KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CẤM VŨ KHÍ HOÁ HỌC
I. Bối cảnh, sự cần thiết và
căn cứ ban hành Nghị định
1. Bối cảnh
Công ước Cấm vũ phát triển, sản xuất, tàng trữ,
sử dụng vũ khí hoá học và việc phá huỷ chúng (sau đây gọi là Công ước) được
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 13/01/1993, Chủ tịch
nước phê chuẩn ngày 24/8/1998 và chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ
ngày 30/10/1998. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Công ước này là tiến tới
loại trừ hoàn toàn vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay,
cuộc đấu tranh chống khủng bố nói chung và khủng bố bằng vũ khí hoá sinh học
nói riêng đang là mối quan tâm bức xúc của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, tháng
10/2003 Hội nghị lần thứ 8 các Quốc gia thành viên đã thông qua Quyết định mới
nhất về "Kế hoạch hành động thực hiện các nghĩa vụ của Điều VII của Công ước,
trong đó xác định nhiệm vụ của các Quốc gia thành viên phải tiến hành các bước
cần thiết với các mốc thời gian cụ thể để xây dựng và ban hành các biện pháp
pháp luật quốc gia để thực thi Công ước không muộn hơn tháng 10 năm 2005.
2. Sự cần thiết và căn cứ ban hành Nghị định
Xuất phát từ bối cảnh nêu trên, việc ban hành
văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện các
nghĩa vụ cũng như quy định của Công ước cấm vũ khí hoá học là hết sức cần thiết
theo đúng tinh thần của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ngày
20 tháng 8 năm 1998 của Việt Nam.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công nghiệp tại Tờ
trình số 2642/Ttr-HTQT ngày 28/5/2004 về việc Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học gửi Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Thường
vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn thông báo của Văn phòng Chính phủ
số 2928/VPCP-C ngày 10 tháng 6 năm 2004, đã giao Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp
cùng các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ
ban hành Nghị định thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học.
Để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao,
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, căn cứ đề cử của các Bộ, ngành và các cơ quan, đã ký
quyết định số 1887/QĐ-TCCB ngày 19 tháng 7 năm 2004 về việc thành lập Tổ soạn
thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học. Tổ soạn
thảo do Đ/c Nguyễn Xuân Thuý, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp đồng thời là Tổ trưởng
Tổ công tác liên ngành về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học làm Tổ trưởng
và các thành viên là đại diện của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư
pháp, Thương mại, Tài chính, Công nghiệp, Khoa học Công nghệ, Tài nguyên Môi
trường, Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Hải quan.
II- Mục đích, yêu cầu xây dựng
Nghị định
1. Mục đích
Việc xây dựng Nghị định là nhằm thực hiện chủ
trương của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế là tích cực
nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập thông qua
việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong nước
làm cơ sở pháp lý cho việc thực thi một cách hiệu quả các nghĩa vụ mà Nhà nước
đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
2. Yêu cầu
Việc xây dựng Nghị định phải đảm bảo đáp ứng các
yêu cầu cơ bản sau:
- Thể chế hoá các yêu cầu của Công ước bằng các
quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn pháp luật hiện hành của nước ta.
- Các quy định của Nghị định phải đầy đủ, cụ thể,
rõ ràng, không chồng chéo, có tính khả thi, đồng thời phát huy được tính kế thừa,
bổ sung và hoàn chỉnh các quy định liên quan của pháp luật hiện hành.
- Nghị định phải quy định đầy đủ và cụ thể các
hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt hành chính đối với từng
hành vi vi phạm quy định của Công ước để tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong
thực tế, góp phần ngăn ngừa có hiệu quả những hành vi cố ý vi phạm Công ước và
những hoạt động gây phương hại đến an ninh và an toàn quốc gia, ảnh hưởng đến
uy tín quốc tế của Việt Nam.
- Nghị định này phải quy định rõ trách nhiệm quản
lý nhà nước của các Bộ, ngành hữu quan và sự phối hợp giữa các cơ quan nhằm đảm
bảo thực thi Công ước một cách hiệu quả.
III- Tên gọi, đối tượng và phạm
vi điều chỉnh của Nghị định
1. Tên gọi
Nghị định có tên gọi là: "Nghị định của
Chính phủ về việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học" theo đúng tinh thần
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn thông báo của Văn phòng Chính phủ
số 2928/VPCP-NC ngày 10/6/2004.
2. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
Điều 1: Đối tượng và phạm vi điều chỉnh:
Nghị định này điều chỉnh các quan hệ pháp luật
liên quan đến hoạt động hoá chất nhằm thực hiện một cách nghiêm chỉnh các điều
khoản của Công ước chống vũ khí hoá học.
Hoạt động hoá chất trong Nghị định này bao gồm
các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, chế biến, sử dụng, cất giữ, xuất nhập khẩu
các hoá chất bị Công ước kiểm soát.
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá
nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia các hoạt động hoá chất trên lãnh thổ VN hoặc
bất cứ nơi nào ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng được luật pháp quốc tế công nhận
là thuộc quyền tài phán của CHXHCNVN.
IV- Bố cục và nội dung cơ bản
của dự thảo Nghị định
1. Bố cục
Nghị định gồm 6 chương, 22 Điều. Cụ thể như sau:
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG (TỪ ĐIỀU 1 ĐẾN ĐIỀU
3).
Chương II. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG HOÁ
CHẤT (TỪ ĐIỀU 4 ĐẾN ĐIỀU 9).
Chương III. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ THÔNG BÁO CHƯƠNG
TRÌNH PHÒNG VỆ, ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN, ƯU ĐÃI MIỄN TRỪ VÀ BẢO MẬT THÔNG TIN (TỪ ĐIỀU
10 ĐẾN ĐIỀU 12).
Chương IV. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC THỰC HIỆN
CÔNG ƯỚC (TỪ ĐIỀU 13 ĐẾN ĐIỀU 15).
Chương V. KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
(TỪ ĐIỀU 16 ĐẾN ĐIỀU 19).
Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH (TỪ ĐIỀU 20 ĐẾN
ĐIỀU 22).
2. Nội dung chi tiết của Đề cương (nêu tại Phụ lục
kèm theo)
V- Dự kiến tiến độ xây dựng
Nghị định
Tháng 6/2004: Thành lập Tổ soạn thảo và Thường
trực Tổ soạn thảo (nhóm biên tập); dự thảo Kế hoạch và Đề cương chi tiết xây dựng
Nghị định.
Tháng 7/2004: Họp Tổ soạn thảo thông qua Kế hoạch
và Đề cương chi tiết xây dựng Nghị định; thống nhất phân công soạn thảo; Nhóm
biên tập xây dựng xong Dự thảo 1 và gửi lấy ý kiến các thành viên Tổ soạn thảo.
Tháng 8/2004: Họp lấy ý kiến các thành viên Tổ
soạn thảo để bổ sung chỉnh lý thành Dự thảo 2 và gửi lấy ý kiến cấp Vụ của các
Bộ, ngành và cơ quan liên quan.
Tháng 9/2004: Tiếp thu ý kiến tham gia và chỉnh
lý thành Dự thảo 3.
Tháng 10/2004: Tổ chức hội thảo với các thành
viên Tổ soạn thảo và các chuyên gia để lấy ý kiến chỉnh lý thành Dự thảo 4 và gửi
lấy ý kiến các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.
Tháng 11/2004: Tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành và
cơ quan liên quan, chỉnh lý thành Dự thảo 5 và gửi lấy ý kiến (lần 2) cấp Vụ của
các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.
Tháng 1/2005: Tổ chức hội thảo với các thành
viên Tổ soạn thảo và chuyên gia để lấy ý kiến và chỉnh lý thành Dự thảo 6; Gửi
lấy ý kiến (lần 2) các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.
Tháng 3/2005: Tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành để
chỉnh lý thành Dự thảo 7 và chuyển Bộ Tư pháp thẩm định.
Tháng 4/2005: Bổ sung, chỉnh lý theo ý kiến đề
nghị của Bộ Tư pháp thành Dự thảo 8 trình Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 5 - 6/2005: Phối hợp với Văn phòng Chính
phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ; hoàn chỉnh Dự thảo và trình Thủ
tướng Chính phủ ký ban hành./.