ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
79/2010/QĐ-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 11 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ (MẪU) VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG QUẢN LÝ ĐÔ THỊ QUẬN - HUYỆN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ Quy định
tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh; Nghị định số 12/2010/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Chính
phủ ban hành về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2008/NĐ-CP quy
định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 20/2008/TTLT-BXD-BNV ngày 16 tháng 12 năm 2008 của
Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm
vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc
ngành xây dựng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 12/2008/TTLT-BGTVT-BNV ngày 05 tháng 12 năm 2008 của
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh, cấp huyện;
Căn cứ Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân
dân thành phố về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận -
huyện; Quyết định số 62/2010/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân
dân thành phố về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1513/TTr-SNV ngày 25 tháng
10 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế (mẫu) về tổ chức và
hoạt động của Phòng Quản lý đô thị quận - huyện.
Điều 2.
Căn cứ Quy chế (mẫu) này, Ủy ban nhân dân quận - huyện
chỉ đạo xây dựng và quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Phòng
Quản lý đô thị phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ
ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở
Nội vụ, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở
Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng
các cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
- Thường trực HĐND thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Các sở - ngành thành phố;
- Sở Nội vụ (3b);
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng CV, TTCB;
- Lưu:VT, (VX-Nh)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài
|
QUY CHẾ (MẪU)
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG QUẢN LÝ ĐÔ THỊ QUẬN - HUYỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số…… /201…/QĐ-UBND ngày tháng năm 201.. của Ủy
ban nhân dân quận (huyện)………)
Chương I
VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG
Điều 1. Vị trí
và chức năng
1. Vị trí:
Phòng Quản lý đô thị quận - huyện là
cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận - huyện.
Phòng Quản lý đô thị quận - huyện có tư cách pháp nhân,
có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về
tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân quận - huyện, đồng thời chịu
sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch -
Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Chức năng:
Phòng
Quản lý đô thị quận - huyện có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân quận - huyện
thực hiện quản lý nhà nước về: xây dựng; kiến trúc; quy hoạch xây dựng; phát
triển đô thị; nhà ở và công sở; vật liệu xây dựng; giao thông; hạ tầng kỹ thuật
đô thị theo phân cấp quản lý (gồm: thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp,
thoát nước; vệ sinh môi trường đô thị; công viên, cây xanh; chiếu sáng; rác thải;
bến, bãi đỗ xe đô thị); phòng chống thiên tai (lũ, lụt, bão,…).
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Phòng Quản lý đô thị quận - huyện có nhiệm vụ và quyền hạn
sau đây:
1. Nhiệm vụ và quyền hạn chung thuộc
các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao:
a) Trình Ủy ban nhân dân quận - huyện
dự thảo quyết định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm;
các chương trình, đề án, dự án đầu tư xây dựng về phát triển các ngành theo chức
năng, nhiệm vụ của Phòng trên địa bàn; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.
b) Tổ chức thực hiện các văn bản pháp
luật, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính về lĩnh vực được phân
công sau khi được ban hành, phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ
biến, hướng dẫn văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, chuyên môn, nghiệp vụ
trong lĩnh vực được phân công.
c) Giúp Ủy ban nhân dân quận - huyện
thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đăng ký, cấp và thu hồi các loại
giấy phép, quyết định cấp đổi số nhà thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của
Phòng theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân quận -
huyện.
d) Tổ chức triển khai, ứng dụng tiến
bộ khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác
quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ của Phòng.
đ) Được quyền yêu cầu các cơ quan,
đơn vị thuộc quận - huyện và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn cung cấp số
liệu có liên quan đến lĩnh vực quản lý thuộc chức năng, nhiệm vụ của Phòng; thực
hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ được giao của Phòng theo quy định của Ủy ban nhân dân quận - huyện và
các Sở liên quan.
e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan kiểm tra, thanh tra và đề xuất xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân
trong việc chấp hành pháp luật, thuộc các lĩnh vực được phân công trên địa bàn;
giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động
các lĩnh vực được phân công trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp
của Ủy ban nhân dân quận - huyện.
g) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh
vực được phân công cho cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn trên địa bàn.
h) Quản lý tài chính, tài sản của
Phòng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân quận - huyện.
i) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 1 năm và
đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Ủy ban nhân dân quận -
huyện, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận
tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có thẩm quyền khác
theo quy định của pháp luật.
k) Thực hiện nhiệm vụ khác do Ủy ban
nhân dân thành phố quy định, trong đó có phòng, chống thiên tai (lũ, lụt,
bão,…).
2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về
lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, kiến trúc:
a) Giúp và chịu trách nhiệm trước Ủy
ban nhân dân quận - huyện trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý
đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng
theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Giúp Ủy ban nhân dân quận - huyện
thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép xây dựng
công trình, giấy phép đào đường và kiểm tra việc xây dựng công trình,
đào đường theo giấy phép được cấp trên địa bàn quận - huyện theo sự phân công,
phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Tổ chức thực hiện việc giao nộp và
lưu trữ hồ sơ, tài liệu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, hồ sơ, tài liệu
hoàn công công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân quận
- huyện theo quy định của pháp luật.
d)
Tổ chức lập, thẩm định, trình
Ủy ban nhân dân quận - huyện phê duyệt, hoặc tổ chức lập để Ủy ban nhân dân quận
- huyện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng
trên địa bàn quận - huyện theo quy định của pháp luật.
đ) Tổ chức lập, thẩm định Quy chế quản
lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thuộc địa giới hành chính của quận - huyện để Ủy
ban nhân dân quận - huyện trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt hoặc Ủy ban
nhân dân quận - huyện phê duyệt theo phân cấp.
e) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng
các công trình theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đã được cấp có
thẩm quyền phê duyệt; tổ chức công bố, công khai các Quy chế quản
lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; cung cấp thông tin về quy hoạch, kiến
trúc đô thị; quản lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng trên địa bàn
quận - huyện theo phân cấp.
g) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực
hiện việc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, duy tu, bảo trì, quản lý, khai thác,
sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm:
cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường; công viên, cây xanh; chiếu sáng; rác thải;
bến, bãi đỗ xe đô thị; thông tin liên lạc; cung cấp năng lượng và các công
trình khác) trên địa bàn quận - huyện theo quy định của pháp luật và
phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố, quận - huyện.
h)
Giúp Ủy ban nhân dân quận - huyện trong việc tổ chức thực hiện các cơ chế,
chính sách về nhà ở và công sở; quản lý quỹ nhà ở và quyền quản lý sử dụng công
sở trên địa bàn quận - huyện theo phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố; tổ chức
thực hiện công tác điều tra, thống kê, đánh giá định kỳ về nhà ở và công sở
trên địa bàn quận - huyện.
i) Phối hợp với Thanh tra Xây dựng quận
- huyện hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các công chức
Thanh tra Xây dựng phường, xã, thị trấn.
k) Thực hiện công tác
thu thập, cập nhật số liệu hiện trạng liên quan đến việc xây dựng phát triển đô
thị, về các công trình xây dựng, về cơ sở hạ tầng bao gồm mạng lưới hạ tầng kỹ
thuật (giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, cấp thoát nước, cấp điện,
các công trình ngầm…) và hạ tầng xã hội (công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể
dục thể thao, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh…) trên địa bàn quận - huyện
và quản lý theo quy định.
l) Giúp Ủy ban nhân dân
quận - huyện quản lý nhà nước đối với tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân
và hướng dẫn hoạt động đối với các hội; tổ chức phi chính phủ hoạt động trong
các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành xây dựng trên địa bàn quận - huyện
theo quy định của pháp luật.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về
lĩnh vực giao thông vận tải:
a) Trình Ủy ban nhân dân quận - huyện
dự thảo: chương trình, giải pháp huy động, phối hợp liên ngành trong thực hiện
công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn; các dự án đầu tư xây
dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn theo phân cấp của Ủy ban nhân dân
thành phố; về phân loại đường theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo đảm
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông đường bộ, đường
thủy nội địa địa phương đang khai thác do quận - huyện chịu trách nhiệm quản
lý.
c) Quản lý hoạt động vận tải trên địa
bàn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
d) Tổ chức thực hiện các biện pháp
phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm công trình giao thông, lấn
chiếm hành lang an toàn giao thông; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong
việc giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn theo hướng dẫn
của Sở Giao thông vận tải và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận - huyện.
đ) Tham gia Ban An toàn giao thông quận
- huyện; phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai hoạt động tìm kiếm cứu
nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không xảy ra trên
địa bàn quận - huyện.
4. Thực hiện một số nhiệm vụ khác:
a) Xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân quận -
huyện tổ chức thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và các công
trình phòng chống lũ, lụt, bão trên địa bàn. Thực hiện nhiệm vụ thường trực của
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; tìm kiếm cứu nạn theo quy định; đề xuất
phương án, biện pháp và tham gia chỉ đạo việc phòng, chống và khắc phục hậu quả
thiên tai về lũ, lụt, bão, sạt, lỡ, hạn hán… trên địa bàn.
b) Phối hợp với thanh tra và các cơ quan kiểm tra, xử lý
đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao trên địa bàn quận - huyện.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác về các lĩnh
vực quản lý nhà nước được giao theo sự phân công, phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy
ban nhân dân quận - huyện và theo quy định của pháp luật.
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Phòng Quản lý đô thị quận -
huyện có Trưởng phòng phụ trách và không quá 03 Phó Trưởng phòng giúp việc cho
Trưởng phòng. Phòng Quản lý đô thị làm việc theo chế độ Thủ trưởng.
a) Trưởng phòng là người đứng đầu cơ
quan, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân quận - huyện, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Phòng, đồng thời chịu
trách nhiệm trước Giám đốc các Sở liên quan đến chức năng, nhiệm vụ về thực hiện
các mặt công tác chuyên môn.
b) Việc bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó
Trưởng phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định theo tiêu chuẩn
chuyên môn nghiệp vụ; việc miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Trưởng phòng, Phó
Trưởng phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.
c) Các Phó Trưởng phòng là người giúp
Trưởng phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ
được Trưởng phòng phân công; khi Trưởng phòng vắng mặt, một Phó Trưởng phòng được
Trưởng phòng ủy quyền điều hành các hoạt động của Phòng. Các Phó Trưởng phòng
thực hiện các công việc do Trưởng phòng phân công theo lĩnh vực và liên đới chịu
trách nhiệm trước cấp trên những phần việc được phân công phụ trách.
d) Tùy theo trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ và năng lực của cán bộ lãnh đạo Phòng (Trưởng phòng và các Phó Trưởng
phòng), trong số các lãnh đạo Phòng phải có ít nhất 01 người được phân công
chuyên trách quản lý, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành xây
dựng và theo chuyên ngành cụ thể.
2. Cán bộ, công chức
chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác quản lý đô thị trên địa bàn quận - huyện được
bố trí tương xứng với nhiệm vụ được giao.
3. Căn cứ vào chức năng, nhiệm
vụ nêu trên, đặc điểm tình hình cụ thể đơn vị, trình độ, năng lực cán bộ, Phòng
Quản lý đô thị quận - huyện tổ chức thành các Tổ gồm những công chức được phân
công đảm nhận các chức danh công việc trên các mặt công tác:
- Tổ Cấp giấy phép xây dựng;
- Tổ Quản lý quy hoạch, kiến trúc đô
thị;
- Tổ Quản lý nhà ở và công sở;
- Tổ Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị;
- Tổ Hành chính, quản trị.
Tùy theo quy mô hoạt động và tính chất
công việc và nhân sự cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân quận - huyện có thể
phân công cán bộ phụ trách riêng từng lĩnh vực hoặc kiêm nhiệm các lĩnh vực
trên cơ sở tinh gọn, hiệu quả và tiết kiệm.
Điều 4. Biên
chế
Căn cứ vào khối lượng công việc và
tình hình cán bộ cụ thể để xác định từng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ công
chức để phân bổ biên chế cho phù hợp, đảm bảo thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ
được giao.
Số lượng biên chế cụ thể làm công tác quản lý ngành của
Phòng Quản lý đô thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định trên
cơ sở chỉ tiêu biên chế hành chính được Ủy ban nhân dân thành phố giao cho quận
- huyện hàng năm.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 5. Chế
độ làm việc
1. Trưởng phòng phụ trách, điều
hành tất cả các hoạt động của Phòng và phụ trách những công tác trọng tâm. Các
Phó Trưởng phòng phụ trách những lĩnh vực công tác được Trưởng phòng phân công,
trực tiếp giải quyết các công việc phát sinh.
2. Khi giải quyết công việc
thuộc lĩnh vực mình phụ trách có liên quan đến nội dung chuyên môn của Phó Trưởng
phòng khác, Phó Trưởng phòng chủ động bàn bạc thống nhất hướng giải quyết, chỉ
trình Trưởng phòng quyết định các vấn đề chưa nhất trí với các Phó Trưởng phòng
khác hoặc những vấn đề mới phát sinh mà chưa có chủ trương, kế hoạch và biện
pháp giải quyết.
3. Trong trường hợp Trưởng
phòng trực tiếp yêu cầu các cán bộ, chuyên viên giải quyết công việc thuộc phạm
vi thẩm quyền của Phó Trưởng phòng, yêu cầu đó được thực hiện nhưng cán bộ phải
báo cáo cho Phó Trưởng phòng trực tiếp phụ trách biết.
Điều 6. Chế
độ sinh hoạt hội họp
1. Hàng tuần, lãnh đạo Phòng họp
giao ban một lần để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và phổ biến kế hoạch công
tác cho tuần sau.
2. Sau khi giao ban lãnh đạo
Phòng, các bộ phận họp với Phó Trưởng phòng trực tiếp phụ trách để đánh giá
công việc, bàn phương hướng triển khai công tác và thống nhất lịch công tác.
3. Mỗi tháng họp toàn thể cơ
quan một lần.
4. Mỗi thành viên trong từng bộ
phận có lịch công tác do lãnh đạo Phòng trực tiếp phê duyệt.
5. Lịch làm việc với các tổ chức
và cá nhân có liên quan phải thể hiện trong lịch công tác hàng tuần, tháng của
đơn vị; nội dung làm việc được Phòng chuẩn bị chu đáo để kịp thời giải quyết có
hiệu quả các yêu cầu phát sinh liên quan đến hoạt động chuyên môn của Phòng.
Điều 7. Mối
quan hệ công tác
1. Đối với Ủy ban nhân dân quận
- huyện:
Phòng Quản lý đô thị chịu sự lãnh đạo,
chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân quận - huyện về toàn bộ công
tác của Phòng. Trưởng phòng trực tiếp nhận chỉ đạo và nội dung công tác từ Chủ
tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách khối và phải thường xuyên báo cáo với Ủy ban
nhân dân quận - huyện về những mặt công tác đã được phân công;
Theo định kỳ phải báo cáo với Ủy ban
nhân dân quận - huyện về nội dung công tác của Phòng và đề xuất các biện pháp
giải quyết công tác chuyên môn trong quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực liên quan.
2. Đối với Sở, ngành thành phố:
Phòng Quản lý đô thị chịu sự hướng dẫn
và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các Sở liên quan; báo cáo kết quả hoạt
động công tác chuyên môn định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Giám đốc các Sở
liên quan.
3. Đối với các cơ quan chuyên
môn khác thuộc Ủy ban nhân dân quận - huyện:
Thực hiện mối quan hệ hợp tác và phối
hợp trên cơ sở bình đẳng, theo chức năng nhiệm vụ, dưới sự điều hành chung của Ủy
ban nhân dân quận - huyện nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ chính trị
của quận - huyện. Trường hợp chủ trì phối hợp công việc, nếu chưa nhất trí với
ý kiến của Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn khác, Trưởng Phòng Quản lý đô thị
chủ động tập hợp các ý kiến và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện xem
xét, quyết định.
4. Đối với Ủy ban nhân dân phường
- xã, thị trấn:
a) Phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện để Ủy ban nhân dân phường - xã, thị
trấn thực hiện các nội dung quản lý nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ
của Phòng;
b) Hướng dẫn cán bộ phường - xã, thị trấn
về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, lĩnh vực công tác do Phòng quản lý.
5. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các đơn vị sự nghiệp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội
của quận - huyện:
a) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam quận - huyện hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường - xã,
thị trấn thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định số
80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 về việc ban hành quy chế giám sát đầu
tư của cộng đồng.
b) Khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam quận - huyện, phường - xã, thị trấn, các đơn vị sự nghiệp, các ban, ngành,
đoàn thể, các tổ chức xã hội của quận - huyện có yêu cầu, kiến nghị các vấn đề
thuộc chức năng của Phòng, Trưởng phòng có trách nhiệm trình bày, giải quyết hoặc
trình Ủy ban nhân dân quận - huyện giải quyết các yêu cầu đó theo thẩm quyền.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Căn cứ Quy chế này, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận - huyện
có trách nhiệm cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của Phòng, quyền hạn, trách nhiệm,
chức danh, tiêu chuẩn công chức và người lao động của Phòng phù hợp với đặc điểm
của địa phương, nhưng không trái với nội dung Quy chế này, trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân quận - huyện quyết định để thi hành.
Điều 9. Trưởng Phòng Quản lý đô thị có trách nhiệm thực hiện Quy chế
tổ chức và hoạt động của Phòng Quản lý đô thị sau khi được Ủy ban nhân dân quận
- huyện quyết định. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vấn đề vượt
quá thẩm quyền thì nghiên cứu đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân quận - huyện
xem xét, giải quyết hoặc bổ sung và sửa đổi Quy chế cho phù hợp sau khi có sự
thỏa thuận của Trưởng Phòng Nội vụ./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Chữ ký)
Họ và tên người ký văn bản
|