ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4558/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
15 tháng 11 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ TRONG LĨNH VỰC
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THUỘC PHẠM VI, CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9
năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục
hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 3611/QĐ-UBND ngày 26 tháng
10 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản
hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh
Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 3962/QĐ-UBND ngày
03/10/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính nội bộ
trong hệ thống hành chính nhà nước lĩnh vực Khoa học và Công nghệ thuộc phạm
vi, chức năng quản lý của UBND tỉnh Thanh Hóa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ tại Tờ trình số 1660/TTr-SKHCN ngày 07 tháng 11 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án
đơn giản hóa 07 thủ tục hành chính nội bộ trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ
thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (có
Phụ lục đính kèm).
Điều 2. Giao Sở Khoa học và
Công nghệ dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nội bộ của
UBND tỉnh kèm theo Phương án đơn giản hóa đã được thông qua tại Quyết định này,
trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Cục KSTTHC - VPCP (để theo dõi);
- Bộ Khoa học và Công nghệ (để b/c);
- Bộ Nội vụ (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, KSTTHCNC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thi
|
PHỤ LỤC
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ LĨNH VỰC
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(kèm theo Quyết định số 4558/QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)
Thủ tục 1: Bổ nhiệm giám định
viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ cấp tỉnh
1. Nội dung đơn giản hóa
a) Về trình tự thực hiện: Đề nghị sửa lại trình tự
thực hiện theo hướng giao hoặc phân cấp, ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học và
Công nghệ thực hiện bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
Lý do: Để tăng tính chủ động, tự chịu trách
nhiệm của đơn vị tham mưu và phù hợp với chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về
tăng cường phân cấp, ủy quyền; việc phân cấp, ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học
và Công nghệ thực hiện bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp trong hoạt động
khoa học và Công nghệ giúp giảm bớt khối lượng công việc cho cơ quan cấp trên,
rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục.
b) Về thành phần hồ sơ: Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ
là Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức
nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc
Lý do: Các nội dung trong Giấy xác nhận này
bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, chỗ ở hiện nay, đơn vị công tác, lĩnh vực
hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề
nghiệp đã thể hiện tại Sơ yếu lý lịch và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
c) Về thời hạn giải quyết: Đề nghị giảm thời gian
giải quyết từ 20 ngày xuống 15 ngày.
Lý do: Việc phân cấp, ủy quyền cho Giám đốc
Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp
trong hoạt động khoa học và công nghệ sẽ rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục
do không còn bước trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định bổ nhiệm.
d) Về mẫu đơn, tờ khai: Đề nghị mẫu hóa Văn bản đề
nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị
hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định
viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn
phòng giám định tư pháp.
Lý do: Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số
03/2022/TT-BKHCN ngày 20/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và khoản
4 Điều 8 Luật Giám định tư pháp chưa quy định cụ thể mẫu Văn bản đề nghị bổ nhiệm
giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị hoặc đơn đề
nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định viên tư pháp
nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn phòng giám định
tư pháp. Để đảm bảo tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, thống nhất về bố cục,
thông tin cần cung cấp; giảm thời gian hướng dẫn, trả lại hồ sơ do thiếu thông
tin hoặc cung cấp thông tin không cần thiết. Việc ban hành mẫu văn bản/đơn đề
nghị là phù hợp, cần thiết.
2. Kiến nghị thực thi
- Bãi bỏ khoản 4 Điều 8 Luật Giám định tư pháp năm
2012.
- Sửa đổi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 theo hướng quy định cho Giám đốc
các sở quản lý chuyên ngành thực hiện bổ nhiệm và cấp thẻ; đồng thời quy định
giảm thời gian giải quyết xuống còn 15 ngày.
- Kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ mẫu hóa Văn bản
đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề
nghị hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định
viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn
phòng giám định tư pháp.
- Bãi bỏ Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày
31/12/2020 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại
thẻ giám định viên tư pháp.
3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
11.480.000 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
5.670.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 5.810.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 50,61%.
Thủ tục 2: Miễn nhiệm giám định
viên tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ cấp tỉnh
1. Nội dung đơn giản hóa
a) Về trình tự thực hiện: Đề nghị sửa lại trình tự
thực hiện theo hướng giao hoặc phân cấp, ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học và
Công nghệ quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong hoạt động khoa học
và Công nghệ cấp tỉnh.
Lý do: Để tăng tính chủ động, tự chịu trách
nhiệm của đơn vị tham mưu và phù hợp với chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về
tăng cường phân cấp, ủy quyền; việc phân cấp, ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học
và Công nghệ quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong
hoạt động khoa học và Công nghệ giúp giảm bớt khối lượng công việc cho cơ quan
cấp trên, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục.
b) Về thành phần hồ sơ: Đề nghị bổ sung thành phần
hồ sơ là Thẻ giám định viên đã được cấp.
Lý do: Việc thực hiện thu hồi thẻ cần có thẻ
giám định viên trong thành phần hồ sơ, trong khi đó tại Điều 10 Luật Giám định
tư pháp và khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định
tư pháp chưa quy định thẻ giám định viên đã được cấp.
c) Về thời hạn giải quyết: Đề nghị giảm thời gian
giải quyết từ 10 ngày xuống 05 ngày.
Lý do: Việc phân cấp, ủy quyền cho Giám đốc
Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư
pháp sẽ rút ngắn thời gian thực hiện TTHC do không còn bước trình Chủ tịch UBND
tỉnh xem xét, ban hành quyết định miễn nhiệm.
d) Về mẫu đơn, tờ khai: Đề nghị mẫu hóa Văn bản đề
nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức quản lý giám định
viên tư pháp hoặc đơn xin miễn nhiệm của giám định viên tư pháp.
Lý do: Tại Điều 10 Luật Giám định tư pháp và
khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
chưa quy định cụ thể mẫu Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của
cơ quan, tổ chức quản lý giám định viên tư pháp hoặc đơn xin miễn nhiệm của
giám định viên tư pháp. Để đảm bảo tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, thống nhất
về bố cục, thông tin cần cung cấp; giảm thời gian hướng dẫn, trả lại hồ sơ do
thiếu thông tin hoặc cung cấp thông tin không cần thiết. Việc ban hành mẫu đơn
đề nghị là phù hợp, cần thiết.
2. Kiến nghị thực thi
- Bổ sung thành phần hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám
định viên tư pháp: “Thẻ giám định viên đã được cấp” tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
- Sửa đổi khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 theo hướng quy định cho Giám đốc
các sở quản lý chuyên ngành thực hiện miễn nhiệm, thu hồi thẻ; đồng thời quy định
giảm thời gian giải quyết xuống còn 05 ngày.
- Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ mẫu hóa Văn bản
đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức quản lý giám định
viên tư pháp hoặc đơn xin miễn nhiệm của giám định viên tư pháp.
3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
4.780.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
2.140.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 2.640.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 55,23%.
Thủ tục 3: Thành lập sàn giao
dịch công nghệ vùng
1. Nội dung đơn giản hóa
a) Về cách thức thực hiện: Bổ sung quy định nộp hồ
sơ trực tuyến.
Lý do: Nhằm tạo điều kiện thuận cho các cơ
quan, đơn vị trong quá trình thực hiện thủ tục, tiết kiệm chi phí, thời gian đi
lại, chuẩn bị hồ sơ.
b) Về số lượng hồ sơ: Sửa đổi số lượng hồ sơ từ 02
bộ bản giấy xuống còn 01 bộ dạng file điện tử.
Lý do: Khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến
thì không cần thiết phải nộp thành 02 bộ hồ sơ, file điện tử hồ sơ sẽ được luân
chuyển điện tử đến tài khoản của cán bộ, công chức chuyên môn giải quyết thủ tục
nội bộ. Do đó việc quy định từ 02 bộ thành 01 bộ là phù hợp và tiết kiệm chi
phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ cho các cơ quan, đơn vị.
c) Về mẫu đơn, tờ khai: Đề nghị mẫu hóa Tờ trình về
việc thành lập, đề án thành lập, dự thảo Quyết định thành lập, dự thảo điều lệ
tổ chức và hoạt động.
Lý do: Tại Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày
27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Khoa học và Công nghệ chưa quy định cụ thể mẫu của các thành phần hồ sơ
nêu trên. Để đảm bảo tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, thống nhất về bố cục,
thông tin cần cung cấp; giảm thời gian hướng dẫn, trả lại hồ sơ do thiếu thông
tin hoặc cung cấp thông tin không cần thiết. Việc mẫu hóa các thành phần hồ sơ
nêu trên là phù hợp, cần thiết.
2. Kiến nghị thực thi
- Sửa khoản 2 Điều 6 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP
ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Khoa học và Công nghệ và khoản 1 Điều 4 Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN
ngày 13/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ theo hướng giảm từ 02 bộ hồ sơ
thành 01 bộ hồ sơ (dưới dạng file điện tử) gửi bằng hình thức trực tuyến.
- Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ mẫu hóa Tờ trình
về việc thành lập, đề án thành lập, dự thảo Quyết định thành lập, dự thảo điều
lệ tổ chức và hoạt động.
3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
44.800.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
21.540.000 đồng/năm
- Chi phí tiết kiệm: 23.260.000 đồng/năm
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 51,92%.
Thủ tục 4: Xét thăng hạng viên
chức từ trợ lý nghiên cứu lên nghiên cứu viên
Thủ tục 5: Xét thăng hạng viên
chức từ nghiên cứu viên lên nghiên cứu viên chính
Thủ tục 6: Xét thăng hạng viên
chức từ kỹ thuật viên lên kỹ sư
Thủ tục 7: Xét thăng hạng viên
chức từ kỹ sư lên kỹ sư chính
1. Nội dung đơn giản hóa của thủ tục 4 đến thủ
tục 7
a) Về cách thức thực hiện: Đề nghị bổ sung quy định
cách thức thực hiện là nộp hồ sơ và trả kết quả bằng hình thức điện tử.
Lý do: Tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày
25/9/2020 của Chính phủ chưa quy định cách thức thực hiện. Để thống nhất đảm bảo
đầy đủ bộ phận tạo thành, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, thuận lợi hơn
trong thực hiện thì cần thiết quy định việc nộp hồ sơ và trả kết quả bằng hình
thức điện tử.
b) Về thành phần hồ sơ: Đề nghị bãi bỏ thành phần hồ
sơ được quy định tại Điều 36 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của
Chính phủ, gồm:
- Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy định hiện hành
được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét thăng hạng
chức danh nghề nghiệp, có xác nhận của cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức;
- Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu đơn vị
sự nghiệp công lập sử dụng viên chức hoặc của người đứng đầu cơ quan có thẩm
quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập về các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký
xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức theo quy định;
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của
chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng. Trường hợp yêu cầu về ngoại ngữ ở hạng chức
danh nghề nghiệp xét thăng hạng không có sự thay đổi so với yêu cầu ở hạng chức
danh nghề nghiệp đang giữ thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ. Trường hợp có
một trong các văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số
115/2020/NĐ-CP thì được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ.
- Các yêu cầu khác theo quy định của tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp xét thăng hạng.
Lý do: Các thành phần hồ sơ nêu trên đều được
lưu giữ trong hồ sơ viên chức tại cơ quan, đơn vị; đồng thời, hiện nay các giấy
tờ trên được cập nhật đầy đủ trên phần mềm Quản lý cán bộ, công chức, viên chức
tại địa chỉ: https://thanhhoa.vnerp.vn/web/login. Do vậy, đơn vị sử dụng viên
chức có thể tiến hành tra cứu hồ sơ lưu tại cơ quan hoặc trên phần mềm hoặc yêu
cầu viên chức mang bản gốc văn bằng đến đối chiếu để tiến hành kiểm tra, lập
danh sách viên chức đủ điều kiện xét thăng hạng mà không cần thiết phải yêu cầu
viên chức phô tô, chứng thực (văn bằng, chứng chỉ, giấy khen, sơ yếu lý lịch, bản
nhận xét, .v.v..) nộp lại cho cơ quan, nhằm giảm thời gian, công sức, chi phí
cho viên chức. Thay cho việc viên chức phải nộp hồ sơ xét thăng hạng thì Đơn vị
sử dụng viên chức sẽ rà soát hồ sơ, yêu cầu, điều kiện và lập danh sách viên chức
đủ điều kiện xét thăng hạng gửi cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về
danh sách đó.
Tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã quy
định: “Cơ quan, đơn vị cử viên chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chịu
trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện của viên chức được cử tham
gia xét thăng hạng và lưu giữ, quản lý hồ sơ đăng ký xét thăng hạng của viên chức
theo quy định của pháp luật”. Do đó, việc cơ quan quản lý viên chức căn cứ trên
tiêu chuẩn, điều kiện, chỉ tiêu xét thăng hạng để lập danh sách viên chức đủ điều
kiện thực hiện xét thăng hạng gửi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thay vì yêu cầu
viên chức phải nộp hồ sơ là phù hợp, tránh việc tăng chi phí tuân thủ khi thực
hiện thủ tục.
d) Về thời hạn giải quyết: Đề nghị bổ sung thời hạn
giải quyết cụ thể của từng bước, từng cơ quan và tổng thời gian giải quyết của
TTHC.
Lý do: Tại khoản 5 Điều 40 Nghị định số
115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 được bổ sung bởi khoản 21 Điều 1 Nghị định số
85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 và tại Điều 42 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP được sửa
đổi, bổ sung tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ mới
quy định thời gian thực hiện đối với việc thông báo kết quả và bổ nhiệm xếp
lương viên chức trúng tuyển, chưa quy định đầy đủ, cụ thể thời gian thực hiện đối
với các bước tổ chức xét thăng hạng còn lại. Do đó, để đảm bảo đúng quy định đề
nghị bổ sung thời gian giải quyết cho từng cơ quan, từng nhiệm vụ cụ thể và tổng
thời gian giải quyết của thủ tục, tránh tình trạng kéo dài thời gian, tùy tiện ở
mỗi địa phương, đơn vị.
2. Kiến nghị thực thi:
- Bãi bỏ Điều 36 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày
25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
- Bổ sung quy định đầy đủ, cụ thể về cách thức thực
hiện, thời gian thực hiện của thủ tục hành chính nội bộ xét thăng hạng viên chức.
3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
Thủ tục 4: Xét thăng hạng viên chức từ trợ lý
nghiên cứu lên nghiên cứu viên.
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
41.540.000 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
19.640.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 21.900.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 52,72%.
Thủ tục 5: Xét thăng hạng viên chức từ nghiên cứu
viên lên nghiên cứu viên chính
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
85.120.000 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
27.840.000 đồng/năm.
+ Chi phí tiết kiệm: 57.280.000 đồng/năm.
+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 67,29%.
Thủ tục 6: Xét thăng hạng viên chức từ kỹ thuật
viên lên kỹ sư
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
47.120.000 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
21.280.000 đồng/năm.
+ Chi phí tiết kiệm: 25.840.000 đồng/năm.
+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 54,84%.
Thủ tục 7: Xét thăng hạng viên chức từ kỹ sư lên
kỹ sư chính.
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
70.160.000 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
24.560.000 đồng/năm.
+ Chi phí tiết kiệm: 45.600.000 đồng/năm.
+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 64,99%./.