THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 619/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày
08 tháng 5 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
ỦY BAN SÔNG MÊ CÔNG VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6
năm 2012;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 23 tháng 6 năm
2014;
Căn cứ Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững
Lưu vực sông Mê Công ký ngày 05 tháng 4 năm 1995 giữa Chính phủ 4 nước:
Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04
tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12
tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ
chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Vị trí và chức năng
1. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam
là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các
hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả
và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê
Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt
Nam, theo quy định của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê
Công, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có
liên quan.
2. Ủy ban sông Mê Công Việt
Nam được sử dụng con dấu hình quốc huy và có tài khoản riêng theo quy định của
pháp luật.
3. Ủy ban sông Mê Công Việt
Nam có trụ sở tại số 23 Hàng Tre, thành phố Hà Nội và Văn phòng đại diện tại
thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Nghiên cứu, đề xuất với
Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng,
liên ngành, liên quốc gia trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực
sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam:
a) Chiến lược hoạt động của Ủy
ban sông Mê Công Việt Nam; các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính
phủ chỉ đạo các hoạt động hợp tác, các chương trình, đề án, dự án về phát triển
bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên
quan trên lưu vực;
b) Kiến nghị xây dựng, sửa đổi,
bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách (kể cả khung pháp lý
quốc tế và khu vực) về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài
nguyên nước và môi trường trên lưu vực;
c) Kiến nghị các giải pháp bảo
đảm thực hiện hiệu quả các chiến lược và quy hoạch (khu vực và quốc gia) về tài
nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan trên lưu vực;
d) Kiến nghị các giải pháp
giải quyết tranh chấp, vướng mắc giữa các Bộ, ngành, địa phương và giữa Việt
Nam với các quốc gia trong Lưu vực sông Mê Công trong phát triển bền vững, sử dụng,
quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên lưu vực;
đ) Kiến nghị các giải pháp ứng
phó với các diễn biến bất thường, các tác động tiềm tàng tới Việt Nam do các hoạt
động phát triển thượng nguồn và biến đổi khí hậu trên cơ sở giám sát và nghiên
cứu trên lưu vực;
e) Kiến nghị về hợp tác Mê
Công trên cơ sở kết quả tham gia các Hội nghị của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.
2. Giúp Thủ tướng Chính phủ
chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối
tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên Lưu vực sông Mê
Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam
sau đây:
a) Triển khai thực hiện các
chương trình, đề án, dự án theo thẩm quyền cho ý kiến bằng văn bản quy định tại
Khoản 1 Điều 2 Quyết định này;
b) Vận hành các công trình
điều tiết, sử dụng nước quy mô lớn, bao gồm cả các công trình thủy điện trên
dòng chính sông Mê Công;
c) Điều hòa, phân phối nguồn
nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt; duy trì dòng
chảy tối thiểu;
d) Giám sát, ứng phó, khắc
phục tác hại và sự cố ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động khai thác, sử dụng nước
và xả thải vào nguồn nước gây ra; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn
nước;
đ) Các dự án gia cố cải tạo
lòng, bờ sông; khai thác khoáng sản khác trên sông, suối, hồ chứa; xây dựng các
công trình thủy và các dự án, công trình khác trong phạm vi hành lang bảo vệ
nguồn nước trên lưu vực sông;
e) Cải tạo, khôi phục nguồn
nước, bảo tồn các hệ sinh thái, cải thiện chất lượng nước, các khu đất ngập nước…;
g) Cung cấp thông tin về diễn
biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài
nguyên nước và tài nguyên liên quan cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong và
ngoài nước;
h) Bảo vệ, phục hồi và phát
huy các giá trị di sản văn hóa liên quan đến tài nguyên nước, như du lịch, thể
dục, thể thao, vui chơi giải trí ...
3. Giúp Thủ tướng Chính phủ
đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan:
a) Thực hiện Hiệp định Hợp
tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công và các quy chế, thủ tục liên quan;
b) Thực hiện các quy hoạch
tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh; quy hoạch môi trường và chuyên ngành có
khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê
San - Srêpốk;
c) Thực hiện các chương
trình, đề án, dự án đã được phê duyệt trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê
San- Srêpốk.
4. Phối hợp với các Bộ,
ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan trình Thủ tướng Chính phủ
các chương trình, đề án, dự án, hoạt động về phát triển bền vững, sử dụng, quản
lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê
Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.
5. Có ý kiến bằng văn bản,
trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đối
với các quy hoạch tài nguyên nước tới cấp tỉnh, thành phố; quy hoạch chuyên
ngành của các Bộ, ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước (thủy lợi, thủy
điện, cấp nước, giao thông đường thủy nội địa, thủy sản…) trên các Lưu vực sông
Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.
6. Có ý kiến bằng văn bản,
trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đối
với các chương trình, đề án, dự án, hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng,
quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê
Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San-Srêpốk.
7. Là đầu mối hợp tác với
các quốc gia trong lưu vực Mê Công, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc
tế để cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu
vực sông Mê Công.
8. Tổ chức nghiên cứu khoa học
công nghệ và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của các hoạt động phát
triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn tới các vùng lãnh thổ của
Việt Nam thuộc Lưu vực sông Mê Công trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tác động của
các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong lưu vực sông Mê
Công có tác động xuyên biên giới.
9. Theo dõi, giám sát diễn
biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài
nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công nhằm đảm bảo sử dụng
công bằng và hợp lý nguồn nước sông Mê Công, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam
thông qua quy hoạch tổng thể, các dự án hợp tác và nghiên cứu khoa học công nghệ
cho lưu vực Mê Công, đặc biệt là các dự án trên dòng chính.
10. Xây dựng cơ sở dữ liệu về
tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả
các lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk, phục vụ công tác chỉ đạo, điều
phối, giám sát của Ủy ban.
11. Tổ chức tuyên truyền về
phát triển bền vững, sử dụng, quản lý hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước và tài
nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công.
12. Huy động các nguồn lực
trong nước và quốc tế để hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên nước
và bảo vệ môi trường trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.
13. Thực hiện các nhiệm vụ
quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao, phân công.
Điều 3.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam
1. Chủ tịch: Phó Thủ tướng
Chính phủ.
2. Phó Chủ tịch Thường trực
kiêm Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam: Bộ trưởng Bộ
Tài nguyên và Môi trường.
3. Các Phó Chủ tịch: Thứ trưởng
các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
4. Các Ủy viên:
a) Phó Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ;
b) Thứ trưởng các Bộ: Tài
nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và
Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng,
Công an;
c) Chánh Văn phòng Ủy ban
sông Mê Công Việt Nam kiêm Ủy viên Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế
của Việt Nam;
d) Cục trưởng Cục Quản lý
Tài nguyên nước;
đ) Tổng Cục trưởng Tổng cục
Môi trường;
e) Tổng Cục trưởng Tổng cục
Thủy lợi;
g) Tổng Cục trưởng Tổng cục
Phòng, chống thiên tai;
h) Đại diện lãnh đạo của Ủy
ban nhân dân các tỉnh/thành phố thuộc lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Sê
San -Srêpốk gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đắc Lắk, Đắc
Nông, Đồng Tháp, Gia Lai, Hậu Giang, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Long An,
Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
5. Các đại diện lãnh đạo Tập
đoàn Điện lực Việt Nam và một số tổ chức khai thác, sử dụng nước, xả nước thải
vào nguồn nước với quy mô lớn hoặc có tác động lớn tới nguồn nước của lưu vực
sông; các nhà khoa học; các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan được mời
tham gia các cuộc họp của Ủy ban và các Tiểu ban khi cần thiết.
6. Các Tiểu ban: Ủy ban sông
Mê Công Việt Nam có Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban lưu vực sông Sê
San - Srêpốk.
Điều 4.
Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam
1. Văn phòng Thường trực Uỷ
ban sông Mê Công Việt Nam là tổ chức giúp việc Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam, đặt
tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Lãnh đạo Văn phòng Thường
trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có Chánh Văn phòng, không quá 03 Phó Chánh
Văn phòng chuyên trách do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch
Thường trực Ủy ban bổ nhiệm, miễn nhiệm.
3. Văn phòng Thường trực Ủy
ban sông Mê Công Việt Nam có biên chế công chức, số lượng người làm việc trong
tổng biên chế và số lượng người làm việc được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và khả năng tài chính, Chánh Văn phòng được ký hợp đồng
lao động, hợp đồng tư vấn để thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng theo quy định.
4. Văn phòng Thường trực Ủy
ban sông Mê Công Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản theo
quy định của pháp luật, làm việc theo quy chế như cấp cục thuộc Bộ. Kinh phí hoạt
động của Văn phòng được lập trong dự toán ngân sách hằng năm cho Ủy ban sông Mê
Công Việt Nam.
5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt
Nam.
Điều 5.
Kinh phí hoạt động
Kinh phí hoạt động của Ủy
ban sông Mê Công Việt Nam được ngân sách nhà nước bảo đảm trong dự toán chi thường
xuyên của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
Điều 6.
Tổ chức thực hiện
1. Quyết định thành viên Ủy
ban sông Mê Công Việt Nam
a) Thủ tướng Chính phủ quyết
định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực và các Phó Chủ tịch Ủy ban
sông Mê Công Việt Nam;
b) Chủ tịch Ủy ban sông Mê
Công Việt Nam quyết định phê duyệt danh sách Ủy viên Ủy ban sông Mê Công Việt
Nam theo văn bản cử nhân sự của các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương.
2. Chủ tịch Uỷ ban sông Mê
Công Việt Nam ban hành Quy chế làm việc của Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam.
3. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy
ban quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, thành phần và quy chế
hoạt động của các Tiểu ban trực thuộc.
4. Trách nhiệm của các Bộ,
ngành, địa phương
a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và bàn giao nguyên trạng tài sản,
hồ sơ, tài liệu và các kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban quản lý Quy hoạch lưu
vực sông Cửu Long cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam khi Quyết định này có hiệu lực
thi hành;
b) Bộ Tài chính có trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn việc sử dụng
ngân sách nhà nước và các khoản kinh phí khác để thực hiện các nhiệm vụ của Ủy
ban sông Mê Công Việt Nam và Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt
Nam;
c) Các Bộ, ngành, địa phương
khác có liên quan chịu trách nhiệm cử đại diện tham gia Ủy ban sông Mê Công Việt
Nam theo đúng thành phần và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban sông Mê
Công Việt Nam theo thẩm quyền quản lý được giao của Bộ, ngành, địa phương.
Điều 7.
Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01
năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam; bãi bỏ các quy định trước đây
trái với Quyết định này.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể
từ khi Quyết định này có hiệu lực, các cơ quan, đơn vị có thành phần tham gia Ủy
ban gửi danh sách nhân sự về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo
Chủ tịch Ủy ban xem xét, quyết định.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, QHQT ( ), PH.
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|