Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 280/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Cao Khoa
Ngày ban hành: 20/12/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 280/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết 80/2011/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2331/QĐ-TTg ngày 20/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2011;

Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X - Kỳ họp thứ 25 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2011 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2011/NQ-HĐND ngày 27/10/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI - Kỳ họp thứ 3 về Chương trình mục tiêu việc làm và giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 -2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 86/TTr-SLĐTBXH ngày 01/11/2011 về việc đề nghị phê duyệt Chương trình mục tiêu về việc làm và Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đảm bảo đúng theo mục tiêu, nội dung của Chương trình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành, hội đoàn thể tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi; Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Cao Khoa

 

CHƯƠNG TRÌNH

MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Kèm theo Quyết định số: 280/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Phần 1

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I- KHÁI QUÁT MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2006 - 2010 được HĐND tỉnh khóa X thông qua tại kỳ họp lần thứ 9 và thể chế hóa thành Nghị quyết số 37/2006/NQ-HĐNDK9 ngày 8/7/2006, với mục tiêu, nội dung hoạt động và nguồn lực cụ thể như sau:

1. Mục tiêu chung đến năm 2010

Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới từ 31,94% năm 2005 xuống còn 19,44% năm 2010, trong đó khu vực miền núi giảm tỷ lệ từ 74,95% năm 2005 xuống còn 35,00% năm 2010.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

- Thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 1,45 lần so với năm 2005.

- Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã nghèo cơ bản có đủ công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định.

- Đảm bảo 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội

- 30.000 lượt hộ nghèo được khuyến nông - lâm - ngư và hướng dẫn cách làm ăn;

- 6.000 người nghèo được miễn, giảm học phí học nghề;

- Đảm bảo 100% người nghèo được thực hiện bảo hiểm y tế;

- 350.000 lượt học sinh nghèo được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường.

- 7.000 lượt cán bộ tham gia làm công tác giảm nghèo ở các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, trong đó 85% là cán bộ cấp cơ sở.

- 17.000 hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm.

3. Nội dung và nguồn lực

- Tạo điều kiện để người nghèo phát triển sản xuất với nguồn lực huy động 535.000 triệu đồng để: Tổ chức thực hiện các chính sách, dự án tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, dự án dạy nghề cho người nghèo; dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; dự án ODA và các dự án khác; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

- Tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội với nguồn lực huy động 268.000 triệu đồng để: Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ về y tế; giáo dục; nhà ở và nước sinh hoạt; nâng cao năng lực và nhận thức; tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá; trợ giúp pháp lý, truyền thông.

II- KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện

- Ở tỉnh: Để có cơ sở pháp lý và điều kiện đảm bảo cho việc triển khai thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đã Quyết định phê duyệt mục tiêu, nội dung và tổ chức quản lý thực hiện Chương trình giai đoạn 2006 - 2010; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong việc hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chương trình và theo dõi tình hình thực hiện Chương trình ở huyện, thành phố.

Cơ quan thường trực Chương trình và các sở, ngành, hội đoàn thể tỉnh có liên quan đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát các ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện một hoặc một số nội dung của Chương trình theo chức năng nhiệm vụ của mình.

- Ở huyện, thành phố: Tất cả các huyện, thành phố đều xây dựng và trình Hội đồng nhân dân thông qua Chương trình giảm nghèo của địa phương và UBND phê duyệt để làm cơ sở thực hiện. Đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình và Tổ chuyên viên giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Các xã, phường, thị trấn đều củng cố bộ máy và bố trí cán bộ làm công tác giảm nghèo chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

* Nhìn chung hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Chương trình ở tỉnh đã được kiện toàn và có sự thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng và điều hành của chính quyền.

2. Về thực hiện các chính sách, dự án thuộc khung Chương trình

a) Đối với nhóm chính sách, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho riêng hộ nghèo:

Trong 05 năm (2006 - 2010) có 92.723 lượt hộ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, đến cuối năm 2010 còn 66.625 hộ dư nợ với số tiền 811.663 triệu đồng - đáp ứng 95% so với số hộ có nhu cầu vay vốn và đạt 98% kế hoạch; 702 hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 316 ha; 7.866 hộ được hỗ trợ công cụ, phương tiện và giống sản xuất, 18.049 lượt người nghèo được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn, hội nghị đầu bờ, đạt 60% so với kế hoạch, xây dựng và trình diễn 21 mô hình khuyến nông, lâm, ngư; xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 109 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; 3.399 lao động nghèo được đào tạo nghề, đạt 57% kế hoạch; trợ giúp pháp lý cho 1.450 lượt người nghèo và đào tạo cho 250 lượt cán bộ là trợ giúp viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

b) Đối với nhóm chính sách, dự án hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội:

Qua thực hiện đề án hỗ trợ và xây dựng 17.000 nhà ở cho người nghèo, chương trình hỗ trợ nhà ở cho dân tộc thiểu số theo Quyết định 134, hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ và vận động xây dựng nhà đại đoàn kết của Mặt trận tổ quốc các cấp, hỗ trợ của các doanh nghiệp... trong 5 năm qua đã hỗ trợ cho 34.322 hộ nghèo xây dựng và sửa chữa nhà ở, đạt 202% so với kế hoạch; 19.043 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí tạo nguồn nước sinh hoạt (kể cả phân tán và tập trung từ nguồn nước sinh hoạt của tỉnh và nguồn theo Quyết định 134); 276.532 lượt học sinh con hộ nghèo được thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường, đạt 100% so với kế hoạch; 1.249.671 lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí trong 2 năm 2006 - 2007 và mua bảo hiểm y tế từ năm 2008 đến 2010, đạt 100% kế hoạch.

c) Các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát đánh giá:

Đã mở 87 lớp tập huấn cho 7.515 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn) và thông qua các hội đoàn thể tỉnh, trong đó có hơn 90% là cán bộ cấp xã, phường và thôn bản, đạt 107% so với kế hoạch; xây dựng và kiện toàn biểu, công cụ giám sát đánh giá các cấp tỉnh và huyện xã (kể cả giám sát hành chính và giám sát thông qua các cán bộ cấp cơ sở và hộ dân). Từ năm 2007 đến 2010, mỗi năm thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan giám sát hành chính ít nhất 2 lần đối với cấp huyện, thành phố và giám sát trực tiếp thông qua cán bộ xã, thôn và người dân ở 20 xã, phường; tổ chức biểu diễn kết hợp tuyên truyền về chính sách giảm nghèo 83 đêm tại các trung tâm huyện, thành phố, triển lãm ảnh lưu động, biên tập, nhân bản và phát hành 22.850 tờ rơi, 198 đĩa CD, xây dựng 26 pano tuyên truyền về các chính sách, dự án và nâng cao của người nghèo và cộng đồng.

d) Nguồn lực huy động cho Chương trình:

Tổng nguồn vốn thực hiện các chính sách dự án thuộc khung Chương trình giai đoạn 2006 - 2010: 1.325.040 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 813.394 triệu đồng, bằng 61,39% so với tổng nguồn huy động và đạt 249,87% so với kế hoạch.

- Ngân sách địa phương: 42.789 triệu đồng, bằng 3,23% so với tổng nguồn huy động và đạt 44,44% so với kế hoạch.

- Vốn tín dụng: 317.489 triệu đồng, bằng 23,96% so với tổng nguồn huy động và đạt 92,19% so với kế hoạch.

- Huy động khác: 151.368 triệu đồng, bằng 11,42% so với tổng nguồn huy động và đạt 165,01% so với kế hoạch.

(Chi tiết tại Phụ lục số 01, 02 và 03 kèm theo).

3. Về thực hiện các chính sách đặc thù đối với huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn và các chính sách đối với dân tộc thiểu số nghèo

- Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a:

Với kinh phí đầu tư trong 2 năm (2009 và 2010): 343.740 triệu đồng để thực hiện các chính sách mới đặc thù, 6 huyện nghèo của tỉnh ngoài việc tập trung đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập như phát triển rừng, hỗ trợ sản xuất, ưu đãi khuyến nông lâm và thực hiện các chính sách khác về y tế, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình (Chi tiết tại các Phụ lục số 4 kèm theo), đã phân khai đầu tư mới 106 hạng mục công trình hạ tầng cơ sở, 48 công trình chuẩn bị đầu tư.

Đến cuối năm 2010, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 58 công trình từ nguồn vốn trên và cũng hoàn thành đưa vào sử dụng 5 công trình từ nguồn của Tổng Công ty lương thực miền Nam hỗ trợ cho Trà Bồng; dạy nghề cho 2.500 lao động và quy hoạch cơ sở dạy nghề cho 6 huyện nghèo; đưa 645 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg; tiếp nhận và phân công 17 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về xã công tác và luân chuyển 18 cán bộ huyện tăng cường cho xã.

- Đầu tư hỗ trợ các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo chương trình 135 giai đoạn II:

Giai đoạn 2006 - 2010, với kinh phí đầu tư 325.101 triệu đồng để thực hiện 4 hợp phần của chương trình. Kết quả, có 20.632 lượt người được tập huấn khuyến nông, lâm hướng dẫn cách làm ăn; xây dựng 94 mô hình sản xuất; hỗ trợ 12 triệu cây giống, 3.000 kg hạt giống, 18.300 con giống; 11.500 công cụ sản xuất, 1.652 máy móc phục vụ sản xuất; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 404 công trình; mở 134 lớp tập huấn, đào tạo cho 5.516 lượt cán bộ xã, thôn; đào tạo nghề cho 476 lao động; 7.597 hộ được hỗ trợ cải thiện môi trường và giảm 52% học sinh bỏ học giữa chừng.

- Các chính sách đối với dân tộc thiểu số nghèo miền núi khác:

Với kinh phí đầu tư 32.500 triệu đồng, từ năm 2006 - 2009, đã thực hiện đầu tư 37 công trình cơ sở hạ tầng tại 11 trung tâm cụm xã; hỗ trợ định canh, định cư cho 160 hộ theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg với kinh phí thực hiện 14.873 triệu đồng; từ năm 2006 đến 2009 thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước và cấp không thu tiền các mặt hàng thiết yếu 15.651 triệu đồng, đến năm 2010 chuyển sang thực hiện hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg cho 19.413 người với kinh phí thực hiện 8.631 triệu đồng; năm 2007 và 2008 hỗ trợ cho vay 563 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với tổng nguồn vốn 2.525 triệu đồng theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg; từ năm 2008 đến 2010, hỗ trợ dầu thắp sáng theo Quyết định 289/QĐ-TTg cho 38.744 lượt hộ, với kinh phí 2.613 triệu đồng.

4. Về thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo

- Năm 2009, hỗ trợ kinh phí cho người nghèo trong dịp Tết theo Quyết định số 81/2009/QĐ-TTg cho 63.069 hộ/200.542 khẩu với kinh phí thực hiện 39.346 triệu đồng.

- Từ năm 2006 đến 2010, trợ cấp đột xuất, cứu đói, hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh cho 3.037 hộ có nhà ở bị sập, trôi, hư hỏng nặng, 221 hộ có người chết, 623 người bị thương và 22.668 tấn gạo cứu đói cho 1.668.964 lượt khẩu với kinh phí thực hiện 157.031 triệu đồng.

- Về trợ cấp bảo trợ xã hội, năm 2006: Thực hiện Nghị định số 07/2000/NĐ-CP, Nghị định số 168/2004/NĐ-CP, Nghị định số 55/1999/NĐ-CP, Nghị định số 30/2002/NĐ-CP, đã giải quyết trợ cấp thường xuyên cho 8.626 đối tượng. Từ năm 2007 đến năm 2010, thực hiện Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, đã giải quyết trợ cấp thường xuyên năm 2007: 17.710 đối tượng, năm 2008: 29.039 đối tượng, năm 2009: 30.557 đối tượng và năm 2010: 32.672 đối tượng. Tổng kinh phí trợ cấp từ năm 2006 đến 2010: 187.980 triệu đồng.

Ngoài ra, hàng năm có từ 150 đến 190 đối tượng được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh, với kinh phí trợ cấp nuôi dưỡng và sinh hoạt phí từ năm 2006 đến 2010: 3.567 triệu đồng.

Tổng nguồn lực đầu tư cho vùng nghèo, người nghèo tại Phụ lục số 04.

5. Đánh giá chung

a) Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo:

- Với việc tổ chức chỉ đạo triển khai, thực hiện các chính sách, dự án thuộc khung Chương trình mục tiêu giảm nghèo, các chính sách đặc thù đối với huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn, các chính sách đối với dân tộc thiểu số nghèo miền núi và hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo; cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự phối hợp thông qua các chương trình hành động của Mặt trận, các hội đoàn thể và nỗ lực vươn lên của người nghèo, trong 5 năm (2006 - 2010), toàn tỉnh giảm 39.118 hộ nghèo (từ 87.862 hộ còn 48.744 hộ), đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 31,94% đầu năm 2006 xuống còn 15,40% vào cuối năm 2010, bình quân mỗi năm giảm 3,3%. Trong đó, khu vực đồng bằng giảm từ 24,10% xuống còn 11,38%, khu vực miền núi giảm từ 74,95% xuống còn 35,23%.

(Chi tiết tại Phụ lục số 05, 06 kèm theo).

So với kế hoạch, đạt mục tiêu đối với khu vực miền núi và vượt chỉ tiêu đối với khu vực đồng bằng và cả tỉnh.

- Ngoài mục tiêu về giảm nghèo trên, nhiều chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra như: hỗ trợ cải thiện nhà ở, các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, cho vay vốn ưu đãi.

- Nhận thức, năng lực, trách nhiệm về giảm nghèo được nâng cao cả trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư.

- Tạo được phong trào giảm nghèo trong cả tỉnh theo phương châm xã hội hóa, thu hút sự tham gia của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang, cộng đồng, các tầng lớp dân cư.

- Vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giảm nghèo ngày càng được đề cao.

- Hầu hết các hộ nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, nhất là có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản.

b) Tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm:

* Tồn tại và nguyên nhân:

- Một số chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch đề ra, như khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, dạy nghề cho người nghèo kể cả về số lượng và chất lượng để gắn với tạo việc làm. Đặc biệt dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trong cả giai đoạn không được bố trí kinh phí để thực hiện.

- Trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, do thiếu việc làm và việc làm không ổn định, hiệu quả thấp, không có tích lũy, biến động giá cả, dịch cúm gia cầm, gia súc, tác động của hội nhập, điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu không thuận lợi. Trong khi đó, giải pháp để giảm nghèo quan trọng nhất là đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện, cơ hội để người nghèo có khả năng tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập ổn định chưa được chú trọng nên tính bền vững trong giảm nghèo chưa cao, trong giai đoạn 2006 - 2010 có đến 19.079 hộ tái nghèo (miền núi 6.814 hộ, đồng bằng 12.265 hộ).

- Nguồn lực đầu tư cho chương trình chưa tương xứng với mục tiêu và chỉ tiêu, nhất là để thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập. Trong chương trình mục tiêu giảm nghèo, nguồn ngân sách tỉnh đầu tư chỉ đạt 44,44% (42.788 triệu đồng/96.275 triệu đồng) so với kế hoạch đề án được HĐND tỉnh thông qua, nguồn ngân sách cấp huyện, thành phố không đáng kể. Riêng về nguồn đầu tư để thực hiện chính sách mới đặc thù theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trong năm 2009 và 2010 chỉ cấp kinh phí đầu tư bằng 8,19% so với đề án được duyệt (343,35 tỷ đồng/4.193 tỷ đồng).

- Về nhận thức, trách nhiệm đối với chương trình giảm nghèo của một số ngành, địa phương chưa quán triệt sâu sắc, thiếu nhất quán trong triển khai thực hiện và lúng túng trong điều hành và phối hợp.

- Phần lớn các chính sách đối với người nghèo, vùng nghèo đều có tính chất hỗ trợ trực tiếp, nên một bộ phận không nhỏ người nghèo, xã nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động tự vươn lên thoát nghèo, thậm chí không muốn thoát nghèo.

- Chuẩn nghèo duy trì và áp dụng cho cả giai đoạn 2006 - 2010, trong khi chỉ số giá (CPI) biến động mạnh, dẫn đến một bộ phận người nghèo được coi là thoát nghèo nhưng không thực chất.

- Trong thực hiện Chương trình chưa thật sự tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân kể cả trong xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, quản lý nguồn lực và giám sát, đánh giá. Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo chưa đầy đủ, chưa thật sự công khai, dân chủ và minh bạch.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nhất là cấp cơ sở vừa thiếu về số lượng vừa yếu về năng lực lại thường xuyên thay đổi, nên nhìn chung chưa đáp ứng với yêu cầu trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

* Bài học kinh nghiệm:

- Sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình, gắn với việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu, theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện ở các cấp để nâng cao hiệu quả Chương trình.

- Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo cán bộ nắm vững nghiệp vụ, cần bố trí cán bộ quản lý theo dõi chuyên trách về lĩnh vực công tác giảm nghèo tại cơ sở.

- Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về đường lối, chủ trương của Đảng cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước để năng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng, tính thiết thực trong công tác giảm nghèo để động viên toàn xã hội chăm lo cho người nghèo. Làm chuyển biến nhận thức của người nghèo, không ỷ lại trông chờ vào nhà nước, có ý thức tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo là chính.

- Tăng cường sự tham gia của người dân từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện ở thôn, tổ dân phố. Tổ chức cho dân tham gia các hoạt động của Chương trình, đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng, không thất thoát; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn kinh phí của Chương trình không đúng mục đích, không có hiệu quả.

- Cần có sự phối hợp đồng bộ trong tổ chức thực hiện giữa các chính sách, dự án hỗ trợ để các đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình cần phải đúng liều, đúng lượng và đúng thời điểm. Cơ cấu nguồn vốn phải hợp lý, chú trọng vận động để tăng nguồn vốn đầu tư của địa phương cũng như huy động các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

- Thường xuyên cập nhật, phân tích diễn biến, nguyên nhân vào danh sách cụ thể của người nghèo, vùng nghèo, để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp với thực tế, xây dựng lộ trình thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù, các biện pháp đột phá nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, là cơ sở để đảm bảo tính giảm nghèo bền vững.

- Hằng năm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo, kịp thời khen thưởng để động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện chương trình tốt hơn cho những năm tiếp theo.

Phần 2

MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I- CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X- Kỳ họp thứ 25 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2011 - 2015;

- Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

- Nghị quyết 80/2011/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;

- Quyết định số 2331/QĐ-TTg ngày 20/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2011;

- Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015;

- Quyết định 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Thực trạng hộ nghèo ở tỉnh

Tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 theo số liệu tổng điều tra thời điểm 01/01/2011 có 75.034 hộ, chiếm tỷ lệ 23,92% so với tổng số hộ dân cư trên địa bàn.

+ Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất: huyện Tây Trà (76,00%), kế đến huyện Sơn Tây (67,21%), huyện Sơn Hà (64,19%).

+ Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất: thành phố Quảng Ngãi (6,10%), kế đến huyện Tư Nghĩa (13,72%), huyện Sơn Tịnh (14,27%). Cụ thể về đặc điểm, theo nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của người nghèo qua điều tra như sau:

- Về đặc điểm:

+ Hộ nghèo của tỉnh chủ yếu phân bố ở khu vực nông thôn, chiếm tỷ lệ 92,65% (69.520/75.034) so với tổng số hộ nghèo.

+ Trong tổng số hộ nghèo có 29.531 hộ với chủ hộ là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 39,36%.

+ Có 13.163 hộ có nhà ở hiện đã xuống cấp, cần phải hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới.

+ Có 42.331 con em là thành viên hộ nghèo học mẫu giáo và các cấp học phổ thông, 1.309 học trung cấp chuyên nghiệp và 1.266 học cao đẳng, đại học.

+ Trong 248.187 nhân khẩu nghèo, có 27.051 trẻ em dưới 6 tuổi, 42.523 trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi, 58.879 người ngoài tuổi lao động, còn lại 123.973 người nằm trong tuổi lao động, chiếm 59,95% so với dân số nghèo.

- Theo 10 nguyên nhân nghèo, có 42.489 hộ thiếu vốn sản xuất, 10.489 hộ thiếu đất canh tác, 7.800 hộ thiếu phương tiện sản xuất, 10.640 hộ thiếu lao động, 7.704 hộ không biết cách làm ăn, có 5.179 hộ đông người ăn theo, 7.781 hộ có lao động nhưng không có việc làm, 286 hộ chây lười và 7.927 hộ là các nguyên nhân khác. Điều đáng chú ý là có 20.830 hộ do ốm đau nặng hoặc mắc các tệ nạn xã hội.

- Theo 8 nguyện vọng cơ bản của hộ nghèo:

+ Hỗ trợ vay vốn ưu đãi: 43.655 hộ.

+ Hỗ trợ đất sản xuất: 8.755 hộ.

+ Hỗ trợ phương tiện sản xuất: 7.216 hộ.

+ Giúp học nghề: 12.106 hộ.

+ Giới thiệu việc làm: 6.090 hộ.

+ Hướng dẫn cách làm ăn: 9.031 hộ.

+ Hỗ trợ xuất khẩu lao động: 951 hộ.

+ Trợ cấp xã hội: 6.395 hộ.

(Chi tiết tại Phụ lục số 07, 08 kèm theo).

3. Một số nhận xét, dự báo:

- Nghèo đói là vấn đề mang tính chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc; giải quyết vấn đề nghèo đói là nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân ta. Do những nguyên nhân khách quan (điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội...), nên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, luôn tồn tại một bộ phận người có thu nhập thấp hơn mức trung bình của dân cư (chiếm khoảng 20 - 25% dân số), đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của nhà nước nhằm hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo.

- Hộ nghèo có xu hướng tập trung rõ rệt vào vùng nông thôn, vùng nông thôn khó khăn, vùng miền núi và bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là tập trung vào một số xã, huyện đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng bãi ngang ven biển và ở một số nhóm đối tượng như đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ.

- Nguy cơ tái nghèo có thể tăng do thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tác động của hội nhập và phát triển kinh tế thị trường; cơ hội của người nghèo về việc làm ngày càng khó khăn hơn do đổi mới khoa học, công nghệ, biến động về đầu tư phát triển kinh tế giữa các vùng không đồng đều.

- Cũng như cả nước, Quảng Ngãi có khoảng cách chênh lệch về thu nhập có xu hướng gia tăng. Chênh lệch về thu nhập giữa 20% nhóm giàu và 20% nhóm nghèo từ 4,3 lần năm 1993 lên 8,4 lần năm 2006 và có thể tăng lên từ 12 đến 15 lần vào năm 2015. Sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo này sẽ làm cho tình trạng nghèo tương đối rất lớn (khoảng 25% dân số) và trở nên khó khăn hơn. Độ sâu của nghèo đói sẽ khá cao, do sự tụt hậu tương đối về thu nhập bình quân và mức sống của nhóm hộ nghèo.

II- MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo cơ hội phát triển để người nghèo, hộ nghèo ổn định và đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập, vượt qua nghèo đói, vươn lên khá giả, giàu có; tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân ở vùng nghèo; giảm thiểu tình trạng gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa các vùng miền và nhóm dân cư.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng lên 2 lần, riêng huyện nghèo tăng lên 3 lần so với năm 2010. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản.

b) Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu, như giao thông, điện, nước sinh hoạt.

c) Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 4-5%, vùng miền núi giảm 5-7% (theo chuẩn nghèo hiện hành).

d) Tranh thủ nguồn vốn Trung ương để đáp ứng vốn cho hộ nghèo và sinh viên hộ cận nghèo có nhu cầu và có đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

e) 100% người nghèo được cấp Thẻ Bảo hiểm y tế; hỗ trợ 50% mệnh giá mua Thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo mua Thẻ Bảo hiểm y tế tự nguyện.

g) 100% trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo; ở các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được miễn, giảm học phí và được hỗ trợ chi phí học tập;

h) 100% hộ nghèo có nhà ở đơn sơ, tạm bợ, dột nát được hỗ trợ làm mới nhà ở.

i) Trên 95% hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hoặc nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

k) 100% cán bộ tham gia làm công tác giảm nghèo ở các cấp được tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo.

(Chi tiết tại Phụ lục số 09,10 kèm theo).

III- ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Đối tượng

- Người nghèo, hộ nghèo; ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em.

- Vùng nghèo:

+ Huyện nghèo (bao gồm: xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi thuộc huyện nghèo).

+ Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

+ Thôn đặc biệt khó khăn không thuộc huyện nghèo.

2. Phạm vi, thời gian

Chương trình thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ 2011 đến 2015.

IV- NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Các chính sách, dự án giảm nghèo chung

a) Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo

- Mục đích: Cung cấp tín dụng cho các hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tự vượt nghèo.

- Nội dung: Cung cấp tín dụng ưu đãi, chủ yếu là tín dụng quy mô nhỏ cho các hộ gia đình nghèo với thủ tục vay và thu hồi vốn đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, phù hợp với người nghèo. Áp dụng linh hoạt phương thức cho vay, cho vay qua tổ tiết kiệm và vay vốn, ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội quản lý. Món vay và thời gian vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Kết hợp chặt chẽ giữa tín dụng với hoạt động tiết kiệm giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay thông qua tổ nhóm tín dụng - tiết kiệm để hạn chế tình trạng nợ đọng và sử dụng vốn vay không hiệu quả.

Phối kết hợp cung cấp tín dụng với khuyến nông, đào tạo nghề, hỗ trợ đất cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... để vốn vay của người nghèo được sử dụng có hiệu quả

b) Hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo

- Mục đích: Giải quyết đất sản xuất cho các hộ nghèo không còn đất hoặc thiếu đất để phát triển sản xuất, duy trì thu nhập ổn định và từng bước tăng thu nhập, vượt nghèo bền vững.

- Nội dung: Đối với những địa phương còn quỹ đất: Cân đối giao cho hộ nghèo với mức đất sản xuất phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương. Đối với những địa phương không còn quỹ đất, có kế hoạch đưa vào dự án đào tạo nghề cho người nghèo để chuyển đổi ngành nghề.

Gắn việc giao đất sản xuất với khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ tín dụng để giúp người dân sử dụng hiệu quả đất được giao.

c) Tổ chức các hoạt động khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề

- Mục đích: Hỗ trợ người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào tổ chức sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập bền vững.

- Nội dung: Trang bị kiến thức và kỹ năng ra các quyết định sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, điều kiện tự nhiên và lợi thế cạnh tranh của địa phương. Trang bị kiến thức và kỹ năng về khuyến nông, lâm, ngư thông qua áp dụng khuyến nông có sự tham gia của dân, hội nghị đầu bờ, tập huấn trên cơ sở mô hình thực tế. Gắn kết chặt chẽ khuyến cáo tiến bộ kỹ thuật với giới thiệu phương pháp tổ chức sản xuất, bảo quản chế biến, hạch toán kinh tế và tiêu thụ sản phẩm. Cung cấp các thông tin khoa học và kỹ thuật, thị trường cho nông dân nghèo.

d) Dạy nghề miễn phí cho người nghèo

- Mục đích: Trợ giúp người nghèo có được tay nghề cần thiết để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập thông qua các khóa dạy nghề ngắn hạn để họ tìm việc làm tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ; đi lao động xuất khẩu hoặc tự tạo việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững.

- Nội dung: Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu học nghề của người nghèo. Xây dựng kế hoạch đào tạo và tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp để người nghèo có thể tự tạo ra cơ hội việc làm, ưu tiên các nghề có thể sử dụng tại chỗ hoặc được thu nhận vào các khu công nghiệp, doanh nghiệp và đi lao động ở nước ngoài. Gắn đào tạo nghề với tạo việc làm và cung cấp tín dụng, người học nghề được trợ giúp giới thiệu việc làm miễn phí.

e) Nhân rộng mô hình giảm nghèo

- Mục đích: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo chung của tỉnh.

- Nội dung:

+ Tổng kết đúc rút kinh nghiệm các mô hình đã thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn 2006 - 2010.

+ Đẩy mạnh việc tuyên truyền để duy trì và hỗ trợ cho người nghèo về giống, vật tư, chuồng trại và kỹ thuật để nhân rộng các mô hình có hiệu quả hiện có, ưu tiên mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo phát triển vùng nguyên liệu.

g) Hỗ trợ về y tế cho người nghèo

- Mục đích: Hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế khi ốm đau thuận lợi hơn, bình đẳng hơn; giảm thiểu rủi ro, khó khăn cho người nghèo.

- Nội dung:

+ Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nhất là y tế xã, thôn. Đầu tư toàn diện cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã, đào tạo đội ngũ y, bác sỹ về làm việc ở y tế cơ sở. Thực hiện đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

+ Mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội khác thuộc diện và hỗ trợ 50% mệnh giá bảo hiểm y tế cho đối tượng cận nghèo theo Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ.

h) Hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo

- Mục đích: Hỗ trợ con em hộ nghèo được tới trường học tập bình đẳng như các trẻ em khác, góp phần nâng cao trình độ học vấn của người nghèo, giảm nghèo bền vững.

- Nội dung:

+ Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với con em hộ nghèo theo học ở cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

+ Có cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ ít nhất 50% học phí đối với con em hộ nghèo không phải vùng đặc biệt khó khăn và dân tộc thiểu số theo học ở các trường chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân.

i) Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

- Mục đích: Hỗ trợ cho hộ nghèo có nhà ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống.

- Nội dung:

+ Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ bản hoàn thành vào năm 2012. Từ năm 2013 trở đi, các địa phương chủ động, tích cực huy động nguồn lực của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ cùng với nguồn cho vay vốn tín dụng ưu đãi để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho đối tượng mới phát sinh do thiên tai, hỏa hoạn và hộ có nhà ở đặc biệt xuống cấp nghiêm trọng. Ưu tiên giải quyết trước đối tượng hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ di dân, chủ hộ là người cao tuổi, phụ nữ, người khuyết tật.

+ Xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ nhà ở đối với người nghèo ở đô thị trên cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, gia đình, dòng họ.

k) Hỗ trợ nước sinh hoạt

- Mục đích: Tạo điều kiện cho người nghèo, nhất là ở những vùng khó khăn, khan hiếm nguồn nước có nước phục vụ sinh hoạt và đời sống.

- Nội dung: Rà soát, thống kê số lượng hộ có nhu cầu để có kế hoạch hỗ trợ nước sinh hoạt theo kiểu phân tán hoặc tập trung, nhất là các hộ nghèo dân tộc thiểu số sống phân tán ở vùng cao, núi đá, ven biển và hải đảo khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt để đào giếng, xây bể dự trữ nước hoặc tạo nguồn nước sinh hoạt.

l) Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo

- Mục đích: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, góp phần đảm bảo công lý và công bằng cho người nghèo trong việc tiếp cận với pháp luật; nâng cao hiểu biết pháp luật cho người nghèo để họ thực hiện pháp luật, tham gia phát triển kinh tế, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Nội dung: Khảo sát nhu cầu của người nghèo, vùng nghèo về trợ giúp pháp lý để xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho trợ giúp viên, cộng tác viên và thành viên các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; kiện toàn, củng cố và tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động và cung cấp thông tin pháp lý cho người nghèo.

m) Hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin

- Mục đích: Tạo điều kiện để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người nghèo, nắm bắt thông tin được nhiều hơn, nhất là trong các thông tin hữu ích cho phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sinh hoạt của gia đình.

- Nội dung: Tổ chức thực hiện tốt chương trình đưa văn hóa, thông tin về địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giúp người nghèo, nhất là người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận các chính sách giảm nghèo, phổ biến các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, gương thoát nghèo và không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, phù hợp với bản sắc và văn hóa truyền thống và các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

2. Các chính sách đặc thù và hỗ trợ trực tiếp

a) Thực hiện có hiệu quả về giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a

Mục tiêu và nội dung thực hiện theo đề án của 6 huyện nghèo của tỉnh đã được phê duyệt; bao gồm:

- Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập;

- Chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí;

- Chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo;

- Đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã và huyện.

Trong đó đặc biệt chú ý hợp phần hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập.

b) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; thôn đặc biệt khó khăn ngoài huyện nghèo

- Mục đích: Tạo điều kiện để các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; thôn đặc biệt khó khăn ngoài huyện nghèo có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và vượt ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

- Nội dung: Rà soát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và hạ tầng cơ sở của 25 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; thôn đặc biệt khó khăn ngoài huyện nghèo của tỉnh để đối chiếu với tiêu chí quy định của Trung ương, xác định lại danh mục các xã thuộc diện này của tỉnh để tiếp tục đầu tư từ năm 2012 đến 2015 về các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg của Chính phủ.

c) Thực hiện các chính sách đối với dân tộc miền núi và hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đối tượng yếu thế

- Mục đích: Đảm bảo 100% đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số thuộc diện đều được thụ hưởng các chính sách theo quy định của Nhà nước.

- Nội dung:

+ Chính sách định canh, định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg.

+ Hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg.

+ Hỗ trợ cho vay vốn đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg.

+ Hỗ trợ dầu thắp sáng theo Quyết định số 289/QĐ-TTg.

+ Trợ cấp tiền điện cho người nghèo theo Quyết định số 268/QĐ-TTg.

+ Trợ cấp bảo trợ xã hội kể cả trợ cấp đột xuất, trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng và nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP.

3. Các hoạt động về truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát đánh giá

a) Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp

- Mục đích: Nâng cao được năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, thông qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình.

- Nội dung:

+ Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, bố trí đủ cán bộ giảm nghèo ở cấp xã, huyện và tỉnh. Kiện toàn văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo giảm nghèo ở cấp tỉnh.

+ Phát triển chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cán bộ giảm nghèo một cách phù hợp với yêu cầu của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ các đoàn thể xã hội các cấp và trưởng thôn, bản. Nội dung đào tạo cần tập trung vào nâng cao nhận thức; kỹ năng tổ chức thực hiện các chính sách, dự án; phát hiện nhu cầu của cộng đồng; xây dựng và lập kế hoạch dự án; quản lý dự án về giảm nghèo ở cơ sở; phương pháp huy động sự tham gia của người dân; kỹ năng lồng ghép giới trong hoạt động giảm nghèo ở các cấp; huy động nguồn lực ở cộng đồng; thu thập thông tin và xây dựng dữ liệu về nghèo đói ở cấp cơ sở; theo dõi, giám sát đánh giá việc thực hiện Chương trình.

+ Trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác đào tạo.

b) Hoạt động truyền thông về giảm nghèo vươn lên làm giàu

- Mục đích: Nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu và chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo. Kết hợp tuyên truyền phổ biến những mô hình giảm nghèo đề cao tính trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

- Nội dung:

+ Tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, kinh nghiệm, mô hình giảm nghèo vươn lên làm giàu thành công của các địa phương, cộng đồng và người nghèo.

+ Đa dạng hóa các hình thức thông tin và tuyên truyền về giảm nghèo thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí, tờ rơi, áp phích, hội nghị, hội thảo, bản tin chuyên đề và các hoạt động văn hóa, văn nghệ với chủ đề giảm nghèo phù hợp với tâm lý tập quán của người dân, của các dân tộc thiểu số ở các vùng, miền nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng ý chí quyết tâm vượt nghèo, khuyến khích tự lực, vươn lên thoát nghèo bền vững.

c) Hoạt động giám sát, đánh giá

- Mục đích: Bảo đảm cho Chương trình thực hiện có hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, các cấp, các ngành điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách và các biện pháp thực hiện.

- Nội dung:

+ Thực hiện hệ thống chỉ tiêu giám sát đánh giá 3 cấp (tỉnh đến xã).

+ Hoàn thiện phương pháp thu thập và xử lý thông tin ở các cấp.

+ Củng cố và hoàn thiện phần mềm quản lý đối tượng ở cấp huyện và tỉnh.

+ Tổ chức tự giám sát, đánh giá ở các cấp và tổ chức giám sát, đánh giá của cấp tỉnh theo định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ.

V- CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về giảm nghèo

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức và người dân về vượt nghèo vươn lên làm giàu. Dưới các hình thức sau đây:

- Thông qua các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài) đăng tải những bản tin, phóng sự;

- Phát hành tờ rơi, áp phích, tranh ảnh;

- Xây dựng hệ thống pa-nô tuyên truyền ở những điểm trọng yếu;

- Hỗ trợ cho công tác truyền thông xã, phường cả về kỹ năng và phương tiện để tổ chức tuyên truyền qua loa truyền thanh của xã, phường;

- Kết hợp, lồng ghép truyền thông thông qua các cuộc họp của người dân ở cơ sở và các hội đoàn thể tại các thôn, tổ dân phố và cụm dân cư.

2. Huy động và phân bổ nguồn lực

a) Nhu cầu về kinh phí để thực hiện Chương trình

Để thực hiện mục tiêu của Chương trình, dự kiến nhu cầu về nguồn kinh phí cho giai đoạn 2011 - 2015 là 12.844.010 triệu đồng; trong đó: kinh phí theo đề án 30a đã được phê duyệt, thực hiện các chính sách hiện có đã có kế hoạch bố trí nguồn: 11.843.635 triệu đồng. Kinh phí phát sinh dự kiến đề nghị phê duyệt đầu tư theo Chương trình này: 1.000.375 triệu đồng. Cụ thể về kinh phí như sau:

a.1) Chia theo nội dung chính sách, dự án và nguồn huy động:

- Thực hiện các nội dung theo Quyết định số 2331/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: 183.775 triệu đồng.

- Vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh: 552.000 triệu đồng.

- Quỹ Xóa đói giảm nghèo (ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi cho vay hộ nghèo): 8.000 triệu đồng;

- Chính sách hỗ trợ các thôn đặc biệt khó khăn: 6.600 triệu đồng;

- Vốn huy động, đóng góp cộng đồng, nhà tài trợ: 250.000 triệu đồng.

a.2) Phân kỳ đầu tư hàng năm như sau:

- Năm 2011: 269.275 triệu đồng; năm 2012: 194.800 triệu đồng; năm 2013: 186.000 triệu đồng; năm 2014: 178.500 triệu đồng; năm 2015: 171.800 triệu đồng

(Chi tiết tại Phụ lục số 11 kèm theo).

b) Cơ chế phân bổ, quản lý nguồn lực và định mức hỗ trợ

- Hàng năm, các sở, ngành căn cứ nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nội dung của kế hoạch, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí chi tiết gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Sở Tài chính thẩm định đối với nguồn kinh phí sự nghiệp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với nguồn đầu tư phát triển để đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện.

- Nội dung, mức chi đối với các hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nhóm dự án chính sách chung tiếp tục áp dụng theo quy định trong giai đoạn 2006 - 2010, cho đến khi có quy định mới; các hợp phần còn lại thực hiện theo quy định hiện hành.

- Trong phân bổ nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và bãi ngang ven biển, hải đảo, các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là đối với những chính sách, dự án phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của mỗi vùng. Các địa phương có điều kiện như nhau phân bổ đảm bảo công bằng theo số lượng đối tượng và mức độ khó khăn.

3. Tăng cường sự tham gia của người dân

Người dân được tham gia vào mọi hoạt động của chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện ở thôn, bản, xã; quản lý nguồn lực; giám sát và đánh giá. Thông tin đầy đủ tới dân chủ trương, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, tổ chức cho dân tham gia các hoạt động, bảo đảm tính công khai, dân chủ và minh bạch.

4. Huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện dưới nhiều hình thức phù hợp, trong đó chú trọng hình thức đỡ đầu, kết nghĩa với xã nghèo, vùng nghèo, tạo dựng và duy trì phong trào, giảm nghèo trong toàn tỉnh.

5. Các chính sách hỗ trợ khác

- Đối với hộ mới thoát nghèo được tiếp tục hưởng chính sách trợ giúp về tín dụng, khuyến nông - lâm - ngư, y tế, giáo dục, dạy nghề trong vòng 2 năm kể từ ngày cấp xã công bố thoát nghèo.

- Đối với xã ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thì được hỗ trợ tiếp 1 năm bằng 50% mức hỗ trợ đầu tư hàng năm để xây dựng, bổ sung các công trình cần thiết và duy tu bảo dưỡng theo quy định của Trung ương.

- Đối với doanh nghiệp tổ chức dạy nghề và tiếp nhận người nghèo vào làm việc ổn định từ 2 năm trở lên thì được trợ giúp một khoản kinh phí bằng mức trợ giúp của Nhà nước cho người nghèo học nghề theo Thông tư liên tịch số 44/2010/TTLT-BTC- BLĐTBXH. Tôn vinh các doanh nghiệp thu hút được nhiều lao động từ các hộ nghèo vào làm việc ổn định.

6. Tăng cường phân cấp quản lý

Cấp tỉnh, huyện: Lập kế hoạch giảm nghèo của địa phương; huy động bổ sung nguồn lực và chủ động phân bổ cho cấp xã, phường, thị trấn; hướng dẫn và giám sát thực hiện của cấp xã, phường, thị trấn; xác nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã nghèo; công nhận xã thoát nghèo.

Cấp xã, phường, thị trấn: Xác định hộ nghèo, công nhận hộ thoát nghèo, huy động nguồn lực tại chỗ, tổ chức thực hiện các chính sách và dự án trên địa bàn, tự giám sát đánh giá.

7. Giám sát và đánh giá

Thực hiện hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá phù hợp ở các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.

Các cấp địa phương tự tổ chức giám sát, đánh giá và báo cáo theo định kỳ 6 tháng, hàng năm và 5 năm.

Tạo cơ chế thuận lợi để phát huy giám sát của cộng đồng: gồm giám sát của các tổ chức đoàn thể và của người dân.

VI- QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Kế hoạch hóa việc thực hiện chương trình

Các hoạt động về giảm nghèo phải được xây dựng kế hoạch hàng năm từ cấp xã đến cấp tỉnh trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của các ngành. Các huyện, thành phố căn cứ vào chương trình của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo của địa phương.

Định kỳ 6 tháng, hàng năm, sơ kết, tổng kết và thông báo công khai kết quả thực hiện chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các địa phương thực hiện các hoạt động của Chương trình đã được phân công theo chức năng.

2. Tổ chức, kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo thực hiện ở các cấp

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo và cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo làm công tác giảm nghèo từ cấp tỉnh tới cấp xã (đối với cấp tỉnh và các huyện miền núi tổ chức lại trên cơ sở Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo và Ban Chỉ đạo 30ª). Hình thành và củng cố hệ thống bộ phận giúp việc ở 2 cấp: tỉnh và huyện, thành phố. Đối với cấp xã, phường, thị trấn, lồng ghép thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội để có cán bộ hoặc cộng tác viên chuyên trách bảo đảm hiệu lực chỉ đạo điều hành và sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý các hợp phần của chương trình.

- Tạo cơ chế quản lý phù hợp để cơ quan thường trực chương trình và các cơ quan quản lý các hợp phần của chương trình ở các cấp có đủ thẩm quyền, đủ năng lực và điều kiện để quản lý chương trình.

- Có chính sách bố trí và phụ cấp cho cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo và cán bộ khuyến nông ở cấp xã, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo.

3. Phân công trách nhiệm giữa các ngành

Các sở, ban ngành cấp tỉnh: Theo chức năng của từng ngành và nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các chính sách và dự án thuộc Chương trình này do ngành quản lý, theo dõi cụ thể như sau:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng cơ chế phối hợp trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 - 2015; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động cho người nghèo; chỉ đạo thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; dự án nâng cao năng lực giảm nghèo; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức; giám sát, đánh giá giảm nghèo; chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình hàng năm và 5 năm cho UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; triển khai chương trình, dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho người nghèo; hướng dẫn chỉ đạo lồng ghép Chương trình xây dựng nông thôn mới với Chương trình này; phối hợp với các sở, ngành chỉ đạo đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo, xã nghèo.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Có trách nhiệm cân đối và phân bổ nguồn lực; phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xác định chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm, cân đối ngân sách tỉnh cho các hoạt động của chương trình, dự án giảm nghèo. Đồng thời có nhiệm vụ lồng ghép giữa Chương trình này với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia khác trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án với Chương trình này của các ban, ngành, địa phương.

d) Sở Tài chính

Có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, dự án và chính sách giảm nghèo theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành; hướng dẫn quản lý, kiểm tra, giám sát chỉ tiêu tài chính trong quá trình thực hiện Chương trình này; hướng dẫn tổng hợp quyết toán kinh phí Chương trình.

e) Sở Xây dựng

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ nhà ở đối với người nghèo ở đô thị và nhà ở cho người có thu nhập thấp trên cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, gia đình, dòng họ.

g) Sở Y tế

Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế và chăm sóc sức khỏe cho các thành viên hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Tạo thuận lợi cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ y tế, đảm bảo sức khỏe, đẩy mạnh sản xuất, giảm nghèo.

h) Sở Giáo dục-Đào tạo

Có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Nhà nước; có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp đối với học sinh nghèo học trong các trường dân lập do không có điều kiện học trong các trường công lập; ưu tiên đối với con em hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh nghèo khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Tích cực thực hiện tốt phong trào “3 đủ”: đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở đến trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, với mục tiêu giúp học sinh nghèo có điều kiện đến trường.

i) Sở Công Thương

Có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn chính sách khuyến công, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, nghề, làng nghề trên địa bàn xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo. Tổ chức hướng dẫn thực hiện vấn đề xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm đặc trưng ở các vùng nghèo, các làng nghề truyền thống để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn ngày càng vững chắc.

k) Sở Tư pháp

Có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn các Phòng Tư pháp cấp huyện, thành phố, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.

l) Sở Nội vụ

Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách luân chuyển cán bộ cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; chính sách ưu đãi đặc thù, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về làm việc tại các xã còn khó khăn, thiếu cán bộ giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững.

m) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Có trách nhiệm xây dựng văn bản hướng dẫn chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận văn hóa, thông tin, nhất là người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với bản sắc và truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa thông tin ở cơ sở; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh.

n) Ban Dân tộc

Có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh giao kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ trì việc xây dựng và trình UBND tỉnh xem xét quyết định các chính sách đặc thù để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của tỉnh trong những trường hợp đặc biệt.

p) Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi

Có trách nhiệm tổ chức thực hiện cho vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ có điều kiện kinh tế khó khăn theo quy định. Có biện pháp phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tạo điều kiện tối đa cho các hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, đặc biệt đối với đoàn thanh niên, hộ gia đình trẻ mới chia tách hộ.

q) Bảo hiểm Xã hội tỉnh

Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn việc thay đổi, cấp mới thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh theo quy định.

r) Báo Quảng Ngãi và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi

Phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, phát hiện và tuyên truyền những mô hình giảm nghèo tốt ở các địa phương trong tỉnh và mở chuyên mục về công tác giảm nghèo, qua đó tạo sự đồng thuận và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.

4. Phát huy vai trò tích cực của các tổ chức, đoàn thể trong việc thực hiện

Chương trình

a) Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo giúp đỡ, hỗ trợ các xã nghèo, hộ nghèo.

b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Chủ trì, phối hợp với chính quyền và đoàn thể các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động hỗ trợ giảm nghèo như phong trào “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới”; động viên, phát huy tính tự chủ của người dân vươn lên thoát nghèo.

c) Các tổ chức hội, đoàn thể cấp tỉnh

Tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực giúp đỡ những hội viên nghèo, yếu thế của tổ chức mình trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Nhà nước trong Chương trình này; hướng dẫn các cấp hội, đoàn thể, hội viên tham gia các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo; tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các hội viên nghèo biết cách làm ăn, tham gia phát triển sản xuất tăng thu nhập giúp thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đã được xác định.

5. Trách nhiệm của UBND các huyện và thành phố

- Xây dựng Chương trình mục tiêu giảm nghèo của địa phương giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch hàng năm để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn.

- Huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình này theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của các sở, ngành cấp tỉnh; phân công rõ trách nhiệm của từng cấp và các phòng, ban ngành cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo của địa phương theo nguyên tắc tăng cường phân cấp cho cơ sở và đề cao tinh thần trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị trên địa bàn, phát huy tính dân chủ ở cơ sở.

- Trong quá trình thực hiện cần chú trọng xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả nhất, chọn lựa những mô hình tiên tiến, dễ áp dụng, hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng và triển khai thực hiện trên địa bàn.

Trên đây là Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để giải quyết./.


PHỤ LỤC SỐ 01

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH, DỰ ÁN THUỘC KHUNG CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Thực hiện 05 năm

2006

2007

2008

2009

2010

Cộng thực hiện 5 năm

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

8.

9.

A. Nhóm chỉ tiêu theo dõi mục tiêu Chương trình:

 

Tổng số hộ gia đình

Hộ

277.486

281.196

289.658

303.855

316.425

 

 

Số hộ nghèo

Hộ

78.917

70.916

60.836

56.220

48.744

 

 

Tỷ lệ hộ nghèo

%

28,44

25,22

21,00

18,50

15,40

 

 

Số hộ thoát nghèo

Hộ

11.827

11.473

12.887

10.860

11.150

58.197

 

Số hộ rơi vào nghèo

Hộ

2.882

3.472

2.807

6.244

3.674

19.079

B. Nhóm chỉ tiêu thực hiện các Chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo

 

1

Chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo

 

 

 

Số lượt hộ nghèo được vay vốn trong kỳ

Lượt hộ

16.842

17.839

14.762

22.010

21.270

92.723

 

Tổng doanh số cho vay trong kỳ

Triệu đồng

143.589

166.520

174.653

283.488

317.489

1.085.739

 

- Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

141.206

162.925

171.255

280.587

314.240

1.070.213

 

- Ngân sách địa phương

Triệu đồng

2.383

3.595

3.398

2.901

3.249

15.526

 

Tổng số hộ dư nợ đến cuối kỳ

Hộ

63.070

65.677

64.907

65.744

66.625

66.625

 

Tổng số dư nợ đến cuối kỳ (cho vay hộ nghèo)

Triệu đồng

342.315

418.396

489.980

635.117

811.663

811.663

2

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo DTTS

 

 

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

914

452

715

2.745,55

 

4.827

 

- Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

762

377

596

2.745,55

 

4.481

 

- Ngân sách địa phương

Triệu đồng

152

75

119

 

 

346

 

- Vốn huy động khác

Triệu đồng

 

 

 

 

 

-

 

- Vốn vay ưu đãi

Triệu đồng

 

 

 

 

 

-

 

Số hộ nghèo DTTS được hỗ trợ đất SX

Hộ

282

313

43

64

-

702

 

Tổng diện tích đất được hỗ trợ hộ nghèo

Ha

87,21

75,30

119,00

34,51

-

316,02

3

Dự án Khuyến nông-lâm-ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề

 

 

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

2.405

800

-

1.391,00

5.100

9.696

 

- Ngân sách trung ương

Triệu đồng

2.405

800

 

1.391,00

5.100

9.696

 

- Ngân sách địa phương

Triệu đồng

 

 

 

 

 

-

 

- Vốn huy động khác

Triệu đồng

 

 

 

 

 

-

 

Số hộ được hỗ trợ sản xuất

Hộ

2.959

939

 

1.228

2.740

7.866

 

Số lượt người tập huấn, hội nghị đầu bờ,...

Lượt người

4.750

2.909

 

2.900

7.490

18.049

 

Số mô hình khuyến nông, lâm, ngư trình diễn

Mô hình

8

4

 

5

4

21

4

Dự án phát triển CSHT thiết yếu các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

 

Tổng vốn thực hiện

Triệu đồng

957,860

1.363,670

14.282,916

16.223,633

20.258,807

53.086,886

 

- Ngân sách trung ương

Triệu đồng

957,860

1.363,670

14.282,916

16.223,633

20.258,807

53.086,886

 

- Ngân sách địa phương

Triệu đồng

 

 

 

 

-

-

 

- Vốn huy động khác

Triệu đồng

 

 

 

 

-

-

 

Số xã được hỗ trợ đầu tư

2

2

21

21

21

21

 

Tổng số công trình được xây dựng

Công trình

2

4

29

35

39

109

5

Dự án dạy nghề cho người nghèo

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

 

700

1.200

1.480

4.500

7.880

 

- Ngân sách trung ương

Triệu đồng

 

700

1.200

1.480

4.500

7.880

 

- Ngân sách địa phương

Triệu đồng

 

 

 

 

-

-

 

- Vốn huy động khác

Triệu đồng

 

 

 

 

-

-

 

Số người nghèo được hỗ trợ học nghề

người

 

370

708

829

1.486

3.393

6

Chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo

 

 

 

 

 

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

14.140

22.402

45.316

62.770

103.552

248.180

 

- Ngân sách trung ương

Triệu đồng

14.140

22.402

45.316

62.770

103.552

248.180

 

Số người nghèo được cấp thẻ BHYT

người

210.765

163.819

315.776

284.956

274.355

1.249.671

 

Số người nghèo được cấp thẻ KCB miễn phí

người

146.454

151.677

149.986

 

-

448.117

 

Số lượt người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí

Lượt người

132.494

129.644

134.419

223.662

240.000

860.219

 

- Số lượt người nghèo dùng thẻ BHYT để được KCB miễn phí trong kỳ

Lượt người

112.775

98.784

116.552

223.662

240.000

791.773

 

- Số lượt người nghèo dùng thẻ 139 để được KCB miễn phí trong kỳ

Lượt người

19.719

30.860

17.867

 

-

68.446

7

Chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

23.682

22.206

21.398

35.522

25.676

128.485

 

- Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

22.498

21.144

20.306

34.399

22.944

121.291

 

- Ngân sách Địa phương

Triệu đồng

1.184

1.062

1.092

1.123

2.732

7.194

 

- Nguồn vốn Huy động khác

Triệu đồng

 

 

 

 

-

-

 

Tổng số học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp, hỗ trợ đồ dùng học tập, trợ cấp học bổng

học sinh

54.284

50.588

46.202

60.079

65.379

276.532

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

-

 

- Số học sinh nghèo được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp

học sinh

22.537

21.503

18.165

19.695

12.907

94.807

 

- Số học sinh nghèo được hỗ trợ đồ dùng học tập

học sinh

9.869

8.846

9.104

9.361

20.972

58.152

 

- Số học sinh nghèo được trợ cấp học bổng trong kỳ

học sinh

21.878

20.239

18.933

31.023

31.500

123.573

8

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và nước sinh hoạt

 

 

 

 

 

a

Về nhà ở

 

 

 

 

 

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

47.295

56.335

22.518

130.645

218.182

474.975

 

- Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

31.009

25.275

7.469

63.782

167.521

295.056

 

- Ngân sách Địa phương

Triệu đồng

10.353

11.702

4.577

2.176

5.479

34.287

 

- Nguồn vốn Huy động khác

Triệu đồng

5.933

19.358

10.472

64.687

45.182

145.632

 

Tổng số hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở

Hộ

7.508

8.176

1.494

8.026

9.118

34.322

b

Về nước sinh hoạt

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

11.493

27.224

28.952

8.277,50

 

75.947

 

- Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

11.423

26.651

23.265

8.277,50

 

69.617

 

- Ngân sách Địa phương

Triệu đồng

70

263

261

 

 

594

 

- Nguồn vốn huy động khác

Triệu đồng

 

310

5.426

 

 

5.736

 

Tổng số hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí tạo nguồn nước sinh hoạt

Hộ

5.514

3.178

7.500

2.851

 

19.043

9

Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

 

130

130

200

410

870

 

- Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

 

130

130

200

410

870

 

Số lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý

Lượt người

 

200

250

600

400

1.450

 

Số lượt trợ giúp viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý được đào tạo, tập huấn

Lượt người

 

 

 

 

250

250

10

Dự án Đào tạo cán bộ giảm nghèo

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

345

329

270

244,5

400

1.589

 

- Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

305

320

270

234

400

1.529

 

- Ngân sách Địa phương

Triệu đồng

40

9

 

10,5

-

60

 

Số lượt cán bộ được đào tạo tập huấn

Lượt người

1.200

1.250

800

2.165

2.100

7.515

11

Truyền thông

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

 

71

71

106

400

648

 

- Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

 

71

71

106

400

648

12

Hoạt động giám sát, đánh giá

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

 

50

78

282

650

1.060

 

- Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

 

50

78

282

650

1.060

13

Rà soát tăng giảm hộ nghèo

 

Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

 

159

50

50

50

309

 

- Ngân sách Địa phương

Triệu đồng

 

159

50

50

50

309

 


PHỤ LỤC SỐ 02

KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

TT

Mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo

Đơn vị tính

Kế hoạch giai đoạn 2006-2010

Kết quả thực hiện 2006-2010

Tỷ lệ đạt được so với kế hoạch (%)

I

Mục tiêu giảm nghèo

 

 

 

 

1

Số hộ nghèo

hộ

55.279

48.744

 

 

Trong đó: hộ DTTS

 

 

 

 

2

Tỷ lệ hộ nghèo

%

19,44

15,40

 

3

Số hộ thoát nghèo

hộ

45.083

58.197

 

4

Số hộ tái nghèo, nghèo mới

hộ

12.500

19.079

 

5

Số hộ nghèo giảm

hộ

32.583

39.118

120,06

II

Chỉ tiêu giảm nghèo

 

 

 

 

1

Số lượt hộ nghèo có nhu cầu vay vốn

lượt hộ

95.000

92.723

98,00

2

Số lượt người nghèo được tập huấn khuyến nông, lâm, ngư

lượt

30.000

18.049

60,00

3

Số lao động nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề

người

6.000

3.393

57,00

4

Số mô hình giảm nghèo được xây dựng, nhân rộng

Mô hình

 

 

 

4

Số người nghèo được cấp thẻ KCB 139, thẻ BHYT

lượt người

100% người nghèo được KCB miễn phí

1.249.671

100,00

5

Số học sinh nghèo được miễn giảm học phí

người

100% học sinh nghèo miễn, giảm học phí

276.532

100,00

6

Số lượt cán bộ giảm nghèo được tập huấn, nâng cao năng lực

lượt người

7.000

7.513

107,00

7

Số hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở

hộ

17.000

34.322

202,00

8

Người nghèo trợ giúp pháp lý

người

 

1.450

 

 


PHỤ LỤC SỐ 03

KẾT QUẢ HUY ĐỘNG VỐN ĐỂ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG THUỘC KHUNG CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

TT

Nguồn vốn

Kế hoạch 2006-2010

Thực hiện

Tổng cộng 05 năm 2006-2010

% so với kế hoạch

2006

2007

2008

2009

2010

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

8.

9.

10.

I

Tổng kinh phí NSTW bố trí thực hiện các chính sách, dự án hoạt động giảm nghèo

325.525

83.499,86

99.283,67

112.983,92

191.890,68

325.735,81

813.393,94

249,87

1

Chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo

52.125

 

 

 

 

 

-

-

2

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo DTTS

24.000

762,00

377,00

596,00

2.745,55

-

4.480,55

18,67

3

Dự án Khuyến nông-lâm-ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề

14.000

2.405,00

800,00

-

1.391,00

5.100,00

9.696,00

69,26

4

Dự án phát triển CSHT thiết yếu các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

68.400

957,86

1.363,67

14.282,92

16.223,63

20.258,81

53.086,89

77,61

5

Dự án dạy nghề cho người nghèo

6.000

-

700,00

1.200,00

1.480,00

4.500,00

7.880,00

131,33

6

Chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo

60.000

14.140,00

22.402,00

45.316,00

62.770,00

103.552,00

248.180,00

413,63

7

Chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo

20.000

22.498,00

21.144,00

20.306,00

34.399,00

22.944,00

121.291,00

606,46

8

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và nước sinh hoạt

75.000

42.432,00

51.926,00

30.734,00

72.059,50

167.521,00

364.672,50

486,23

9

Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo

 

-

130,00

130,00

200,00

410,00

870,00

 

10

Dự án Đào tạo cán bộ giảm nghèo

4.500

305,00

320,00

270,00

234,00

400,00

1.529,00

33,98

11

Dự án nhân rộng mô hình

500

 

 

 

 

 

-

-

12

Truyền thông

 

-

71,00

71,00

106,00

400,00

648,00

 

13

Hoạt động giám sát, đánh giá

1.000

-

50,00

78,00

282,00

650,00

1.060,00

106,00

14

Rà soát tăng giảm hộ nghèo

 

-

-

-

-

 

-

 

II

Ngân sách địa phương bổ sung

96.275

11.799,28

13.269,52

6.099,48

3.359,42

8.261,00

42.788,70

44,44

III

Vốn tín dụng

344.400

143.589,00

166.520,00

174.653,00

283.488,00

317.489,00

317.489,00

92,19

 

Số vốn tăng trưởng hàng năm

 

 

22.931,00

8.133,00

108.835,00

34.001,00

 

 

IV

Các nguồn huy động khác

36.800

5.933,00

19.668,00

15.898,00

64.687,40

45.182,00

151.368,40

411,33

 

Tổng cộng

803.000

244.821,14

155.152,19

143.114,40

368.772,50

413.179,81

1.325.040,04

165,01

 


PHỤ LỤC SỐ 04

TỔNG NGUỒN THEO CÁC CHÍNH SÁCH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ RIÊNG CHO NGƯỜI NGHÈO, VÙNG NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

TT

Nguồn vốn

Tổng số
(triệu đồng)

I

Chương trình mục tiêu giảm nghèo 2006-2010

1.325.040,04

-

Tổng kinh phí NSTW bố trí thực hiện các chính sách, dự án hoạt động giảm nghèo

813.393,94

-

Ngân sách địa phương bổ sung

42.788,70

-

Vốn tín dụng

317.489,00

-

Các nguồn huy động khác

151.368,40

II

Các chính sách đặc thù đối với huyện, xã nghèo, và dân tộc miền núi

745.598,00

-

Giảm nghèo nhanh bền vững theo Nghị quyết số 30a đối với 6 huyện nghèo

343.740,00

-

Chương trình 135-II

325.101,00

-

Chính sách đối với dân tộc nghèo, miền núi

76.757,00

III

Hỗ trợ trực tiếp khác

387.924,00

-

Quà tết theo QĐ 81

39.346,00

-

Trợ cấp đột xuất do thiên tai, mất mùa, cứu đói

157.031,00

-

Trợ cấp bảo trợ xã hội tại cộng đồng diện xã, phường quản lý

187.980,00

-

Nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội

3.567,00

 

TỔNG CỘNG

2.458.562,04

 


PHỤ LỤC SỐ 05

TÌNH HÌNH TĂNG, GIẢM HỘ NGHÈO 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

TT

Huyện, TP

Thực trạng hộ nghèo tại 01/01/2006

Kết quả tăng, giảm hộ nghèo

Hộ nghèo đến 31/12/2010

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Cộng 5 năm
(2006-2010)

Tổng số hộ dân cư trên địa bàn

Số hộ nghèo (hộ)

Tỷ lệ hộ nghè o (%)

Hộ nghèo phát sinh (hộ)

Hộ thoát nghèo (hộ)

Hộ nghèo phát sinh (hộ)

Hộ thoát nghèo (hộ)

Hộ nghèo phát sinh (hộ)

Hộ thoát nghèo (hộ)

Hộ nghèo phát sinh (hộ)

Hộ thoát nghèo (hộ)

Hộ nghèo phát sinh (hộ)

Hộ thoát nghèo (hộ)

Hộ nghèo phát sinh (hộ)

Hộ thoát nghèo (hộ)

Tổng số hộ dân cư trên địa bàn

Số hộ nghèo (hộ)

Tỷ lệ hộ nghè o (%)

 

Đồng bằng

232.710

56.094

24,10

2.142

7.931

2.243

7.356

1.981

9.229

3.313

6.613

2.586

7.283

12.265

38.412

263.074

29.947

11,38

1

TP. Qung Ngãi

24.448

2.535

10,37

51

466

36

654

53

176

 

335

 

350

140

1.981

28.612

694

2,43

2

Lý Sơn

4.126

1.506

36,50

106

314

120

218

190

332

378

66

1

1

795

931

5.131

1.370

26,70

3

Bình Sơn

43.352

12.500

28,83

562

1.725

450

1.752

350

1.455

784

1.284

1.860

1.551

4.006

7.767

50.537

8.739

17,29

4

Sơn Tnh

41.436

8.698

20,99

271

1.631

355

1.080

571

2.358

537

687

54

390

1.788

6.146

48.231

4.340

9,00

5

Tư Nghĩa

36.563

8.421

23,03

300

791

297

703

102

1.297

 

816

440

1.346

1.139

4.953

39.385

4.607

11,70

6

Nghĩa Hành

20.867

6.139

29,42

155

612

201

950

150

1.136

395

1.091

11

979

912

4.768

23.382

2.283

9,76

7

Mộ Đức

30.566

8.007

26,20

145

1.063

179

721

122

1.164

470

1.536

100

1.316

1.016

5.800

32.490

3.223

9,92

8

Đức Ph

31.352

8.288

26,44

552

1.329

605

1.278

443

1.311

749

798

120

1.350

2.469

6.066

35.306

4.691

13,29

 

Miền Núi

42.383

31.768

74,95

740

3.896

1.229

4.117

826

3.658

2.931

4.247

1.088

3.867

6.814

19.785

53.351

18.797

35,23

9

Trà Bng

6.361

5.056

79,48

46

744

155

281

185

632

692

339

172

519

1.250

2.515

7.767

3.791

48,81

10

Sơn

14.851

11.219

75,54

302

1.179

600

1.789

215

1.388

659

1.928

707

2.161

2.483

8.445

18.850

5.257

27,89

11

Sơn Tây

3.351

2.881

85,97

170

304

145

417

155

199

179

329

52

503

701

1.752

4.693

1.830

38,99

12

Minh Long

3.461

2.532

73,16

19

258

29

457

55

494

492

150

1

105

596

1.464

4.288

1.664

38,81

13

Ba Tơ

11.192

7.051

63,00

149

1.175

200

1.016

105

829

326

728

122

516

902

4.264

13.527

3.689

27,27

14

Tây Trà

3.167

3.029

95,64

54

236

100

157

111

116

583

773

34

63

882

1.345

4.226

2.566

60,72

 

Tổng cộng

275.093

87.862

31,94

2.882

11.827

3.472

11.473

2.807

12.887

6.244

10.860

3.674

11.150

19.079

58.197

316.425

48.744

15,40

 


PHỤ LỤC SỐ 06

BIỂU ĐỒ MINH HỌA VỐN THUỘC KHUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ LỘ TRÌNH GIẢM NGHÈO
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

Vốn đầu tư Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010

 

Cơ cấu vốn đầu tư Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010

 

Hộ nghèo qua các năm 2006-2010

 

PHỤ LỤC SỐ 07

KẾT QUẢ ĐIỀU TRA XÁC ĐỊNH HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO TỈNH QUẢNG NGÃI THEO CHUẨN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 (THỜI ĐIỂM: 31/12/2010)
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

TT

Huyện, TP

Tổng số hộ dân cư

Hộ nghèo

Cận nghèo

Số hộ nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo

Số hộ cận nghèo

Tỷ lệ cận nghèo

 

Đồng bằng

259.936

42.344

16,29

21.228

8,17

1

TP. Quảng Ngãi

28.038

1.709

6,10

1.351

4,82

2

Lý Sơn

4.969

1.474

29,66

575

11,57

3

Bình Sơn

50.399

10.219

20,28

4.401

8,73

4

Sơn Tịnh

46.673

6.659

14,27

3.507

7,51

5

Tư Nghĩa

40.707

5.584

13,72

2.638

6,48

6

Nghĩa Hành

22.294

4.530

20,32

3.901

17,50

7

Mộ Đức

32.695

6.031

18,45

2.696

8,25

8

Đức Phổ

34.161

6.138

17,97

2.159

6,32

 

Miền Núi

53.705

32.690

60,87

8.657

16,12

9

Trà Bồng

7.767

4.844

62,37

1.684

21,68

10

Sơn Hà

18.763

12.044

64,19

3.319

17,69

11

Sơn Tây

4.685

3.149

67,21

550

11,74

12

Minh Long

4.535

2.587

57,05

756

16,67

13

Ba Tơ

13.780

6.893

50,02

1.848

13,41

14

Tây Trà

4.175

3.173

76,00

500

11,98

 

Tổng cộng

313.641

75.034

23,92

29.885

9,53

 

PHỤ LỤC SỐ 08

KẾ HOẠCH MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

TT

Nguồn vốn

Đơn vị tính

Thực hiện 2006-2010

Kế hoạch 2011-2015

I

Các chính sách, dự án giảm nghèo chung

 

 

 

1

Hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi

lượt hộ

92.723

100.000

2

Hộ nghèo được hỗ trợ đất sản xuất

hộ

702

3.000

3

Hộ nghèo được tập huấn Khuyến nông-lâm-ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề

lượt hộ

25.915

60.000

4

Người nghèo được dạy nghề miễn phí

người

3.393

8.000

5

Số hộ được hỗ trợ theo mô hình giảm nghèo nhân rộng

hộ

 

4.000

6

Người nghèo được hỗ trợ y tế

%

100

100

7

Con em hộ nghèo được hỗ trợ giáo dục

%

100

100

8

Hộ nghèo được hỗ trợ hộ cải thiện nhà ở

hộ

34.322

13.163

9

Số hộ nghèo được hỗ trợ nước sinh hoạt

hộ

19.043

30.000

10

Người nghèo được trợ giúp pháp lý

lượt người

1.450

5.000

11

Số hộ nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ văn hóa

hộ

 

10.000

II

Chính sách đặc thù và hỗ trợ trực tiếp

 

 

 

1

Đối tượng, địa phương (huyện, xã, thôn) được tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a

%

 

100

2

Tỷ lệ số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và thôn đặc biệt khó khăn vùng miền núi, dân tộc không thuộc huyện nghèo cơ bản có đầy đủ cơ sở hạ tầng (kể cả phục vụ sản xuất và dân sinh)

%

 

100

3

Đối tượng được thụ hưởng chính sách đối với dân tộc, miền núi, hỗ trợ trực tiếp

%

100

100

III

Các hoạt động về truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát đánh giá

 

 

 

1

Cán bộ được đào tạo nâng cao năng lực trong công tác giảm nghèo

lượt người

7.515

10.000

2

Sản phẩm truyền thông tuyên truyền các loại

sản phẩm

25.000

50.000

3

Công cụ giám sát đánh giá được bao phủ và tổ chức thực hiện tốt ở các cấp

%

40

100

 

PHỤ LỤC SỐ 09

KẾ HOẠCH LỘ TRÌNH GIẢM HỘ NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

Năm

Cả tỉnh

Miền núi

Đồng bằng

Số hộ nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo

Số hộ nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo

Số hộ nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo

Hộ nghèo cuối năm 2010 đầu 2011

75.034

23,92

32.690

60,87

42.344

16,29

Cuối năm 2011

66.981

21,36

28.931

53,87

38.050

14,64

Cuối năm 2012

56.004

17,86

25.171

46,87

30.833

11,86

Cuối năm 2013

45.026

14,36

21.412

39,87

23.614

9,08

Cuối năm 2014

34.049

10,86

17.653

32,87

16.396

6,31

Cuối năm 2015

23.071

7,36

13.893

25,87

9.178

3,53

Số giảm 5 năm

51.963

16,57

18.797

35,00

33.166

12,76

 


PHỤ LỤC SỐ 10

KẾ HOẠCH KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Kèm theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015)

Đơn vị tính: Triệu đồng.

STT

Chương trình, dự án, chính sách

Tổng cộng kinh phí thực hiện giai đoạn 2006-2010

Kế hoạch kinh phí giai đoạn 2011-2015

Phân kỳ giai đoạn 2011-2015

2011

2012

2013

2014

2015

A

B

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

I

Chương trình mục tiêu Giảm nghèo (vốn TW theo QĐ 2331)

56.324

183.775

23.275

33.300

37.500

41.700

48.000

1

- Dự án cơ sở hạ tầng xã bãi ngang ven biển hải đảo

53.087

157.500

21.000

27.300

31.500

35.700

42.000

2

- Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo

0

17.000

1.000

4.000

4.000

4.000

4.000

3

- Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát, đánh giá chương trình

3.237

9.275

1.275

2.000

2.000

2.000

2.000

II

Vốn tín dụng ưu đãi (thông qua Ngân hàng CSXH)

1.441.344

2.569.172

1.656.964

1.885.016

2.113.068

2.341.120

2.569.172

 

Số tăng trưởng hàng năm

 

1.127.828

215.620

228.052

228.052

228.052

228.052

1

- Cho vay hộ nghèo

811.664

1.446.777

933.086

1.061.509

1.189.932

1.318.355

1.446.777

 

+ Cho vay thông thường

770.339

1.373.116

885.579

1.007.463

1.129.348

1.251.232

1.373.116

 

+ Cho vay hộ nghèo theo Nghị quyết 30a

41.325

73.661

47.507

54.046

60.584

67.123

73.661

2

- Cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn

408.526

728.191

469.640

534.278

598.915

663.553

728.191

A

B

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

3

- Cho vay đối tượng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

20.071

35.776

23.074

26.249

29.425

32.601

35.776

4

- Cho vay Chương trình nước sách và VSMT nông thôn (Quyết định số 62)

48.303

86.099

55.529

63.172

70.814

78.457

86.099

5

- Cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn (theo QĐ 31)

70.464

125.601

81.005

92.154

103.303

114.452

125.601

6

- Cho vay hộ đồng bào DTTS ĐBKK (theo Quyết định số 32)

2.538

4.524

2.918

3.319

3.721

4.122

4.524

7

- Cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (theo Quyết định số 167/QĐ-TTg)

79.778

142.203

91.712

104.335

116.958

129.580

142.203

III

Vốn ngân sách tỉnh (Vốn bổ sung có mục tiêu từ NS TW)

770.086

1.718.482

412.900

333.590

329.049

324.354

318.589

1

- Chính sách miễn, giảm học phí

128.485

469.482

76.900

84.590

93.049

102.354

112.589

2

- Chính sách mua Bảo hiểm y tế

148.180

697.000

140.000

141.000

141.000

139.000

136.000

3

- Chính sách hỗ trợ nhà ở

474.975

346.000

196.000

60.000

45.000

30.000

15.000

4

- Chính sách dạy nghề cho người nghèo

7.880

52.000

 

10.000

12.000

14.000

16.000

5

- Chính sách khuyến, nông, lâm, ngư, công

9.696

26.000

 

6.000

6.000

7.000

7.000

6

- Chính sách trợ giúp pháp lý

870

4.000

 

1.000

1.000

1.000

1.000

7

- Hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin

 

4.000

 

1.000

1.000

1.000

1.000

8

- Hỗ trợ nước sinh hoạt

75.947

80.000

 

20.000

20.000

20.000

20.000

9

- Hỗ trợ đất sản xuất

4.827

40.000

 

10.000

10.000

10.000

10.000

IV

Quỹ Xóa đói giảm nghèo (ủy thác NHCS cho vay hộ nghèo)

5.000

8.000

 

2.000

2.000

2.000

2.000

V

Các chính sách đặc thù đối với huyện, xã, thôn

343.350

8.795.450

220.850

2.143.500

2.143.500

2.143.800

2.143.800

1

Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a (theo đề án đã được phê duyệt)

343.350

8.788.850

220.850

2.142.000

2.142.000

2.142.000

2.142.000

2

Xây dựng cơ sở hạ tầng cho 6 thôn ĐBKK vùng dân tộc, miền núi ngoài huyện 30a

 

6.600

 

1.500

1.500

1.800

1.800

VI

Các chính sách đối với dân tộc nghèo và hỗ trợ trực tiếp

385.477

760.475

154.955

159.227

153.975

148.726

143.592

1

Chính sách định canh, định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg

14.873

45.000

9.000

9.000

9.000

9.000

9.000

2

Hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo

370.604

715.475

145.955

150.227

144.975

139.726

134.592

-

Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hoặc hiện vật theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg

19.413

69.674

16.404

15.169

13.935

12.700

11.466

-

Hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng theo Quyết định số 289/QĐ-TTg

2.613

4.973

900

945

992

1.042

1.094

-

Hỗ trợ tiền điện cho người nghèo theo Quyết định số 268/QĐ-TTg

 

90.828

18.651

24.113

20.048

15.984

12.032

-

Trợ cấp bảo trợ xã hội

348.578

550.000

110.000

110.000

110.000

110.000

110.000

VII

Vốn huy động, đóng góp cộng đồng, tài trợ

151.368

250.000

50.000

50.000

50.000

50.000

50.000

 

Tổng cộng:

3.152.949

12.844.010

1.077.600

2.949.669

2.944.076

2.938.631

2.934.033

Trong đó:

a) KINH PHÍ THEO CÁC ĐỀ ÁN ĐÃ ĐƯỢC PHÊ DUYỆT, THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HIỆN CÓ ĐÃ CÓ KẾ HOẠCH BỐ TRÍ NGUỒN:

STT

Chương trình, dự án, chính sách

Tổng cộng kinh phí thực hiện giai đoạn 2006-2010

Kế hoạch kinh phí giai đoạn 2011-2015

Phân kỳ giai đoạn 2011-2015

2011

2012

2013

2014

2015

A

B

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

I

Vốn tín dụng ưu đãi (thông qua Ngân hàng CSXH)

1.441.344

2.569.172

1.656.964

1.885.016

2.113.068

2.341.120

2.569.172

 

Số tăng trưởng hàng năm

 

1.127.828

215.620

228.052

228.052

228.052

228.052

1

- Cho vay hộ nghèo

811.664

1.446.777

933.086

1.061.509

1.189.932

1.318.355

1.446.777

 

+ Cho vay thông thường

770.339

1.373.116

885.579

1.007.463

1.129.348

1.251.232

1.373.116

 

+ Cho vay hộ nghèo theo Nghị quyết 30a

41.325

73.661

47.507

54.046

60.584

67.123

73.661

2

- Cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn

408.526

728.191

469.640

534.278

598.915

663.553

728.191

3

- Cho vay ĐTCS đi LĐ có thời hạn ở nước ngoài

20.071

35.776

23.074

26.249

29.425

32.601

35.776

4

- Cho vay C/trình NS & VSMT nông thôn (QĐ 62)

48.303

86.099

55.529

63.172

70.814

78.457

86.099

5

- Cho vay Hộ gia đình SXKD tại VKK (theo QĐ 31)

70.464

125.601

81.005

92.154

103.303

114.452

125.601

6

- Cho vay Hộ đồng bào DTTS ĐBKK (theo QĐ 32)

2.538

4.524

2.918

3.319

3.721

4.122

4.524

7

- Cho vay Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (theo QĐ

167)

79.778

142.203

91.712

104.335

116.958

129.580

142.203

A

B

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

II

Vốn ngân sách tỉnh (Vốn bổ sung có mục tiêu từ NS TW)

276.665

1.166.482

216.900

225.590

234.049

241.354

248.589

1

- Chính sách miễn, giảm học phí

128.485

469.482

76.900

84.590

93.049

102.354

112.589

2

- Chính sách mua Bảo hiểm y tế

148.180

697.000

140.000

141.000

141.000

139.000

136.000

III

Các chính sách đặc thù đối với huyện, xã, thôn

343.350

8.788.850

220.850

2.142.000

2.142.000

2.142.000

2.142.000

1

Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a (theo đề án đã được phê duyệt)

343.350

8.788.850

220.850

2.142.000

2.142.000

2.142.000

2.142.000

IV

Các chính sách đối với dân tộc nghèo và hỗ trợ trực tiếp

385.477

760.475

154.955

159.227

153.975

148.726

143.592

1

Chính sách định canh, định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg

14.873

45.000

9.000

9.000

9.000

9.000

9.000

2

Hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo

370.604

715.475

145.955

150.227

144.975

139.726

134.592

-

Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hoặc hiện vật theo QĐ 102/2009/QĐ-TTg

19.413

69.674

16.404

15.169

13.935

12.700

11.466

-

Hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng theo Quyết định số 289/QĐ-TTg

2.613

4.973

900

945

992

1.042

1.094

-

Hỗ trợ tiền điện cho người nghèo theo Quyết định số 268/QĐ-TTg

 

90.828

18.651

24.113

20.048

15.984

12.032

-

Trợ cấp bảo trợ xã hội

348.578

550.000

110.000

110.000

110.000

110.000

110.000

 

Tổng cộng:

2.446.836

11.843.635

808.325

2.754.869

2.758.076

2.760.131

2.762.233

 

b) KINH PHÍ PHÁT SINH DỰ KIẾN ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT ĐẦU TƯ MỚI THEO CHƯƠNG TRÌNH NÀY:

STT

Chương trình, dự án, chính sách

Tổng cộng kinh phí thực hiện giai đoạn 2006-2010

Kế hoạch kinh phí giai đoạn 2011-2015

Phân kỳ giai đoạn 2011-2015

2011

2012

2013

2014

2015

A

B

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

I

Chương trình mục tiêu Giảm nghèo (vốn TW theo Quyết định số 2331)

56.324

183.775

23.275

33.300

37.500

41.700

48.000

1

- Dự án cơ sở hạ tầng xã bãi ngang ven biển hải đảo

53.087

157.500

21.000

27.300

31.500

35.700

42.000

2

- Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo

0

17.000

1.000

4.000

4.000

4.000

4.000

3

- Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát, đánh giá chương trình

3.237

9.275

1.275

2.000

2.000

2.000

2.000

II

Vốn ngân sách tỉnh (Vốn bổ sung có mục tiêu từ NS TW)

493.421

552.000

196.000

108.000

95.000

83.000

70.000

1

- Chính sách hỗ trợ nhà ở

474.975

346.000

196.000

60.000

45.000

30.000

15.000

2

- Chính sách dạy nghề cho người nghèo

7.880

52.000

 

10.000

12.000

14.000

16.000

3

- Chính sách khuyến, nông, lâm, ngư, công

9.696

26.000

 

6.000

6.000

7.000

7.000

4

- Chính sách trợ giúp pháp lý

870

4.000

 

1.000

1.000

1.000

1.000

5

- Hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin

 

4.000

 

1.000

1.000

1.000

1.000

6

- Hỗ trợ nước sinh hoạt

75.947

80.000

 

20.000

20.000

20.000

20.000

7

- Hỗ trợ đất sản xuất

4.827

40.000

 

10.000

10.000

10.000

10.000

III

Quỹ Xóa đói giảm nghèo (ủy thác NHCS cho vay hộ nghèo)

5.000

8.000

 

2.000

2.000

2.000

2.000

IV

Các chính sách đặc thù đối với thôn ĐBKK

 

6.600

0

1.500

1.500

1.800

1.800

1

Xây dựng cơ sở hạ tầng cho 6 thôn ĐBKK vùng dân tộc, miền núi ngoài huyện 30a

 

6.600

0

1.500

1.500

1.800

1.800

V

Vốn huy động, đóng góp cộng đồng, tài trợ

151.368

250.000

50.000

50.000

50.000

50.000

50.000

 

Tổng cộng:

706.113

1.000.375

269.275

194.800

186.000

178.500

171.800

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 280/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.537

DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.23.38
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!