QUY CHẾ
TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 920/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
Chương I
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định việc tiếp nhận, xử lý phản
ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại Nghị định
20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008.
2. Quy chế này không quy định về khiếu nại, tố
cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này được áp dụng với các đối tượng sau:
1. Ủy ban nhân dân các cấp.
2. Các Sở, ban, ngành; Cơ quan Trung ương đóng
trên địa bàn tỉnh.
3. Cán bộ, công chức có thẩm quyền tiếp nhận, xử
lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.
4. Các cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị về
quy định hành chính.
Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận,
xử lý phản ánh, kiến nghị
1. Tuân thủ pháp luật và đảm bảo quyền được phản
ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức.
2. Công khai minh bạch về thẩm quyền, trách nhiệm
tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật.
3. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị theo
đúng thẩm quyền quy định.
4. Thủ tục tiếp nhận đơn giản, thuận tiện.
5. Quy trình tiếp nhận, xử lý cụ thể, rõ ràng,
thống nhất và bảo đảm sự phối hợp xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan hành
chính nhà nước.
Chương II
NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ
YÊU CẦU VỀ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ
Điều 4. Nội dung phản ánh,
kiến nghị
1. Vướng mắc trong thực hiện quy định hành chính
do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng
quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức.
2. Sự không phù hợp của quy định hành chính với
thực tế.
3. Sự không đồng bộ thống nhất của quy định hành
chính.
4. Quy định hành chính không hợp pháp.
5. Những vấn đề khác quan liên quan đến quy định
hành chính.
6. Đề xuất phương án xử lý những phản ánh quy định
tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều này.
7. Đề xuất, sáng kiến ban hành mới quy định hành
chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.
Điều 5. Hình thức phản ánh,
kiến nghị
Các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về
quy định hành chính được thông qua một trong các hình thức sau:
1. Văn bản.
2. Phản ánh trực tiếp.
3. Lấy phiếu ý kiến.
Điều 6. Yêu cầu đối với phản
ánh, kiến nghị
1. Yêu cầu chung
a) Chỉ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.
b) Thể hiện, trình bày rõ nội dung phản ánh kiến
nghị.
c) Thông báo tên, địa chỉ, số điện thoại của cá
nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị.
2. Yêu cầu đối với từng hình thức phản ánh, kiến
nghị:
a) Bằng văn bản:
Cá nhân, tổ chức chuyển văn bản trực tiếp chuyển
đến cơ quan tiếp nhận hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi qua mạng máy
tính điện tử (qua thư điện tử, chuyên trang điện tử hoặc cổng thông tin điện tử).
b) Bằng điện thoại hoặc trực tiếp:
Chỉ thực hiện phản ánh, kiến nghị thông qua số
điện thoại chuyên dùng của cơ quan tiếp nhận đã công bố công khai hoặc phản
ánh, kiến nghị trực tiếp với cơ quan tiếp nhận.
Cán bộ, công chức tiếp nhận phải thể hiện (ghi
chép, in ấn…) trung thực nội dung phản ánh, kiến nghị bằng văn bản.
c) Phiếu lấy ý kiến:
Chỉ áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước
muốn lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính cụ thể qua các
hình thức văn bản lấy ý kiến; phương tiện thông tin đại chúng; mạng máy tính
(thư điện tử, chuyên trang điện tử kiểm soát thủ tục hành chính).
Chương III
TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN
ÁNH, KIẾN NGHỊ
Điều 7. Cơ quan tiếp nhận phản
ánh, kiến nghị.
1. Văn phòng UBND tỉnh tiếp nhận phản ánh, kiến
nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND
tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Các Sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính báo
cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Điều 8. Quy trình tiếp nhận,
xử lý phản ánh, kiến nghị:
1. Tiếp nhận, đánh giá, phân loại phản ánh, kiến
nghị:
a) Địa chỉ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của
cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, Chủ
tịch UBND tỉnh:
- Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam - Số 90 đường Trần Phú, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà
Nam.
- Số điện thoại chuyên dùng:
03513.852.613.
- Thư điện tử: kstthc@hanam.gov.vn
b) Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo
Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính tổ chức tiếp nhận,
nghiên cứu, đánh giá, phân loại các phản ánh, kiến nghị của
cá nhân, tổ chức về quy định hành chính để giao
cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan xử lý
theo đúng quy định
tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 13 của Nghị định 20/2008/NĐ-CP.
2. Chuyển phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm
quyền xử lý:
a) Văn phòng UBND tỉnh chuyển phản
ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo
đúng quy định tại Điều 9 Nghị định 20/2008/NĐ-CP .
b) Văn phòng UBND tỉnh chủ trì xử
lý các phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định hành chính liên quan đến hai
hay nhiều cơ quan hành chính nhà nước khác nhau mà các cơ quan này không thống
nhất được về phương án xử lý.
3. Xử lý phản ánh, kiến nghị:
a) Các Sở, ban, ngành của tỉnh,
UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xử lý
các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính theo đúng
quy định tại Điều 14, Điều 15 của Nghị định 20/2008/NĐ-CP và thời hạn quy định
tại Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị
của UBND tỉnh.
b) Văn phòng UBND tỉnh có trách
nhiệm đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND
các huyện, thành phố xử lý phản ánh,
kiến nghị theo đúng quy định.
Điều 9. Công khai kết quả xử
lý, phản ánh kiến nghị:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của
tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn
có trách nhiệm công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành
chính theo đúng quy định tại
Điều 19 Nghị định 20/2008/NĐ-CP .
2. Tùy theo từng
trường hợp cụ thể, Văn phòng UBND tỉnh xem xét, công bố công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành
chính trên chuyên trang thông tin điện tử về thủ tục hành chính của tỉnh./.