UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 78/2004/QĐ-UB
|
Tam Kỳ, ngày 11
tháng 10 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG BẢO ĐẢM HẬU CẦN-KỸ
THUẬT KHU VỰC PHÒNG THỦ CỦA TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ vào Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26
tháng11 năm 2003;
Căn cứ số nghị quyết 02/NQ-TW ngày
30/07/1987;
Căn cứ chỉ thị số 56/CT ngày 13/03/1989, Chỉ
thị số 245/CT ngày 02/07/1992 của HĐBT (nay là Chính phủ) về việc xây dựng tỉnh,
thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc;
Theo đề nghị của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tại
Tờ trình số 1058/BCH ngày 17/9/2004;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành "Quy chế hoạt động của Hội đồng bảo đảm Hậu
cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ tỉnh" kèm theo quyết định này;
Điều 2. Quyết định này thay cho Quyết định số 41/1999/QĐ-UB ngày
21/06/1999 của UBND tỉnh Quảng Nam và có hiệu lực kể từ ngày ký;
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành
viên của Hội đồng, các Sở, Ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3.
- Bộ Quốc phòng (b/c)
- Bộ tư lệnh QK 5
- TVTU,HĐND, UBND tỉnh
- UBND các huyện, thị xã
- CPVP
- Lưu VT, NC.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Phúc
|
QUY CHẾ
VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG BẢO ĐẢM HẬU CẦN-KỸ THUẬT KHU VỰC
PHÒNG THỦ TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78/2004/QĐ-UB ngày 11/10/2004 của UBND tỉnh
Quảng Nam )
CHƯƠNG I
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Điều 1. Khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) là một tổ chức Quốc
phòng- An ninh (QP-AN) địa phương theo địa bàn hành chính, là bộ phận hợp
thành, là nền tảng của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân
cả nước được xây dựng vững mạnh về mọi mặt theo kế hoạch chung, thống nhất nhằm
phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ, độc lập, tự lực, ngăn ngừa và đối phó có hiệu
quả mọi tình huống trong cả thời bình lẫn thời chiến để bảo vệ tỉnh (thành phố),
phối hợp với các địa phương, đơn vị khác để bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam
XHCN.
Công tác Hậu cần- Kỹ thuật khu vực phòng thủ (Hậu
cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ) là một mặt của công tác QP-AN địa phương là một
bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác quốc phòng của địa phương, làm nền tảng
tạo ra tiềm lực của nền Quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước sẵn sàng đối
phó thắng lợi trong mọi tình huống bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững
chủ quyền an ninh quốc gia.
Điều 2. Công tác bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ là sự
kết hợp chặt chẽ các hoạt động công tác bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật của các lực lượng
vũ trang địa phương và Hậu cần nhân dân địa phương thành một thể thống nhất để
bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang, lực lượng tham gia chiến đấu,
phục vụ chiến đấu trong khu vực phòng thủ xây dựng, hoạt động và bảo đảm mọi mặt
cho chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ là tổng
hợp các biện pháp, phương thức bảo đảm, nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhu cầu
về vật chất, trang bị kỹ thuật quân sự cho các lực lượng tham gia hoạt động tác
chiến trong khu vực phòng thủ, tổ chức và xây dựng lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật tại
chỗ bảo đảm cho tác chiến liên tục, dài ngày và chi viện cho các đơn vị chủ lực
trên địa bàn và địa phương bạn theo yêu cầu của cấp trên.
CHƯƠNG II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG BẢO ĐẢM HẬU CẦN - KỶ THUẬT KHU VỰC PHÒNG THỦ
Điều 3. Chức năng:
Phối hợp với các ngành có liên quan làm tham mưu
cho Chủ tịch UBND tỉnh trong xây dựng các kế hoạch, xây dựng thế trận, tiềm lực
Hậu cần-Kỹ thuật tại chổ, Hậu cần nhân dân trong khu vực phòng thủ của tỉnh và
đều hành công tác bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật trong khu vực phòng thủ nhằm tạo nên
sức mạnh tổng hợp tại chổ từ thời bình để sẵn sàng bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho
các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong mọi tình huống. Trong
đó cơ quan Hậu cần-Kỹ thuật quân sự địa phương cùng Công an, giữ vai trò làm
tham mưu đề xuất các vấn đề thuộc về bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật cho hoạt động
quân sự và an ninh của khu vực phòng thủ.
Điều 4. Nhiệm vụ
I/ Nhiệm vụ chung: Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh
điều hành, thực hiện các nội dung công việc chính sau:
1/ Thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng
trong các lĩnh vực: Quản lý kinh tế đối ngoại; quản lý xây dựng công nghiệp quốc
phòng; quản lý xây dựng thế trận quốc phòng; quản lý xây dựng tiềm lực quốc
phòng; quản lý các công trình quốc phòng và khu Quân sự; quản lý dự trữ quốc
gia và quản lý công tác phòng thủ dân sự.
2/ Đề xuất và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng
các nội dung, yêu cần Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ cho các ngành, các cấp
thuộc quyền, hướng dẫn làm kế hoạch và chỉ đạo việc phối hợp, hiệp đồng thực hiện
kế hoạch giữa các ngành trong tỉnh, giải quyết tốt mối quan hệ sản xuất với sẵn
sàng chiến đấu, giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng.
3/ Tổ chức kiểm tra, điều chỉnh và bổ sung hoàn
chỉnh kế hoạch kết hợp kinh tế với AN-QP của tỉnh, xây dựng kế hoạch tác chiến
và các kế hoạch bảo đảm, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, Hậu cần-Kỹ thuật
nhân dân, xây dựng các lực lượng bảo đảm, lực lượng dự bị động viên và mạng lưới
bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật tại chỗ, phù hợp với yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới,
tạo nên thế và lực về Hậu cần-Kỹ thuật, sẵn sàng bảo đảm cho các lực lượng tham
gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu giành thắng lợi.
II/ Nhiệm vụ cụ thể:
A/ Nhiệm vụ thời bình: Trên cơ sở kế hoạch phòng
thủ đã được phê duyệt. Hội đồng bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ tham
mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung công việc sau:
1/ Xây dựng kế hoạch KT-XH bảo đảm cho năm đầu
chiến tranh của địa phương, kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời
chiến về công tác Hậu cần-Kỹ thuật, kế hoạch phòng thủ dân sự, hệ thống kế hoạch
bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ trong thời bình, sẵn sàng đáp ứng
yêu cầu cho thời chiến.
2/ Xem xét và quyết định các điều kiện bảo đảm vật
chất từ nguồn ngân sách, vật tư, lao động của tỉnh cho xây dựng khu vực phòng
thủ. Đồng thời chỉ đạo các ngành phát triển sản xuất kinh tế tạo tiềm lực Hậu cần-Kỹ
thuật tại chỗ vững mạnh. Động viên và huy động nhân dân đóng góp sức người, sức
của để xây dựng khu vực phòng thủ ở địa phương.
3/ Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động bảo đảm Hậu
cần-Kỹ thuật cho các lực lượng trong khu vực phòng thủ thực hiện các nhiệm vụ
thời bình sẵn sàng làm nhiệm vụ thời chiến bao gồm: Nhiệm vụ huấn luyện xây dựng
lực lượng, động viên tuyển quân, bảo đảm cho các hoạt động bảo vệ an ninh-chính
trị, các hoạt động phòng thủ dân sự, sơ tán nhân dân, phòng chống khắc phục thảm
họa thiên tai, vv...
4/ Kiểm tra theo dõi, chỉ đạo Hội đồng Hậu cần-Kỹ
thuật khu vực phòng thủ huyện, thị, Ban Hậu cần nhân dân xã, phường, các tổ chức
Hội đồng nhân dân cơ sở trong việc điều hành các hoạt động xây dựng Hậu cần khu
vực phòng thủ ở địa phương.
5/ Theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các ngành kinh tế
- xã hội của tỉnh, huyện (thị) xây dựng các văn kiện bảo đảm và tham gia diễn tập
cơ chế theo kế hoạch hằng năm được UBND tỉnh giao.
B/ Nhiệm vụ thời chiến:
1/Tổ chức điều hành chỉ huy tập trung thống nhất
các hoạt động Hậu cần-Kỹ thuật trong khu vực phòng thủ. Tổ chức phân công, phân
cấp hợp lý, lấy Hậu cần quân sự địa phương làm trung tâm hiệp đồng bảo đảm cho
tác chiến.
2/ Chỉ huy điều hành mọi hoạt động bảo đảm Hậu cần-Kỹ
thuật cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trong khu vực phòng thủ chiến đấu
và phục vụ chiến đấu giành thắng lợi.
3/ Chỉ đạo các lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật trong
khu vực phòng thủ chuẩn bị chu đáo toàn diện về mọi mặt bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật
cho các lực lượng trong khu vực phòng thủ chiến đấu lâu dài. Tham gia chi viện
cho các địa phương bạn và cho cấp trên khi có yêu cầu, vừa chỉ huy bảo đảm cho
tác chiến vừa chỉ đạo sản xuất phục vụ đời sống nhân dân trong chiến tranh.
4/ Thường xuyên nắm vững tình hình quân sự của địa
phương, diễn biến chiến đấu, những yêu cầu về công tác bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật
khu vực phòng thủ và chủ động kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp bảo
đảm.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động:
1/ Hội đồng bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực
phòng thủ tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, có chức năng
phối hợp với các ngành có liên quan làm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch,
tổ chức điều hành công tác bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ, lấy Hậu
cần quân sự địa phương cùng Hậu cần Công an làm trung tâm, các ngành kinh tế-xã
hội làm tham mưu theo chức năng.
2/ Các thành viên trong Hội đồng trực tiếp chỉ đạo,
chỉ huy và chịu trách nhiệm về công tác của ngành mình phụ trách, làm tham mưu
giúp chính quyền điều hành công tác Hậu cần khu vực phòng thủ của tỉnh.
CHƯƠNG III
CƠ CẤU TỔ CHỨC, QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 5. Cơ cấu tổ chức:
1/ Hội đồng bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực
phòng thủ tỉnh thực hiện theo Quyết định số 3221/ QĐ-UB ngày 16/07/2004 của Chủ
tịch UBND tỉnh.
2/ Hội đồng được phân thành 2 khối và ban thường
trực Hội đồng:
a) Khối kinh tế xã hội gồm: 9 thành viên bao gồm
các giám đốc Sở: Kế hoach & Đầu tư, Y tế, Giao thông vận tải, Tài chính,
Thương mại, Du lịch, Công nghiệp, Nông nghiệp& Phát triển nông thôn, Công
ty cổ phần Lương thực và dịch vụ Quảng Nam do đồng chỉ Giám đốc Sở Kế hoach
& Đầu tư phụ trách.
b) Khối Quốc phòng an ninh gồm 05 thành viên:
Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ nhiệm Hậu cần, Chủ nhiệm Kỹ thuật
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Chủ nhiệm Hậu cần Bộ đội Biên phòng và trưởng phòng Hậu
cần Công an tỉnh do đồng chí phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phụ
trách.
Điều 6. Quy chế hoạt động:
1/ Hội đồng bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực
phòng thủ tỉnh là một tổ chức tư vấn giúp UBND tỉnh về công tác bảo đảm Hậu cần-Kỹ
thuật trong khu vực phòng thủ tỉnh. Được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập
trung dân chủ (tập thể lãnh đạo phân công cá nhân phụ trách). Có nhiệm vụ tổ chức
điều hành phối hợp với các hoạt động bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật nhằm thực hiện
các nhiệm vụ Quốc phòng về công tác Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ.
2/ Hội đồng hoạt động theo sự chỉ đạo trực tiếp
của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở kế hoạch công tác QP-AN của địa phương được
triển khai định kỳ hoặc do yêu cầu khẩn cấp của công tác QP-AN đặt ra của địa
phương.
3/ Các thành viên của Hội đồng vừa thực hiện
công tác của Hội đồng theo chuyên ngành được phân công, vừa là đại diện cho cơ
quan có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng cho cơ
quan thuộc quyền.
4/ Chế độ sinh hoạt của Hội đồng.
a) Trong thời bình, Hội đồng tổ chức sơ kết theo
định kỳ 1 năm 1 lần để đánh giá rút kinh nghiệm trong kỳ hoạt động và đề ra kế
hoạch triển khai công tác Hậu cần-Kỹ thuật tiếp theo phù hợp với yêu cầu của
tình hình và nhiệm vụ được giao.
b) Trong thời chiến Chủ tịch Hội đồng và các
thành viên phải thường xuyên nắm vững tình hình quân sự của địa phương, diễn biến
chiến đấu, những yêu cầu công tác bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ và
chủ động kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp bảo đảm. Tổ chức họp đột xuất
theo yêu cầu nhiệm vụ.
c) Trong chiến đấu Chủ tịch Hội đồng bảo đảm Hậu
cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ trực tiếp điều hành các lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật
của khu vực phòng thủ nhằm phục vụ kịp thời cho chiến đấu.
Điều 7. Nhiệm vụ của Chủ tịch,
Phó Chủ tịch và các khối trong Hội đồng.
1/ Chủ tịch Hội đồng:
a) Điều hành các hoạt động của Hội đồng, chỉ đạo
các khối cơ quan thường trực hoạt động theo đúng chức năng được giao.
b) Phân công nhiệm vụ và kiểm tra kết quả thực
hiện của từng thành viên trong Hội đồng của cấp mình và cấp dưới.
c) Chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành thuộc trách nhiệm
của từng thành viên trong Hội đồng phụ trách, xây dựng bảo đảm mạng lưới Hậu cần-Kỹ
thuật tại chổ trong khu vực phòng thủ, chuẩn bị sẵn các kế hoạch chuyển hoạt động
của địa phương từ trạng thái thời bình sang thời chiến, đồng thời thực hiện chỉ
tiêu kế hoạch Nhà nước về bảo đảm nhu cầu động viên Quân đội theo hướng dẫn của
cơ quan quân sự địa phương.
d) Điều hành các tổ chức Hậu cần-Kỹ thuật thuộc
quyền tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ
theo kế hoạch đã xây dựng thống nhất.
e) Quyết định những công việc thuộc phạm vi quyền
hạn của Hội đồng.
f/ Báo cáo tình hình mọi mặt cho Chủ tịch UBND tỉnh
theo quy định.
2/ Phó Chủ tịch Hội đồng:
a) Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các hoạt động của
khối mình đảm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch.
b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng (Khi được ủy quyền)
chỉ đạo điều hành mọi mặt hoạt động của Hội đồng theo chức năng, nhiệm vụ.
3/ Nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng:
a) Cùng với các thành viên trong Hội đồng phối hợp
dự thảo chương trình hoạt động và dự toán nguồn ngân sách hoạt động của Hội đồng.
Thường xuyên thông tin kịp thời các tình hình có liên quan đến công tác bảo đảm
Hậu cần trong khu vực phòng thủ đến các thành viên của Hội đồng và phản ánh kịp
thời với Chủ tịch Hội đồng.
b) Chuẩn bị nội dung triệu tập các lớp tập huấn
hội thảo, hội nghị hằng năm và các nội dung cho các phiên họp thường kỳ của Hội
đồng.
c) Theo dõi và triển khai thực hiện các kết luận
của Hội đồng, thực hiện định kỳ báo cáo và thông tin kịp thời tình hình có liên
quan đến các thành viên trong Hội đồng và báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh về kết
quả thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của Hội đồng.
4/ Nhiệm vụ các khối:
a) Nhiệm vụ của khối Quốc phòng- An ninh:
-Tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng xây dựng các kế
hoạch Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ tỉnh và báo cáo nhiệm vụ Quân sự có
yêu cầu bảo đảm về Hậu cần-Kỹ thuật, cùng các cơ quan có liên quan của các Sở,
Ban, Ngành trực thuộc UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch Hậu cần-Kỹ thuật khu vực
phòng thủ và giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức thực hiện.
- Chỉ huy điều hành và tổ chức bảo đảm Hậu cần-Kỹ
thuật cho các lực lượng vũ trang, lực lượng an ninh ở địa phương xây dựng, huấn
luyện sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ QP-AN của khu vực phòng thủ trong
thời bình và thời chiến.
- Triển khai các hoạt động lao động sản xuất, tạo
nguồn Hậu cần-Kỹ thuật tại chổ đáp ứng yêu cầu bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật cho các
lực lượng địa phương ngày càng vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế ở địa
phương.
- Tổ chức xây dựng lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật
quân sự địa phương, Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, lấy Hậu
cần-Kỹ thuật quân sự địa phương làm nòng cốt cho hậu cần khu vực phòng thủ,
tham gia xây dựng và bảo vệ hậu phương, xây dựng mạng lưới Hậu cần-Kỹ thuật
nhân dân địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển của Hậu cần-Kỹ thuật khu vực
phòng thủ.
- Tổ chức quản lý về Hậu cần-Kỹ thuật khu vực
phòng thủ theo đúng quy định quản lý của ngành Hậu cần-Kỹ thuật Quân đội, nâng
cao chất lượng hiệu quả công tác bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ.
- Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ
chức chỉ đạo điều hành công tác hậu cần khu vực phòng thủ.
b) Nhiệm vụ của khối KT-XH:
- Các thành viên theo quyền hạn chức trách đảm
nhiệm tổ chức triển khai cho ngành mình sản xuất phát triển kinh tế, tạo nguồn
vật chất đáp ứng yêu cầu đời sống nhân dân. Tích lũy dự trữ vật chất theo chỉ
tiêu kế hoạch trên giao cho nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ và các nhiệm vụ
khác ở địa phương.
- Tổ chức xây dựng lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật từ
các ngành KT-XH của tỉnh có đủ năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ
quân sự khi có chiến tranh xảy ra.
- Tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng triển khai các
chương phát triển KT-XH kết hợp với Quốc phòng- An ninh ở địa phương theo kế hoạch,
triển khai thực hiện tốt kế hoạch số 04/KH-UB ngày 17/02/2003 của UBND tỉnh về
việc xây dựng tỉnh Quảng Nam thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc
giai đoạn 2001 - 2010 . Thường xuyên nắm chắc tình hình KT-XH của địa phương,
cơ quan, đơn vị về nhiệm vụ bảo đảm Hậu cần-Kỹ thuật cho khu vực phòng thủ theo
chức năng đảm nhiệm, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh của
ngành mình với cơ quan thường trực Hội đồng.
Điều 8. Quyền hạn của Hội đồng.
1/ Kiểm tra, giám sát các thành viên trong Hội đồng
và Hội đồng (Ban) bảo đảm Hậu cần - Kỹ Thuật ở cấp dưới trong việc thực hiện chỉ
tiêu kế hoạch công tác bảo đảm HC-KT thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng
thủ tỉnh và xây dựng nền QP-AN ở địa phương, đã được chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn.
2/ Tổ chức thực hiện và vận động nhân dân thực
hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về việc huy động nhân tài, vật lực phục vụ
cho chiến tranh.
3/ Được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông báo tình hình
nhiệm vụ chính trị, chủ trương lãnh đạo, kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện
hàng quý, năm.
4/ Đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xét
khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân, địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm
vụ xây dựng Hậu cần-Kỹ thuật khu vực phòng thủ ở địa phương.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Cơ quan thường trực của Hội đồng, cùng với các thành viên của
Hội đồng có trách nhiệm triển khai thực hiện quy chế này.
Điều 10. Trong quá trình thực
hiện quy chế này có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình địa phương./.