BỘ
CÔNG THƯƠNG
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
5023/QĐ-BCT
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT CHỌN VÀ ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ ĐI CÔNG TÁC
NHIỆM KỲ TẠI THƯƠNG VỤ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số
189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương;
Căn cứ Quyết định số 4376/QĐ-BCT ngày 6 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công
thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thương vụ tại các nước và
vùng lãnh thổ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét chọn và điều
động cán bộ đi công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục
trưởng thuộc Bộ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Đảng ủy Bộ, Công đoàn CQ Bộ;
- Các đ/c Lãnh đạo Bộ;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ
TRƯỞNG
Vũ Huy Hoàng
|
QUY CHẾ
XÉT CHỌN VÀ ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ ĐI CÔNG TÁC NHIỆM KỲ TẠI THƯƠNG
VỤ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5023/QĐ-BCT ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Bộ
trưởng Bộ Công thương)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này áp dụng đối với việc
xét chọn cán bộ của Bộ Công thương để cử đi công tác nhiệm kỳ tại các Thương vụ,
Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại
các nước và vùng lãnh thổ, Cơ quan đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh
WTO, Trung tâm giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây
gọi tắt là Thương vụ).
Điều 2.
Nguyên tắc áp dụng
1. Đảm bảo lựa chọn được những
cán bộ có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực và trình độ để đáp ứng yêu cầu
công tác tại Thương vụ.
2. Việc lựa chọn cán bộ căn cứ
vào nhu cầu công việc của Thương vụ ở từng nước, từng khu vực, biên chế được
Nhà nước phân bổ và khả năng thích hợp của từng cán bộ.
3. Đảm bảo công khai, dân chủ,
công bằng.
4. Việc bố trí sắp xếp cán bộ
sau khi kết thúc thời hạn công tác tại Thương vụ tuân theo các quy định hiện
hành.
Chương 2.
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3.
Nguồn cán bộ để cử đi công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ
1. Cán bộ để cử đi công tác nhiệm
kỳ tại Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phải là người trong biên chế Nhà nước
(hoặc hợp đồng lao động không thời hạn), đang công tác tại các Vụ, Cục, đơn vị
hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ Công thương;
2. Trường hợp các đơn vị thuộc Bộ
Công thương chưa có cán bộ đáp ứng yêu cầu thì Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định
việc điều động từ các doanh nghiệp thuộc Bộ hoặc xin người từ các Bộ, ngành,
đơn vị khác.
3. Trong một số trường hợp cần
thiết có thể điều động cán bộ chuyển tiếp từ Thương vụ này sang công tác tại
Thương vụ khác.
Điều 4. Thẩm
quyền quyết định
1. Ban cán sự đảng xem xét, quyết
định đối với các chức danh: Công sứ, Tham tán công sứ, Tham tán thương mại và
tương đương (Phó Tổng lãnh sự tại Hồng Công; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế -
Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc - Đài Loan).
2. Bộ trưởng xem xét, quyết định
đối với các chức danh: Tùy viên thương mại và tương đương (Lãnh sự, Phó Lãnh sự,
Bí thư thứ nhất, Bí thư thứ hai, Bí thư thứ ba), nhân viên không mang hàm ngoại
giao (lái xe, nhân viên khác…).
3. Thứ trưởng phụ trách thị trường
chỉ đạo việc lựa chọn cán bộ cử đi Thương vụ thuộc thị trường phụ trách trước
khi trình Ban cán sự đảng và Bộ trưởng.
4. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối
hợp với các Vụ Thị trường nước ngoài (theo thị trường khu vực phụ trách), Vụ
Chính sách thương mại đa biên (đối với Cơ quan đại diện thường trực của Việt
Nam bên cạnh WTO) để lựa chọn cán bộ cử đi công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ,
trình Lãnh đạo Bộ xem xét quyết định.
5. Cục Xúc tiến thương mại phối
hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thống nhất lựa chọn cán bộ cử cán bộ đi công tác nhiệm
kỳ tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 5. Thời
hạn công tác, chế độ được hưởng
1. Thời hạn công tác
1.1. Nhiệm kỳ công tác của cán bộ
công tác tại Thương vụ là 03 năm (ba năm). Trường hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ
và căn cứ vào nhu cầu công tác, nếu cán bộ có nguyện vọng, Lãnh đạo Bộ sẽ xem
xét cho kéo dài thời hạn công tác tối đa không quá nửa nhiệm kỳ (một năm rưỡi).
1.2. Bộ sẽ xem xét điều động cán
bộ Thương vụ về nước trước thời hạn (kể cả đã gia hạn công tác) trong các trường
hợp sau:
a. Do nhu cầu công tác, Bộ điều
động cán bộ chuyển địa bàn công tác hoặc điều về nước nhận nhiệm vụ mới;
b. Có nguyện vọng về nước trước
thời hạn với lý do cá nhân được Bộ xem xét chấp nhận;
c. Bị bệnh nặng, theo kết luận của
bác sỹ, không đảm bảo sức khoẻ tiếp tục công tác.
1.3. Bộ xem xét rút cán bộ công
tác tại Thương vụ về nước trước thời hạn hoặc không gia hạn công tác và có thể
yêu cầu bồi thường tổn thất (nếu có), thu hồi các khoản tiền cá nhân (kể cả đối
với phu nhân, phu quân ngoại giao) đã lĩnh theo chế độ tương ứng thời gian công
tác còn lại, đối với các trường hợp sau đây:
a. Gây mất đoàn kết trong Thương
vụ hoặc để phu nhân, phu quân tham gia/can thiệp ảnh hưởng tới công việc Thương
vụ hoặc gây mất đoàn kết trong Thương vụ;
b. Vi phạm pháp luật nước sở tại
hoặc pháp luật Việt Nam, có hành vi làm phương hại đến quan hệ đối ngoại;
c. Không hoàn thành nhiệm vụ được
giao;
d. Không chấp hành nghiêm chỉnh
các quy định về quản lý cán bộ, quản lý tài chính và tài sản của Thương vụ hoặc
gây mất uy tín cho Thương vụ hoặc Cơ quan đại diện;
đ. Bị thi hành kỷ luật từ khiển
trách trở lên.
2. Chế độ được hưởng
Cán bộ công tác tại Thương vụ được
hưởng quyền lợi, chế độ theo quy định của Nhà nước đối với cán bộ công tác tại
Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 6. Tiêu
chuẩn đối với cán bộ được xem xét cử đi công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ
1. Tiêu chuẩn chung
a. Có lý lịch rõ ràng được cơ
quan có thẩm quyền xác nhận.
b. Có tinh thần yêu nước, có lập
trường tư tưởng vững vàng, có hiểu biết và thực hiện nghiêm chỉnh đường lối
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
c. Có phẩm chất đạo đức tốt, có
ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần đoàn kết nội bộ.
d. Có đủ trình độ chuyên môn,
ngoại ngữ, sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
đ. Đã tham gia lớp bồi dưỡng kiến
thức chuyên môn cho cán bộ nguồn Thương vụ do Bộ Công thương tổ chức (nếu chưa
từng đi công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ).
e. Khi được cử đi Thương vụ, đối
với nam không quá 57 tuổi và đối với nữ không quá 52 tuổi (còn đủ tuổi để công
tác hết nhiệm kỳ 03 năm tại Thương vụ), trường hợp đặc biệt khác do Lãnh đạo Bộ
quyết định (riêng lái xe, do đặc thù yêu cầu nghề nghiệp, khi được cử đi không
quá 55 tuổi).
g. Không cử đi Thương vụ đối với
các trường hợp cán bộ đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật từ khiển
trách trở lên, đang liên quan đến tranh chấp, kiện tụng, đang là đối tượng bị
thanh tra, kiểm tra theo pháp luật
2. Tiêu chuẩn cụ thể
Ngoài các tiêu chuẩn chung nêu
trên, cán bộ được xem xét cử đi Thương vụ phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể dưới
đây:
2.1. Đối với Tham tán thương mại
và tương đương
a. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt
Nam, nắm vững và có khả năng vận dụng đúng đắn đường lối chính sách đối ngoại,
đặc biệt là đường lối phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập, đường lối đổi mới
của Đảng;
b. Là lãnh đạo cấp Vụ và tương
đương, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính (trường hợp đặc biệt khác do Bộ
Công thương thỏa thuận với Bộ Ngoại giao quyết định).
c. Tốt nghiệp đại học trở lên;
d. Có hiểu biết về luật pháp quốc
tế, nhất là luật áp dụng trong thương mại và đầu tư quốc tế, có kiến thức về
nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.
đ. Có kiến thức về quản lý kinh
tế trong nước. Nắm vững tình hình phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp,
đầu tư, du lịch… trong nước;
e. Sử dụng thành thạo một ngoại
ngữ thông dụng tại địa bàn được cử đi (đạt yêu cầu qua kỳ thi do Bộ Ngoại giao
tổ chức theo quy định của Chính phủ), ưu tiên người biết thêm một ngoại ngữ
khác có sử dụng tại địa bàn với khả năng giao tiếp;
g. Có khả năng công tác độc lập.
Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp chính sách, thị trường, thương nhân. Có thể đề
xuất các biện pháp để phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, công nghiệp, đầu
tư, du lịch … giữa Việt Nam với nước sở tại và các vấn đề khác trong phạm vi
nhiệm vụ được giao;
h. Có năng lực quản lý và điều
hành Thương vụ hoàn thành nhiệm vụ.
i. Có thời gian công tác trong
ngành từ 05 năm trở lên (các trường hợp khác do Lãnh đạo Bộ quyết định);
k. Tự lái được xe ô tô để phục vụ
công tác (trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng xem xét, quyết định).
2.2. Đối với Tuỳ viên thương mại
và tương đương
a. Tốt nghiệp đại học trở lên, nắm
vững và có khả năng vận dụng đúng đắn đường lối đối ngoại và hội nhập kinh tế,
đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam;
b. Hiểu biết luật pháp quốc tế,
nhất là luật áp dụng trong thương mại, đầu tư quốc tế. Có kiến thức về nghiệp vụ
kinh doanh xuất nhập khẩu;
c. Có hiểu biết về kinh tế,
thương mại, công nghiệp, môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước;
d. Có khả năng công tác độc lập.
Có khả năng nghiên cứu chính sách đối ngoại, kinh tế, thương nhân tại địa bàn
được cử đi;
đ. Sử dụng thành thạo một ngoại
ngữ thông dụng tại địa bàn được cử đi (đạt yêu cầu qua kỳ thi do Bộ Ngoại giao
tổ chức theo quy định của Chính phủ) ưu tiên người biết thêm ngoại ngữ khác có
sử dụng tại địa bàn với khả năng giao tiếp;
e. Có thời gian công tác trong
ngành từ 03 năm trở lên (các trường hợp khác do Lãnh đạo Bộ quyết định).
g. Tự lái được xe ô tô để phục vụ
công tác.
2.3. Đối với lái xe
a. Có tay nghề vững vàng
b. Ưu tiên có thời gian công tác
lâu năm tại Đoàn xe Văn phòng Bộ và chưa đi lái xe Thương vụ lần nào;
c. Được tập thể Đoàn xe tín nhiệm
giới thiệu, tiến cử.
Điều 7. Quy
trình tuyển chọn cán bộ đi công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ
1. Vào Quý IV hàng năm, Bộ gửi
văn bản đến các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ thông báo, hướng dẫn các
đơn vị giới thiệu cán bộ đăng ký đi công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ.
2. Căn cứ thông báo và các tiêu
chuẩn quy định, các đơn vị phổ biến cho cán bộ trong đơn vị biết để đăng ký đi
công tác Thương vụ. Lãnh đạo đơn vị xem xét nguyện vọng đăng ký của cán bộ, nếu
chấp thuận thì gửi văn bản và hồ sơ cán bộ theo mẫu về Vụ Tổ chức cán bộ.
3. Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp
danh sách cán bộ đăng ký đi Thương vụ cho năm tới và các năm tiếp theo.
4. Căn cứ danh sách cán bộ đã
đăng ký, Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ văn bản, danh sách đề nghị Bộ Ngoại giao kiểm
tra ngoại ngữ và kiến thức đối ngoại theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (trừ
các đối tượng được miễn kiểm tra theo quy định của Bộ Ngoại giao).
5. Trên cơ sở danh sách đăng ký
và kết quả kiểm tra ngoại ngữ của Bộ Ngoại giao thông báo, Bộ sẽ xem xét để cử
cán bộ đi công tác nhiệm kỳ ở Thương vụ theo quy trình như sau:
a. Vụ Tổ chức cán bộ thống nhất với
Vụ Thị trường nước ngoài hoặc Vụ Chính sách thương mại đa biên danh sách cán bộ
đủ tiêu chuẩn (theo thị trường khu vực hoặc tổ chức quốc tế) dự kiến cử đi công
tác Thương vụ, Cơ quan đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh WTO, Cục Xúc
tiến thương mại thống nhất với Vụ Tổ chức cán bộ dự kiến cử cán bộ đi công tác
tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài;
b. Vụ Tổ chức cán bộ trình Thứ
trưởng phụ trách thị trường xem xét có ý kiến về danh sách và hồ sơ cán bộ dự
kiến cử đi Thương vụ;
c. Vụ Tổ chức cán bộ trình Ban
cán sự đảng hoặc Bộ trưởng xem xét quyết định việc cử Tham tán hoặc Tuỳ viên
theo thẩm quyền;
d. Sau khi được Bộ trưởng hoặc
Ban Cán sự đảng nhất trí, Vụ Tổ chức cán bộ trình Lãnh đạo Bộ ký quyết định và
văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao bổ nhiệm hàm ngoại giao đối với cán bộ được cử đi
công tác nhiệm kỳ Thương vụ.
đ. Các mục b, c và d thực hiện
theo Quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng Bộ Công thương.
Điều 8. Chuẩn
bị trước khi đi công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ
1. Cán bộ trước khi đi công tác
nhiệm kỳ tại Thương vụ (trừ lái xe) phải dành thời gian ít nhất hai tháng đến
các đơn vị thuộc Bộ như Vụ Thị trường nước ngoài, Vụ Tài chính, Vụ Xuất nhập khẩu
và các Vụ, Cục liên quan để tìm hiểu về quan hệ kinh tế - thương mại, công nghiệp,
đầu tư … giữa Việt Nam với nước được cử đi, tìm hiểu về chế độ chính sách và
công tác quản lý tài chính Thương vụ. Các Vụ, Cục có trách nhiệm giúp đỡ, hướng
dẫn tài liệu, nội dung và phương pháp công tác cho cán bộ chuẩn bị nhận nhiệm vụ.
2. Trong thời gian tìm hiểu công
việc chuẩn bị đi công tác Thương vụ, cán bộ hưởng mọi chế độ, quyền lợi ở đơn vị
cũ.
Điều 9. Đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cho Thương vụ
1. Căn cứ vào tình hình cụ thể,
Bộ sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn để trang bị thêm các kiến thức cần thiết
cho cán bộ có nguyện vọng đi công tác nhiệm kỳ tại Thương vụ.
2. Vụ Tổ chức cán bộ là đầu mối
giúp Lãnh đạo Bộ đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
Điều 10.
Trách nhiệm các đơn vị quản lý Thương vụ
1. Vụ Tổ chức cán bộ giúp Lãnh đạo
Bộ quản lý đội ngũ cán bộ công tác tại Thương vụ, Cơ quan đại diện thường trực
của Việt Nam bên cạnh WTO, Trung tâm giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam
ở nước ngoài.
2. Các Vụ Thị trường nước ngoài,
Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xúc tiến thương mại giúp Lãnh đạo Bộ quản
lý, chỉ đạo công tác chuyên môn đối với Thương vụ, Cơ quan đại diện thường trực
của Việt Nam bên cạnh WTO, Trung tâm giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam
ở nước ngoài theo thị trường được phân công.
3. Vụ Tài chính giúp Lãnh đạo Bộ
chỉ đạo, quản lý công tác tài chính, tài sản của Thương vụ, Cơ quan đại diện
thường trực của Việt Nam bên cạnh WTO, Trung tâm giới thiệu sản phẩm xuất khẩu
của Việt Nam ở nước ngoài.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Tổ
chức thực hiện
1. Quy chế này được phổ biến đến
cán bộ, công chức các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ Công thương để triển
khai thực hiện.
2. Trong quá trình thực hiện,
Quy chế có thể được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Vụ Tổ
chức cán bộ là đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ theo dõi và tổ chức thực hiện Quy chế
này.