UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1877/QĐ-UB
|
Bến Tre, ngày 24
tháng 11 năm 1998
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUYỀN TỰ QUẢN CỦA NHÂN
DÂN TRONG ẤP; NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA TRƯỞNG ẤP, QUI TRÌNH BẦU
CỬ TRƯỞNG ẤP.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21-6-1994;
- Căn cứ Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày
11-5-1998 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã;
- Xét đề nghị của Trưởng ban Tổ chức chính
quyền;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Qui định tạm thời về quyền tự quản của nhân dân
trong ấp; nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc của Trưởng ấp, qui trình bầu cử
Trưởng ấp (kèm theo quyết định này).
Điều 2. Giao cho Trưởng ban Tổ chức chính quyền phối hợp với các cơ
quan hữu quan giúp UBND tỉnh hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện qui định
tạm thời này.
Điều 3. Các ông, bà Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức
chính quyền, Thủ trưởng các cơ quan hữu quan, Chủ tịch UBND các huyện thị, xã
chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Huỳnh Văn Cam
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUYỀN TỰ QUẢN CỦA NHÂN DÂN TRONG ẤP; NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN,
LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA TRƯỞNG ẤP QUI TRÌNH BẦU CỬ TRƯỞNG ẤP.
Căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước và tình
hình thực tế của địa phương, trong khi chờ qui định thống nhất của Trung ương,
nhằm phát huy tính dân chủ và thực hiện quyền tự quản của nhân dân, UBND tỉnh Bến
Tre qui định tạm thời về quyền tự quản của nhân dân trong ấp; nhiệm vụ, quyền hạn,
lề lối làm việc của Trưởng ấp; qui trình bầu cử Trưởng ấp như sau:
I- NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG:
1) Ấp, khóm ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi
tắt là ấp) là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư gắn bó với nhau từ lâu đời, là
nơi nhân dân trực tiếp giải quyết các các công việc trong nội bộ cộng đồng, bảo
đảm đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, xây
dựng nếp sống văn minh, tương trợ lẫn nhau trong đời sống, giữ gìn và phát huy
truyền thống tập quán tốt đẹp, thuần phong mỹ tục của cộng đồng nhằm thực hiện
dân chủ và các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện quyền,
nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ cấp trên giao.
2) Ấp đuợc xác định là một đơn vị thuộc phạm vi
địa giới nhất định trên địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã). Mỗi
xã có nhiều ấp. ấp không phải là đơn vị hành chính, không phải là cấp chính quyền.
Việc thành lập, chia tách, sáp nhập, điều chỉnh
ranh giới hành chính của ấp do UBND xã lập thủ tục và đưa ra dân trong ấp bàn bạc,
thảo luận thống nhất. Sau đó trình HĐND xã xem xét và quyết nghị. Hồ sơ gởi về
UBND huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là huyện) để xem xét, lập tờ trình HĐND huyện
quyết nghị. Hồ sơ gởi về UBND tỉnh (qua Ban Tổ chức chính quyền) để xem xét và
lập tờ trình HĐND tỉnh xem xét quyết định.
3) Mỗi ấp có Trưởng ấp, Trưởng ấp do nhân dân bầu
và miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm nếu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân
dân (hoặc do Chủ tịch UBND xã bãi nhiệm). Việc tổ chức bầu cử theo nội dung của
Bản qui định tạm thời này.
Trưởng ấp do Chủ tịch UBND xã quyết định công nhận.
Nhiệm kỳ của Trưởng ấp là 2,5 năm.
Trưởng ấp vừa là người đại diện UBND xã vừa đại
diện cho nhân dân trong ấp giữ mối quan hệ với chính quyền xã, giúp chính quyền
xã trong quản lý nhân dân tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ
trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giải quyết kịp
thời những vấn đề nảy sinh trong dân.
4) Mỗi ấp gồm nhiều tổ nhân dân tự quản hoặc tổ
dân phố (ở phường, thị trấn) Tổ nhân dân tự quản hoặc tổ dân phố gồm nhiều hộ
gia đình ở liền nhau do Trưởng ấp đề nghị UBND xã xem xét quyết định.
Tổ nhân dân tự quản hoặc tổ dân phố có tổ trưởng
do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng giới thiệu, được đại diện các hộ dân
trong tổ bầu và Chủ tịch UBND xã công nhận. Tổ trưởng có nhiệm vụ giúp Trưởng ấp
trong giữ gìn an ninh trật tự, hoà giải các tranh chấp trong nhân dân, tổ chức
sinh hoạt, vận động nhân dân trong tổ thực hiện các phong trào v.v…
II- QUYỀN TỰ QUẢN CỦA NHÂN
DÂN
1) Những vấn đề trong nội bộ ấp sau đây phải được
nhân dân trong ấp thảo luận và quyết định:
a) Chủ trương, biện pháp thực hiện hình thức và
mức đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng các kết cấu hạ tầng và các công
trình phúc lợi chung ở ấp.
b) Xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn
minh, gia đình văn hoá mới, về an ninh trật tự, về thủ tục cưới hỏi, ma
chay…phù hợp với nếp sống mới, với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và
pháp luật của Nhà nước.
c) Thực hiện quyền tự quản của cộng đồng đối với
những việc thuộc nội bộ cộng đồng hoặc do Nhà nước ủy thác cho dân làm với sự hỗ
trợ của Nhà nước như: hoà giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân:
bài trừ tệ nạn xã hội: bảo vệ trật tự an ninh; quản lý giáo dục những đối tượng
cải tạo tại chỗ; chăm sóc người già neo đơn, gia đình chính sách; quản lý các
quỹ do nhân dân đóng góp v.v…
2) Những vấn đề sau đây do nhân dân trong ấp thảo
luận trước khi chính quyền phê chuẩn hoặc thông qua thành chủ trương, Nghị quyết:
a) Việc chia tách, thành lập mới, sáp nhập, điều
chỉnh địa giới hành chính huyện, xã, ấp. Việc tổ chức các Tổ nhân dân tự quản
và tổ dân phố.
b) Chủ trương, biện pháp, hình thức và mức huy động
sức dân để xây dựng các kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi trong xã.
c) Kế hoạch phân bổ, sử dụng đất đai, sử dụng đất
công.
d) Kế hoạch và biện pháp phát triển các ngành
nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong ấp và xã.
d) Bầu Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản, Tổ dân phố.
Bầu Trưởng ấp.
3) Nhân dân được nghe báo cáo công khai và kiểm
tra việc thực hiện đối với những công việc sau:
a) Báo cáo 6 tháng, 1 năm của ấp.
b) Báo cáo hoạt động của các Tổ nhân dân tự quản,
Tổ dân phố.
c) Báo cáo hoạt động của HĐND, Đại biểu HĐND và
của UBND xã.
d) Kết quả giải quyết các kiến nghị, khiếu nại,
tố cáo của nhân dân trong ấp.
đ) Các khoản thu, chi, quyết toán các công tình
của ấp do nhân dân trong ấp đóng góp và tình hình thực hiện ngân sách xã.
e) Việc thực hiện các chế độ, chính sách và gia
đình nghèo khó, neo đơn.
III – NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, LỀ
LỐI LÀM VIỆC VÀ CHẾ ĐỘTRỢ CẤP CỦA TRƯỞNG ẤP:
1) Trưởng ấp có chức năng giúp UBND xã thực hiện
nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, bảo đảm chủ trương của Đảng và pháp luật
Nhà nước đuợc tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh ở ấp. Đồng thời phát huy quyền
làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, chăm lo
đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong ấp.
Trưởng ấp chịu trách nhiệm trước UBND xã về toàn
bộ công việc thuộc phạm vi đảm trách.
2) Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ấp:
Trưởng ấp có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
a) Hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức, vận động nhân
dân thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân, nghị quyết của HĐND, các quyết định của
UBND và các công việc được UBND xã ủy nhiệm.
b) Phối hợp với ban công tác Mặt trận ấp chủ trì
cuộc họp của ấp; tổ chức thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư.
c) Phối hợp với các tổ chức kinh tế, Mặt trận Tổ
quốc, các đoàn thể, các Hội hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện đời
sống, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ các cơ sở hạ tầng ở ấp.
d) Phối hợp với ban công tác Mặt trận ở ấp hướng
dẫn hoạt động của các tổ hoà giải, tổ nhân dân tự quản, tổ bảo vệ sản xuất và
kiến thiết. Kịp thời giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân.
đ) Phát hiện và báo cáo kịp thời với UBND xã những
hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích và quyền tự do dân chủ của công
dân. Giúp UBND xã theo dõi việc tạm trú, tạm vắng của nhân dân.
e) Định kỳ 6 tháng báo cáo công tác và tự phê
bình, kiểm điểm trước hội nghị của ấp.
g) Được tham dự các lớp đào tạo, tập huấn, bồi
dưỡng; được hưởng trợ cấp theo qui định của tỉnh.
3) Lề lối làm việc của Trưởng ấp:
a) Trưởng ấp phối hợp với ban công tác Mặt trận
Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế ở ấp để thực hiện công việc phục vụ
yêu cầu lợi ích chung của nhân dân và các nhiệm vụ do UBND xã giao.
b) Thường xuyên quan hệ với từng hộ gia đình, trực
tiếp trao đổi, góp ý kiến giải quyết những vấn đề an ninh, trật tự, quản lý tạm
trú, tạm vắng, giữ gìn vệ sinh môi trường…
c) Định kỳ hàng tháng, tổ chức họp để phổ biến
cho các tổ nhân dân tự quản, tổ dân phố và nhân dân trong ấp biết kết quả hoạt
động ấp, của Trưởng ấp: những chủ trương, kế hoạch của UBND xã.
d) Trưởng ấp trực tiếp hướng dẫn, giải thích cho
nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đối với
những việc không được giao quyền phải báo cáo lên UBND xã xem xét giải quyết.
đ) Mỗi ấp có một số sổ sách để ghi chép việc cụ
thể như sau:
- Sổ ghi biên bản các cuộc họp;
- Sổ theo dõi tạm trú, tạm vắng;
- Sổ theo dõi diện tích, dân số và các hộ trong ấp;
- Sổ theo dõi lao động công ích hàng năm;
- Sổ ghi tài sản của ấp, những công trình ấp quản
lý…
- Các loại sổ sách theo dõi thu, chi, quyết toán
các khoản do nhân dân đóng góp.
Tổ nhân dân tự quản, Tổ dân phố cũng có sổ sách
tương tự như ấp để ghi chép những công việc trong Tổ.
Toàn bộ giấy tờ, sổ sách ghi chép có liên quan đến
công việc phải bảo quản, giữ gìn và lưu trữ cẩn mật. Khi thay đổi người phải
bàn giao đầy đủ cho người mới, kể cả những công việc đang làm dở dang.
IV- TIÊU CHUẨN VÀ QUI TRÌNH BẦU
CỬ TRƯỞNG ẤP:
A- Tiêu chuẩn Trưởng ấp:
- Là công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên, có
quyền công dân và có hộ khẩu thường trú tại ấp;
- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa;
- Có trình độ học vấn tối thiểu cấp 2, có năng lực
thực hiện nhiệm vụ, có hiểu biết cơ bản về quản lý Nhà nước, kinh tế- xã hội,
phong tục tập quán của nhân dân trên địa bàn ấp, có uy tín và được nhân dân tín
nhiệm;
- Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành pháp
luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.
B- Qui trình bầu cử Trưởng ấp:
1) Nguyên tắc:
Việc bầu cử Trưởng ấp đuợc tiến hành theo hình
thức: Bầu theo đại diện hộ gia đình và bỏ phiếu kín. Công dân Việt Nam không
phân biệt nam nữ, thành phần, dân tộc, tôn giáo, không mất quyền bầu cử…đủ 18
tuổi trở lên đều có thể được đại diện tiêu biểu cho hộ gia đình tham gia bầu
Trưởng ấp.
2) Ngày bầu cử Trưởng ấp:
Ngày bầu cử Trưởng ấp do UBND xã công bố, sau
khi đã trao đổi thống nhất với Chủ tịch HĐND huyện chấp nhận. Ngày bầu cử phải
là ngày chủ nhật đuợc công bố chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử.
3) Đề cử, ứng cử Trưởng ấp:
a) Công dân Việt Nam, không phân biệt nam nữ,
thành phần, dân tộc, tôn giáo, đạt các tiêu chuẩn nêu trên, có thể được ứng cử,
đề cử bầu cử làm Trưởng ấp.
b) Căn cứ vào tiêu chuẩn của Trưởng ấp, ban công
tác Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể, tổ nhân dân tự quản, tổ dân phố
ở ấp hiệp thương dân chủ đề cử người ra ứng cử Trưởng ấp. Biên bản hiệp thương
và hồ sơ của người được đề cử, người tự ứng cử phải được gởi đến Uỷ ban Mặt trận
Tổ quốc xã chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử.
Hồ sơ của người ứng cử gồm có: Đơn ứng cử, tóm tắt
tiểu sử.
c) Sau khi nhận được biên bản và hồ sơ của người
ứng cử, trong thời gian 5 ngày Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã tổ chức hội nghị hiệp
thương với đại diện các đoàn thể để thoả thuận danh sách chính thức người ứng cử.
Danh sách người ứng cử chuyển cho Tổ bầu cử để tổ bầu cử công bố chậm nhất là 7
ngày trước ngày bầu cử.
d) Mỗi ấp bầu 1 Trưởng ấp. Số người ứng cử là 2
người.
4) Tổ chức phụ trách bầu cử:
a) Mỗi ấp thành lập 1 khu vực bỏ phiếu đặt tại
trung tâm của ấp.
- Mỗi ấp thành lập 1 Tổ bầu cử có 5 người gồm đại
diện Ban công tác Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể, tổ nhân dân tự quản, tổ
dân phố…
- Những ấp có trên 500 hộ gia đình có thể thành
lập 2 khu vực bỏ phiếu và 2 tổ bầu cử.
Tổ bầu cử có Tổ trưởng, Tổ phó và thư ký.
b) Nhiệm vụ của Tổ bầu cử:
- Phụ trách công tác bầu cử trong ấp
- Bố trí phòng bỏ phiếu, hòm phiếu
- Nhận và phát phiếu bầu cho người bầu cử.
- Thông báo cho người bầu cử biết ngày bầu cử, địa
điểm bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu.
- Bảo đảm nội qui của phòng bỏ phiếu. Xét và giải
quyết những khiếu nại về bầu cử.
- Kiểm phiếu và làm biên bản kiểm phiếu gởi về
cho UBND xã để Chủ tịch UBND xã quyết định công nhận.
c) Tổ bầu cử không được vận động cho người ra ứng
cử.
5) Danh sách người bầu cử (đại diện hộ gia
đình):
Chậm nhất là 5 ngày trước ngày bầu cử, Trưởng ấp
phải lập danh sách người bầu cử là đại diện tiêu biểu của hộ gia đình và thông
báo rộng rãi cho nhân dân biết.
6) Trình tự bầu cử:
a) Cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ và kết thúc
lúc 11 giờ cùng ngày. Nếu do tình hình cụ thể, có thể bỏ phiếu sớm hơn và kết
thúc muộn hơn trong thời gian không quá 1 giờ. Cuộc bỏ phiếu phải tiến hành
liên tục.
Trước khi bỏ phiếu, tổ bầu cử kiểm tra hòm phiếu
có sự chứng kiến của người bầu cử.
b) Người bầu cử không viết được phiếu bầu thì nhờ
người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Nếu viết hỏng người bầu cử có
quyền đổi phiếu bầu khác.
c) Trong ngày bầu cử, nếu có trường hợp gián đoạn,
tổ bầu cử phải báo cáo kịp thời cho UBND xã biết và giải quyết.
7) Kết quả bầu cử:
a) Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng
bỏ phiếu, ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc và có sự chứng kiến của người ứng
cử, 2 đại diện người bầu cử.
b) Những phiếu sau đây là không hợp lệ:
- Phiếu không phải là phiếu theo mẫu quy định của
tổ bầu cử phát ra.
- Phiếu để người được bầu là 02, hoặc xoá hết
tên người ứng cử, hoặc ghi thêm tên người ngoài danh sách ứng cử.
c) Nếu có phiếu nào nghi là không hợp lệ thì tổ
trưởng tổ bầu cử phải đưa ra toàn tổ giải quyết. Tổ bầu cử không đuợc sửa chữa
các phiếu bầu.
d) Kiểm phiếu xong, tổ bầu cử lập biên bản ghi
rõ:
- Tổng số người bầu cử ghi trên danh sách.
- Tổng số người đi bầu.
- Số phiếu phát ra.
- Số phiếu thu vào.
- Số phiếu hợp lệ.
- Số phiếu không hợp lệ.
- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử.
- Những khiếu nại đã nhận được và kết quả giải
quyết.
Biên bản kiểm phiếu được lập thành 2 bản gởi đến
UBND xã và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã.
đ) So với số phiếu hợp lệ người ứng cử được nhiều
phiếu hơn thì trúng cử. Trường hợp 2 người ứng cử đuợc số phiếu bằng nhau thì UBND
xã cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã thống nhất quyết định người trúng cử.
8) Việc bầu lại:
Trong cuộc bầu cử lần đầu, nếu ấp nào có người
đi bầu chưa được quá nửa số người bầu cử ghi trong danh sách thì Tổ bầu cử lập
biên bản báo cáo Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã để
thống nhất ngày bầu cử lại. Ngày bầu cử lại được tiến hành chậm nhất là 7 ngày
sau ngày bầu cử lần đầu.
Trong cuộc bầu cử lại, người bầu cử chỉ chọn bầu
trong danh sách người đã ứng cử lần đầu. Nếu bầu cử lại mà số người đi bầu chưa
đuợc quá nửa số người bầu cử ghi trong danh sách thì không tổ chức bầu cử lại lần
thứ hai và UBND xã sau khi thống nhất với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã quyết định
Trưởng ấp tạm thời (chọn trong 2 người đã ứng cử) .
9) Xử lý hành vi vi phạm bầu cử:
Người dùng các thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc
làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử Trưởng ấp; người có trách nhiệm trong công tác
bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu, làm sai lệch kết quả bầu cử thì
tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc chịu trách
nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật.
10) Kinh phí tổ chức bầu cử Trưởng ấp do ngân
sách đài thọ.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Ban Tổ chức chính quyền giúp UBND tỉnh hướng dẫn
và kiểm tra việc thực hiện qui định tạm thời của UBND tỉnh.
- UBND huyện có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban
Mặt trận Tổ quốc huyện, các đoàn thể, các cơ quan có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra cấp xã tổ chức thực hiện việc bầu cử Trưởng ấp.
- Qui định tạm thời này trước hết thực hiện cho
các xã điểm của tỉnh và xã điểm của huyện (mỗi xã chọn từ 1 đến 2 ấp). Sau khi
sơ kết việc chỉ đạo điểm của tỉnh, sẽ tổ chức bầu Trưởng ấp ra diện rộng.
- Trong quá trình triển khai thực hiện phải bảo
đảm thông tin, báo cáo đầy đủ, chính xác và kịp thời; nếu có khó khăn vướng mắc
UBND huyện phản ánh về Ban Tổ chức chính quyền để phối hợp với các cơ quan hữu
quan đề xuất giải quyết.