ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2393/2003/QĐ-UB
|
Long Xuyên,
ngày 25 tháng 11 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY
CHẾ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP TỊNH BIÊN - AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt nam
thông qua ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Quyết định số 0916/2002/QĐ-BTM/BCĐ
ngày 31/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Thương mại-Trưởng Ban chỉ đạo 127 TW về việc
ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp;
- Căn cứ Quyết định số 1593/1998/QĐ-UB ngày
14/8/1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thành lập Trạm Kiểm soát
liên hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại Tịnh Biên-An Giang;
- Xét đề nghị của trưởng Ban chỉ đạo 127 Tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này
“ Quy chế tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp chống buôn lậu và gian
lận thương mại Tịnh Biên - An giang”
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Mọi quy định trước đây trái với quy định này đều
bãi bỏ.
Điều 3: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh,
Trưởng Ban chỉ đạo 127 tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban Ngành là thành viên Ban chỉ
đạo 127 tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố và Trưởng
Trạm Kiểm soát liên hợp Tịnh Biên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận:
- BCĐ127/TW.
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh.
- Như điều 3.
- Các thành viên Ban chỉ đạo 127 tỉnh
- Các huyện, thị, thành phố
- Trạm Kiểm soát liên hợp Tịnh Biên
- Lưu Phòng KT, TH, NC
- Lưu VT.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Đảm
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
CỦA TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP TỊNH BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2393/2003/QĐ-UB ngày 25/11/2003 của UBND tỉnh
An Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Trạm Kiểm soát liên hợp chống
buôn lậu và gian lận thương mại Tịnh Biên-An Giang (sau đây gọi tắt là Trạm) được
thành lập theo Quyết định 1593/1998/QĐ-UB ngày 14/8/1998 của UBND tỉnh An Giang
để kiểm tra, xử lý hàng hoá nhập lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại
qua biên giới; chống thất thu thuế và bảo hộ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng.
Trạm Kiểm soát liên hợp Tịnh Biên đặt dưới sự chỉ
đạo của Chủ tịch UBND Tỉnh, do Ban chỉ đạo 127 Tỉnh trực tiếp quản lý điều
hành.
Điều 2: Đối tượng và phạm vi kiểm tra:
1. Mọi hàng hoá vận chuyển qua Trạm, khu vực
cánh gà và các địa bàn Huyện, Thị biên giới tiếp giáp với Campuchia như: Huyện
Tân Châu - Huyện An Phú - Huyện Tịnh Biên - Huyện Tri Tôn và Thị xã Châu Đốc có
dấu hiệu vi phạm qui định của pháp luật đều thuộc đối tượng kiểm tra.
2. Mọi tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hoá qua
khu vực nêu tại khoản 1 điều 2 Quy chế này khi được yêu cầu kiểm tra có trách
nhiệm xuất trình cho lực lượng kiểm tra của Trạm các chứng từ, hoá đơn chứng
minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá đang vận chuyển.
3. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hoá có dấu
hiệu trốn tránh sự kiểm tra kiểm soát của Trạm, nếu thấy khi cần thiết phải
truy đuổi vào trong nội địa thì Lãnh đạo Trạm phải báo cáo Thường trực Ban chỉ
đạo 127 Tỉnh.
Chương II
TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ CỦA TRẠM
Điều 3: Tổ chức, biên chế của Trạm:
Để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát Trạm
được bố trí 20 cán bộ, nhân viên của các ngành, cụ thể : Quản lý thị trường 7,
Hải quan 7, Công an 2, Thuế vụ 2, Bộ đội Biên phòng 2.
Trạm do Đội trưởng Quản lý thị trường làm Trưởng
Trạm và 01 Phó Trưởng Trạm. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo Trạm do
Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định theo đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo 127 Tỉnh. Việc
đề cử cán bộ, nhân viên của các Ngành công tác tại Trạm do Thủ trưởng các Ngành
quyết định, đồng thời báo cáo cho Ban chỉ đạo 127 Tỉnh theo dõi và quản lý. Khi
cần thiết thay đổi, điều chuyển cán bộ, nhân viên của Ngành nào đang công tác tại
Trạm, phải thông báo bằng văn bản cho Thường trực Ban chỉ đạo 127 Tỉnh và Trưởng
Trạm biết trước ít nhất là 10 ngày để sắp xếp công tác, nhưng phải luôn đảm bảo
quân số thường trực theo phân công. Số cán bộ nhân viên các Ngành cử đến công
tác tại Trạm không được kiêm nhiệm công việc tại cơ quan cử đi.
Điều 4: Cán bộ, nhân viên công tác tại Trạm
do cơ quan nào cử đến thì cơ quan đó chịu trách nhiệm trả lương và các phụ cấp
theo chế độ cán bộ công tác tại biên giới vùng sâu, vùng xa (nếu có). Các cán bộ,
nhân viên thuộc Trạm do các Ngành cử đến phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn về phẩm chất
đạo đức, trình độ nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, nắm vững chính sách, pháp luật
liên quan đến nhiệm vụ và có sức khoẻ tốt để hoàn thành nhiệm vụ.
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRẠM
Điều 5: Nhiệm vụ và quyền hạn của Trạm Kiểm
soát liên hợp Tịnh Biên thực hiện theo đúng quy định của Điều 5 và 6 Chương III
Quy chế tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp chống buôn lậu và gian lận
thương mại (Ban hành kèm theo Quyết định số 0916/2002/QĐ-BTM/BCĐ ngày 31/7/2002
của Bộ trưởng Bộ Thương mại-Trưởng Ban chỉ đạo 127 TW).
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, TRÁCH NHIỆM VÀ QUY TRÌNH KIỂM TRA CỦA
TRẠM
Điều 6: Chế độ làm việc, chế độ trách nhiệm
của Trạm Kiểm soát liên hợp Tịnh Biên thực hiện theo đúng quy định tại Điều
9,10 Chương III Quy chế tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp chống
buôn lậu và gian lận thương mại (Ban hành kèm theo Quyết định số
0916/2002/QĐ-BTM/BCĐ ngày 31/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Thương mại-Trưởng Ban chỉ
đạo 127 TW). Trưởng Trạm xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát cụ thể
có trọng tâm, trọng điểm. Không kiểm tra, kiểm soát tràn lan, cản trở giao
thông, ách tắc lưu thông hàng hoá.
Điều 7: Quy trình kiểm tra của Trạm Kiểm
soát liên hợp Tịnh Biên thực hiện theo đúng qui định của Điều 7 Chương IV Quy chế
tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp chống buôn lậu và gian lận
thương mại (Ban hành kèm theo Quyết định số 0916/2002/QĐ-BTM/BCĐ ngày 31/7/2002
của Bộ trưởng Bộ Thương mại-Trưởng Ban chỉ đạo 127 TW).
Điều 8: Sử dụng ấn chỉ Quản lý thị trường
phục vụ cho công tác kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm.
Điều 9: Xử lý vi phạm:
1. Đối với các đối tượng có hành vi vi phạm về
xuất, nhập cảnh, an ninh trật tự... Trạm lập biên bản và báo cáo Thường trực
Ban chỉ đạo 127 Tỉnh để có ý kiến xử lý.
2. Đối với hàng hoá nhập khẩu khi qua Trạm mà
không có đủ hoá đơn, chứng từ theo qui định của pháp luật thì tuỳ theo tính chất,
mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Trưởng trạm phải là Đội trưởng Đội QLTT hoặc
tương đương có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Phó Trưởng Trạm được ủy quyền
xử lý thay và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Khi vượt thẩm quyền
xử lý thì Trưởng Trạm phải chuyển ngay vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử lý.
Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cấp trên của Trưởng Trạm là Chi cục trưởng
Chi cục QLTT và Chủ tịch UBND Tỉnh ( Nếu thuộc lĩnh vực của Ngành nào thì Chi cục
trưởng chuyển ngay đến Ngành đó xử lý)
4. Trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm, Trưởng
Trạm phải hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo 127 Tỉnh để
chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều 10: Nghiêm cấm :
1. Khám xét, bắt giữ người, hàng hoá, phương tiện
vận tải trái pháp luật.
2. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để gây phiền hà,
sách nhiễu đối với chủ hàng, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện
trong quá trình thi hành công vụ.
3. Sử dụng tiền, hàng hoá, tang vật, phương tiện
vi phạm đang bị tạm giữ tùy tiện, không đúng quy định của nhà nước.
4. Bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận
thương mại, tham nhũng, tiêu cực, trốn thuế và buôn bán hàng giả.
Chương V
CÔNG TÁC THU, CHI VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA TRẠM
Điều 11: Kinh phí hoạt động của Trạm do
ngân sách nhà nước cấp. Hàng năm Trạm lập dự toán kinh phí thông qua Ban chỉ đạo
127 Tỉnh xem xét và đề nghị Sở Tài chính - Vật giá cấp phát theo quy định hiện
hành.
Điều 12: Quản lý và sử dụng nguồn quỹ
trích lập:
1. Số thu của Trạm được trích lập các quỹ như
sau: 30% trích lập quỹ của Trạm; 10% chuyển cho cơ quan cấp trên là Ban chỉ đạo
127 Tỉnh ( Thông qua tài khoản của Chi cục QLTT); 60% còn lại để mua sắm trang
bị sửa chữa phương tiện, tài sản phục vụ công tác ( việc sử dụng quỹ này theo
nguyên tắc: nếu mức từ 5 triệu đồng trở lên thì Trưởng Trạm đề nghị Thường trực
Ban chỉ đạo 127 Tỉnh xem xét và chuyển Sở Tài chính -Vật giá Tỉnh giải quyết. Nếu
mức dưới 5 triệu đồng thì Trưởng Trạm đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 127 Tỉnh
hoặc phụ trách bộ phận giúp việc BCĐ 127 tỉnh xem xét, duyệt).
2. Việc thu, chi nguồn quỹ trích lập của Trạm phải
thực hiện đúng theo chế độ qui định, hàng tháng lãnh đạo Trạm phải có báo cáo
công khai tài chính trước tập thể Trạm và hàng quý (đầu tháng của quý sau) báo
cáo bằng văn bản cho Thường trực Ban chỉ đạo 127 Tỉnh.
Chương VI
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT
Điều 13: Cán bộ, nhân viên của Trạm có
thành tích trong khi thi hành nhiệm vụ được đề nghị khen thưởng theo qui định
chung của nhà nước.
Điều 14: Cán bộ, nhân viên của Trạm khi
thi hành nhiệm vụ nếu vi phạm pháp luật thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý
kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn được qui định tại Quy chế này, Trưởng Trạm Kiểm soát liên hợp Tịnh Biên có
trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện trong đơn vị.
Trưởng Trạm xây dựng nội quy cụ thể theo tinh thần
Quy chế này.
Điều 16: Ban chỉ đạo 127 Tỉnh trực tiếp
hoặc ủy quyền cho đồng chí Phụ trách Bộ phận Giúp việc Ban 127 Tỉnh kiểm tra
thường xuyên về tổ chức, hoạt động của Trạm đảm bảo thực hiện đúng các qui định
của pháp luật hiện hành và những vấn đề đột xuất khác, để xử lý kịp thời và báo
cáo kết quả cho UBND Tỉnh.
Điều 17: Bản Quy chế này thay thế Quy chế tổ chức hoạt động của Trạm
Kiểm soát liên hợp Tịnh Biên ban hành kèm theo Quyết định số 1593/1998/QĐ-UB
ngày 14/8/1998 của UBND tỉnh.
Trong quá trình thực hiện quy chế này, nếu có những
khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Thường trực UBND Tỉnh để bổ sung, điều chỉnh
cho phù hợp với tình hình thực tế.