ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 769/QĐ-UBND
|
Khánh Hòa,
ngày 20 tháng 3 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA SỞ GIAO
THÔNG VẬN TẢI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRONG CÔNG TÁC
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường
bộ ngày 28 tháng 10 năm 2008;
Căn cứ Luật Giao thông đường
thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Quyết định số
2994/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc
kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận
tải;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Giao thông vận tải tại Công văn số 193/SGTVT-VP ngày 24 tháng 01 năm 2018 và
Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 519/SNV-TCBC ngày 09 tháng 3 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối
hợp giữa Sở Giao thông vận tải với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải, gồm 3 Chương, 13
Điều.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc
Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Đức Vinh
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI VỚI ỦY
BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC LĨNH
VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 769/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2018 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Để tiếp tục thực hiện cải cách
hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới cơ chế phối hợp và phân
định trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải (sau đây viết tắt là
GTVT) giữa Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
(sau đây viết tắt là UBND cấp huyện), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối
hợp công tác giữa Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện trong quản lý nhà nước
trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn cấp huyện như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định về phối hợp công tác
quản lý trong lĩnh vực GTVT giữa Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện; phân
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Sở GTVT và UBND cấp huyện
trong lĩnh vực quản lý, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực GTVT trên
địa bàn cấp huyện.
Điều 2. Sở GTVT Khánh Hòa là cơ quan chuyên môn của
Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức thực hiện chức
năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT. Giám đốc Sở GTVT chịu trách nhiệm cá
nhân trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về toàn bộ kết quả, hiệu quả của công
tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT, được quyền quyết định và giải quyết
các vấn đề do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phân công, phân cấp quản lý.
Điều 3. UBND cấp huyện là cơ quan hành chính nhà nước
ở địa phương, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước trong lĩnh vực
GTVT thuộc địa bàn cấp huyện. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm cá nhân
trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân cùng cấp về toàn bộ kết
quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT thuộc địa bàn cấp huyện,
được quyền quyết định và giải quyết các vấn đề do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
phân công, phân cấp quản lý.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI
HỢP GIỮA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ UBND CẤP HUYỆN TRONG LĨNH VỰC GTVT
Điều 4. Phối hợp trong công tác xây dựng quy hoạch, kế
hoạch, đề án
Dự thảo quyết định, chỉ thị,
quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm, chương trình, dự án về giao thông vận tải;
các biện pháp tổ chức thực hiện cải cách hành chính về giao thông vận tải thuộc
phạm vi quản lý nhà nước được giao;
Các dự án đầu tư về giao thông
vận tải trên địa bàn cấp huyện;
Tổ chức thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông vận tải được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục,
theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn cấp huyện về các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý nhà nước được giao;
Phối hợp trong việc đầu tư mở rộng,
nâng cấp mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh phù hợp với kế hoạch, quy hoạch
phát triển giao thông trong từng giai đoạn;
Đầu mối thực hiện tại Sở Giao
thông vận tải là Phòng Quản lý chất lượng và an toàn giao thông, đầu mối thực
hiện tại UBND cấp huyện là Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng.
Điều 5. Phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu
hạ tầng giao thông
Phối hợp trong tổ chức quản lý,
bảo trì, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông
đường bộ, đường thủy nội địa địa phương đang khai thác thuộc trách nhiệm của tỉnh
quản lý hoặc được ủy thác quản lý trên địa bàn cấp huyện;
Phối hợp trong công tác thực hiện
các biện pháp bảo vệ đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, công trình
giao thông và quản lý mốc lộ giới trên địa bàn cấp huyện theo quy định của pháp
luật, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan quản lý nhà nước
chuyên ngành; cấp phép thi công các công trình thiết yếu, công trình giao thông
trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông;
Phối hợp trong công tác kiểm
kê, phân loại, áp giá và hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ;
Phối hợp, theo dõi đánh giá về
công tác giao thông nông thôn trên địa bàn cấp huyện;
Lấy ý kiến UBND cấp huyện đối với
các dự án xây dựng công trình trên đường thủy nội địa địa phương và tuyến
chuyên dùng nối với tuyến đường thủy nội địa địa phương theo quy định; cấp phép
thi công trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa đang khai thác do địa
phương quản lý hoặc Trung ương ủy thác quản lý;
Phối hợp trong tổ chức quản lý
công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ và đảm bảo giao thông các tuyến giao thông
thủy - bộ do tỉnh quản lý. Phối hợp, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho cấp huyện
trong công tác xây dựng, duy tu bảo dưỡng và đảm bảo giao thông các tuyến đường
do cấp huyện quản lý;
Đầu mối thực hiện tại Sở Giao
thông vận tải là Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, đầu mối thực hiện tại
UBND cấp huyện là Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng.
Điều 6. Phối hợp trong công tác quản lý vận tải đường
bộ, đường thủy nội địa, quản lý phương tiện và người lái
Lấy ý kiến UBND cấp huyện trong
việc phân loại đường thủy nội địa; công bố luồng, tuyến đường thủy nội địa theo
thẩm quyền; chấp thuận chủ trương xây dựng cảng, bến thủy nội địa; công bố cảng
thủy nội địa; cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo thẩm quyền;
Phối hợp UBND cấp huyện trong
quản lý nhà nước tại bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và cảng, bến thủy nội
địa trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa do cấp huyện quản lý;
Phối hợp UBND cấp huyện trong
thực hiện việc đăng ký phương tiện giao thông đường thủy nội địa; trong công
tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, giấy phép, chứng
chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa;
Phối hợp với UBND cấp huyện triển
khai thực hiện các chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng theo quy
định của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện việc quản lý vận tải đường bộ,
đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra xây dựng
và công bố bến xe, điểm đỗ xe taxi, điểm đón, trả khách trên địa bàn theo quy
hoạch được phê duyệt; quản lý các tuyến vận tải hành khách; tổ chức quản lý dịch
vụ vận tải hành khách trên địa bàn;
Đầu mối thực hiện tại Sở Giao
thông vận tải là Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, đầu mối thực
hiện tại UBND cấp huyện là Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng.
Điều 7. Phối hợp trong công tác an toàn giao thông
Phối hợp với UBND cấp huyện triển
khai thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa,
hàng hải và hàng không xảy ra trên địa bàn cấp huyện theo quy định của pháp luật
và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp xử lý tai nạn giao thông trên địa
bàn khi có yêu cầu;
Tổ chức thực hiện các biện pháp
phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ngăn chặn và xử
lý các hành vi xâm phạm công trình giao thông, lấn chiếm hành lang an toàn giao
thông;
Lấy ý kiến UBND cấp huyện khi
trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về tổ chức giao thông trên mạng lưới
giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp
luật;
Phối hợp UBND cấp huyện trong
công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao
thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và bảo vệ công trình giao thông, bảo
vệ hành lang an toàn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm
vi nhiệm vụ được giao; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng
theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền;
Phối hợp trong công tác thông
tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Ủy
ban nhân dân tỉnh và Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
Đầu mối thực hiện tại Sở Giao
thông vận tải là Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái và Thanh tra Sở,
đầu mối thực hiện tại UBND cấp huyện là Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế
và hạ tầng.
Điều 8. Phối hợp trong công tác phòng chống, khắc phục
hậu quả lụt bão và các sự cố phát sinh
Xây dựng và thực hiện phương án
phòng chống lụt bão, đảm bảo giao thông. Quyết định hạn chế lưu thông vận tải
hoặc cấm lưu thông trên các tuyến đường tỉnh khi xét thấy việc lưu thông vận tải
không đảm bảo an toàn và gây phương hại tới các công trình giao thông;
Phối hợp trong thực hiện việc
phòng chống, khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và xử lý kịp thời các sự cố
phát sinh trên các tuyến đường giao thông do tỉnh quản lý;
Hỗ trợ kinh phí, phương tiện
cho UBND cấp huyện khắc phục hậu quả lũ lụt, các công trình giao thông nông
thôn khi có sự cố nghiêm trọng, khối lượng khắc phục lớn mà điều kiện kinh phí,
phương tiện vượt quá khả năng của UBND cấp huyện;
Đầu mối thực hiện tại Sở Giao
thông vận tải là Phòng Quản lý kết cấu, hạ tầng giao thông, đầu mối thực hiện tại
UBND cấp huyện là Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng.
Điều 9. Phối hợp trong công tác cán bộ
Phối hợp UBND cấp huyện trong
công tác xây dựng dự thảo quy định về điều kiện, tiêu chuẩn chức danh Trưởng,
Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng thuộc UBND
cấp huyện trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý;
Phối hợp trong công tác quy hoạch,
đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành GTVT. Thực hiện tiêu chuẩn chức danh chuyên
môn, nghiệp vụ. Hướng dẫn kiểm tra công tác đào tạo, sử dụng cán bộ công chức
ngành GTVT ở địa phương theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện công tác
kiểm tra, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực GTVT theo thẩm quyền được pháp
luật quy định;
Đầu mối thực hiện tại Sở Giao
thông vận tải là Văn phòng Sở, Thanh tra Sở; đầu mối thực hiện tại UBND cấp huyện
là phòng chuyên môn liên quan thuộc UBND cấp huyện.
Điều 10. Phối hợp trong công tác khác
Phối hợp UBND cấp huyện trong
quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư
nhân; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đối với các hội và tổ chức phi chính phủ
thuộc lĩnh vực GTVT;
Phối hợp trong công tác quản lý
trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg
ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập
lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020;
Hàng năm họp triển khai, tổng kết
đánh giá hoạt động chuyên ngành các Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và hạ tầng
thuộc UBND cấp huyện;
Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ
về lĩnh vực GTVT đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Điều 11. UBND cấp huyện lấy ý kiến của Sở Giao thông
vận tải trong các nội dung:
Xây dựng và tổ chức thực hiện
các quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT của cấp huyện trên cơ sở quy hoạch, kế
hoạch chung của tỉnh trong từng giai đoạn;
Tổ chức thực hiện các chương
trình, dự án liên quan đến phát triển mạng lưới GTVT trên địa bàn cấp huyện
theo phân cấp. Lấy ý kiến trong quản lý hệ thống giao thông, các bến xe, bến
tàu, bến đò theo phân cấp quản lý của tỉnh;
Tổ chức giáo dục, tuyên truyền
và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về GTVT và các chủ trương, chính
sách của tỉnh có liên quan đến lĩnh vực GTVT trên địa bàn cấp huyện.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 12. Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu trách
nhiệm tổ chức triển khai và thực hiện Quy chế này đến các phòng ban, đơn vị trực
thuộc Sở.
Điều 13. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ
chức triển khai và thực hiện Quy chế này đến các cơ quan, đơn vị cấp huyện và
UBND cấp xã.
Trong quá trình triển khai thực
hiện, nếu có vướng mắc, các phòng, ban tham mưu của Sở Giao thông vận tải và
UBND cấp huyện kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.