UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 746/2006/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày 20 tháng 3 năm
2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI
VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 29/2005/NQ – HĐND ngày 28 tháng 12 năm
2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá về việc quy định chế độ trợ cấp đối
với cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại tờ trình số 44/SNV-
ĐT ngày 19 tháng 01 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên
chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính
trị trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. Phạm vi, đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp:
1. Phạm vi áp dụng: áp dụng chung đối với cán bộ, công chức
trong các đơn vị hành chính, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước, cơ
quan Đảng, Đoàn thể trong diện quy hoạch; cán bộ, công chức cấp xã được cơ quan
có thẩm quyền cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận
chính trị tại các cơ sở đào tạo của Đảng và Nhà nước.
2. Đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp:
a) Cán bộ, công chức hành chính trong diện quy hoạch, đang
công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Đoàn thể cấp tỉnh, huyện, thị xã,
thành phố được tỉnh uỷ, UBND tỉnh cử đi đào tạo hệ chính quy ở các trình độ
sau:
- Lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân, Thạc sỹ, tiến sỹ.
(đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý).
- Chuyên môn: Tiến sỹ, thạc sỹ ở các lĩnh vực, chuyên ngành
cần thiết phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh .
b) Cán bộ, viên chức các đơn vị sự nghiệp Nhà nước trong
diện quy hoạch được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cử đi đào tạo trình độ Tiến sỹ, thạc sỹ;
bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II, dược sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II, hệ chính
quy ở một số lĩnh vực, chuyên ngành cần thiết .
c) Cán bộ, công chức các xã vùng cao, vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo đạt chuẩn về
chuyên môn, lý luận chính trị theo quy hoạch của xã. (các xã được được Ban Dân
tộc – Miền núi Trung ương quyết định công nhận).
II. Mức trợ cấp:
Cán bộ, công chức trong các đơn vị hành chính, viên chức
trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước, cơ quan Đảng, Đoàn thể; cán bộ, công chức
cấp xã thuộc đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp đào tạo, trong thời gian đi
học được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có) và được hưởng thêm trợ cấp theo
các mức sau đây (trợ cấp tính theo tháng thực học):
1. Trợ cấp đào tạo sau đại học .
a) Đào tạo ở trong nước:
- Đào tạo Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa cấp II, Dược sỹ chuyên
khoa cấp II mỗi tháng được trợ cấp 700.000 đ (bằng 2 lần mức lương tối thiểu
hiện hành ).
- Đào tạo Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa cấp I, Dược sỹ chuyên
khoa cấp I mỗi tháng được trợ cấp 560.000đ (năm trăm sáu mươi ngàn đồng, bằng
80% mức hỗ trợ tiến sỹ)
b) Đào tạo ở nước ngoài:
- Học sau đại học tại các trường đại học ở Nước ngoài được
tỉnh đầu tư kinh phí đào tạo theo quy định của Chính phủ (trừ những trường hợp
đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình dự án).
2. Trợ cấp bảo vệ thành công luận án. (áp dụng chung cho hệ
đào tạo chính quy và không chính quy)
- Tiến sỹ; Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa cấp II: 10.000.000đ
(mười triệu đồng).
- Thạc sỹ; Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa cấp I: 5.000.000đ
(năm triệu đồng).
3. Hỗ trợ khi được Nhà nước phong học hàm:
- Giáo sư được hỗ trợ: 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng).
- Phó giáo sư được hỗ trợ: 10.000.000 đ (mười triệu đồng).
4. Trợ cấp đào tạo Cử nhân, Cao cấp lý luận chính trị:
- Đào tạo trong tỉnh; mỗi tháng quy chuẩn trợ cấp 450.000đ
(bốn trăm năm mươi ngàn đồng (theo quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BTC).
- Học tại cơ sở đào tạo ở ngoài tỉnh mỗi tháng trợ cấp
500.000đ (năm trăm ngàn đồng).
5. Đào tạo đại học, trung cấp chuyên môn, lý luận chính trị:
- Cán bộ, công chức các xã thuộc vùng 135 nơi có điều kiện
kinh tế đặc biệt khó khăn, mức trợ cấp 400.000đ/ tháng (bốn trăm ngàn đồng,
theo quy định của Thông tư số 79/2005/TT-BTC).
6. Cán bộ nữ tăng thêm 50.000đ/người/tháng, cán bộ nữ đang
nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi tăng thêm 100.000đ/người/tháng (áp dụng cho tất
cả các bậc học, loại hình đào tạo).
Điều 2. Tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức được đi đào tạo:
- Cán bộ, công chức, viên chức được đi đào tạo phải trong
nguồn quy hoạch cán bộ của cơ quan, đơn vị được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh phê duyệt
trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, gồm: Trưởng phòng, Phó trưởng
phòng, Chuyên viên chính thuộc cơ quan quản lý nhà nước; Viên chức là Trưởng
phòng (khoa), Phó trưởng phòng (khoa), giảng viên chính (và tương đương), bác
sỹ, dược sỹ chính đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp Nhà nước trong tỉnh.
- Người được cử đi học sau đại học, cao cấp lý luận chính
trị ở độ tuổi từ 30 đến 45 tuổi (đối với nữ); từ 30 đến 50 tuổi (đối với nam);
- Phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liên tục trở lên.
* Riêng cán bộ, công chức các xã vùng cao, vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phải trong kế hoạch đào tạo được Chủ tịch
UBND huyện duyệt hàng năm.
Điều 3. Quản lý và sử dụng sau khi đào tạo:
- Việc cử cán bộ, công chức đi học phải dựa trên cơ sở cơ
quan, đơn vị có nhu cầu và phải cân đối cơ cấu, chủng loại, đồng thời phải bảo
đảm sự hoạt động bình thường và hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan.
- Tính theo số biên chế của cơ quan, đơn vị: Dưới 30 biên
chế, số người đi học không quá 10%; dưới 50 biên chế số người đi học không quá
8%; từ 50 biên chế trở lên số người đi học không quá 5%;
- Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại
học phải có bản cam kết sau khi học xong trở về cơ quan cũ hoặc các đơn vị
trong tỉnh theo sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền: đối với Tiến sỹ,
bác sỹ chuyên khoa cấp II ít nhất là 9 năm; thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp I
ít nhất là 6 năm.
- Nếu không trở về tỉnh công tác hoặc không chấp hành sự
phân công, điều động của cấp có thẩm quyền, thì phải hoàn trả toàn bộ kinh phí
đào tạo và các chế độ trợ cấp khác đã nhận trong quá trình đào tạo, chi phí trả
cho người làm thay công việc được giao (nếu có), trường hợp sau một thời gian
công tác tại tỉnh được thuyên chuyển ra ngoài tỉnh nhưng chưa hoàn thành thời
gian công tác theo quy định trên, phải hoàn trả một phần kinh phí đào tạo và
các chế độ trợ cấp khác đã nhận trong quá trình đi đào tạo. (áp dụng theo quy
định tại Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về
chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức).
Điều 4. Nguồn kinh phí và phương thức chi trả:
1. Nguồn kinh phí trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức
Nhà nước và cán bộ, công chức cấp xã được cân đối trong kế hoạch ngân sách hàng
năm của tỉnh.
2. Kinh phí trợ cấp hàng tháng cho cán bộ, công chức, viên
chức được cử đi đào tạo do cơ quan, đơn vị có người đi học chi trả trong nguồn
kinh phí chi thường xuyên được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.
3. Kinh phí hỗ trợ cán bộ, công chức bảo vệ luận án tốt
nghiệp sau đại học; phong học hàm giáo sư, phó giáo sư do Sở Nội vụ tổng hợp và
chi trả theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt hằng năm.
Điều 5. Thẩm quyền cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo:
- Sở Nội vụ căn cứ vào Quy định phân cấp quản lý cán bộ,
công chức trong từng thời kỳ, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thẩm
quyền cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo
Điều 6. Tổ chức thực hiện:
Hằng năm các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành
phố căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch cử cán
bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch đi đào tạo trình Tỉnh uỷ, UBND
tỉnh phê duyệt.
Giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở
Tài chính trên cơ sở Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của các Sở, ban,
ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp trình UBND tỉnh phê
duyệt.
Sở Tài chính phố hợp Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Kế hoạch - Đầu
tư, Sở nội vụ căn cứ Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã được UBND
tỉnh phê duyệt hàng năm dự trù kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt.
Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các
ngành các cấp để tổ chức thực hiện; đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành có
liên quan, định kỳ tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thực hiện kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.
Điều 7.
Quyết định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.
Bãi bỏ Quyết định số 1926 TC/UBTH ngày 14/10/1995 của Chủ
tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về quy định trợ cấp cho cán bộ cơ sở, công chức, viên
chức đi học.
Bãi bỏ mục 4 điều II (Về đào tạo, bồi dưỡng) Quy định tạm
thời chế độ ưu đãi đối với giảng viên giảng dạy hệ đại học ở trường Đại học
Hồng Đức ban hành kèm theo Quyết định số 2210/1999/QĐ-UB ngày 13/10/1999 của
UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, cơ quan ngang
Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tư pháp; (để báo cáo)
- Thường trực TU;
- Thường trực HĐND;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 7 QĐ (để thực hiện);
- Lưu: VT, TC (2).
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Lợi
|