Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2989/QĐ-UBND 2018 Quy chế về công tác trực phòng chống thiên tai Hồ Chí Minh

Số hiệu: 2989/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Thanh Liêm
Ngày ban hành: 18/07/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2989/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CÔNG TÁC TRỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;

Căn cứ Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Căn cứ Thông tư số 31/2017/TT-BNTPTNT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 59/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố;

Căn cứ Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tại Tờ trình số 74/TTr-PCTT ngày 02 tháng 5 năm 2018; Tờ trình số 97/TTr-PCTT ngày 13 tháng 6 năm 2018; ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 4884/STP-VB ngày 29 tháng 5 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, bãi bỏ Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 15 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định công tác trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT;
- UBQG ƯPSC thiên tai và TKCN;
- TT/TU, TT/HĐND.TP;
- Bộ NN và PTNT;
- TT/UB: CT, các PCT;
- Tổng Cục PCTT;
- Chi cục PCTT miền Nam;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP;
- Các Đoàn thể TP;
- Các Thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP;
- Đài Thông tin Duyên hải TP;
- VPUB các PVP, các Phòng CV;
- Lưu: VT, (KT-Trọng)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Liêm

 

QUY CHẾ

VỀ CÔNG TÁC TRỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2989/QĐ-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng, thời gian trực

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định công tác trực ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, quận - huyện, phường - xã - thị trấn có sử dụng hoặc huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là người lao động) làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Thời gian trực

a) Đối với công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: tổ chức trực theo chế độ 24/24 giờ (từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm).

b) Đối với các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân: trực theo chế độ quy định của đơn vị.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là công việc phải thường trực 24/24 giờ để bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Phòng, chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống, bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Tìm kiếm là việc sử dụng nhân lực; trang, thiết bị để xác định vị trí của người, phương tiện bị nạn.

4. Cứu nạn là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu, các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.

Điều 3. Thành phần trực

1. Trực lãnh đạo

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố và quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

2. Trực chuyên viên:

Gồm chuyên viên các Sở, ngành, quận, huyện; thành viên Tổ Giúp việc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành.

3. Số lượng và nhân sự tham gia trực do Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành quyết định, tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cụ thể bằng văn bản kèm theo thông tin cần thiết và thông báo cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp trên trực tiếp và cấp dưới trực thuộc biết để liên hệ. Việc bố trí nhân sự trực phải sắp xếp khoa học, hiệu quả và phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị.

4. Khi xảy ra sự cố, thiên tai, tai nạn, thảm họa các Sở, ngành, đơn vị thành phố, quận - huyện, phường - xã - thị trấn phải bố trí đủ thành phần, lực lượng trực để đảm bảo xử lý công việc.

Điều 4. Nhiệm vụ chung

1. Tham mưu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành theo dõi, nắm chắc mọi tình hình liên quan đến thiên tai, tai nạn, thảm họa; các công trình phòng, chống thiên tai; tình hình tổ chức lực lượng và huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (bao gồm nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị và các cơ sở vật chất kỹ thuật...) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản do thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra.

2. Đảm bảo truyền đạt thông tin kịp thời trong quá trình chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, xử lý trong mọi tình huống khi có thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra. Tiếp nhận các công điện, chỉ thị, mệnh lệnh, thông báo, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp trên trực tiếp để truyền đạt kịp thời đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc, phường - xã - thị trấn, các tổ chức kinh tế - xã hội, đoàn thể và nhân dân để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các kế hoạch, phương án đã được phê duyệt. Tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng cấp trong việc tổ chức phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thuộc địa phương, đơn vị quản lý; xử lý các sự cố công trình phòng, chống thiên tai; tổ chức điều động các lực lượng, phương tiện để chi viện các địa phương, đơn vị khác.

3. Đảm bảo thông tin, liên lạc, chỉ huy thông suốt trong mọi tình huống từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở, ban, ngành đến quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

4. Tổng hợp, báo cáo kịp thời kết quả thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, địa phương mình; nếu vượt thẩm quyền hoặc khả năng giải quyết phải báo cáo ngay cho cơ quan cấp trên để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Điều 5. Chế độ thông tin báo cáo

a) Trường hợp thông thường:

Gửi văn bản, công điện qua đường chuyển phát của ngành Bưu chính - Viễn thông; thư điện tử, fax, đưa tin lên trang thông tin điện tử (web) của cơ quan, đơn vị mình; trang web của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

b) Trường hợp khẩn cấp:

- Báo cáo bằng điện thoại, sau đó gửi văn bản, công điện qua đường chuyển phát của ngành Bưu chính - Viễn thông.

- Nhắn tin qua điện thoại di động, đưa tin lên trang thông tin điện tử (web) của cơ quan, đơn vị mình; trang web của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; thông qua các cơ quan thông tin đại chúng gồm: Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các cơ quan thông tấn - báo chí,; hệ thống thông tin công cộng tại địa phương.

Chương II

THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

Điều 6. Thời giờ làm việc

1. Thời giờ làm việc của người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn không quá 08 giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần.

2. Thời giờ làm việc ngoài thời gian quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy chế này được tính là thời gian làm thêm giờ.

3. Số giờ làm thêm của người lao động không quá 04 giờ trong một ngày và tổng số giờ làm thêm không vượt quá 300 giờ trong một năm.

Điều 7. Nghỉ bù trực

1. Người lao động thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ được nghỉ và được hưởng nguyên lương như sau:

a) Thường trực vào ngày thường: được nghỉ bù một ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực.

b) Thường trực vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết được nghỉ bù hai ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực.

2. Trường hợp do yêu cầu công việc trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mà không thể bố trí nghỉ bù, thủ trưởng đơn vị hoặc người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải trả tiền lương làm thêm giờ (số giờ này không nằm trong thời gian 04 giờ làm thêm trong 01 ngày được nêu tại Khoản 3 Điều 6 Quy chế này) tương ứng với số giờ vượt quá thời gian làm việc trong chế độ thường trực:

a) Vào ngày thường: số giờ làm thêm tương ứng là 12 giờ.

b) Vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, tết: số giờ làm thêm tương ứng là 24 giờ.

3. Số thời gian không nghỉ bù và được trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế này không tính vào quỹ thời gian làm thêm giờ trong năm (không tính vào 300 giờ làm thêm trong năm).

Điều 8. Thời giờ nghỉ ngơi

1. Khi thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ tại Văn phòng, người tham gia thường trực được nghỉ giải lao tối thiểu 45 phút vào ban ngày và 60 phút vào ban đêm tính vào thời giờ thường trực. Trong thời gian nghỉ giải lao, người lao động không được rời khỏi nơi thường trực.

2. Cơ quan, tổ chức phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sử dụng hoặc huy động người lao động thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ phải bố trí nơi ăn, nghỉ theo chế độ và quy định hiện hành cho người lao động.

Điều 9. Nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, tết

1. Người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, tết và những ngày nghỉ được hưởng lương khác theo quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động.

2. Trường hợp do yêu cầu đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn không thể bố trí nghỉ hằng tuần, thủ trưởng đơn vị hoặc người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất bốn ngày.

Điều 10. Thời giờ làm việc; nghỉ bù trực; thời giờ nghỉ ngơi; nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, tết quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Quy chế này không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thuộc lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ và người lao động không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC TRỰC TRONG TỪNG TÌNH HUỐNG CỤ THỂ

Mục 1: TÌNH HUỐNG BÃO, ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, THỜI TIẾT NGUY HIỂM

Điều 11. Công tác trực trước khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ

1. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố

a) Thường xuyên cập nhật tin tức, theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm như diễn biến, vị trí, cường độ, hướng di chuyển, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng và phân tích, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra thông qua bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ; đồng thời, tham khảo thêm dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế.

b) Tiếp nhận các công điện, chỉ thị, mệnh lệnh, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và các Bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện và phổ biến kịp thời các công điện, chỉ thị, mệnh lệnh, văn bản chỉ đạo đó đến các Sở, ban, ngành, đơn vị thành phố và quận - huyện.

c) Ban hành các công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản... để triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm đến các sở, ban, ngành, đơn vị, quận - huyện. Đặc biệt, kể từ thời điểm có tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão gần bờ phải thường xuyên liên hệ để nắm tình hình tổ chức, thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó tại các địa phương, đơn vị; xác định các khu vực xung yếu để tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tập trung huy động lực lượng, phương tiện, vật tư chi viện cho quận - huyện, phường - xã - thị trấn thực hiện việc phòng, tránh, ứng phó và tổ chức sơ tán, di dời dân kịp thời, an toàn. Cụ thể như sau:

- Khi nhận tin thời tiết nguy hiểm, tin áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, tin bão gần biển Đông và các tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, tin bão trên biển Đông, tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp nằm trong khu vực dưới 06 độ vĩ Bắc (có hướng di chuyển theo hướng Nam, Nam Tây Nam, Tây Nam, Tây Tây Nam hay giữa các hướng trên) hoặc trên 15 độ vĩ Bắc (có hướng di chuyển theo hướng Bắc, Bắc Tây Bắc, Tây Bắc, Tây Tây Bắc hay giữa các hướng trên): soạn thảo công văn để cảnh báo đến các đơn vị, địa phương quản lý tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

- Đối với tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, tin bão trên biển Đông (nằm trong khu vực từ 06 đến 15 độ vĩ Bắc): soạn thảo Công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thành phố và quận - huyện chuẩn bị phương án phòng, chống, ứng phó; đồng thời, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị.

- Đối với tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp (nằm trong khu vực từ 06 đến 15 độ vĩ Bắc): soạn thảo các Công điện khẩn yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị thành phố, quận - huyện triển khai phương án phòng, chống, ứng phó; đồng thời, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, đơn vị.

- Đối với tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, tin bão trên đất liền có ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố: soạn thảo các Công điện khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và quận - huyện triển khai phương án khắc phục hậu quả.

d) Đối với tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm, tin áp thấp nhiệt đới gần biển Đông: Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố ủy quyền Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố soạn thảo, ký ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thành phố, quận - huyện chuẩn bị phương án phòng, chống, ứng phó. Các trường hợp tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới khác do Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố ký ban hành công điện, công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị thành phố, quận - huyện triển khai phương án phòng, chống, ứng phó.

đ) Thực hiện chế độ báo cáo cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố như sau:

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, tin bão gần biển Đông, tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và tin bão trên biển Đông: báo cáo nhanh tình hình tàu thuyền 01 lần/ngày.

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão gần bờ và tin bão khẩn cấp: báo cáo nhanh tình hình triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và các cơ quan, đơn vị 02 lần/ngày.

2. Các Sở, ban, ngành, đơn vị thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện

a) Thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức về bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm: diễn biến, vị trí, cường độ, hướng di chuyển, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.

b) Tiếp nhận công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; trong khoảng thời gian không quá 15 phút, truyền đạt, phổ biến kịp thời đến Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn và các cơ quan, phòng - ban, đơn vị trực thuộc. Triển khai công tác phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, phương án của đơn vị, địa phương mình; chuẩn bị và triển khai kế hoạch, phương án di dời dân ngay khi có lệnh của Ủy ban nhân dân thành phố.

c) Thực hiện chế độ báo cáo cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tình hình triển khai, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới của địa phương, đơn vị mình như sau:

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, tin bão gần biển Đông, tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và tin bão trên biển Đông: báo cáo 01 lần/ngày (trước 10 giờ).

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão gần bờ và tin bão khẩn cấp: báo cáo 02 lần/ngày (trước 10 giờ và 16 giờ).

3. Ủy ban nhân dân các phường - xã - thị trấn

a) Thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức về bão, áp thấp nhiệt đới, các diễn biến, vị trí, cường độ, hướng di chuyển, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.

b) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận - huyện; trong khoảng thời gian không quá 15 phút phải thông báo kịp thời, rộng rãi đến các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phường - xã - thị trấn, các khu phố - ấp, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn. Thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới; triển khai kế hoạch, phương án di dời dân ngay khi có lệnh của Ủy ban nhân dân quận - huyện.

c) Định kỳ báo cáo (ít nhất 01 lần/ngày) cho Ủy ban nhân dân quận - huyện về tình hình và kết quả triển khai công tác phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới trên địa bàn quản lý.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố

a) Tiếp nhận các công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và cơ quan cấp trên; tùy theo tình hình, diễn biến thực tế của bão, áp thấp nhiệt đới triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm tra, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và tàu thuyền hoạt động trên địa bàn Thành phố và khu vực giáp ranh Thành phố theo Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của đơn vị. Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện việc cấm tàu thuyền ra khơi khi có lệnh của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

b) Sẵn sàng phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố, Công an thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố và các đơn vị, địa phương thực hiện kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia phòng, tránh, ứng phó khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào địa bàn Thành phố.

5. Bộ Tư lệnh thành phố, Công an thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố

a) Tiếp nhận các công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và cơ quan cấp trên; tùy theo tình hình, diễn biến thực tế của bão, áp thấp nhiệt đới sẵn sàng phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố và các đơn vị, địa phương triển khai kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia phòng, tránh, ứng phó khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào địa bàn Thành phố.

b) Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố tiếp nhận các nguồn thông tin cứu nạn, cứu hộ (qua Tổng đài 114) và phân loại, thẩm định chính xác nguồn thông tin để thông báo ngay đến các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức phối hợp triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản:

a) Kiểm tra, nắm số lượng, vị trí tàu thuyền, thuyền viên, số đăng ký tàu thuyền và duy trì thông tin, liên lạc với các tàu thuyền. Thông báo thường xuyên cho các thuyền trưởng, chủ tàu thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm trên biển. Báo cáo vị trí, số lượng tàu thuyền, ngư dân ra khơi đánh bắt xa bờ và gần bờ, tàu thuyền đang trú ẩn, nằm bờ về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố như sau:

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, tin bão gần biển Đông: báo cáo 01 lần/ngày (trước 09 giờ).

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão trên biển Đông, tin bão gần bờ: báo cáo 02 lần ngày (trước 09 giờ và 15 giờ).

- Khi có tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, tin bão khẩn cấp và bão đổ bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến Thành phố: báo cáo 03 lần/ngày (trước 09 giờ, 15 giờ và 20 giờ).

b) Tiếp nhận các công điện, chỉ thị, thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và cơ quan cấp trên: tùy theo tình hình, diễn biến thực tế của bão, áp thấp nhiệt đới tổ chức thực hiện Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thuỷ sản trên địa bàn Thành phố.

Điều 12. Công tác trực trong khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ

1. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố

a) Duy trì chế độ thông tin liên lạc liên tục, thường xuyên, cung cấp kịp thời mọi diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới cho các địa phương, đơn vị.

b) Theo dõi, nắm chắc tình hình ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố điều động lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

c) Báo cáo nhanh cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ, ngành liên quan việc thực hiện phương án ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới.

2. Các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện

a) Duy trì chế độ thông tin liên lạc liên tục, thường xuyên, cung cấp kịp thời tình hình ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

b) Chi cục Thủy sản phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố kiểm tra và báo cáo tình hình tàu thuyền ở nơi tránh, trú bão, áp thấp nhiệt đới cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

3. Ủy ban nhân dân các phường - xã - thị trấn

Duy trì chế độ thông tin liên lạc liên tục, thường xuyên, cung cấp kịp thời tình hình ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới cho Ủy ban nhân dân quận - huyện.

Điều 13. Công tác trực sau khi bão, áp thấp nhiệt đới đi qua

1. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố

Khi có tin cuối cùng về bão, áp thấp nhiệt đới: nếu có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến Thành phố phải tổng hợp, báo cáo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tình hình thiệt hại, đề xuất, kiến nghị (nếu có) cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện

Trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 24 giờ sau khi bão, áp thấp nhiệt đới đi qua phải tổng hợp, báo cáo tình hình ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và xử lý, khắc phục hậu quả bão, áp thấp nhiệt đới tại đơn vị, địa phương mình; đánh giá, xác định thiệt hại ban đầu, đề xuất, kiến nghị (nếu có) báo cáo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

3. Ủy ban nhân dân các phường - xã - thị trấn

Trong khoảng thời gian từ 06 giờ đến 12 giờ sau khi bão, áp thấp nhiệt đới đi qua phải tổng hợp tình hình ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả bão, áp thấp nhiệt đới tại địa phương mình; đánh giá, xác định thiệt hại ban đầu, đề xuất, kiến nghị (nếu có) báo cáo Ủy ban nhân dân quận - huyện.

Mục 2: TÌNH HUỐNG TRIỀU CƯỜNG, MƯA LỚN, XẢ LŨ, SẠT LỞ, LỐC XOÁY, GIÔNG SÉT, ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN

Điều 14. Đối với triều cường, mưa lớn

1. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố

a) Khi mực nước tại trạm Phú An, sông Sài Gòn vượt mức báo động cấp II (1,40m) trở lên: thông báo cho các cơ quan thông tấn báo, đài để đưa tin cho nhân dân biết và chủ động phòng, tránh; đồng thời, thông báo tình hình triều cường và yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị thành phố và quận - huyện thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó và chủ động triển khai thực hiện phương châm “04 tại chỗ”, “03 sẵn sàng”; theo dõi diễn biến tình hình triều cường, phối hợp các địa phương, đơn vị kiểm tra thực địa các tuyến bờ bao xung yếu để yêu cầu các quận - huyện chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư ứng cứu, khắc phục ngay nếu xảy ra sự cố.

b) Khi có dự báo mưa to (từ 51 đến 100 mm) đến mưa rất to (trên 100 mm) kết hợp triều cường: phối hợp với Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố xác định các khu vực sẽ bị ảnh hưởng ngập để thông tin cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó hoặc tổ chức di dời. Cập nhật tình hình ngập úng, đề xuất phương án xử lý, ứng phó tình trạng ngập úng do triều cường, mưa lớn gây ra.

c) Chủ động và thường xuyên liên hệ với các quận - huyện trọng điểm để nắm chắc diễn biến của triều cường, mưa lớn, tình hình ngập úng do tràn bờ bao, bể bờ bao, mức độ ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân trong khu vực; yêu cầu các quận - huyện, đơn vị báo cáo bằng văn bản để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan Trung ương theo quy định.

d) Tổng hợp báo cáo nhanh cho Ủy ban nhân dân thành phố tình hình triều cường, mưa lớn 01 lần/ngày, trong trường hợp triều cường, mưa lớn diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng, báo cáo 02 lần/ngày.

đ) Khi kết thúc các đợt triều cường, mưa lớn, nếu có ảnh hưởng, thiệt hại phải tổng hợp báo cáo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố để tổng kết, đánh giá tình hình và đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trong thời gian tới.

2. Các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện (đặc biệt là các quận - huyện trọng điểm: quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi), căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tình hình ảnh hưởng của triều cường, mưa lớn

Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, thường xuyên theo dõi bản tin dự báo diễn biến thủy triều 05 ngày, lượng mưa của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ và liên hệ với các phường - xã - thị trấn trọng điểm để nắm chắc diễn biến của triều cường, mưa lớn, tình hình, sự cố ngập úng do tràn, bể bờ bao; mức độ ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân trong khu vực.

Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị và Ủy ban nhân dân các quận - huyện báo cáo nhanh tình hình tràn bờ, bể bờ bao, ngập úng (vị trí, thời gian xảy ra sự cố, mức độ, khu vực bị ảnh hưởng, thiệt hại) cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố 01 lần/ngày. Sau đó, tổng hợp chi tiết và báo cáo cụ thể bằng văn bản (vị trí, tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

3. Ủy ban nhân dân các phường - xã - thị trấn, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của triều cường, mưa lớn

Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận - huyện thông báo rộng rãi đến các khu phố - ấp, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân đang sinh sống tại các khu vực xung yếu, ven sông, kênh, rạch, vùng trũng thấp. Thường xuyên liên hệ với các khu phố - ấp, tổ dân phố trọng điểm để nắm chắc diễn biến của triều cường, mưa lớn, tình hình, sự cố ngập úng cục bộ hoặc do tràn, bể bờ bao; mức độ ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng”. Báo cáo nhanh tình hình tràn bờ, bể bờ bao, ngập úng (vị trí, thời gian xảy ra sự cố, khu vực bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại) cho Ủy ban nhân dân quận - huyện 01 lần/ngày. Sau đó, tổng hợp chi tiết và báo cáo cụ thể bằng văn bản (vị trí, tình hình, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

Điều 15. Đối với xả lũ

1. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố

a) Khi nhận được thông báo xả lũ của hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An phải thông báo cho các cơ quan thông tấn báo, đài để đưa tin cho nhân dân biết nhằm chủ động phòng, tránh; đồng thời, thông báo cho Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, Chi cục Thủy sản, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi, Sở Giao thông vận tải, Khu Quản lý Đường thủy nội địa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị và các quận - huyện liên quan, cụ thể:

- Xả lũ của hồ Dầu Tiếng: thông báo, cảnh báo cho huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, quận 02, quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè.

- Xả lũ của hồ Trị An: thông báo, cảnh báo cho quận 02, quận 7, quận 9, quận Thủ Đức và huyện Nhà Bè.

b) Trong trường hợp lưu lượng xả lũ lớn (hồ Dầu Tiếng xả tràn trên 200 m3/s, hồ Trị An xả tràn trên 2.000 m3/s), ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện biện pháp ứng phó với xả lũ.

c) Thường xuyên liên hệ với các địa phương, đơn vị liên quan để nắm diễn biến, tình hình ảnh hưởng của xả lũ. Đồng thời, liên hệ với các đơn vị quản lý hồ chứa để nắm chắc tình hình xả lũ, kịp thời thông tin cho các địa phương, đơn vị; tùy theo tình hình thời tiết, thủy văn tại Thành phố (bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, mưa lớn), ủy quyền cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố vận hành điều tiết lưu lượng xả tràn hợp lý, đặc biệt là đối với hồ Dầu Tiếng; trường hợp vượt thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết.

2. Ủy ban nhân dân quận - huyện, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý Khai thác dịch vụ Thủy lợi; các Sở, ban, ngành thành phố, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình ảnh hưởng của xả lũ

a) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng khắc phục thiệt hại do xả lũ gây ra, liên hệ thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và các quận - huyện, phường - xã - thị trấn trọng điểm để theo dõi diễn biến xả lũ và khắc phục kịp thời các sự cố do tràn bờ, bể bờ bao gây ra; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

b) Báo cáo sơ bộ tình hình tràn bờ, bể bờ bao, ngập úng (vị trí, thời gian xảy ra sự cố, khu vực bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại) cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (ít nhất 01 lần/ngày); sau đó tổng hợp chi tiết và báo cáo cụ thể bằng văn bản (vị trí, tình hình, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

3. Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của xả lũ

a) Tiếp nhận các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận - huyện; thông báo rộng rãi đến các khu phố, ấp, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân đang sinh sống tại các khu vực xung yếu, ven sông, kênh, rạch, vùng trũng thấp. Thường xuyên liên hệ với các khu phố - ấp, tổ dân phố trọng điểm để nắm tình hình ảnh hưởng do xả lũ, sự cố ngập úng cục bộ hoặc tràn, bể bờ bao; mức độ ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

b) Báo cáo nhanh tình hình tràn bờ, bể bờ bao, ngập úng (vị trí, thời gian xảy ra sự cố, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại) cho Ủy ban nhân dân quận - huyện 01 lần/ngày. Sau đó, tổng hợp chi tiết và báo cáo cụ thể bằng văn bản (vị trí, tình hình, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

Điều 16. Đối với sạt lở, lốc xoáy, giông sét

1. Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn (nơi xảy ra sự cố)

a) Sau khi nắm thông tin xảy ra sự cố, không quá 15 phút phải thông báo đến bộ phận trực của Ủy ban nhân dân quận - huyện; thông báo đến các khu phố, ấp, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân trong các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để tổ chức ứng phó.

b) Định kỳ báo cáo (ít nhất 01 lần/ngày) cho Ủy ban nhân dân quận - huyện về tình hình tổ chức, triển khai công tác ứng phó và xử lý sự cố.

2. Ủy ban nhân dân quận - huyện (nơi xảy ra sự cố), các Sở, ngành, đơn vị thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ

a) Ngay khi nhận được tin xảy ra sự cố không quá 15 phút, bộ phận trực phải thông báo đến lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố hoặc bộ phận trực ban (số điện thoại: 38.297.598); chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng khắc phục thiệt hại do sạt lở, lốc xoáy, giông sét; đồng thời liên hệ thường xuyên với Ủy ban nhân dân các phường - xã - thị trấn nơi xảy ra sự cố, theo dõi diễn biến tình hình và tổ chức khắc phục kịp thời các sự cố.

b) Báo cáo nhanh tình hình sự cố, thiệt hại và công tác xử lý, tổ chức khắc phục cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (ít nhất 01 lần/ngày); sau đó, tổng hợp chi tiết và báo cáo cụ thể bằng văn bản (vị trí, tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

3. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố

a) Ngay khi nhận được thông tin sạt lở, lốc xoáy, giông sét từ các địa phương, đơn vị, trong khoảng thời gian không quá 15 phút bộ phận trực phải điện thoại báo cáo cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; đồng thời liên lạc với các sở, ngành, đơn vị Thành phố chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ ứng cứu địa phương khi có yêu cầu. Bố trí cán bộ đi thực địa hiện trường để đánh giá nguyên nhân và đôn đốc công tác tổ chức khắc phục sự cố nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.

b) Liên hệ, phối hợp các sở, ban, ngành, quận - huyện liên quan; tổng hợp tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 17. Đối với động đất, sóng thần

1. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố

a) Khi nhận được tin động đất, tin cảnh báo sóng thần từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan; bộ phận trực phải điện thoại báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để kịp thời tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các biện pháp xử lý, ứng phó. Liên hệ ngay với Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố để đưa tin khẩn cấp trên các kênh, sóng truyền hình, phát thanh.

b) Tổng hợp tình hình thiệt hại, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn Thành phố để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố (cơ quan Thường trực Phòng và Khắc phục hậu quả động đất, sóng thần)

a) Tiếp nhận thông tin động đất, cảnh báo sóng thần; thực hiện Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần trên địa bàn thành phố ban hành tại Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đến các Sở, ban, ngành thành phố, quận - huyện. Triển khai các Phương án phòng, tránh và ứng phó, khắc phục hậu quả các sự cố do động đất, sóng thần gây ra trên địa bàn Thành phố.

b) Tổng hợp chi tiết trong lĩnh vực tài nguyên môi trường (thống kê tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục) và các đề xuất, kiến nghị báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

3. Các Sở, ban, ngành, đơn vị thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình ảnh hưởng của động đất, sóng thần

a) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị... sẵn sàng tổ chức di dời dân đảm bảo an toàn tuyệt đối; triển khai phương án chủ động sẵn sàng khắc phục thiệt hại do động đất, sóng thần; liên hệ thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và các phường - xã - thị trấn nơi xảy ra sự cố, theo dõi diễn biến và tổ chức khắc phục kịp thời.

b) Tổng hợp chi tiết (vị trí, tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị) báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của động đất, sóng thần

a) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận - huyện; thông báo kịp thời, rộng rãi đến các khu phố - ấp, tổ dân phố và nhân dân, các khu du lịch, trường học, bệnh viện, các điểm có đông người tập trung trên địa bàn; đặc biệt là nhân dân sống ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sóng thần, nhân dân sống trong các chung cư, nhà cao tầng, các chung cư xuống cấp có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi động đất, dư chấn động đất. Đồng thời, triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, tổ chức di dời dân đến nơi an toàn.

b) Báo cáo Ủy ban nhân dân quận - huyện về tình hình tổ chức, triển khai công tác ứng phó, xử lý sự cố động đất, sóng thần và các đề xuất, kiến nghị.

Mục 3: TÌNH HUỐNG SỰ CỐ TRÀN DẦU, CHÁY RỪNG, CHÁY - NỔ, TAI NẠN HẰNG NGÀY VÀ CÁC TAI NẠN, THẢM HỌA KHÁC

Điều 18. Đối với sự cố tràn dầu

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Nắm thông tin sự cố tràn dầu, tổ chức triển khai Phương án ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn Thành phố.

b) Tổng hợp, thống kê tình hình thiệt hại, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu và các đề xuất, kiến nghị báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Ủy ban nhân dân các quận - huyện (nơi xảy ra sự cố), Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố, Công an thành phố, các Sở, ban, ngành thành phố liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ

a) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Thành phố; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị...; triển khai phương án chủ động sẵn sàng khắc phục thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra; liên hệ thường xuyên với Sở Tài nguyên và Môi trường và các phường - xã - thị trấn nơi xảy ra sự cố, theo dõi diễn biến và tổ chức khắc phục kịp thời các sự cố tràn dầu.

b) Ủy ban nhân dân quận - huyện tổng hợp chi tiết (vị trí, tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị) báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn (nơi xảy ra sự cố)

a) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận - huyện; thông báo kịp thời, rộng rãi đến các khu phố - ấp, tổ dân phố, người dân, các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ sản xuất muối.

b) Báo cáo Ủy ban nhân dân quận - huyện về tình hình tổ chức, triển khai công tác ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu và các đề xuất, kiến nghị.

Điều 19. Đối với sự cố cháy rừng

1. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố

a) Phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố, Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, các quận - huyện có rừng để thực hiện các phương án, kế hoạch chữa cháy rừng.

b) Tổng hợp, thống kê tình hình thiệt hại, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố cháy rừng và các đề xuất, kiến nghị báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Thường trực Ban Chỉ huy cấp thành phố về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng

Khi nhận được thông tin cháy rừng bộ phận trực phải điện thoại, báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ huy cấp thành phố về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố và các Ủy ban nhân dân các quận - huyện nơi xảy ra sự cố để phối hợp xử lý; đồng thời bố trí cán bộ kết hợp các đơn vị, địa phương liên quan đi thực địa kiểm tra hiện trường để đánh giá nguyên nhân sự cố, tình hình thiệt hại, các biện pháp khắc phục.

3. Ủy ban nhân dân quận - huyện nơi xảy ra sự cố cháy rừng, các Sở, ngành, đơn vị thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ

a) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy cấp thành phố về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; triển khai phương án ứng phó, khắc phục thiệt hại do cháy rừng gây ra; liên hệ thường xuyên với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố và các phường - xã - thị trấn nơi xảy ra sự cố, theo dõi diễn biến và tổ chức khắc phục kịp thời sự cố cháy rừng.

b) Tổng hợp báo cáo cho Ban Chỉ huy cấp thành phố về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (tình hình, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục và các đề xuất, kiến nghị).

4. Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn (nơi xảy ra sự cố cháy rừng)

a) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận - huyện; thông báo đến các khu phố - ấp, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng bởi cháy lây lan, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, triển khai cứu hộ, cứu nạn, di dời dân, kiên quyết không để thiệt hại về tính mạng người dân.

b) Báo cáo Ủy ban nhân dân quận - huyện về tình hình tổ chức, triển khai công tác ứng phó, xử lý sự cố cháy rừng của địa phương mình.

Điều 20. Đối với sự cố cháy - nổ, tai nạn hàng ngày

1. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố

a) Tiếp nhận các thông tin về sự cố cháy - nổ, sự cố tai nạn hàng ngày xảy ra, triển khai công tác chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

b) Tổng hợp, báo cáo nhanh khi xảy ra sự cố cháy-nổ, sự cố tai nạn hàng ngày có ảnh hưởng lớn về nhân mạng; đồng thời định kỳ (01 tháng/lần) báo cáo kết quả tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Bộ Tư lệnh thành phố

Phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị liên quan để hỗ trợ công tác khắc phục sự cố cháy-nổ và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

3. Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn (nơi xảy ra sự cố)

- Phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố và các đơn vị liên quan để thực hiện công tác chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Báo cáo nhanh khi xảy ra sự cố cháy-nổ, sự cố tai nạn hàng ngày có ảnh hưởng lớn về nhân mạng; đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý, khắc phục cho cơ quan cấp trên trực tiếp.

Điều 21. Đối với sự cố tai nạn, thảm họa khác

1. Các đơn vị lực lượng vũ trang

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị triển khai ứng phó tình trạng khẩn cấp của lực lượng vũ trang theo từng tình huống tai nạn, thảm họa.

b) Tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại, các biện pháp khắc phục, đề xuất, kiến nghị cho Ủy ban nhân dân thành phố.

c) Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố tiếp nhận thông tin báo nạn qua tổng đài 114, thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành, đơn vị, quận - huyện liên quan để phối hợp triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

2. Ủy ban nhân dân quận - huyện, các Sở, ngành thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình ảnh hưởng của tai nạn, thảm họa

a) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố để triển khai ứng phó sự cố tai nạn, thảm họa.

b) Tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục, đề xuất, kiến nghị cho Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của tai nạn, thảm họa

a) Tiếp nhận các thông báo, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận - huyện để triển khai ứng phó sự cố tai nạn, thảm họa.

b) Tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục, đề xuất, kiến nghị cho Ủy ban nhân dân quận - huyện.

Chương IV

CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC TRỰC

Điều 22. Chế độ họp

1. Các đơn vị, địa phương đảm bảo chế độ họp định kỳ (01 năm/01 lần) tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm và triển khai kế hoạch năm tiếp theo để thảo luận, đánh giá tình hình và quyết định chương trình, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Trong trường hợp khẩn cấp sẽ tổ chức họp bất thường do Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp quyết định triệu tập.

Điều 23. Chế độ bồi dưỡng trực và nguồn kinh phí

1. Người lao động làm nhiệm vụ trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (tại trụ sở và tại hiện trường) thực hiện làm đêm, làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 107 của Bộ Luật lao động.

2. Người lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ và làm thêm giờ vào ban đêm theo quy định tại Điều 97, Điều 105 của Bộ Luật lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Nguồn kinh phí

Hàng năm, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp bố trí kinh phí để phục vụ công tác trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Kinh phí cho chế độ thường trực và bảo đảm ăn, nghỉ tại chỗ cho người lao động được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của đơn vị, địa phương hoặc các nguồn ngân sách hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc; các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi văn bản đề nghị về Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 25. Các Sở, ngành, đơn vị thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện căn cứ Quy chế này để xây dựng Quy chế trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, địa phương./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2989/QĐ-UBND ngày 18/07/2018 về Quy chế công tác trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.703

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.156.170
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!