BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1952/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 8 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH HƯỞNG ỨNG “NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM” NĂM 2023 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật phổ biến,
giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP
ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 28/2013/NĐ-CP
ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hưởng ứng “Ngày
Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2023 của Bộ Công Thương.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Diên
|
KẾ HOẠCH
HƯỞNG
ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 2023 CỦA BỘ CÔNG
THƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1952/QĐ-BCT ngày 01 tháng 8 năm 2023 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật), qua đó
tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của các cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động ngành Công Thương, góp phần khơi dậy ý thức tuân thủ, xây dựng lối
sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng
cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, văn hóa pháp lý cho mỗi
công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương.
b) Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức
về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, xuyên tạc
nội dung các Luật đang có hiệu lực thi hành và trong quá trình Quốc hội thảo luận
cho ý kiến đối với các dự án Luật, nhất là những dự án Luật có ảnh hưởng sâu rộng
đến đời sống Nhân dân.
c) Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có
thành tích xuất sắc trong công tác hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam.
2. Yêu cầu
- Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, thiết thực, tiết
kiệm; bám sát nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Công Thương.
- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian, tiến
độ hoàn thành và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong tổ chức Ngày Pháp luật.
II. CHỦ ĐỀ
1. Chủ đề
Ngành Công Thương không ngừng đổi mới, hành động
quyết liệt, thực chất và đi vào chiều sâu; tăng cường hơn nữa sự tương tác giữa
cơ quan quản lý nhà nước với người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi
trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện hoạt động quản lý nhà nước trong ngành
trên tinh thần phục vụ.
2. Khẩu hiệu tuyên truyền
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, lĩnh vực
được giao quản lý và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn
khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tổ chức các hoạt động hưởng
ứng Ngày Pháp luật cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong các
đơn vị thuộc Bộ Công Thương
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc
Bộ chỉ đạo, quán triệt, phổ biến đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động,
nhà giáo và học sinh, sinh viên về nội dung, nhiệm vụ triển khai Ngày Pháp luật
bằng các hình thức phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị.
- Tiếp tục lồng ghép quán triệt, thực hiện chủ
trương, chính sách mới ban hành, giới thiệu nội dung các văn bản mới trong phạm
vi quản lý của cơ quan, đơn vị, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; tiếp
tục đổi mới nội dung, hình thức nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ
Công Thương cần nâng cao tính gương mẫu, tự giác học tập, tìm hiểu các quy định
mới ban hành, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân; chủ động
học tập, nâng cao năng lực, kỹ năng xây dựng, hoàn thiện pháp luật; thi hành
pháp luật; tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong thi hành công vụ;
tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị.
- Khuyến khích xây dựng, nhân rộng các mô hình,
cách làm hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội, nâng
cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong
các đơn vị thuộc Bộ; đề xuất khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến trong
công tác xây dựng, phổ biến, thi hành pháp luật.
- Các hoạt động khác phù hợp với điều kiện đặc thù
của từng cơ quan, đơn vị.
- Đơn vị thực hiện: Các đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc
Bộ.
- Thời gian thực hiện: Cả năm 2023, đặc biệt tập
trung vào 02 tháng (tháng 10, 11/2023), cao điểm từ ngày 01/11 đến 09/11/2023.
2. Tổ chức các hoạt động hưởng
ứng Ngày Pháp luật trong tuần lễ cao điểm cho công chức, viên chức, người lao động,
học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công
Thương
- Nội dung: Tổ chức mít tinh, tọa đàm hưởng ứng
Ngày Pháp luật; phong trào thanh niên tình nguyện, xung kích, hoạt động văn
hóa, thể thao, thi tìm hiểu pháp luật, các hoạt động ngoại khóa hoặc các hoạt động
khác phù hợp với tính chất của cơ quan, đơn vị, nhà trường.
- Đơn vị thực hiện: Các Trường thuộc Bộ Công
Thương.
- Thời gian thực hiện: Cả năm 2023, đặc biệt tập
trung vào 02 tháng (tháng 10, 11/2023), cao điểm từ ngày 01/11 đến 09/11/2023.
3. Tăng cường công tác truyền
thông dự thảo chính sách thuộc phạm vi của Đề án “Tổ chức truyền thông chính
sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
giai đoạn 2022-2027” ban hành kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng
3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
năm 2023, chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
- Đơn vị chủ trì: Các đơn vị chủ trì soạn thảo
VBQPPL.
- Đơn vị phối hợp: Văn Phòng Bộ, Báo Công Thương, Tạp
chí Công Thương, Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Cả năm 2023.
- Hình thức phổ biến: Hội nghị; tọa đàm; diễn đàn;
phỏng vấn; đối thoại trực tiếp, trực tuyến; họp báo; đăng tải trên báo đài, mạng
xã hội hoặc các hình thức phù hợp khác.
4. Tổ chức Tuần lễ cao điểm
hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
- Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế.
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ và các đơn vị có
liên quan.
- Thời gian: từ ngày 01/11/2023 đến ngày 09/11/2023.
- Hình thức và địa điểm: Tổ chức hội nghị, tọa đàm
hưởng ứng Ngày Pháp luật hoặc hình thức phù hợp khác.
Tổ chức treo băng rôn, pa nô, áp phích, cờ,... về
Ngày Pháp luật tại trụ sở cơ quan Bộ tại: 23 Ngô Quyền, 54 Hai Bà Trưng và 655
Phạm Văn Đồng.
- Kinh phí: Nguồn kinh phí cho công tác pháp chế
năm 2023.
5. Tổng kết đánh giá, tôn
vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành
pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tuân
thủ, chấp hành chính sách pháp luật
- Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế.
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ; Các đơn vị
thuộc Bộ; Các Tập đoàn, Tổng công ty có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Quý IV/2023.
IV. HÌNH THỨC, MÔ HÌNH
Cần xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật là việc làm
hàng ngày, thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
trong đó tập trung vào tháng cao điểm tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh
và các văn bản mới liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động xác định hình
thức hưởng ứng Ngày Pháp luật thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ
chính trị được giao.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban cạnh tranh Quốc gia; Tổng cục Quản
lý thị trường; các Cục, Vụ thuộc Bộ; Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ lựa chọn nội dung,
hình thức phù hợp để triển khai Ngày Pháp luật đảm bảo thiết thực, hiệu quả; tổng
hợp tình hình trong Báo cáo công tác tư pháp năm 2023 gửi Vụ Pháp chế để xây dựng
báo cáo gửi Bộ Tư pháp.
2. Các Viện; các doanh nghiệp thuộc Bộ; các
trường thuộc Bộ, trên cơ sở nội dung tại Kế hoạch này tổ chức triển khai Ngày
Pháp luật.
3. Các Báo, Tạp chí, Truyền hình Công Thương
tăng thời lượng, số lượng các chuyên trang, chuyên mục, các tin, bài, các thông
điệp... về Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Vụ Pháp chế có trách nhiệm:
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển
khai Ngày Pháp luật của Bộ Công Thương; tổng hợp kết quả thực hiện theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội
nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của
Bộ theo Kế hoạch; Chủ trì, phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty tổ chức tọa
đàm (hoặc bằng các hình thức phù hợp khác) nhằm trao đổi kinh nghiệm về công
tác pháp chế giữa các doanh nghiệp ngành Công Thương.
- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng quyết
định khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây
dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, thực thi pháp luật trong ngành
Công Thương.
5. Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ bố
trí kinh phí thực hiện những nhiệm vụ trong Kế hoạch./.