UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
61/2003/QĐ-UB
|
Tam
Kỳ, ngày 17 tháng 6 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI CHẾ QUẢN LÝ, CHỈ ĐẠO THỰC
HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÁNH BẮT HẢI SẢN XA BỜ TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
- Căn cứ Luật tổ
chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Quyết
định số 393/QĐ-TTg ngày 09/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy
chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng cho các dự án đóng tàu đánh bắt hải sản xa
bờ và Quyết định số 159/1998/QĐ-TTg ngày 03/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về
việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 393/QĐ-TTg;
- Căn cứ Thông
tư liên tịch số 04/1998/TTLT/TS-KHĐT-TC-NHĐT ngày 17/12/1998 về việc hướng dẫn
quản lý sử dụng vốn tín dụng đầu tư các dự án đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ;
- Căn cứ Quyết
định số 64/2000/QĐ-TTg ngày 07/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ v/v sửa đổi lãi
suất cho vay, thời hạn và trả nợ vay tín dụng của QĐ 159/1998/QD-TTg ngày
03/9/1998 của Thủ tưởng Chính phủ;
- Căn cứ Quyết
định số 89/2003/QĐ-TTg ngày 08/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện
pháp xử lý nợ vay vốn đầu tư phát triển để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và
tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ theo Quyết định số 393/TTg ngày 9/6/1997,
Quyết định số 159/1998/QD-TTg ngày 03/9/1998 và Quyết định số 64/2000/QĐ-TTg
ngày 07/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ;
- Căn cứ Chỉ thị
số 05/2000/CT-BTS ngày 11/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về một số biện pháp
nhằm thực hiện hiệu quả các dự án đóng tàu khai thác hải sản xa bờ;
- Căn cứ Chỉ thị
26/2002/CT-UB ngày 25/11/2002 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc tăng cường các biện
pháp quản lý, nâng cao hiệu quả chương trình đánh bắt hải sản xa bờ tỉnh Quảng
Nam;
Theo đề nghị của
Giám đốc Sở Thủy sản tại tờ trình số: 141/TT.KH, ngày 09/5/2003;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Qui chế quản lý, chỉ đạo thực
hiện chương trình đánh bắt hải sản xa bờ thuộc tỉnh Quảng Nam.
Điều 2: Quyết định
này thay thế cho quyết định số 31/2001/QĐ-UB ngày 28/6/2001 của UBND tỉnh Quảng
Nam và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn
phòng HĐND & UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Sở Tài chính-Vật giá, Thủ trưởng
các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, UBND các xã, phường,
các đơn vị liên quan và các chủ dự án đóng tàu ĐBHS xa bờ căn cứ quyết định thi
hành.
Nơi nhận:
- Như điều 3.
- TVTU, TT HĐND&UBND.
- Công an tỉnh, BCH BP tỉnh
- CN Quỹ HTPT QN
- Ngân hàng ĐTPT QN
- CPVP.
- Lưu VT, KTN, NC, TH, KTTH.
|
TM-UỶ
BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Tiên
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÁNH
BẮT HẢI SẢN XA BỜ THUỘC TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 61/2003/QĐ-UB, ngày 17 tháng 6 năm 2003 của
UBND tỉnh Quảng Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1- Các dự án vay vốn tín dụng Nhà nước để đóng
tàu đánh bắt hải sản (ĐBHS) xa bờ phải nghiêm chỉnh chấp hành những qui định của
Chính phủ tại Quyết định số 393/QĐ-TTg; 159/1998/QĐ-TTg; 64/2000/QĐ-TTg;
89/2003/QĐ-TTg; Thông tư Liên bộ số 04/1998/TTLT/TS-KHĐT-TC-NHNN; các quy định
khác của pháp luật và những quy định của Qui chế này.
Các ngành, các cấp
coi trọng biện pháp tuyên truyền giáo dục để các chủ dự án nhận thức và hiểu biết
đúng đắn về chủ trương của Đảng và Nhà nước, thấy rõ trách nhiệm trong việc vay
vốn và tiến hành trả nợ vốn vay. Cùng phối hợp để áp dụng các biện pháp xử lý
thích hợp đối với các chủ dự án vi phạm hợp đồng tín dụng hoặc các vi phạm khác
liên quan đến quản lý thực hiện chương trình đánh bắt hải sản xa bờ.
Điều 2- Trên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ và tiêu chuẩn qui
định của ngành thủy sản, chủ dự án phải tự nghiên cứu lựa chọn nghề hoạt động
phù hợp với thực tế của địa phương và với khả năng của mình. Chủ dự án phải chịu
trách nhiệm toàn bộ về nội dung của dự án đầu tư.
Điều 3- Chủ dự án do chính quyền địa phương lựa chọn và Chủ tịch
UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Chủ dự án phải là người có sức khoẻ, có kinh
nghiệm đi biển và kinh nghiệm tổ chức hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ, có hiểu
biết về quản lý kinh tế và kỹ thuật, có uy tín về khả năng trả nợ được chính quyền
xã, phường sở tại xác nhận và phải có đủ vốn tự có tham gia đầu tư dự án theo
qui định.
Điều 4- Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Quảng Nam, Ngân hàng Đầu tư
& phát triển tỉnh Quảng Nam và các tổ chức cho vay khác (gọi chung là Tổ chức
cho vay) thực hiện cho vay đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ có trách nhiệm theo
dõi, kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, phối hợp với các ngành, các cấp
có liên quan trong việc thu hồi nợ vay cho nhà nước.
Chương II
NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 5- Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ dự án:
5.1- Chịu trách
nhiệm về nội dung dự án đã lập. Sau khi có quyết định đầu tư và quyết định phê
duyệt Tổng dự toán, chủ dự án mới tiến hành ký kết các hợp đồng kinh tế.
5.2- Thực hiện
đúng theo qui định của Nhà nước về thiết kế, lập dự toán, hợp đồng tư vấn và tổ
chức quản lý, thực hiện đúng các đồ án thiết kế, dự toán hoặc bổ sung sửa đổi
được duyệt.
5.3- Phải đảm bảo
đủ vốn tự có tham gia thực hiện dự án tối thiểu bằng mức qui định trong quyết định
phê duyệt dự án và vốn lưu động cho 1 chu kỳ sản xuất.
5.4- Phải trực tiếp
kiểm tra, giám sát việc thực hiện đóng tàu, cung ứng thiết bị theo đúng thiết kế,
dự toán được duyệt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, số lượng đã ký kết
trong các hợp đồng kinh tế.
5.5- Sau khi hạ thủy
tàu, phải có trách nhiệm hoàn chỉnh thủ tục mua bảo hiểm, trước bạ, đăng kiểm để
được cấp giấy đăng ký phương tiện nghề cá và được phép đưa tàu vào hoạt động.
5.6- Khi dự án
hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, phải có trách nhiệm lập quyết toán vốn đầu
tư theo qui định hiện hành gởi cơ quan thẩm tra quyết toán để trình UBND tỉnh
phê duyệt. Cơ quan thẩm tra quyết toán do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Giá trị
phê duyệt quyết toán làm cơ sở tính giá trị tài sản cố định để chủ dự án ký hợp
đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay với tổ chức cho vay theo qui định.
5.7- Chịu trách
nhiệm trong việc sử dụng vốn vay, hoàn trả vốn và lãi vay cho Nhà nước theo hợp
đồng tín dụng đã ký. Được dùng tài sản hình thành bằng vốn vay để đảm bảo nợ
vay và không được chuyển nhượng tài sản hình thành từ vốn vay trong suốt thời
gian vay vốn (nếu không có quyết định của cấp có thẩm quyền); Khi có nhu cầu
chuyển đổi nghề khai thác, phải báo cáo giải trình lý do, nguyên nhân, mục đích
của việc đổi nghề với Ban thu hồi công nợ huyện, thị và Sở Thủy sản. Sau khi có
sự thống nhất bằng văn bản của Sở Thủy sản, tổ chức cho vay, chủ dự án mới được
bán nghề khai thác cũ, tiền bán tài sản phải gởi tại Tổ chức cho vay và được
thanh toán cho việc mua sắm mới theo qui định hiện hành.
5.8- Được quyền lựa
chọn và đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, tuyển dụng thợ, hợp đồng lao động, tổ
chức đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm và bảo quản tài sản.
5.9- Thực hiện mua
bảo hiểm trong suốt thời gian vay vốn theo quy định của Nhà nước. Giấy chứng nhận
đăng ký tàu cá (bản chính) và giấy ủy quyền thanh toán bảo hiểm phải nộp tại tổ
chức cho vay.
5.10- Chịu sự quản
lý của các cấp, các ngành có liên quan theo qui định; tham gia giao ban hoặc hội
nghị do các cấp chính quyền có thẩm quyền tổ chức về chương trình đánh bắt hải
sản xa bờ (khi được yêu cầu). Hàng tháng lập báo cáo đầy đủ, trung thực về kết
quả đánh bắt, doanh thu, chi phí, thu nhập, tình hình trả nợ và lãi vay gởi đến
UBND huyện, thị xã và xã, phường trực tiếp quản lý chủ dự án và tổ chức cho
vay.
5.11- Đến kỳ hạn
trả nợ, hoặc sau mỗi chuyến đánh bắt, phải chủ động chuyển trả nợ gốc và lãi
vay cho tổ chức cho vay. Khuyến khích chủ dự án dùng các nguồn vốn khác để trả
nợ và lãi vay ngoài khoản thu nhập từ những chuyến đánh bắt. Khi chưa trả hết nợ
gốc và lãi vay cho tổ chức cho vay thì không được dùng tiền từ thu nhập đánh bắt
hải sản để chi tiêu vào việc khác. Dù bất cứ lý do nào khi chưa trả được nợ và
lãi vay đúng hạn cũng phải có đơn trình bày nêu rõ nguyên nhân cụ thể, hướng khắc
phục và có xác nhận của UBND xã, phường và gởi cho UBND huyện, thị xã, Sở Thủy
sản và tổ chức cho vay.
5.12- Tự bảo quản
tài sản và chi trả các khoản chi phí phát sinh trong trường hợp tàu bị neo giữ,
giam tàu, đình chỉ hoạt động do không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Nhà nước,
không thực hiện mua bảo hiểm, không đăng kiểm tàu cá,.... Các chi phí này được
các cơ quan chức năng xác định và tính vào nợ vay của chủ dự án.
5.13- Chịu trách
nhiệm thanh toán phần chênh lệch giữa tổng số nợ chưa trả (dư nợ lãi vay) với
giá trị tài sản hình thành từ vốn vay sau khi đánh giá lại để chuyển đổi chủ đầu
tư, kể cả các chi phí thanh lý, phát mãi tài sản,...
15.14- Có quyền
khiếu nại, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các vấn đề liên quan cần giải quyết về
tổ chức sản xuất, nghề nghiệp, ngư trường, các thủ tục bảo hiểm,....
Điều 6- Trách nhiệm và quyền hạn của UBND xã, phường :
6.1- Chịu trách
nhiệm đầu tiên trong việc lựa chọn các chủ dự án có đủ tiêu chuẩn qui định tại
điều 3 qui chế này. Đồng thời xác nhận và đề nghị cho chủ dự án được vay vốn thể
hiện qua các văn bản cam kết vay vốn và trả nợ vốn vay của chủ dự án.
6.2- Là thành viên
bắt buộc trong ban thu hồi công nợ của huyện, thị. Có trách nhiệm quản lý, giám
sát, kiểm tra, yêu cầu chủ dự án thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Nhà nước, quản
lý sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của các chủ dự án thuộc địa phương
mình.
6.3- Theo dõi kết
quả đánh bắt hải sản của từng chuyến tàu ra khơi, đôn đốc chủ dự án hoàn thành
các thủ tục cần thiết trong quá trình vay vốn theo yêu cầu của tổ chức cho vay,
có kế hoạch và biện pháp cụ thể đôn đốc các chủ dự án trả nợ và lãi vay đúng hạn.
6.4- Triệu tập các
chủ dự án đến họp giao ban định kỳ hàng tháng để nắm tình hình sản xuất, trả nợ
vay, phối hợp và tạo điều kiện để tổ chức cho vay tiếp cận chủ dự án trong công
tác thu nợ.
6.5- Cung cấp kịp
thời thông tin cần thiết liên quan đến thực hiện dự án cho UBND huyện, thị để
báo cáo Ban chỉ đạo chương trình ĐBHS xa bờ, tổ chức xử lý, giáo dục các chủ dự
án có biểu hiện vi phạm pháp luật, hợp đồng tín dụng; tiến hành lập biên bản,
báo cáo và đề nghị Ban thu hồi công nợ huyện, thị, các cơ quan chức năng liên
quan để kiểm tra, tạm giữ tàu hoặc đình chỉ sản xuất, chuyển đổi chủ dự án.
6.6- Không cấp chứng
nhận gia đình văn hóa, ký xác nhận các loại giấy tờ liên quan đến quản lý Nhà
nước ở địa phương, đặc biệt là giấy tờ về nhà đất,...đối với các chủ dự án
không trả nợ đúng hạn. Đồng thời được quyền áp dụng tất cả các biện pháp xử lý
hành chính theo thẩm quyền qui định tại pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và
các qui định pháp luật khác.
Điều 7- Trách nhiệm và quyền hạn của UBND huyện, thị, Tỉnh đoàn Quảng
Nam :
7.1- Chỉ đạo, hướng
dẫn và cùng UBND xã, phường kiểm tra tư cách và uy tín của các chủ dự án để lập
danh sách trình UBND tỉnh và các ngành liên quan. Thực hiện bảo lãnh bằng tín
chấp cho các chủ dự án vào các văn bản cam kết vay vốn, trả nợ, hợp đồng thế chấp
tài sản hình thành bằng vốn vay. Đôn đốc các chủ dự án lập quyết toán vốn đầu
tư sau khi hoàn thành đưa tàu vào sử dụng.
7.2- Trực tiếp chỉ
đạo và nắm tình hình hoạt động, nghiên cứu có giải pháp cụ thể củng cố tổ chức
và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đội tàu đánh bắt
hải sản xa bờ trên địa bàn. Thành lập ban thu hồi công nợ, giao chỉ tiêu trả nợ
trong năm kế hoạch và xây dựng phương án thu hồi nợ đối với các chủ dự án. Tiến
hành kiểm kê, lập biên bản, ký xác nhận với chủ dự án về hiện trạng tài sản
hình thành sau đầu tư, tài sản bảo đảm nợ vay, các tài sản có giá trị lớn hiện
có của chủ dự án. Đánh giá phân loại các chủ dự án theo tinh thần quyết định
89/2003/QĐ-TTg ngày 08/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
7.3- Chỉ đạo UBND
các xã, phường có dự án, phòng Nông nghiệp & PTNT cử cán bộ theo dõi, thông
tin báo cáo, giám sát và kiểm tra, tổ chức đôn đốc các chủ dự án trả nợ và lãi
vay theo định kỳ hàng tháng.
7.4- Hàng quý tổ
chức họp đánh giá và tổng hợp báo cáo tình hình đánh bắt, thu hồi nợ và những đề
xuất kịp thời với Ban chỉ đạo chương trình xa bờ, các cơ quan chức năng liên
quan.
7.5- Khi có đề nghị
của Tổ chức cho vay, hoặc xét thấy cần thiết UBND huyện, thị xã có trách nhiệm
và được quyền áp dụng các biện pháp hành chính theo thẩm quyền sau đây để thu hồi
nợ vay và xử lý các vấn đề liên quan đến dự án:
7.5.1- Triệu tập
chủ dự án đến làm việc.
7.5.2- Yêu cầu chủ
dự án đưa tàu về neo đậu ở địa điểm thuận lợi để thực hiện việc kiểm tra, thu nợ.
7.5.3- Tạm giữ
tàu.
7.5.4- Tạm đình chỉ
hoạt động của tàu.
7.6- Không cấp hoặc
bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mở rộng ngành nghề, các giấy tờ liên
quan khác đối với chủ dự án đánh bắt hải sản xa bờ vi phạm hợp đồng tín dụng.
Được quyền áp dụng tất cả các biện pháp xử lý hành chính theo thẩm quyền qui định
tại pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các qui định pháp luật khác .
Điều 8- Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Thủy sản :
8.1- Giám đốc Sở
Thủy sản là Trưởng ban chỉ đạo chương trình và là thành viên của Hội đồng định
giá tài sản tàu ĐBHS xa bờ.
8.2- Hướng dẫn chủ
dự án điều tra nghiên cứu để lập dự án, lựa chọn ngành nghề hoạt động, công suất
tàu, tiếp thu sử dụng trang thiết bị kỹ thuật mới, bảo quản nguyên liệu sau
khai thác, phổ biến thông tin về ngư trường và các yêu cầu khác của chủ dự án.
8.3- Tổ chức thẩm
định thiết kế dự toán, trình UBND tỉnh phê duyệt. Tiến hành nghiệm thu từng
giai đoạn và nghiệm thu tổng thể trong quá trình thực hiện dự án đóng tàu đánh
bắt xa bờ, đảm bảo đúng qui định hiện hành của Nhà nước và đúng tiến độ.
8.4- Phối hợp với
các ngành có liên quan, các Trung tâm nghiên cứu, dạy nghề tìm các giải pháp về
dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo thuyền
trưởng, máy trưởng, thuyền viên có đủ năng lực, trình độ để vận hành các dự án
ĐBHS xa bờ hoạt động có hiệu quả.
8.5- Tổ chức quản
lý và tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện đầu tư, đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm,
trả nợ và lãi vay của các dự án để báo cáo UBND tỉnh và các ngành liên quan. Chủ
trì tổ chức các cuộc họp giao ban để sơ kết, tổng kết hoạt động đánh bắt hải sản
xa bờ, đúc kết kinh nghiệm thực hiện chương trình xa bờ.
8.6- Phối hợp với
tổ chức cho vay, với chính quyền địa phương đôn đốc chủ dự án trả nợ và lãi vay
cho Nhà nước. Trường hợp chủ dự án không trả được nợ, Sở Thủy sản có trách nhiệm
phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan trong việc chuyển đổi chủ đầu tư
và lựa chọn chủ đầu tư mới đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.
8.7- Chỉ đạo Chi cục
BVNL Thủy sản tổ chức giám sát quá trình đóng tàu, nghiệm thu từng công đoạn và
nghiệm thu kỹ thuật tổng thể trước khi tàu hạ thủy đi vào hoạt động. Hướng dẫn
chủ dự án các thủ tục đăng kiểm để được cấp sổ đăng kiểm và sổ đăng ký phương
tiện nghề cá và thực hiện quản lý tàu theo đúng các qui định của pháp luật.
8.8- Triệu tập các
chủ dự án để tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết và được quyền đề nghị UBND
các cấp, các đồn Biên phòng tuyến biển không cho tàu ra khơi khi chưa thực hiện
đầy đủ các qui định về quản lý tàu hiện hành và tổ chức kiểm tra trang thiết bị
trên tàu.
Điều 9- Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức cho vay :
9.1- Tổ chức cho
vay là thành viên của Ban chỉ đạo chương trình và là thành viên của hội đồng thẩm
định tài sản tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Phối hợp với các cấp, các ngành liên
quan trong việc xây dựng các đề án, cơ chế, chính sách củng cố hoạt động của
các đội tàu ĐBHS xa bờ đảm bảo có hiệu quả, để thu hồi nợ vay cho Nhà nước.
9.2- Tổ chức thẩm
định phương án tài chính và phương án trả nợ vốn vay của dự án. Phổ biến các
qui định của Nhà nước về thời hạn vay, lãi suất vay, mức vốn tự có tham gia vào
dự án, ... cho các chủ dự án . Đồng thời hướng dẫn chủ dự án lập các thủ tục, hồ
sơ vay vốn, và ký kết hợp đồng tín dụng.
9.3- Thực hiện cho
vay và tổ chức kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân tiền vay. Kiểm tra định
kỳ, đột xuất tình hình sử dụng vốn vay và tình hình quản lý, sử dụng tài sản
hình thành từ vốn vay của chủ dự án. Khi dự án hoàn thành, tổng hợp tình hình sử
dụng vốn vay gởi cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
9.4- Tổ chức cho
vay có thể cho vay vốn để các chủ dự án mua bảo hiểm trong suốt thời gian vay vốn.
Được giữ giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bản chính) và giấy ủy quyền thanh toán
bảo hiểm của các chủ dự án.
9.5- Hàng tháng
thông báo số nợ, lãi phải trả gởi cho chủ dự án, UBND xã, phường, UBND huyện,
thị, các cơ quan liên quan. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để thu
nợ. Thực hiện chuyển nợ vay của các dự án không trả được nợ đến hạn và không đủ
điều kiện gia hạn nợ sang nợ quá hạn theo qui chế cho vay hiện hành. Cân đối
nguồn thu nợ để hỗ trợ kinh phí cho Ban thu hồi công nợ các huyện, thị xã trong
công tác phối hợp thu hồi nợ vay.
9.6- Tổ chức và
tham dự các cuộc hội nghị, cuộc họp hoặc giao ban do các cấp có thẩm quyền tổ
chức về chương trình ĐBHS xa bờ. Chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành liên
quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài chính, tài sản
đảm bảo nợ vay, lựa chọn chủ dự án mới đối với các trường hợp chuyển đổi chủ đầu
tư, chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản.
9.7- Đối với các
chủ dự án không trả nợ vay theo qui định mà không có lý do chính đáng và có biểu
hiện vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay, tổ chức
cho vay được quyền đề nghị các cơ quan liên quan (Bộ đội Biên phòng, UBND các cấp
huyện (thị), xã (phường), Công an, Viện Kiểm sát,....) thực hiện các biện pháp
cưỡng chế theo thẩm quyền sau:
9.7.1- Tạm neo tàu
để kiểm tra tài sản đảm bảo nợ vay, tiến hành thu hồi nợ đối với các chủ dự án
có tàu đang hoạt động bình thường, có thu nhập đủ để trả nợ vay theo kế hoạch,
nhưng 3 tháng liên tục không trả nợ đầy đủ theo hợp đồng tín dụng đã ký.
9.7.2- Tạm đình chỉ
hoạt động hoặc khởi kiện ra tòa án kinh tế để tiến hành cưỡng chế thu hồi nợ đối
với các chủ dự án có tàu vẫn hoạt động bình thường, có thu nhập đủ để trả nợ
vay theo kế hoạch, nhưng 6 tháng vẫn không trả nợ đầy đủ theo hợp đồng tín dụng
đã ký (nếu đã áp dụng biện pháp ở điểm 9.7.1 trên đây nhưng chủ dự án vẫn không
chấp hành).
9.7.3- Khởi kiện
điều tra, truy tố trước pháp luật đối với các chủ dự án vi phạm nghiêm trọng hợp
đồng tín dụng, tự ý bán tài sản hình thành từ vốn vay, cố tình chây lỳ không trả
nợ.
Điều 10- Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ đội Biên phòng :
10.1- Ngoài việc
thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh giao nhiệm vụ
cho các Đồn biên phòng tuyến biển luôn kiểm tra, xác nhận các trường hợp tàu ra
khơi gặp rủi ro dẫn đến hư hỏng, mất mát, tổn thất tài sản. Việc xác nhận phải
đầy đủ, khách quan, chính xác kịp thời, đúng qui định.
10.2- Kiên quyết
không cho tàu ra khơi trong trường hợp tàu chưa trang bị đầy đủ các thiết bị an
toàn và chưa mua bảo hiểm tàu cá, thuyền viên để đảm bảo an toàn cho người và
phương tiện khai thác, ngăn ngừa tổn thất tài sản của Nhà nước.
10.3- Phối hợp và
cung cấp cho các tổ chức cho vay, chính quyền địa phương các cấp các thông tin
về chủ đầu tư trong quá trình đánh bắt : Thời gian tàu đi, về; sản lượng đánh bắt,...
10.4- Được quyền
không cho ra khơi đối với tàu đánh bắt hải sản xa bờ thuộc chủ đầu tư không thực
hiện trả nợ vay đầy đủ theo đề nghị của ban thu hồi công nợ huyện, thị, tổ chức
cho vay.
Điều 11- Trách nhiệm và quyền hạn của Công an:
11.1- Phối hợp với
các cấp, các ngành liên quan phổ biến giáo dục pháp luật và thực hiện các biện
pháp cưỡng chế đối với các chủ dự án tàu đánh bắt hải sản xa bờ không thực hiện
các qui định của Nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
11.2- Tổ chức điều
tra, truy tố trước pháp luật đối với các chủ dự án vi phạm pháp luật, vi phạm
nghiêm trọng hợp đồng tín dụng, tài sản hình thành từ vốn vay.
11.3- Công an huyện,
thị là thành viên của ban thu hồi công nợ huyện, thị.
11.4- Giám sát việc
đăng ký tạm trú, tạm vắng, chuyển đổi nơi ở của các chủ dự án thuộc địa phương
và các chủ dự án của các huyện thị trong tỉnh đến địa bàn thuộc mình quản lý. Đồng
thời thông báo cho các cấp chính quyền, tổ chức cho vay biết nhằm tạo điều kiện
cho việc quản lý và thu hồi nợ.
Điều 12- Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Tài chính - Vật giá:
12.1- Là thành
viên của BCĐ và hội đồng thẩm định chương trình, Chủ tịch Hội đồng định giá tàu
đánh bắt hải sản xa bờ.
12.1- Tổ chức thẩm
định và trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án tàu đánh bắt hải
sản xa bờ. Tiến hành định giá tài sản các tàu đánh bắt hải sản xa bờ theo quyết
định của UBND tỉnh.
12.3- Cân đối, đề
xuất hướng giải quyết kinh phí hoạt động hàng năm của Ban chỉ đạo & Hội đồng
thẩm định chương trình ĐBHS xa bờ của tỉnh, Ban thu hồi công nợ của các địa
phương đảm bảo hoạt động thường xuyên.
Điều 13- Về chuyển đổi chủ dự án:
13.1- Trường hợp
chủ dự án thực sự không có năng lực, trình độ để tiếp tục sử dụng tài sản đã đầu
tư thì có văn bản báo cáo và có ý kiến xác nhận của UBND các cấp, nếu chủ dự án
không có văn bản xin chuyển giao tài sản thì theo đề nghị UBND xã, phường; huyện,
thị, Tổ chức cho vay phối hợp với Sở Thủy sản có văn bản trình UBND tỉnh quyết
định chuyển đổi chủ dự án.
13.2- Đối với các
chủ dự án có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ không chịu trả nợ, nếu trong
vòng 6 tháng kể từ ngày kiểm tra, đôn đốc không có hiệu quả, tổ chức cho vay thống
nhất với Ban thu hồi công nợ huyện, thị xã lập biên bản, đề xuất Ban chỉ đạo
Chương trình ĐBHS xa bờ trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi con tàu để tổ chức
đánh giá lại, bán đấu giá.
13.3- Tài sản chuyển
giao phải được Hội đồng định giá tài sản tàu ĐBHS xa bờ của tỉnh đánh giá lại.
Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư theo kết quả
định giá lại của Hội đồng định giá, đồng thời tổ chức bán đấu giá rộng rãi con
tàu, không phân biệt, hạn chế đối tượng mua, nhưng phải phù hợp với Qui chế bán
đấu giá tài sản ban hành kèm theo Nghị định số 86/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996
của Chính phủ; người mua không phải nộp tiền thuế chuyển quyền sở hữu tài sản.
13.3.1- Trường hợp
người mua đấu giá trả tiền ngay, một lần đủ giá trị con tàu khi bán đấu giá,
thì không cần phải tuân theo các điều kiện mua tàu do tổ chức cho vay qui định.
Nếu người mua
không có khả năng trả ngay một lần đủ giá trị con tàu khi bán đấu giá thì có thể
được nhận nợ với tổ chức cho vay với các điều kiện: Phải trả ngay một lần tối
thiểu 50% giá trị con tàu khi bán đấu giá; phải có đủ các điều kiện vay do tổ
chức cho vay qui định và có xác nhận của chính quyền địa phương.
13.3.2- Toàn bộ số
tiền bán đấu giá thu được phải trả ngay cho tổ chức cho vay sau khi đã trừ các
khoản chi phí cho việc bán đấu giá theo qui định. Số tiền chênh lệch giữa giá
trị con tàu sau khi bán đấu giá với số nợ phải trả (nợ gốc và lãi vay) được xử
lý như sau:
a) Nếu số tiền bán
đấu giá con tàu lớn hơn số nợ phải trả, thì sau khi trả nợ và trừ các khoản chi
phí cho việc bán đấu giá tàu, số tiền còn lại chuyển trả cho chủ dự án cũ.
b) Nếu số tiền bán
đấu giá con tàu nhỏ hơn số nợ phải trả, thì chủ dự án cũ tiếp tục phải nhận nợ
với tổ chức cho vay khoản chênh lệch thiếu giữa số nợ phải trả (kể cả các khoản
chi phí cho việc bán đấu giá tàu) với giá trị con tàu sau khi bán đấu giá và phải
trả trong 2 năm kể từ khi bán đấu giá xong con tàu. Trường hợp chủ dự án cũ
không có khả năng trả phần nợ này, thì tổ chức cho vay phối hợp với chính quyền
địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để tiến hành phát mãi tài sản khác
theo qui định của pháp luật để thu hồi nợ vay (gốc và lãi). Trường hợp không có
tài sản hoặc giá trị tài sản thu được sau khi phát mãi vẫn không đủ để trả nợ
thì chủ dự án phải lập hồ sơ (có ý kiến của UBND tỉnh) gửi tổ chức cho vay để tổng
hợp trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.
13.4- Trong thời
gian tàu không hoạt động sản xuất chờ xử lý chuyển đổi chủ dự án, chủ dự án phải
chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản đầy đủ, chu đáo tài sản đó; nếu để hư hỏng,
mất mát phải bồi thường cho Nhà nước theo qui định của pháp luật.
13.5- Chủ dự án mới
ký lại hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ với tổ chức cho vay theo giá trị được
đánh giá lại. Chủ dự án mới có thể được xem xét cho vay một phần vốn để sửa chữa
con tàu trước khi đi vào hoạt động.
13.6- Trường hợp
chủ dự án cố tình không chấp hành các quy định trên, có biểu hiện vi phạm pháp
luật thì đề nghị truy tố theo qui định hiện hành của Nhà nước.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ
PHẠT
Điều 14: Các tổ chức,
cá nhân có công đóng góp hiệu quả vào việc quản lý, chỉ đạo thực hiện chương
trình ĐBHS xa bờ của tỉnh được xét khen thưởng theo qui định hiện hành.
Điều 15: Các tổ chức,
cá nhân nào vi phạm qui chế này sẽ bị xử lý theo qui định hiện hành của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16: Để tăng cường
quản lý, chỉ đạo thực hiện, nâng cao hiệu quả chương trình ĐBHS xa bờ của tỉnh,
đảm bảo thu hồi vốn vay tín dụng Nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp,
tổ chức cho vay và các chủ dự án căn cứ trách nhiệm, quyền hạn của mình thực hiện
nghiêm túc các qui định của qui chế này; áp dụng một cách kiên quyết, đồng bộ
các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự đã được nêu trong qui chế này và các
qui định pháp luật khác trong công tác thu hồi nợ vay tín dụng Nhà nước.
Điều 17: Sở Thủy sản,
Tổ chức cho vay và UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra,
hướng dẫn và báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện qui chế này. Trong quá trình
thực hiện, nếu có vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết
định./.