CHƯƠNG TRÌNH
PHÒNG, CHỐNG THAM
NHŨNG
(Ban hành theo Quyết định số 61/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2006
của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
A. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU:
1. Mục tiêu:
- Nâng cao ý thức trách
nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ, công
chức, viên chức và của mỗi công dân về công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng.
- Định hướng cho các cấp,
các ngành xây dựng kế hoạch hành động và thực hiện Luật Phòng, chống tham
nhũng; đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành nhiệm vụ trọng tâm, thường
xuyên của các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở, góp phần thực hiện thắng
lợi kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Yêu cầu:
- Phổ biến, tuyên truyền
Luật Phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, công chức thành phố. Cụ thể hóa các
nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống tham nhũng được qui định trong Luật Phòng, chống
tham nhũng.
- Xây dựng, kiện toàn cơ
quan nhà nước cấp thành phố đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu
quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố tận tâm phục vụ
nhân dân; khắc phục có hiệu quả tình trạng tiêu cực, quan liêu, nhũng nhiễu
trong bộ máy Nhà nước.
- Mở rộng và nâng cao
chất lượng cải cách thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
cơ quan, đơn vị, khắc phục tình trạng qua nhiều khâu, nhiều người tham gia, gây
chậm trễ, cản trở công việc và dễ phát sinh tham nhũng.
- Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước và sự giám sát của nhân dân. Xử lý
nghiêm những cán bộ, công chức ở bất kỳ cấp nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để
tham nhũng. Xem xét, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với
người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng.
B. NỘI DUNG:
I. Rà soát, ban hành,
sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật:
1. Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng
chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng và tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng,
chống tham nhũng đến cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị quản lý.
2. Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành
phố ban hành quy tắc, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, luân chuyển, chuyển
đổi vị trí của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và
trong quan hệ xã hội, quan hệ giữa công chức với doanh nghiệp và người dân, bao
gồm những việc phải làm hoặc không được làm, nhằm bảo đảm sự liêm chính và
trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thành phố.
3. Trên cơ sở chế độ định mức của trung ương thì Sở Tài chính
chủ trì phối hợp các ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố quy định cụ thể
áp dụng trong toàn thành phố.
4. Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện khẩn
trương rà soát các văn bản về lĩnh vực cơ quan, đơn vị quản lý; loại bỏ những văn
bản, quy định không phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, chồng chéo,
quan liêu, tạo điều kiện nhũng nhiễu, gây khó khăn, mất thời gian của nhân dân
và doanh nghiệp.
5. Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện phải
hệ thống hóa những quy định về thủ tục, giấy tờ cần thiết và thời hạn giải quyết
đối với từng loại công việc, công bố công khai, minh bạch trên các phương tiện
thông tin đại chúng và nơi công sở để làm căn cứ cho nhân dân thực hiện và giám
sát việc thực hiện.
6. Trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới của Chính phủ hoặc
Bộ, ngành, các Sở, Ban, ngành xây dựng mới, thay đổi, bổ sung những quy định
không còn phù hợp.
7. Các cơ quan, đơn vị không được tùy tiện đề ra các thủ tục hành
chính ngoài những quy định đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
8. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện,
thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát lại toàn bộ quy trình làm việc,
quy trình công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách nhằm
sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham
nhũng.
9. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận,
huyện phải xác định kế hoạch cụ thể và đích thân tổ chức thực hiện chương trình
cải cách hành chính. Trước hết, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý nhà, đất;
xây dựng cơ bản; đăng ký kinh doanh; xét duyệt dự án; cấp vốn ngân sách nhà
nước, tín dụng ngân hàng; xuất nhập khẩu; quản lý tài chính và đầu tư của doanh
nghiệp Nhà nước; xuất nhập cảnh; quản lý hộ khẩu; đăng ký quản lý xe; thuế; hải
quan; bảo hiểm. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện và báo
cáo Ủy ban nhân dân thành phố việc thực hiện.
II. Tuyên truyền, phổ
biến Luật Phòng, chống tham nhũng:
1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành có liên quan
xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tổ
chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công
chức, viên chức, doanh nghiệp về các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng;
đồng thời, tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 13/3/2006 của Ủy ban
nhân dân thành phố về việc triển khai các luật có hiệu lực thi hành năm 2006.
2. Trong quý II năm 2006, các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân
các cấp tổ chức quán triệt các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng cho
cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch phòng,
chống tham nhũng trong ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quản lý.
III. Phát huy vai trò
làm chủ của quần chúng nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương
trong việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng:
1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Mặt
trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp trong quá trình xây dựng và ban
hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
2. Các cơ quan, tổ chức liên quan đến giải quyết công việc của
doanh nghiệp và người dân có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời và trả
lời khi nhận được yêu cầu, đề nghị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành
viên.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm
làm rõ, trả lời cơ quan báo chí khi nội dung đăng, phát tin về tham nhũng liên quan
đến trách nhiệm quản lý; có trách nhiệm trả lời các yêu cầu, đề nghị của các cơ
quan báo chí về nội dung liên quan đến tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ
chức do mình quản lý, phụ trách.
4. Ủy ban nhân dân các cấp phải xây dựng quy định cụ thể về việc
phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng;
có cơ chế bảo vệ, khen thưởng đối với người có công; tập trung thực hiện tốt
Quy chế dân chủ ở cơ sở và Quy chế giám sát cộng đồng.
5. Đối với những dự án đầu tư xây dựng tại địa phương phải quy
định cụ thể thời gian và hình thức công khai để nhân dân giám sát trong quá trình
tổ chức thực hiện.
IV. Tăng cường hoạt
động thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng:
Cùng với việc tập trung
chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc tham nhũng đã phát hiện, Thanh tra thành
phố, Sở, Ban, ngành, quận, huyện, tập trung thanh tra 04 lĩnh vực trọng tâm:
đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu - chi ngân sách và
quản lý tài sản công gắn với thanh tra việc thực thi chức trách công vụ đối với
một số lĩnh vực được dư luận và nhân dân quan tâm.
1. Về giải quyết tố
cáo hành vi tham nhũng:
a) Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp tập trung lực
lượng giải quyết dứt điểm những vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng còn tồn đọng
và mới phát sinh ngay từ cơ sở; xử lý nghiêm khắc những cán bộ, công chức, viên
chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực dù là bất kỳ ai, đương chức, nghỉ hưu hay
đã chuyển công tác khác.
b) Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban
nhân dân thành phố, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng và các Ban, ngành
có liên quan kiểm tra việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo ở quận, huyện có
nhiều đơn thư vượt cấp, đơn khiếu nại quyết định giải quyết cuối cùng; kiểm tra
việc giải quyết các đơn tố cáo hành vi tham nhũng.
2. Công an thành phố:
- Củng cố hệ thống tổ
chức, có lực lượng chuyên trách để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham
nhũng có hiệu quả.
- Chủ động làm tốt công
tác phòng ngừa, nâng cao biện pháp nghiệp vụ nhằm điều tra phát hiện kịp thời,
xử lý nghiêm minh theo pháp luật các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
- Thông qua công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng chỉ đạo tìm ra nguyên nhân, điều kiện, những sơ
hở trong quản lý kinh tế dễ bị lợi dụng tham nhũng, từ đó nhanh chóng kiến nghị
sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an
ninh tổ quốc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị để phát hiện sớm tội phạm tham
nhũng tại cơ sở.
3. Nâng cao chất lượng,
hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra:
a) Thanh tra thành phố:
- Xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành
phố kế hoạch thanh tra kinh tế - xã hội năm 2006, tập trung vào 04 lĩnh vực trọng
tâm là: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai; quản lý thu - chi ngân
sách; quản lý tài sản công gắn với thanh tra việc thực thi chức trách công vụ
đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Đặc biệt tập trung
thanh tra các công trình dự án dư luận bức xúc, có dấu hiệu tiêu cực, các doanh
nghiệp lớn thuộc các ngành xây dựng, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi nhằm
nâng cao hiệu quả đầu tư, chống đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ
bản, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí.
- Đôn đốc các Sở, Ban,
ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận
của cơ quan thanh tra, kiểm tra, công khai kết luận thanh tra, kiểm tra và kết
quả xử lý.
- Tập trung kiểm tra việc
thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra đã có kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân thành phố liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
b) Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các
Sở, ngành có liên quan, tổ chức thanh tra việc thực thi công vụ ở một số lĩnh
vực: quản lý nhà, đất; cấp phép đầu tư, xây dựng; thuế, hải quan; đăng kiểm,
đăng ký phương tiện giao thông, cấp giấy phép lái xe cơ giới; đăng ký hộ tịch,
hộ khẩu và một số vụ việc cụ thể được nhân dân, công luận phản ánh.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Căn cứ vào chương trình,
kế hoạch công tác năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố ngay trong tháng 6 năm
2006, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, Ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận, huyện chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động của Sở, Ban, ngành, Ủy
ban nhân dân quận, huyện. Kế hoạch phải cụ thể thời hạn và phân công người chịu
trách nhiệm từng khâu công việc, hàng quý báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện
cho Ủy ban nhân dân thành phố.
Các Sở, Ban, ngành, Ủy
ban nhân dân quận, huyện báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình này
cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra thành phố trước ngày 30 tháng
8 năm 2006 để tổng hợp kết quả thực hiện, mức độ hoàn thành của từng Sở, Ban,
ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện để báo cáo tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng
Nhân dân thành phố.
Chương trình này được phổ biến công khai trên các
phương tiện thông tin đại chúng để mọi tổ chức và công dân biết giám sát thực
hiện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận,
huyện về việc thực hiện chương trình này./.