VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 03/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 01 năm 2015
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ
TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÀ GIANG
Ngày 16 và 17 tháng 12 năm 2014, Phó Thủ tướng
Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế về xây dựng nông thôn
mới, giảm nghèo bền vững tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ và làm việc với lãnh
đạo tỉnh Hà Giang về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014, kết quả thực hiện
Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Cùng đi và dự buổi
làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc
và Văn phòng Chính phủ.
Tại buổi làm việc sau khi nghe lãnh đạo Tỉnh báo
cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm
2015; kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền
vững và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến lãnh đạo các Bộ, cơ quan; Phó Thủ
tướng Vũ Văn Ninh đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đánh giá cao và biểu
dương nỗ lực phấn đấu về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính
quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang trong thời gian qua. Tỉnh đã triển khai đồng bộ
các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt có những sáng tạo trong
vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn. Nhờ đó, kinh
tế của Tỉnh những năm gần đây có bước chuyển biến rõ nét. Năm 2014, tăng trưởng
kinh tế đạt 6,32%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách đạt
khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các chính sách thực hiện đồng
bộ có hiệu quả; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đã huy động được toàn dân
chung tay xây dựng nông thôn mới, xóa được nhiều xã “trắng” về tiêu chí; văn
hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, giảm nghèo nhanh ở những huyện 30a (giảm 6,4%),
an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân có bước cải thiện; quốc phòng,
an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Công tác xây dựng
Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị luôn được quan tâm, chất lượng
đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên.
Mặc dù năm qua nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
đề ra, nhưng do điểm xuất phát của tỉnh thấp, điều kiện sản xuất, cơ sở hạ tầng
còn khó khăn nhất là về giao thông nên nhìn chung tỉnh Hà Giang vẫn là tỉnh
nghèo, tiềm lực nội tỉnh còn hạn chế, nhất là khả năng huy động về tài chính. Các
xã nông thôn mới đạt dưới 5 tiêu chí còn nhiều, chất lượng nguồn nhân lực thấp chưa
đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng
chưa bền vững, số hộ tái nghèo và cận nghèo còn cao.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản nhất trí với nhiệm vụ,
giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình nông thôn mới và xóa đói
giảm nghèo bền vững năm 2015 mà Tỉnh đã đề ra. Trong thời gian tới, Tỉnh tiếp
thu ý kiến các Bộ, ngành về giải pháp và cách làm trong cơ chế hiện nay; lưu ý
một số điểm sau:
1. Tập trung chỉ đạo với tinh thần
cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015, phấn đấu
hoàn thành, vượt kế hoạch 5 năm 2011-2015 và mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đã
đề ra, với quan điểm không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ. Thực hiện
tốt Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về Đại hội
đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
2. Phát huy tiềm năng, lợi thế của
Tỉnh, phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng
theo hướng nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh
của địa phương. Tập trung rà soát quy hoạch của Tỉnh, điều chỉnh, bổ sung cho
phù hợp với quy hoạch chung của vùng, ngành; thực hiện tốt các quy hoạch, ưu
tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng nhất là những công trình trọng điểm.
3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả
Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục
sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông,
lâm nghiệp. Xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và
thương hiệu. Cần chọn sản phẩm có lợi thế để phát triển.
4. Tiếp tục thực hiện Chương trình
nông thôn mới theo hướng kiên trì, lâu dài với phương châm nhà nước và nhân dân
cùng làm, có lộ trình, bước đi phù hợp, thực chất không vì thành tích; nâng cao
nhận thức cho người dân, rà soát và chọn những tiêu chí quan trọng làm trước,
nhất là về sản xuất. Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
trên tinh thần không để mất đi bản sắc văn hóa, cảnh quan của vùng cao nguyên
phía Bắc.
5. Chú trọng xóa đói, giảm nghèo
bền vững, tập trung nguồn lực cho các huyện 30a trên cơ sở lồng ghép các nguồn
vốn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình, dự án để phát huy hiệu quả. Tổng
kết các mô hình giảm nghèo, mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh để có thể áp
dụng không chỉ ở Hà Giang mà còn cho các địa phương khác. Giải quyết tốt những
vấn đề xã hội bức xúc; quan tâm hơn nữa tới công tác an sinh xã hội; tăng cường
thực hiện công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
6. Đẩy mạnh cải cách hành chính
gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính
trị cơ sở vững mạnh đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; giữ vững an ninh
chính trị và trật tự an toàn xã hội.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về cân đối và huy động nguồn
lực (vốn thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 30a) để đầu tư xây
dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ
động sử dụng ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để
thực hiện.
2. Về bố trí kinh phí sự nghiệp hỗ
trợ phát triển sản xuất theo quy định tại Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31
tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về bổ sung kinh phí hỗ trợ Dự
án nhân rộng mô hình giảm nghèo, Dự án đào tạo nâng cao năng lực truyền thông
và giám sát: Giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ
Tài chính và các Bộ liên quan xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về đầu tư xây dựng các Trung
tâm dạy nghề tuyến huyện; bố trí kinh phí đào tạo nghề cho 6 huyện nghèo 30a:
Giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
xem xét, xử lý.
5. Về bố trí vốn trái phiếu Chính
phủ theo Quyết định số 195/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính
phủ để xây dựng nông thôn mới: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ
trì, phối hợp với các Bộ liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế đặc thù để hỗ
trợ các tỉnh có điều kiện khó khăn (trong đó có Hà Giang).
6. Về bổ sung kinh phí năm 2014 để
thực hiện Đề án quy tụ các hộ dân cư sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng
thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn, bản gắn
với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 (Đề án 105):
Tỉnh thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số
10150/VPCP-KTN ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.
7. Về tăng mức bổ sung kinh phí
theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính
phủ: Giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xem xét, đề xuất bố trí vốn trong kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về hỗ trợ vốn để triển khai Dự
án cấp bách kè chống xói lở khắc phục thiên tai, mở rộng cửa thoát nước suối
Cao Mã Pờ, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ: Tỉnh thực hiện thẩm định vốn theo Chỉ
thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ
sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, đề xuất
việc hỗ trợ và bố trí vốn cho Tỉnh thực hiện.
9. Về bố trí vốn cho các dự án
đường đến trung tâm xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên; đường từ mốc 476 đến mốc 456
xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc: Tỉnh thực hiện số vốn được bố trí trong kế
hoạch năm 2015.
10. Về nâng cấp nghĩa trang liệt
sỹ và xây dựng cụm tượng đài gắn với nghĩa trang huyện Vị Xuyên: Đồng ý về chủ
trương, Tỉnh lập đề án, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm định, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, đề xuất việc bố trí
vốn để Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về đề nghị vay xi măng để thực
hiện xây dựng nông thôn mới và đường giao thông nông thôn: Giao Bộ Xây dựng chủ
trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
12. Về bố trí kinh phí rà phá bom,
mìn, vật cản ở khu biên giới để lấy đất sản xuất và đưa dân ra biên giới: Giao
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng rà
soát kế hoạch bố trí vốn hàng năm; trên cơ sở đó đề xuất việc tăng mức vốn hàng
năm và các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy nhanh công tác rà phá bom mìn, vật
cản trên địa bàn Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
13. Về chương trình phát triển sản
xuất ở 4 huyện vùng cao, núi đá:
a) Chương trình chăn nuôi bò gắn
với thâm canh: Tỉnh lập đề án, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
theo quy định.
b) Về bảo hiểm đàn bò: Đồng ý về
nguyên tắc, giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
những vấn đề vượt thẩm quyền.
14. Về Đề án phát triển cây dược
liệu: Tỉnh tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành để hoàn thiện Đề án và trình duyệt
theo quy định.
15. Về sắp xếp các lâm trường (3
công ty nguyên liệu gỗ): Giao Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo
để các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Lao động-Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải,
Công Thương, Ủy ban Dân tộc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, KTTH, KTN, NC,
KGVX;
- Lưu: VT, V.III (3) Thg.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|