UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2125/2007/QĐ-UBND
|
Yên
Bái, ngày 26 tháng 11 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC: BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN THỦY
NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường
thuỷ nội địa ngày 15/6/2004;
Căn cứ Nghị định số
21/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giao thông vận tải tại Tờ trình số 77/TTr-SGTVT ngày 23 tháng 7 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức
quản lý phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ
quan: Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Sở Lao động thương binh và Xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Hoàng Xuân Lộc
|
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN THỦY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN
BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2125/2007/QĐ-UBND ngày 26/11/2007
của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định
này tổ chức việc quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh
Yên Bái .
2. Đối tượng áp dụng: Quy định
này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân đang có phương tiện thủy hoạt động
trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trừ các loại phương tiện thủy làm nhiệm vụ quốc
phòng, an ninh, tàu cá.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
1. Phương tiện thuỷ nội địa: Là
tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ chuyên
hoạt động trên đường thủy nội địa.
2. Đường thủy nội địa: Là luồng,
âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch, hồ
nước, các tuyến này được Nhà nước cho phép các phương tiện thuỷ hoạt động góp
phần xây dựng kinh tế xã hội của địa phương.
3. Phương tiện thuộc diện đăng
kiểm là phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn trở lên hoặc
có sức chở trên 12 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5
mã lực trở lên hoặc có sức chở từ 5 người trở lên.
4. Chủ phương tiện: Là tổ chức,
cá nhân đang sở hữu hoặc quản lý sử dụng phương tiện hoạt động trên các tuyến
đường thuỷ.
Chương II
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG
KÝ, ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Điều 3.
Công tác quản lý Nhà nước về đăng kiểm phương tiện
Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên
Bái là cơ quan quản lý Nhà nước về đăng kiểm phương tiện thủy trên địa bàn tỉnh
Yên Bái có trách nhiệm:
1. Tổ chức quản lý, ban hành, hướng
dẫn nghiệp vụ đăng kiểm phương tiện thủy, sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn chất lượng
an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các quy định của Cục Đăng kiểm Việt
Nam theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải.
2. Hướng dẫn các quy định về quản
lý kỹ thuật đăng kiểm phương tiện thuỷ để áp dụng quy phạm, tiêu chuẩn chất lượng,
an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo các văn bản hướng dẫn
và phân cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải.
3. Phê duyệt các hồ sơ thiết kế
có liên quan đến việc đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện theo
phân cấp. Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp giấy
chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, sổ kiểm định của phương tiện
thuỷ nội địa cho phương tiện trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi. Đo đạc
xác định trọng tải toàn phần, mạn khô và vạch dấu mớn nước an toàn của phương
tiện theo hướng dẫn và phân cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
4. Phối hợp với các Uỷ ban nhân
dân huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng chức năng kiểm tra việc đăng kiểm kỹ
thuật phương tiện thuỷ trên địa bàn quản lý.
Điều 4. Công
tác quản lý Nhà nước về đăng ký hành chính phương tiện
1. Phương tiện có đủ hồ sơ theo
quy định tại Điều 11 của Quy định này sẽ được cơ quan có thẩm quyền đăng ký vào
sổ đăng ký phương tiện thuỷ nội địa và cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện
thuỷ nội địa.
2. Sở Giao thông vận tải tổ chức
việc đăng ký hành chính phương tiện cho các phương tiện không có động cơ sức chở
từ 5 tấn trở lên, sức chở trên 12 người hoặc phương tiện có động cơ tổng công
suất máy chính trên 5 mã lực, có sức chở trên 5 người cho các tổ chức, cá nhân
có trụ sở hoặc có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Yên Bái. Phối hợp với Uỷ ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh quản lý đăng ký phương tiện theo
quy định của Pháp luật.
3. Uỷ ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố: Đăng ký hành chính và quản lý hành chính phương tiện không có động
cơ sức chở dưới 5 tấn, sức chở dưới 12 người hoặc phương tiện có động cơ tổng
công suất máy chính dưới 5 mã lực, có sức chở dưới 5 người và các phương tiện
quy định tại khoản 4 Điều 24 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa.
4. Chủ phương tiện nộp hồ sơ
đăng ký phương tiện tại cơ quan đăng ký phương tiện nơi chủ phương tiện đặt trụ
sở hoặc đăng ký hộ khẩu thường trú.
5. Giấy chứng nhận đăng ký
phương tiện thủy nội địa bị mất khi đăng ký lại chủ phương tiện phải có đủ hồ
sơ theo quy định tại Điều 12 của Quy định này.
Chương IV
ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN
Điều 5. Cơ sở
đánh giá chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện
Việc phê duyệt hồ sơ thiết kế,
kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện phải
được tiến hành theo quy định của các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành
và các quy định về nghiệp vụ đăng kiểm.
Điều 6.
Nguyên tắc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
phương tiện thuỷ nội địa
Phương tiện phải được kiểm tra,
cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội
địa khi có đầy đủ hồ sơ thiết kế đóng mới, hoán cải và được cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt trước khi đăng ký hành chính.
Đơn vị đăng kiểm chỉ được kiểm
tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật theo phân cấp đăng kiểm và thẩm quyền
trong khu vực được giao.
Điều 7. Các
loại hình kiểm tra phương tiện
1. Việc kiểm tra phương tiện bao
gồm các loại hình kiểm tra sau:
- Kiểm tra lần đầu được thực hiện
đối với phương tiện khi đóng mới, phương tiện nhập khẩu, phương tiện xin đăng
ký hành chính.
- Kiểm tra định kỳ được thực hiện
để tổng kiểm tra trạng thái kỹ thuật phương tiện.
- Kiểm tra hàng năm được thực hiện
khi tàu vào bảo dưỡng hàng năm.
- Kiểm tra trên đà để đánh giá
trạng thái kỹ thuật phần chìm dưới mớn nước của phương tiện.
- Kiểm tra bất thường theo yêu cầu
của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo quy định.
2. Nội dung kiểm tra và thời hạn
giữa 2 lần kiểm tra định kỳ, hàng năm, trung gian và trên đà được thực hiện
theo quy định tại các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật của Cục Đăng kiểm Việt Nam
ban hành tuỳ thuộc loại phương tiện.
Điều 8. Thủ
tục phê duyệt hồ sơ thiết kế
1. Việc quy định phê duyệt hồ sơ
thiết kế thực hiện theo quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ Giao thông vận
tải. Cơ sở thiết kế, đóng mới phải xuất trình các hồ sơ và tài liệu sau đây khi
đề nghị phê duyệt hồ sơ thiết kế:
a) Giấy đề nghị xét duyệt thiết
kế;
b) Hồ sơ thiết kế theo quy định
của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho phương tiện.
2. Khi bộ hồ sơ thiết kế đầy đủ
và thoả mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường, trong vòng 15 ngày cơ quan Đăng kiểm phải hoàn thành việc
phê duyệt và cấp giấy chứng nhận duyệt thiết kế cho cơ sở thiết kế theo đúng
phân cấp theo quy định.
Điều 9. Thủ
tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương
tiện thuỷ nội địa
1. Chủ phương tiện hoặc cơ sở
đóng mới, sửa chữa phục hồi phương tiện khi đề nghị kiểm tra và cấp giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội địa phải gửi bằng
văn bản cho đơn vị đăng kiểm đề nghị kiểm tra.
2. Khi chấp nhận kiểm tra, cơ
quan đăng kiểm phải cử người thực hiện kiểm tra theo thời gian và địa điểm thoả
thuận. Kết quả kiểm tra phải thoả mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ
thuật theo phân cấp. Đơn vị đăng kiểm phải cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật
bảo vệ môi trường và sổ kiểm định kỹ thuật cho phương tiện chậm nhất sau một
ngày kiểm tra.
Điều 10. Thủ
tục cấp lại giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và sổ kiểm định kỹ thuật của
phương tiện
Trường hợp Giấy chứng nhận an
toàn kỹ thuật và sổ kiểm định của phương tiện bị mất do bị chìm đắm, mất trộm
hoặc bị cháy, hồ sơ xin cấp lại gồm: Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận an
toàn kỹ thuật và sổ kiểm định phương tiện thuỷ nội địa có xác nhận của cơ quan
Cảnh sát đường thuỷ nội địa quản lý địa bàn nơi phương tiện bị chìm đắm, bị mất
hoặc bị cháy.
Chương V
ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN
Điều 11. Hồ
sơ đăng ký phương tiện
Tất cả các phương tiện thủy hoạt
động trên đường thủy nội địa của tỉnh Yên Bái đều phải đăng ký hành chính với
cơ quan có thẩm quyền trừ các phương tiện nêu ở khoản 4 Điều 24 Luật Giao thông
đường thuỷ nội địa
Hồ sơ đăng ký phương tiện lần đầu
bao gồm:
1. Đơn đề nghị đăng ký phương tiện
thuỷ nội địa theo mẫu quy định;
2. Hai ảnh khổ 9 x12 chụp toàn bộ
mạn phải của phương tiện ở trạng thái nổi;
3. Hóa đơn nộp thuế trước bạ của
phương tiện;
4. Giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, đối với phương tiện thuộc diện đăng
kiểm;
5. Giấy phép nhập khẩu phương tiện
theo quy định của pháp luật, đối với phương tiện nhập khẩu;
6. Hợp đồng mua bán phương tiện
hoặc hợp đồng đóng mới phương tiện, đối với phương tiện thuộc diện đăng kiểm;
7. Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký
hành chính phương tiện theo quy đinh của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 12. Hồ
sơ cấp lại đăng ký lại phương tiện
Trường hợp Giấy chứng nhận đăng
ký phương tiện cấp lại khi sang tên đổi chủ, chuyển quyền sở hữu, bị mất do
phương tiện bị chìm đắm, hoặc bị cháy, phương tiện chuyển quyền sở hữu hồ sơ cấp
lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng
nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa có xác nhận của cơ quan Cảnh sát đường
thuỷ nội địa quản lý địa bàn nơi phương tiện bị chìm đắm hoặc bị cháy, của
chính quyền địa phương quản lý và hoá đơn nộp thuế trước bạ của phương tiện khi
chuyển quyền sở hữu;
2. Hai ảnh khổ 9 x 12 chụp toàn
bộ mạn phải của phương tiện ở trạng thái nổi;
3. Giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đối với phương tiện thuộc diện đăng
kiểm.
Điều 13.
Tên của phương tiện
Tên của phương tiện do chủ
phương tiện tự đặt. Trường hợp chủ phương tiện đặt tên trùng với tên phương tiện
đã đăng ký thì cơ quan đăng ký phương tiện yêu cầu chủ phương tiện đặt tên
khác.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Sở
Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái
1. Chịu trách nhiệm quản lý Nhà
nước về đăng kiểm kỹ thuật phương tiện thủy nội địa, đồng thời tổ chức hệ thống
đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy trên địa bàn tỉnh để thống nhất việc thực hiện.
2. Đơn vị đăng kiểm phương tiện
được Sở Giao thông vận tải ủy quyền phải thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, sổ kiểm định một cách khách quan
phù hợp với yêu cầu, nghiệp vụ.
Lập sổ theo dõi đăng kiểm, lưu
trữ hồ sơ đăng kiểm, thu lệ phí đăng kiểm theo quy định, thực hiện chế độ báo
cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
3. Chủ trì phối hợp với các sở,
ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác
tuyên truyền giáo dục, phổ biến, hướng dẫn thực hiện những qui định của pháp luật
về giao thông đường thủy nội địa.
4. Tổ chức thực hiện việc đăng
ký phương tiện theo quy định, hướng dẫn chủ phương tiện lập hồ sơ đăng ký. Cấp
giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cho chủ phương tiện. Quản lý sử dụng ấn chỉ
đăng ký phương tiện theo quy định hiện hành. Theo dõi, tổng hợp báo cáo tình
hình đăng ký phương tiện với cơ quan chuyên môn và báo cáo khi có yêu cầu.
5. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân
các huyện, thành phố tổ chức điều tra nắm chắc số lượng phương tiện, người điều
khiển phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tốt công tác đăng ký,
đăng kiểm, công tác đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển
phương tiện thủy nội địa.
6. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra
Giao thông vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy, và chính quyền
địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cảng, bến thủy nội địa,
bến khách ngang sông, dọc tuyến; xử lý nghiêm các phương tiện hoạt động trên đường
thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, thiếu thiết bị an toàn, người điều khiển
phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; đình chỉ các hoạt động có nguy
cơ gây mất an toàn giao thông.
7. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân
tỉnh xây dựng các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, phát triển phương tiện
thủy, giao thông vận tải đường thủy nội địa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa
phương.
Điều 15 . Sở
Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái
1. Chủ trì, phối hợp với các Uỷ
ban nhân dân huyện, thị xã, Thành phố tổng hợp nhu cầu về đào tạo thuyền viên của
khu vực địa bàn, lập kế hoạch mở các khoá đào tạo, bổ túc cho các lao động hoạt
động trên phương tiện thuỷ nội địa chưa có bằng thuyền trưởng, máy trưởng, chứng
chỉ chuyên môn lái phương tiện thuỷ nội địa.
2. Giao trường Trung cấp nghề
Yên Bái tổ chức các khoá đào tạo về các chức danh trên phương tiện thuỷ nội địa
theo đúng tinh thần Quyết định số 37/2004/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2004 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải về ban hành Chương trình đào tạo thuyền viên, người lái
phương tiện thuỷ nội địa.
Điều 16. Uỷ
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
1. Thực hiện chức năng quản lý
Nhà nước về mọi hoạt động của phương tiện tại địa phương quản lý, cấp giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh cho các phương tiện kinh doanh vận tải thủy, giải quyết
các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến phương tiện tại địa phương, có
phương án bảo vệ phương tiện và tổ chức huy động phương tiện khi có yêu cầu.
2. Tổ chức đăng ký hành chính và
quản lý kỹ thuật phương tiện trên địa bàn theo phân cấp.
3. Đảm bảo an toàn giao thông đường
thủy nội địa và chịu trách nhiệm về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa
bàn quản lý; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
4. Xây dựng và tổ chức thực hiện
qui hoạch phát triển giao thông đường thủy địa phương.
5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa theo thẩm quyền.
6. Tổ chức cứu nạn, cứu hộ, giải
quyết hậu quả các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, các trường hợp bị
thiên tai, lụt bão xảy ra trên địa bàn.
7. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý điều hành hoạt động của các
phương tiện, chở hàng chở khách; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến tàu
vi phạm nghiêm trọng về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
8. Phối hợp với Sở Giao thông vận
tải và các ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động vận tải thủy của các
phương tiện khi có yêu cầu.
Điều 17.
Trách nhiệm của chủ phương tiện thủy nội địa
1. Chủ phương tiện có trách nhiệm
thực hiện các quy định về đăng kiểm, đăng ký phương tiện nêu trong quy định
này. Làm các thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện trước khi đưa vào hoạt động.
2. Khai báo với cơ quan chức
năng để xóa đăng kiểm, đăng ký phương tiện và nộp lại giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật, sổ kiểm định và giấy đăng ký đối với những trường hợp quy định tại khoản
4 Điều 25 Luật Giao thông đường thủy.
3. Bố trí các chức danh trên
phương tiện phải đảm bảo theo đúng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật
Giao thông đường thuỷ nội địa.
4. Chịu sự kiểm tra, kiểm soát vỗn
xử lý khi phát hiện có sai phạm của các cơ quan chức năng trong các kỳ kiểm
tra.
Chương VII
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 18.
Các hành vi vi phạm, lạm dụng quyền hạn và cố ý làm trái
Quy định này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của
pháp luật.
Điều 19.
Sở Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quy định này./.