết
cấu hạ tầng giao thông và các công trình thủy lợi. Trong đó, Bộ Giao thông vận
tải khẩn trương hoàn thành quốc lộ 61, đường Nam sông Hậu; Tỉnh đẩy nhanh việc
thực hiện đầu tư đường nối thị xã Vị Thanh-Cần Thơ, các tỉnh kết nối với các địa
phương trong Vùng và hệ thống giao thông nông thôn, hình thành hệ thống giao
thông hoàn chỉnh để Vị Thanh sớm trở thành trung tâm phát triển của Vùng Tây
sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Trong công tác đầu tư xây dựng: tỉnh phải tăng cường
các Ban quản lý dự án, lựa chọn cán bộ có phẩm chất, đủ tài, đủ năng lực để quản
lý đầu tư xây dựng đúng quy định, có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tránh thất
thoát, lãng phí.
- Về công tác quy hoạch: do tỉnh
Hậu Giang mới thành lập, nên công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch
cần được quan tâm và phải đi trước một bước. Công tác quản lý quy hoạch cần được
tăng cường nhằm đảm bảo phát triển đúng định hướng. Quy hoạch phát triển đô thị
tỉnh lỵ Vị Thanh cần lưu ý: vừa phải đảm bảo yêu cầu hiện đại, vừa mang đặc
trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời làm tiền đề cho phát triển hạ
tầng giao thông và trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh.
- Về các vấn đề văn hóa-xã hội:
+ Sớm hoàn thành việc xây dựng Bệnh
viện tỉnh quy mô 500 giường, Trường cao đẳng cộng đồng để phục vụ yêu cầu khám
chữa bệnh cho nhân dân và đào tạo cán bộ.
+ Chú trọng công tác giáo dục và
phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa
phương trong tương lai.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính,
tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế,
huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển. Tỉnh cần nhận thức đây là một nhiệm
vụ trọng tâm trong năm và các năm tiếp theo.
- Chú trọng xây dựng hệ thống
chính trị vững mạnh, đặc biệt lưu ý xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp
đáp ứng yêu cầu, tăng cường đoàn kết nhất trí, đề cao trách nhiệm tổ chức và cá
nhân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị.
III. VỀ MỘT SỐ
ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:
- Đồng ý đề nghị của tỉnh Hậu
Giang về làm đường ở xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; giao UBND tỉnh làm
việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung, trình Thủ tướng Chính phủ xem
xét, quyết định.
- Đồng ý về nguyên tắc đề nghị hỗ
trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng của 2 thị xã: Vị Thanh và Ngã Bảy trên cơ sở
quy hoạch và dự án cụ thể. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bố trí vốn
chương trình mục tiêu năm 2008.
- Về đề nghị mở rộng Khu công
nghiệp Sông Hậu giai đoạn 2: trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bố trí
tiếp vốn hỗ trợ theo quy định còn lại trong năm 2007 để Tỉnh đẩy nhanh tiến độ
xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Hậu giai đoạn I nhằm thu hút đầu tư;
đồng thời, Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mở rộng Khu công nghiệp
Sông Hậu giai đoạn 2, trình duyệt theo quy định hiện hành.
- Đồng ý về nguyên tắc đề nghị của
tỉnh thực hiện chỉ định thầu Tư vấn thiết kế kỹ thuật để triển khai nhanh 2 dự
án trọng điểm: trụ sở Tỉnh ủy và đường nối thị xã Vị Thanh- Cần Thơ. Việc chỉ định
thầu Tư vấn thiết kế kỹ thuật 2 dự án trên thực hiện theo đúng các quy định hiện
hành.
- Về đề nghị bổ sung vốn thực hiện
đề án nâng cấp bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn
2006-2008 cần được quan tâm giải quyết: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với
Bộ Tài chính, Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ trong chương trình chung.
- Đồng ý để tỉnh Hậu Giang tiếp
tục triển khai Chương trình thực hiện Quyết định số 134 giai đoạn 2 về hỗ trợ đất
sản xuất, đất ở và nước sạch cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo., Tỉnh làm
việc với các Bộ, ngành liên quan để xử lý.
- Về đề nghị hỗ trợ vốn công
trình kè Xà No giai đoạn 2: Đồng ý và giao Bộ kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, hỗ trợ Tỉnh thực hiện từ vốn trái
phiếu Chính phủ hoặc nguồn vốn khác.
- Các đề nghị khác của Tỉnh: tiếp
tục thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh
Hùng tại Thông báo số 47/TB-VPCP ngày 19 tháng 3 năm 2007 của Văn phòng Chính
phủ, Tỉnh tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết và tổ chức
thực hiện.
- Về đầu tư Nhà máy điện của
Pháp tại cụm công nghiệp tàu thủy Hậu Giang theo đề xuất của tỉnh Hậu Giang và
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam: giao Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt
Nam làm việc cụ thể với Bộ Công nghiệp theo hướng cần bảo đảm điện năng cho khu
vực này phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông
báo để các Bộ, cơ quan có liên quan và UBND tỉnh Hậu Giang biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Thủ tướng , các Phó TTg CP;
- Văn phòng TW;
- Các Bộ: KH và ĐT, TC, CN, GTVT, XD, NN và PTNT, Thủy sản, GD và ĐT, Y tế, Nội
vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hậu Giang;
- Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Tập đoàn CNTT Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Các Vụ: ĐP, KTTH, NN, KG, VX, NC, TH, IV, TTBC,
Website Chính phủ;
- Lưu VT, CN (3)
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Xuân Phúc
|