Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 174/QĐ-BTP 2018 Kế hoạch phát động phong trào thi đua ngành Tư pháp

Số hiệu: 174/QĐ-BTP Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Trần Tiến Dũng
Ngày ban hành: 25/01/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2018

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 96/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch phát động phong trào thi đua ngành Tư pháp năm 2018”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư pháp, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ; Trưởng, Phó Trưởng các Cụm, Khu vực thi đua; Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết và chỉ đạo thực hiện);
- Trưởng Khối thi đua các bộ, ban, ngành nội chính Trung ương (để biết);
- Cổng Thông tin điện tử BTP (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ TĐKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Tiến Dũng

 

KẾ HOẠCH

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 174/QĐ-BTP ngày 25 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018), thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, những sự kiện quan trọng của đất nước và của Bộ, Ngành, tạo khí thế thi đua quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác tư pháp được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2016-2020) của cả nước, Bộ Tư pháp phát động tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành phong trào thi đua năm 2018 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo động lực mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao năm 2018 của ngành Tư pháp.

- Qua phong trào thi đua để tiếp tục rèn luyện, nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức; ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật; trình độ, năng lực chuyên môn, khơi dậy sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Tư pháp; tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong trong các cơ quan, đơn vị, Cụm, Khu vực thi đua và trong toàn Ngành.

- Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực công tác một cách thực chất, làm nòng cốt và tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua của ngành Tư pháp; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của Bộ, Ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo động lực và sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện; cần đi vào thực chất, tránh hình thức, đảm bảo thường xuyên, liên tục, có hiệu quả; tạo không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

- Gắn kết chặt chẽ kết quả thực hiện phong trào thi đua với công tác khen thưởng; bảo đảm khen thưởng khách quan, chính xác, công khai, công bằng và kịp thời; quan tâm khen thưởng hợp lý đối với công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và người trực tiếp lao động.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA

Bám sát nhiệm vụ chính trị được giao năm 2018, phát huy truyền thống 72 năm xây dựng và phát triển, toàn ngành Tư pháp ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, với các phong trào thi đua, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Phong trào thi đua

1.1. Phong trào thi đua “Toàn ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao năm 2018

Triển khai hiệu quả, thiết thực phong trào thi đua “Toàn ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao năm 2018, trong đó chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1.1.1. Tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019 trong đó trọng tâm là các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương. Chuẩn bị tốt công tác đánh giá tình hình triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 để xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 6.

1.1.2. Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật trợ giúp pháp lý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, gắn với triển khai hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, Đề án một số giải pháp đổi mới công tác tổ chức thi hành pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tiếp tục theo dõi tình hình thi hành Bộ luật dân sự, Luật ban hành VBQPPL năm 2015, Luật đấu giá tài sản, kịp thời phát hiện và hướng dẫn xử lý các vướng mắc trong thi hành. Chủ động phản ứng chính sách pháp luật, phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân, doanh nghiệp; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

1.1.3. Hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2018, giảm ít nhất 3% số việc tiền có điều kiện thi hành chuyển sang kỳ sau so với năm 2017; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ từng bước giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài; thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, công chức thi hành án dân sự; vận hành và thực hiện nghiêm Phần mềm quản lý và thống kê thi hành án dân sự trong toàn quốc. Tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đối với các vụ án hành chính còn tồn đọng.

1.1.4. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là tổ chức các cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả các Đề án định hướng phát triển các cơ sở đào tạo thuộc Bộ.

1.1.5. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch, giải quyết tốt các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước.

1.1.6. Thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; nâng cao vai trò và năng lực của cán bộ tư pháp địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài. Triển khai thực hiện Đề án định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2017-2021, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, nhất là với các nước láng giềng; chuyển từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình” thể chế pháp lý đa phương mà Việt Nam là thành viên.

1.1.7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp nhất là lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thi hành án dân sự, lý lịch tư pháp; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là vụ việc phức tạp, kéo dài để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

1.1.8. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.

Cùng với việc tổ chức phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành cần gắn với việc triển khai các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

1.2. Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”

Tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” ban hành kèm theo Quyết định số 2611/KH-BTP ngày 03/4/2012 và Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2288/QĐ-BTP ngày 31/10/2016 của Bộ Tư pháp trong đó chú trọng tiêu chí tiếp cận pháp luật đã được bổ sung vào Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

1.3. Phong trào thi đua “Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1607/QĐ-BTP ngày 01/08/2016 của Bộ Tư pháp theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc triển khai chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp theo Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, nghị quyết của cấp uỷ và nội dung sinh hoạt thường xuyên của các chi bộ, Đảng bộ. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng; đảm bảo 100% cơ quan, đơn vị, cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc, thực chất, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác, về tư tưởng chính trị, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương, lối sống, phong cách theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

1.4. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Quán triệt, triển khai sâu rộng trong toàn Ngành phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và các phong trào thi đua khác để đa dạng nội dung tổ chức, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của Ngành và của từng cơ quan, đơn vị.

1.5. Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”

Quán triệt, triển khai Kế hoạch số 27/KH-HĐTĐKT ngày 29/8/2017 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” gắn các nội dung thực hiện phong trào thi đua với nhiệm vụ của Ngành, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong công tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, trong đó ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

1.6. Các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề khác do Bộ Tư pháp phát động

Căn cứ vào tình hình thực tế, yêu cầu của nhiệm vụ công tác, tùy từng thời điểm, Bộ Tư pháp sẽ phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt phù hợp khác nhằm thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, đột phá vào những nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để kịp thời giải quyết khó khăn, tồn tại, hạn chế, những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong công tác.

2. Các giải pháp tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua

Triển khai tổng kết thực hiện Đề án Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, ngành Tư pháp” giai đoạn 2016-2018 ban hành kèm theo Quyết định số 1963/QĐ-BTP ngày 12/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó:

1. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các văn bản chỉ đạo khác của Bộ Tư pháp về việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật, tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao uy tín, chất lượng trong thực thi nhiệm vụ.

2. Phát huy vai trò định hướng chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sức mạnh tổng hợp của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào thi đua; đảm bảo thường xuyên, liên tục, thiết thực, không phô trương, tránh hình thức. Tổ chức tuyên truyền nhằm tăng cường nhận thức về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động trong Ngành, cơ quan, đơn vị bằng các hình thức phù hợp; tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; tổ chức giao lưu, gặp mặt điển hình tiên tiến, giới thiệu mô hình hay, cách làm sáng tạo, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Ngành.

3. Tiếp tục hoàn thiện các thông tư, quy chế và các văn bản khác liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng theo thẩm quyền để phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng hiện hành và điều kiện thực tiễn của Ngành, của cơ quan, đơn vị, địa phương làm cơ sở cho việc tổ chức, triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện, ban hành Thông tư hướng dẫn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp”, Thông tư thay thế Thông tư số 14/2015/TT-BTP ngày 14/10/2015 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp; sửa đổi, bổ sung Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng Bộ, ngành Tư pháp; nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành sớm và tổ chức thực hiện Bảng tiêu chí chấm điểm thi đua, xếp hạng đối với các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 nghiêm túc, khách quan, công khai, chính xác, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị.

4. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua. Việc tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, Ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua các chỉ tiêu thi đua, giải pháp thực hiện cụ thể; phong trào thi đua thường xuyên và các phong trào thi đua theo chuyên đề phải có sự gắn kết, tạo động lực và sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện.

5. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm khen thưởng khách quan, chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, đúng đối tượng, thành tích; đảm bảo thủ tục khen thưởng từng cấp đầy đủ, chính xác, đúng quy định. Khen thưởng phải gắn với kết quả phong trào thi đua, thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, sáng kiến, sáng tạo; công chức, viên chức và người lao động trực tiếp. Việc khen thưởng phải đạt mục đích Động viên, giáo dục, nêu gương”.

6. Đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá phong trào thi đua, công tác khen thưởng gắn với kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ công tác các cơ quan, đơn vị, đưa phong trào thi đua, công tác khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả và thực chất.

7. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn; xây dựng tài liệu nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp; kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các Cụm, Khu vực thi đua trong ngành Tư pháp.

8. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, tập trung triển khai nâng cấp, ứng dụng hiệu quả Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp có sự tích hợp từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh hoạt động của Trang thông tin điện tử về thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp với việc mở rộng các chuyên trang, chuyên mục phong phú, nội dung đa dạng, đảm bảo tính thời sự của thông tin; nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận, xử lý, lưu trữ hồ sơ thi đua, khen thưởng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đợt thi đua

Phong trào thi đua năm 2018 được tổ chức thực hiện thường xuyên ngay từ đầu năm, trong đó cao điểm là hai đợt:

1.1. Đợt thi đua thứ nhất: Thời gian từ đầu năm đến 30/6/2018, lập thành tích chào mừng Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930-30/2/2018); kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018); kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018). Tổ chức sơ kết cùng với sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2018.

1.2. Đợt thi đua thứ hai: Thời gian từ 01/7/2018 đến kết thúc năm 2018, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945–02/9/2018); chào mừng 73 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945–28/8/2018). Tổ chức tổng kết cùng với tổng kết công tác tư pháp năm 2018.

2. Trách nhiệm thực hiện

2.1. Trên cơ sở nội dung của Kế hoạch này, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng trong việc tổ chức, chỉ đạo, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp triển khai thực hiện Kế hoạch.

2.2. Trưởng, Phó Trưởng các Cụm, Khu vực thi đua, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm:

2.2.1. Căn cứ Kế hoạch này và nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao trong chương trình, kế hoạch công tác năm 2018 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua đối với những tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý và gửi kèm kết quả đăng ký danh hiệu thi đua về cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp (Vụ Thi đua - Khen thưởng) chậm nhất là ngày 13/02/2018 đối với các cơ quan, đơn vị và trước ngày 25/02/2018 đối với các Cụm, Khu vực thi đua.

2.2.2. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo và thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết theo quy định. Kết thúc đợt thi đua thứ nhất, tiến hành sơ kết phong trào thi đua gửi báo cáo về cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp chậm nhất là ngày 30/6/2018 đối với các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 05/7/2018 đối với các Cụm, Khu vực thi đua và Tổng cục Thi hành án dân sự.

Kết thúc đợt thi đua thứ hai, tiến hành tổng kết phong trào thi đua, bình xét khen thưởng vào dịp tổng kết phong trào thi đua cuối năm 2018 theo quy định.

2.2.3. Khen thưởng và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua theo quy định.

2.3. Báo Pháp luật Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin, các Tạp chí của Ngành, Bản tin Tư pháp các địa phương chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền nội dung, kết quả thực hiện phong trào thi đua của Ngành, của các cơ quan, đơn vị trong Ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền gương “Người tốt, việc tốt”, nhân rộng các mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, những điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành.

2.4. Cục Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch. Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước chi cho công tác thi đua, khen thưởng của Ngành.

2.5. Vụ Thi đua – Khen thưởng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư pháp tổ chức thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch; rà soát, phát hiện và đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp để được hướng dẫn hoặc báo cáo Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, giải quyết./.

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 174/QĐ-BTP về Kế hoạch phát động phong trào thi đua ngành Tư pháp ngày 25/01/2018 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.178

DMCA.com Protection Status
IP: 52.14.204.156
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!