ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3505/QĐ-UBND
|
Tiền Giang, ngày
23 tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ NỘI BỘ KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm
2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản ngày 28
tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 201
Căn cứ Luật Kiến Trúc ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng
6 năm 2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định
thuộc vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Tờ trình
4436/TTr-SXD ngày 03/12/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này “Quy chế nội bộ kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực
quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở
Xây dựng theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Xây dựng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành, thị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng (để báo cáo);
- CT và các PCT;
- VPUB: CVP, các PCVP(Nam);
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, P.KT(Hoàng).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Văn Trọng
|
QUY CHẾ
NỘI
BỘ KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH XÂY
DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3505/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2024 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nội bộ kiểm tra việc thực
hiện pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh
Tiền Giang.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với Sở Xây dựng, Ủy ban
nhân dân cấp huyện và các công chức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quản lý
nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Chương II
TRÁCH NHIỆM, TỔ CHỨC VIỆC
THỰC HIỆN KIỂM TRA
Điều 2. Trách nhiệm kiểm tra
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện
pháp luật đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh
Tiền Giang.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm kiểm
tra việc thực hiện pháp luật đối với lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng
trên địa bàn huyện thuộc phạm vi quản lý.
Điều 3. Tổ chức thực hiện việc
kiểm tra
1. Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện có
trách nhiệm kiểm tra theo quy định tại Điều 2 Quy chế này.
2. Khi tiến hành kiểm tra, thủ trưởng cơ quan có trách
nhiệm kiểm tra phải thành lập Đoàn kiểm tra theo quy định.
3. Trưởng đoàn kiểm tra do Thủ trưởng cơ quan có
trách nhiệm kiểm tra quyết định; tùy theo yêu cầu của từng vụ việc kiểm tra, Thủ
trưởng cơ quan có trách nhiệm kiểm tra có thể mời các cơ quan khác có liên quan
tham gia Đoàn kiểm tra khi cần thiết.
4. Hoạt động kiểm tra việc thực hiện pháp luật
trong các lĩnh vực xây dựng bảo đảm không chồng chéo với hoạt động thanh tra,
không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là
đối tượng kiểm tra.
Điều 4. Trình tự, thủ tục kiểm
tra
1. Ra quyết định kiểm tra phải có một trong các căn
cứ sau đây:
a) Kiểm tra theo kế hoạch: Kế hoạch kiểm tra đã được
Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm kiểm tra phê duyệt theo quy định.
b) Kiểm tra đột xuất: Khi có dấu hiệu vi phạm pháp
luật, có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, thông
tin đại chúng hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.
2. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra có trách nhiệm
ban hành kế hoạch kiểm tra (theo từng lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực) trước ngày
15/3 hàng năm để thực hiện hoạt động kiểm tra định kỳ; quyết định việc tổ chức
kiểm tra đột xuất khi cần thiết.
3. Hoạt động kiểm tra chỉ được tiến hành khi có Quyết
định kiểm tra của Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm kiểm tra; nội dung cơ bản của
quyết định kiểm tra theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 13 Nghị định số
35/2023/NĐ-CP .
4. Quyết định kiểm tra phải gửi cho đơn vị, cá nhân
được kiểm tra và các cơ quan có liên quan khác để biết phối hợp (trừ trường
hợp kiểm tra đột xuất, khẩn cấp).
5. Trưởng Đoàn kiểm tra phải tổ chức công bố quyết
định kiểm tra với Thủ trưởng đơn vị, cá nhân được kiểm tra và lập biên bản công
bố kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra.
6. Kết thúc kiểm tra tại đơn vị được kiểm tra và
đoàn kiểm tra phải tiến hành lập biên bản kiểm tra.
Điều 5. Nội dung kiểm tra
1. Việc thực hiện các quy định pháp luật, các nhiệm
vụ theo chức năng được giao thuộc lĩnh vực xây dựng.
2. Việc bố trí nguồn lực và các điều kiện khác bảo
đảm cho việc thi hành pháp luật; việc thực hiện thống kê, chế độ báo cáo, lưu
trữ, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu.
Điều 6. Hình thức kiểm tra
1. Kiểm tra trực tiếp tại đơn vị được kiểm tra.
2. Thông qua báo cáo của các đơn vị được kiểm tra.
Điều 7. Kết luận, công khai,
theo dõi, đôn đốc kiểm tra
1. Việc ra kết luận kiểm tra thực hiện theo quy định
tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 3 5/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Công khai kết luận kiểm tra theo quy định tại
Khoản 6 Điều 13 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Cơ quan tiến hành kiểm tra có trách nhiệm theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra theo quy định tại Khoản
8 Điều 13 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 8. Kinh phí kiểm tra
Kinh phí kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong
các lĩnh vực xây dựng được bố trí từ ngân sách nhà nước. Việc lập, quản lý, sử
dụng và quyết toán kinh phí kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật
về ngân sách nhà nước.
Chương III
QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA
ĐOÀN KIỂM TRA
Điều 9. Quyền hạn, trách nhiệm
của Đoàn kiểm tra
1. Đoàn kiểm tra có quyền:
a) Yêu cầu đơn vị, cá nhân được kiểm tra bố trí cán
bộ, công chức làm việc với Đoàn kiểm tra; báo cáo, cung cấp hồ sơ vụ việc kiểm
tra và các tài liệu khác có liên quan đến nội dung kiểm tra.
b) Tiến hành làm việc với từng tổ chức, cá nhân có
liên quan trong đơn vị được kiểm tra và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan
để thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ nội dung kiểm tra.
c) Có quyền yêu cầu đình chỉ ngay các hành vi vi phạm
pháp luật và kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ thi hành các quyết định
hành chính trái pháp luật nếu xét thấy các hành vi và quyết định đó đang hoặc sẽ
gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan,
tổ chức, cá nhân.
d) Kiến nghị các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, sửa
chữa hoặc báo cáo đề xuất xử lý vi phạm hành chính (nếu có).
2. Đoàn kiểm tra có trách nhiệm:
a) Công bố quyết định kiểm tra của Thủ trưởng cơ
quan có trách nhiệm kiểm tra theo quy định của Quy chế này.
b) Kiểm tra đúng đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, thời
hạn kiểm tra ghi trong quyết định kiểm tra.
c) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục kiểm tra, quyền
hạn và trách nhiệm theo quy định của Quy chế này.
d) Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phải có thái độ
khách quan, trung thực; nghiêm cấm việc lợi dụng kiểm tra để mưu lợi cá nhân, tập
thể hoặc gây mất đoàn kết nội bộ tại đơn vị được kiểm tra.
đ) Báo cáo kịp thời kết quả kiểm tra theo quy định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành,
thị và các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện
theo Quy chế này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế
này, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị báo cáo, đề xuất gửi Sở
Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.