CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH
THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 40/2006/QĐ-UBND ngày 25/5/2006 của UBND
tỉnh Bình Thuận)
Triển khai Chương
trình hành động của Chính phủ về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, UBND
Tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
trong toàn tỉnh như sau:
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU
CẦU:
1. Mục tiêu:
- Mục tiêu lâu dài là
phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ
sở trong công tác phòng, chống tham nhũng; bằng mọi biện pháp tích cực, tập
trung chỉ đạo ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình hình tham nhũng đang diễn ra
trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý
nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động của
các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.
- Trong năm 2006 và
những năm tiếp theo phải tạo được sự chuyển biến cơ bản trong công tác phòng,
chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp, các ngành và
của từng cơ quan, đơn vị; phải phấn đấu giảm số vụ việc vi phạm pháp luật có
liên quan đến tham nhũng và giảm giá trị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.
- Xây dựng và củng cố
hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm trong sạch, vững mạnh, tập
trung nguồn lực phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
2. Yêu cầu:
- Các cấp, các ngành
phải tổ chức học tập quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định
pháp luật liên quan; trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động và đề ra
biện pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện về phòng, chống tham nhũng có hiệu quả
ngay tại địa phương, ngành mình quản lý.
- Nâng cao trách nhiệm
người đứng đầu địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ
phòng chống tham nhũng; đồng thời phải thường xuyên giáo dục chính trị tư
tưởng, đề cao việc tự rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, công
chức, viên chức, công nhân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nội quy, quy
chế, quy trình trong hoạt động công tác.
- Tăng cường chỉ đạo
hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, chú trọng công tác tự
kiểm tra, giám sát ngay tại cơ quan, đơn vị, nhằm ngăn ngừa, phát hiện kịp thời
những biểu hiện và hành vi tiêu cực, tham nhũng để ngăn chặn, xử lý và có biện
pháp chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác quản lý.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG
TRÌNH:
1. Nhiệm vụ lâu dài
về phòng ngừa tham nhũng; thực hiện công khai minh bạch một số lĩnh vực theo
quy định pháp luật:
- Giao trách nhiệm cho
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, địa phương phải chỉ đạo thực hiện công khai minh
bạch các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách
cấp; việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán kinh phí nhà nước, thực
hiện cơ chế giao khoán kinh phí hoạt động, tự chủ tài chính cho các cơ quan, tổ
chức hoạt động bằng kinh phí ngân sách nhà nước.
- Công khai minh bạch
các quy chế, quy trình, quy định pháp luật trong quản lý dự án đầu tư xây dựng
về việc lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế
hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế
hoạch sử dụng đất, danh mục dự án đầu tư, đảm bảo thực hiện đúng tiêu chuẩn
trong xây dựng, phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn và chấp hành nghiêm các
quy định pháp luật. Thực hiện tốt quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, dân cư.
- Công khai minh bạch
trong quản lý và sử dụng đất về quy hoạch, kế hoạch, giải phóng mặt bằng, chính
sách đền bù khi thu hồi đất sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết
định, phê duyệt.
- Công khai minh bạch
việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng các
công trình tại địa phương, việc huy động và sử dụng nguồn vốn này phải được Hội
đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định và báo cáo quyết toán công khai để
nhân dân kiểm tra, giám sát.
- Công khai minh bạch
trong quản lý doanh nghiệp nhà nước về vốn, tài sản nhà nước đầu tư, báo cáo
tài chính, kết quả kiểm toán, việc trích lập và sử dụng quỹ của doanh nghiệp.
- Công khai minh bạch
thủ tục, quy trình cấp phép dự án, cấp phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận Quyền
sử dụng đất, sở hữu nhà, thủ tục thuế hải quan, cấp phát vốn ngân sách, thanh
toán kho bạc, tín dụng, đầu tư . . .
- Hàng năm công khai
mức đóng góp vào các quỹ do nhà nước quản lý của các tổ chức, cá nhân trên địa
bàn.
- Các cấp, các ngành
tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản
quy phạm pháp luật có liên quan; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ
tục hành chính không còn phù hợp; đồng thời thực hiện công khai các thủ tục
hành chính, quy chế, quy trình, quy định pháp luật trong giải quyết công việc
cho tổ chức, công dân, tạo điều kiện cán bộ công chức viên chức, nhân dân kiểm
tra, giám sát việc Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực, tham
nhũng, trở thành nề nếp trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà
nước.
2. Nhiệm vụ trọng
tâm năm 2006:
a) Tổ chức quán triệt,
học tập, tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng trong phạm vi toàn
tỉnh:
- UBND tỉnh tổ chức
học tập, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng, cho cán bộ chủ chốt các Sở,
ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố để nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong
chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện Luật và
chương trình hành động về phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị.
- Thủ trưởng các Sở,
ngành, địa phương, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức học tập quán triệt
Luật, đồng thời phải xây dựng chương trình hành động về phòng, chống tham nhũng
theo lĩnh vực ngành, địa phương mình quản lý.
b) Thủ trưởng các
ngành, các cấp cần tập trung chỉ đạo, rà soát xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng
còn tồn đọng, gắn với thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo, nhất là xử lý đơn tố
cáo cán bộ có hành vi tham nhũng, đồng thời xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm
tra, giám sát một số lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tham nhũng ngay tại địa
phương, đơn vị, nhằm phòng ngừa những sai phạm trong hoạt động, quản lý, chấp
hành các quy định của pháp luật.
c) Đẩy mạnh hoạt động
thanh tra, kiểm tra theo chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chú
trọng các khâu dễ phát sinh tham nhũng như lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý dự
án đầu tư, đền bù giải tỏa, giao cấp đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
ở, nhà ở, việc mua sắm tài sản công và việc thu, chi ngân sách, nhằm ngăn ngừa,
phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi tiêu cực, tham nhũng.
d) Cơ quan, tổ chức,
đơn vị theo thẩm quyền quản lý có kế hoạch và được công khai trong nội bộ thực
hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức làm việc tại một số vị trí liên
quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải
quyết công việc của tổ chức, cá nhân trong những khâu công việc dễ nảy sinh
nhũng nhiễu, tiêu cực; nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng.
e) Phát huy chức năng,
nhiệm vụ của Tổ kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh cán bộ, công chức và cải cách
hành chính của tỉnh (Tổ kiểm tra 1128), đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ,
thực hiện “cơ chế một cửa”, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời cán bộ, công
chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, để phòng ngừa, giáo dục
chung.
f) Đề nghị các tổ chức
đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông
dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên có kế hoạch chỉ đạo các thành viên,
hội viên tham gia giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và đẩy mạnh
hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội quy,
quy chế, quy trình, các quy định pháp luật và quản lý kinh tế-tài chính tại đơn
vị, địa phương. Kịp thời phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
g) Các cơ quan bảo vệ
pháp luật tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công
vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý và đẩy mạnh công tác điều tra, truy
tố, xét xử kịp thời nghiêm minh các vụ án có liên quan đến tham nhũng, thông
báo công khai để ngăn ngừa, giáo dục chung.
III. CÁC BIỆN PHÁP
CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:
1. Các cấp, các ngành
phải chỉ đạo tổ chức tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2005, gắn
với triển khai học tập, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng và xây dựng
chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2006 và những
năm tiếp theo, nhằm rút ra những kinh nghiệm, trong công tác chỉ đạo, quản lý
và có những biện pháp khắc phục, có kế hoạch bổ sung, chấn chỉnh và ngăn ngừa
tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý.
2. Củng cố, kiện toàn
Ban Chỉ đạo chống tham nhũng trong các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; phân
công trách nhiệm, nhiệm vụ của từng thành viên chỉ đạo quản lý từng lĩnh vực,
bảo đảm không để tình trạng tiêu cực, tham nhũng phát sinh nổi cộm trong đơn
vị, cơ quan do mình quản lý mà chưa được phát hiện, xử lý; đồng thời: thành lập
bộ phận chuyên trách trong cơ quan Thanh tra Tỉnh để theo dõi, tổng hợp, đôn
đốc, kiểm tra và đề nghị xử lý những vụ tham nhũng phát sinh của các cơ quan,
đơn vị, ngành, địa phương.
3. Chủ tịch UBND các
cấp, thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ; đẩy mạnh việc
thực hiện cải cách thủ tục hành chính, với cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn
Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (2), tiến tới xây dựng cơ quan “trong sạch
vững mạnh”và cam kết “không có cán bộ, công chức vi phạm tham nhũng”.
4. Qua công
tác thanh tra, kiểm tra. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, thủ trưởng cơ
quan quản lý nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ
quan thanh tra, điều tra, Viện Kiểm sát theo chức năng thẩm quyền để xử lý theo
pháp luật.
5. Giao cho
Thanh tra tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân
dân tỉnh tăng cường kiểm tra, kết luận đơn tố cáo cán bộ có hành vi tham nhũng
để xử lý và đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án hình sự có liên quan đến tham
nhũng đưa ra truy tố, xét xử công khai, kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng
tội, nhằm giáo dục phòng ngừa chung.
6. Ngành,
địa phương, cơ quan, đơn vị nào để xảy ra tiêu cực, tham nhũng thuộc quyền quản
lý của mình thì người đứng đầu ngành, địa phương, đơn vị đó phải chịu trách
nhiệm và bị xử lý theo pháp luật.
7. Các cơ
quan thông tin đại chúng: Đài Phát thanh-Truyền hình, Báo Bình Thuận có kế hoạch
tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng và phối hợp với các cấp, các ngành,
cơ quan thu thập thông tin, đăng tải, đưa tin bài về hoạt động phòng, chống
tham nhũng của các cơ quan, đơn vị; đồng thời lên án những hành vi tiêu cực,
tham nhũng, tạo khí thế cho phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong toàn
tỉnh.
8. Thủ trưởng
các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chỉ đạo thực
hiện chương trình này và hàng quý, 6 tháng, năm gửi báo cáo tình hình, kết quả
việc triển khai thực hiện Luật, Phòng chống tham nhũng cho UBND tỉnh (qua Thanh
tra tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo./.