SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 85/SL NGÀY 22 THÁNG 5 NĂM 1950
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu Sắc lệnh số 13-SL ngày 24 tháng 1 năm 1946 và các sắc lệnh tiếp sau tổ chức các toà án;
Chiểu Sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 4 năm 1946 và các sắc lệnh tiếp sau ấn định thẩm quyền các toà án;
Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận;
RA SẮC LỆNH:
Chương 1
TỔ CHỨC
Điều 1: Toà án sơ cấp nay gọi là Toà án nhân dân huyện, Toà án đệ nhị cấp nay gọi là Toà án nhân dân tỉnh, Hội đồng phúc án nay gọi là Toà phúc thẩm, Phúc thẩm nhân dân nay gọi là Hội thẩm nhân dân.
Điều 2: Khi xét xử hoặc bào chữa, thẩm phán và luật sư không mặc áo chùng đen.
Điều 3: Để xử việc hình và việc hộ, Toà án nhân dân huyện và Toà án nhân dân tỉnh gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; Toà phúc thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.
Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết.
Hội thẩm nhân dân được hưởng đặc quyền tài phán như các Thẩm phán và lương bổng như các uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp tương đương.
Hội thẩm nhân dân dự khuyết được hưởng phụ cấp vãng phản và phụ cấp lưu trú như các hội viên Hội đồng nhân dân tỉnh đi họp Hội đồng nhân dân.
Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân là một năm.
Điều 4: Hàng năm, mỗi Hội đồng nhân dân xã sẽ bầu ba vị ở trong hay ngoài Hội đồng nhân dân để lập một danh sách Hội thẩm nhân dân huyện. Những vị trong danh sách này sẽ bầu ra hai Hội thẩm nhân dân chính thức và một Hội thẩm nhân dân dự khuyết.
Điều 5: Hàng năm, mỗi Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ bầu từ hai đến sáu Hội thẩm nhân dân chính thức và một hay hai Hội thẩm nhân dân phụ khuyết.
Điều 6: Hàng năm, mỗi Hội đồng nhân dân tỉnh trong liên khu bầu sáu vị hoặc ở trong hoặc ở ngoài Hội đồng nhân dân để lập một danh sách các Hội thẩm nhân dân liên khu.
Những vị trong danh sách này sẽ bầu ra từ ba đến chín Hội thẩm nhân dân chính thức và từ một đến ba Hội thẩm nhân dân dự khuyết.
Chương 2
BAN TƯ PHÁP XÃ, THẨM QUYỀN
Điều 7: Ban tư pháp xã có quyền xử:
a) Chung thẩm:
1- Những vụ vi cảnh phạt bạc từ 5đ đến 30đ.
2- Những việc đòi bồi thường hoặc bồi hoàn từ 300đ trở xuống do người bị thiệt hại thỉnh cầu trong đơn kiện hay chậm nhất lúc việc vi cảnh đem ra xử.
b) Sơ thẩm:
Những việc đòi bồi thường hoặc bồi hoàn quá 300đ do người bị thiệt hại thỉnh cầu trong đơn kiện hay lúc xét xử.
Điều 8: Đơn xin thủ tiêu án vi cảnh của ban tư pháp xã sẽ do Toà án nhân dân tỉnh xét xử.
Chương 3
TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN,HOÀ GIẢI, THẨM QUYỀN
Điều 9: Toà án nhân dân huyện họp thành Hội đồng hoà giải để thử hoà giải tất cả các vụ kiện về dân sự và thương sự, kể cả các việc xin ly dị, trừ những vụ kiện mà theo luật pháp đương sự không có quyền điều đình.
Điều 10: Biên bản hoà giải thành là một công chính chứng thư, có thể đem chấp hành ngay. Tuy nhiên, cho đến lúc biên bản hoà giải được chấp hành xong, nếu Biện lý xét biên bản ấy phạm đến trật tự chung thì có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền sửa đổi lại hoặc bác bỏ những điều mà hai bên đã thoả thuận. Hạn kháng cáo là 15 ngày tron kể từ ngày phòng biện lý nhận được hoà giải thành.
Điều 11: Nếu hoà giải bất thành mà Toà án có thẩm quyền chưa quyết định gì, thì Hội dồng hoà giải có thể tạm thời cho thi hành những phương pháp bảo thư cần thiết. Toà án nhân dân huyện phải đệ trình ngay hồ sơ cùng biên bản hoà giải bất thành ghi việc cho thi hành những phương pháp bảo thư lên Toà án có thẩm quyền. Toà án này sẽ duyệt y, sửa chữa hay bác bỏ những phương pháp bảo thủ nếu xét không cần thiết nữa.
Điều 12: Người nào khác với người đương sự, xét mình bị thiệt hại vì biên bản hoà giải thành, có quyền đệ đơn xin yêu cầu toà án nhân dân huyện ra mệnh lệnh hoãn việc chấp hành biên bản hoà giải ấy.
Người bị thiệt hại phải đệ đơn trong hạn 15 ngày tròn sau khi biết biên bản hoà thành có điều khoản thiệt hại đến quyền lợi của mình hoặc sau khi biết sự chấp hành biên bản này.
Điều 13: Toà án nhân dân huyện có quyền xử chung thẩm những vụ án sơ thẩm của ban tư pháp xã bị kháng cáo, hoặc những vụ phạm pháp vi cảnh mà ban tư pháp xã xét cần xử phạt giam, hoặc những vụ tái phạm vi cảnh.
Điều 14: Trong trường hợp cấp bách, Toà án nhân dân huyện có quyền tuyên án ấn định các phương pháp bảo thủ đối với những vụ kiện không thuộc thẩm quyền Toà án nhân dân huyện.
Nếu người đương sự kháng cáo bản án nói trên, thì trong ngày nhận được đơn kháng cáo, Toà án huyện phải gửi hồ sơ đến Toà án có thẩm quyền. Toà án này trong hạn ba ngày, sau khi nhận được hồ sơ, sẽ tuyên án hoặc y, hoặc cải, hoặc bác bản án của Toà án nhân dân huyện.
Việc kháng cáo nói trên không hoãn sự thi hành bản án của Toà án nhân dân huyện.
Chương 4
TỐ TỤNG
Điều 15: Công tố viên có quyền kháng cáo về việc hộ cũng như về việc hình.
Điều 16: Biện lý chỉ chuyển sang phòng dự thẩm điều tra thêm một vụ phám pháp nếu xét cần.
Điều 17: Toà án chỉ thủ tiêu một phần hay toàn thể thủ tục nếu xét một hay nhiều hình thức ghi trong luật tố tụng hình hoặc hộ có hại cho việc thẩm cứu hoặc đến quyền lợi của đương sự.
Trong trường hợp này Toà án đương xử vụ kiện vẫn giữ hồ sơ để tiếp tục xét xử và cử một thẩm phán để chỉ huy việc làm lại thủ tục.
Điều 18: Về việc hình, người bị thiệt hại nào đã đầu đơn kiện thì có quyền kháng cáo để xin tăng hình phạt, tiền bồi thường và khoản bồi hoàn. Nhưng nếu người đó vì ác ý mà kháng cáo thì Toà án có thể tự mình hoặc theo lời thỉnh cầu của bị can mà bắt người ký đơn kháng cáo phải bồi thường một số tiền tương đương với sự thiệt hại đã gây ra về vật chất cũng như về tinh thần.
Điều 19: Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của Biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Toà án huyện hoặc Toà án trên đã tuyên.
Việc phát mại bất động sản và phân phối tiền bán được cũng do Toà án huyện phụ trách. Trong trường hợp có nhiều bất động sản rải rác ở nhiều huyện khác nhau thì Biện lý sẽ chỉ định một Thẩm phán huyện để việc phát mại đó vừa có lợi cho chủ nợ lẵn người mắc nợ.
Điều 20: Bộ trưởng Bộ Tư pháp chiểu Sắc lệnh thi hành.