BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1890/QĐ-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 07
năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC ĐƯỜNG
SẮT VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP
ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP
ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam tại Tờ trình số 504/CĐSVN-VP ngày 03/4/2013;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và
chức năng
Cục Đường sắt Việt Nam là tổ chức trực
thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với chuyên ngành giao
thông vận tải đường sắt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
Cục Đường sắt Việt Nam có tư cách
pháp nhân, có con dấu, được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước, được mở
tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở đặt tại thành phố Hà
Nội.
Cục Đường sắt Việt Nam có tên giao dịch
viết bằng tiếng Anh: VIET NAM RAILWAY AUTHORITY, viết tắt là: VNRA.
Điều 2. Nhiệm vụ
và quyền hạn
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án, đề án quốc gia
về phát triển giao thông vận tải đường sắt trong phạm vi cả nước theo phân công của Bộ trưởng;
tham gia xây dựng hoặc đóng góp ý kiến đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình,
dự án, đề án thuộc lĩnh vực khác có liên quan đến giao thông vận tải đường sắt
theo sự phân công của Bộ trưởng.
2. Xây dựng, trình Bộ trưởng các văn bản quy phạm pháp luật về đường sắt; ban hành theo thẩm quyền
các văn bản khác về đường sắt; tham gia xây dựng các dự án luật, văn bản quy phạm
pháp luật khác có liên quan.
3. Về xây dựng
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ
thuật:
a) Chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng
ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định,
công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt và khai thác vận tải đường sắt; tham gia xây dựng tiêu chuẩn cơ sở trong
lĩnh vực đường sắt;
b) Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng
công bố định mức kinh tế - kỹ thuật đặc thù trong lĩnh vực
đường sắt;
c) Tham gia với Cục Đăng kiểm Việt
Nam xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện
giao thông đường sắt;
d) Tham gia xây dựng hoặc đóng góp ý
kiến đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh
vực khác có liên quan đến đường sắt.
4. Về tổ chức thực hiện và thông tin,
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:
a) Tổ chức thực hiện và kiểm tra, hướng
dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đường sắt thực hiện các quy định của
pháp luật về đường sắt;
b) Tổ chức thực hiện và kiểm tra,
giám sát việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dự án quốc gia về phát
triển giao thông vận tải đường sắt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân công của Bộ trưởng;
c) Chủ trì hoặc phối hợp trong việc tổ
chức thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao
thông vận tải đường sắt đến các đối tượng tham gia hoạt động
đường sắt và cộng đồng dân cư nơi có đường sắt đi qua.
5. Về kết cấu hạ tầng giao thông đường
sắt:
a) Trình Bộ trưởng quyết định hoặc
quyết định theo thẩm quyền các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt theo phân cấp, ủy
quyền của Bộ trưởng.
b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo phân cấp, ủy quyền của
Bộ trưởng; phê duyệt quyết toán dự án
hoàn thành theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy
quyền của Bộ trưởng đối
với các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt
thuộc nguồn vốn nhà nước do Bộ trưởng quyết định đầu tư;
c) Xây dựng, trình Bộ trưởng công bố
danh mục các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công -
tư; tổ chức xúc tiến đầu tư và vận động vốn ngoài ngân sách nhà nước phù hợp với
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và danh mục dự án đầu tư
được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng;
d) Phối hợp với Ban Quản lý đầu tư
các dự án đối tác công - tư đàm phán Hợp đồng dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao
thông đường sắt bằng hình thức đối tác công - tư - thực hiện các quyền và nghĩa
vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện
Hợp đồng dự án theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng; theo
dõi doanh nghiệp thực hiện Hợp đồng dự án trong giai đoạn quản lý và kinh doanh; chủ trì tiếp nhận công trình dự án
theo quy định của pháp luật;
đ) Thẩm tra kế hoạch và dự toán kinh
phí bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt quốc gia sử dụng nguồn vốn nhà
nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Tổ chức quản lý, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch được duyệt của các đơn vị
theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng;
e) Tham gia xây dựng các quy định về
mức phí, phương thức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao
thông đường sắt, phí điều hành giao thông vận tải đường sắt và giá thuê sử dụng
kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt;
g) Thẩm tra, trình Bộ trưởng công bố
cấp kỹ thuật của tuyến, đoạn tuyến, khu đoạn đường sắt và ga đường sắt;
h) Cấp giấy phép xây dựng, thực hiện
hoạt động trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia
theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng;
i) Thẩm tra, trình Bộ trưởng cấp phép
đấu nối các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng
vào đường sắt quốc gia;
k) Tham gia kiểm tra quyết toán sản
phẩm, dịch vụ công ích thuộc nguồn vốn sự nghiệp kinh tế
đường sắt và sự nghiệp kinh tế khác theo quy định.
6. Về phương tiện giao thông đường sắt:
a) Tham gia với
Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định thiết kế kỹ thuật đối với phương tiện giao thông đường sắt trước khi sản xuất, lắp ráp, sửa chữa,
hoán cải;
b) Tổ chức quản lý và cấp giấy chứng
nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt hoạt động trên đường sắt quốc gia, đường sắt
đô thị, đường sắt chuyên dùng.
7. Về nhân viên đường sắt trực tiếp
phục vụ chạy tàu:
a) Chủ trì xây dựng nội dung, chương
trình đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu,
trình Bộ trưởng ban hành;
b) Kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở
đào tạo trong việc thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện
của cơ sở đào tạo, nội dung, chương trình đào tạo các chức danh nhân viên đường
sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu;
c) Tổ chức thực hiện các quy định về sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái tàu;
d) Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề
quốc gia những nghề đặc thù thuộc chuyên ngành đường sắt trình cấp có thẩm quyền
ban hành.
8. Về hoạt động vận tải đường sắt:
a) Tham gia xây dựng các chính sách,
cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển vận tải đường sắt, vận tải đa phương thức
có phương thức vận tải đường sắt;
b) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động kinh
doanh vận tải đường sắt và hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt theo quy định của pháp luật;
c) Chủ trì thẩm định, trình Bộ trưởng
công bố việc đóng, mở ga đường sắt; thẩm tra, trình Bộ trưởng công bố việc đóng, mở các tuyến, đoạn tuyến, khu đoạn đường sắt;
d) Hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh
vận tải, ga đường sắt có tham gia hoạt động liên vận quốc
tế thực hiện quyền và nghĩa vụ theo các thỏa thuận, điều ước
quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
9. Tham gia xây
dựng giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực đường sắt do Nhà nước quy định theo phân công của Bộ trưởng.
10. Về an toàn giao thông đường sắt:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện các
quy định liên quan đến quản lý an toàn giao thông đường sắt;
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các
đề án, kế hoạch tổng thể về bảo đảm
an toàn giao thông đường sắt theo phân công của Bộ trưởng;
kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt;
c) Tổ chức thẩm tra điều kiện và cấp
chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt;
d) Tham gia Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn
Bộ Giao thông vận tải; tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống
lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt;
đ) Tham gia điều tra, xử lý sự cố, tai nạn giao thông đường sắt;
e) Quyết định thành lập Đoàn điều tra
tai nạn lao động và thực hiện việc điều tra, lập biên bản điều tra tai nạn lao động trên các phương tiện
giao thông đường sắt theo quy định của
pháp luật.
11. Về khoa học, công nghệ:
Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu
khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đường sắt thuộc phạm vi quản lý của Cục.
12. Về bảo vệ
môi trường:
a) Chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm
quyền ban hành các quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý
bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
đối với hoạt động giao thông đường sắt;
b) Chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ môi trường, sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực đường sắt;
c) Quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ,
đề án, dự án, chương trình bảo vệ môi trường sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực đường sắt sử dụng vốn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng;
d) Tham gia thẩm định báo cáo đánh
giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt hoặc có liên quan đến
đường sắt;
đ) Tham gia kiểm tra, hướng dẫn việc
thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực đường sắt.
13. Về hợp tác
quốc tế:
a) Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt
chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đường sắt; chủ trì hoặc
tham gia đàm phán để ký kết, gia nhập
các thỏa thuận, điều ước quốc tế, tổ chức quốc tế trong
lĩnh vực đường sắt theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng;
b) Tổ chức đàm phán và ký kết nghị định
thư đường sắt biên giới hàng năm với cơ quan quản lý nhà
nước về đường sắt của các quốc gia có nối ray với đường sắt Việt Nam theo phân cấp, ủy quyền
của Bộ trưởng;
c) Tổ chức thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế trong lĩnh vực đường sắt theo phân cấp, ủy
quyền của Bộ trưởng;
d) Giới thiệu nhân sự đề nghị Bộ trưởng
cử tham gia các tổ chức hợp tác quốc tế về đường sắt; phối hợp quản lý, chỉ đạo hoạt động của các thành viên này trong nhiệm kỳ
công tác;
đ) Tổ chức thực hiện các hoạt động hợp
tác quốc tế khác theo thẩm quyền.
14. Về công tác thanh tra, kiểm tra:
a) Thanh tra, kiểm
tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham
nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Cục;
b) Thanh tra, kiểm
tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông vận tải đường sắt đối
với tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
15. Hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hội, tổ chức phi Chính phủ tham gia vào hoạt
động trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.
16. Xây dựng và tổ chức thực hiện
chương trình cải cách hành chính của Cục, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt
động của Cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước
và của Bộ Giao thông vận tải.
17. Quản lý tài chính, tài sản được
giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy
định; tổ chức thu các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
18. Quản lý bộ máy, biên chế, công chức,
viên chức và người lao động; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính
sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên
chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật;
xây dựng trình Bộ trưởng quyết định về cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức,
viên chức của Cục.
19. Trực tiếp quan hệ với các cơ quan
quản lý nhà nước có liên quan để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được
giao theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
20. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ
chức
1. Phòng Kế hoạch - Đầu tư và Hợp tác
quốc tế.
2. Phòng Kết cấu hạ tầng giao thông.
3. Phòng Khoa học-Công nghệ và Môi
trường.
4. Phòng Quản lý xây dựng.
5. Phòng Tài chính.
6. Phòng Thanh tra - Pháp chế.
7. Phòng Tổ chức cán bộ.
8. Phòng Vận tải - An toàn giao
thông.
9. Văn phòng.
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy của các tổ chức tham mưu giúp việc
Cục trưởng và đơn vị trực thuộc Cục.
Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của
bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt thực hiện theo
quy định riêng của Bộ trưởng.
Điều 4. Lãnh đạo
Cục Đường sắt Việt Nam
1. Cục Đường sắt Việt Nam có Cục trưởng là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật
về toàn bộ hoạt động của Cục. Giúp việc Cục trưởng có các Phó Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được Cục trưởng
phân công.
2. Cục trưởng Cục
Đường sắt Việt Nam do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm.
3. Các Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam do Bộ trưởng bổ nhiệm,
miễn nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng.
Điều 5. Trách nhiệm
và hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 33/2008/QĐ-BGTVT ngày
31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường sắt Việt Nam; bãi bỏ
những quy định trước đây trái với Quyết định này.
2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra,
các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như khoản 2 Điều 5;
- Các Thứ trưởng;
- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ;
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Công đoàn GTVT Việt Nam;
- Trang tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu: VT, TCCB (dha).
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|