Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 159/2005/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Nguyễn Tấn Hưng
Ngày ban hành: 21/12/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 159/2005/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 21 tháng 12 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2005/NQ-HĐND ngày 30/11/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006. Các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban TVQH, Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch;
- Như Điều 3 (40 bản);
- Ban TCTU;
- HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 159/2005/QĐ-UBND ngày 21/12/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

A. CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ DỰ NGUỒN CÁN BỘ:

I. Đối tượng áp dụng:

1. Đi đào tạo:

a) Cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện trong diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đi đào tạo lý luận chính trị, hành chính Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và các kiến thức bổ trợ khác để đạt trình độ theo tiêu chuẩn của ngạch, chức danh đã được quy hoạch;

b) Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi tắt là CBCC cấp xã) thuộc các chức danh: Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách thuộc diện quy hoạch cho các chức danh cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã đi đào tạo văn hóa, lý luận chính trị, hành chính Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ để đạt tiêu chuẩn của chức danh cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã;

c) Cán bộ lãnh đạo thuộc diện quy hoạch đang công tác tại các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh (kể cả doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá), các đơn vị ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Quân đội, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát,...) đi đào tạo lý luận chính trị, hành chính Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ;

d) Học sinh tốt nghiệp THPT, sinh viên tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ hệ chính quy tập trung đạt kết quả học tập loại khá trở lên và hạnh kiểm tốt đi đào tạo Đại học, sau Đại học ở trong nước và nước ngoài (theo quy chế tuyển sinh) để dự nguồn cán bộ cho tỉnh sau khi tốt nghiệp (gọi chung là diện dự nguồn cán bộ).

2. Đi bồi dưỡng:

Cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, ngoại ngữ, tin học và các kiến thức bổ trợ khác, bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể cấp tỉnh, huyện;

- Cán bộ công chức cấp xã; trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố ở các xã, phường, thị trấn;

- Viên chức lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh (kể cả doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa); cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đang công tác tại các đơn vị ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Quân đội, Công an, Toà án, Viện Kiểm sát,...);

- Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

II. Tiêu chuẩn, điều kiện và thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng:

1. Đi đào tạo trong nước:

a) CBCC,VC cấp tỉnh, huyện và CBCC cấp xã được cử đi đào tạo phải là những cán bộ trong diện quy hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có ít nhất 03 năm công tác liên tục, tuổi đời không quá 50 đối với nam, không quá 45 đối với nữ.

Được một trong các cơ quan sau đây quyết định cử đi học: Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy quyền), Sở Nội vụ (khi được UBND tỉnh ủy quyền).

b) Diện dự nguồn cán bộ cho tỉnh được cử đi đào tạo phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Tuổi đời: Không quá 19 tuổi đối với học sinh tốt nghiệp THPT, không quá 25 tuổi đối với sinh viên tốt nghiệp Đại học (riêng người dân tộc thiểu số được cộng thêm 2 tuổi so với quy định chung).

- Học lực, hạnh kiểm: Trong quá trình học tập ở bậc THPT (đối với học sinh THPT) hoặc ở bậc đại học (đối với sinh viên), học sinh, sinh viên phải có học lực khá trở lên, hạnh kiểm tốt, tốt nghiệp loại khá trở lên (đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thì học lực từ trung bình khá trở lên) và đạt yêu cầu trong kỳ thi tuyển sinh.

- Cam kết: Bản thân phải tình nguyện và cùng gia đình cam kết sau khi tốt nghiệp ra trường về phục vụ tại tỉnh Bình Phước theo phân công của tổ chức, thời gian yêu cầu phục vụ ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo; phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo nếu tự ý bỏ học hoặc sau khi tốt nghiệp không về phục vụ tại tỉnh theo sự phân công của tổ chức.

Ưu tiên tuyển chọn những học sinh, sinh viên là con gia đình diện chính sách, học sinh trường THPT chuyên và trường phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh; học sinh đạt giải cao trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia; sinh viên có luận văn tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc hoặc có công trình khoa học được trường Đại học xét công nhận.

Diện dự nguồn cán bộ cho tỉnh được cử đi đào tạo phải do Thường vụ Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc Sở Nội vụ.

c) Cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đang công tác tại các đơn vị ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Quân đội, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát,...) do cơ quan cấp trên của các đơn vị ký quyết định cử đi học sau khi có sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh.

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh (DNNN) do Ban TVTU hoặc UBND tỉnh quyết định cử đi học.

e) Cán bộ trong diện quy hoạch đang công tác tại các DNNN thuộc tỉnh, các đơn vị ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh không thuộc đối tượng quy định tại điểm c, d phần 1 mục II trên đây do cơ quan sử dụng cán bộ cử đi học sau khi có ý kiến thoả thuận của Ban Tổ chức Tỉnh ủy (khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy quyền).

2. Đào tạo nước ngoài:

Áp dụng cho cán bộ trong diện quy hoạch và sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hệ chính quy tập trung đạt kết quả học tập loại khá trở lên và hạnh kiểm tốt là con gia đình chính sách, con CBCC của tỉnh trong diện dự nguồn cán bộ cho tỉnh.

Việc cử cán bộ (kể cả cán bộ dự nguồn) đi đào tạo nước ngoài do Sở Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Tỉnh ủy quyết định.

Giao cho Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng đề án đào tạo ở nước ngoài theo từng năm và từng giai đoạn trình UBND tỉnh và Tỉnh ủy phê duyệt.

3. Đi bồi dưỡng (Áp dụng cho những lớp bồi dưỡng có thời gian thực học từ 15 ngày trở lên):

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng quy định tại phần 2 mục I trên đây được cử đi bồi dưỡng phải là những người hoàn thành nhiệm vụ được giao và phải được một trong 4 cơ quan có thẩm quyền quyết định cử đi bồi dưỡng: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (khi được Tỉnh ủy ủy quyền), Sở Nội vụ (khi được UBND tỉnh ủy quyền).

III. Nội dung, hình thức và trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

1. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng:

a) Đào tạo:

- Học vấn (chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số);

- Chuyên môn, nghiệp vụ;

- Lý luận chính trị;

- Hành chính Nhà nước;

- Tin học, ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác.

b) Bồi dưỡng:

- Lý luận chính trị;

- Quản lý nhà nước;

- Hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển giao công nghệ;

- Chuyên môn, nghiệp vụ;

- Tin học, ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác.

2. Trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

- Bổ túc trung học phổ thông: Áp dụng cho CBCC cấp xã trong diện quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số;

- Bồi dưỡng: Áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức (không áp dụng cho đối tượng dự nguồn);

- Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng: Áp dụng cho CBCC cấp xã và dự nguồn cán bộ cấp xã;

- Trung học chính trị: Áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã;

- Đại học và tương đương, sau đại học: Áp dụng cho cán bộ quy hoạch và diện dự nguồn cán bộ.

3. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng:

a) Đào tạo:

+ Tập trung: Áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch cán bộ và diện dự nguồn cán bộ đi đào tạo ở trong và ngoài nước.

+ Bán tập trung và tại chức: Áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch cán bộ và diện dự nguồn là người dân tộc thiểu số đi đào tạo ở trong nước.

b) Bồi dưỡng: Áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng ở trong nước.

IV. Chính sách cụ thể:

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng quy định khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì ngoài việc được hưởng 100% lương và các khoản phụ cấp (nếu có) còn được hưởng các chế độ đi học từ nguồn ngân sách Nhà nước, cụ thể như sau:

1. Đào tạo:

a) Đào tạo ở trong nước:

* Tập trung (Áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và diện dự nguồn cán bộ):

- Trợ cấp tiền ăn:

+ Học tập trung tại Hà Nội: Được trợ cấp 700.000 đồng/người/tháng.

+ Học tập trung tại TP. Hồ Chí Minh (hoặc các tỉnh): Được trợ cấp 500.000 đồng/người/tháng.

+ Học tập trung trên địa bàn tỉnh: Được trợ cấp 250.000 đồng/người/tháng đối với CBCC,VC cấp tỉnh, huyện; 300.000 đồng/người/tháng đối với CBCC cấp xã.

- Trợ cấp đi thực tế, viết và bảo vệ luận văn, luận án tốt nghiệp (được thanh toán sau khi được cấp bằng), cụ thể:

+ Đào tạo đại học và tương đương được trợ cấp: 3.500.000 đồng/người.

+ Đào tạo sau đại học mức trợ cấp như sau:

• Tiến sĩ

: 20.000.000 đồng/người.

• Bác sĩ chuyên khoa II

: 15.000.000 đồng/người.

• Thạc sĩ

: 10.000.000 đồng/người.

• Bác sĩ chuyên khoa I

: 7.000.000 đồng/người.

- Trợ cấp khác:

+ Người dân tộc thiểu số được trợ cấp 100.000 đồng/người/tháng.

+ Nữ được trợ cấp 50.000 đồng/người/tháng (nếu nữ là người dân tộc thì được trợ cấp 150.000đ/người/tháng).

+ Nữ đang trong thời gian nuôi con dưới 3 tuổi thì được trợ cấp 200.000đ/người/tháng.

- Thanh toán tiền học phí, tài liệu, nội trú, y tế phí (nếu có) theo phiếu thu của cơ sở đào tạo.

- Thanh toán chi phí đi lại:

+ Học tại Hà Nội: Được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng 02 lần/năm (4 lượt). Đối với CBCC thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được thanh toán tiền vé máy bay.

+ Học tại TP. Hồ Chí Minh (hoặc các tỉnh): Được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng 02 lần/tháng (04 lượt).

+ Học trên địa bàn tỉnh: Được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng 02 lần/tháng (04 lượt). Không áp dụng cho học viên đang công tác trên địa bàn xã, thị trấn và các phường thuộc thị xã nơi tổ chức lớp học.

Đối với diện dự nguồn cán bộ đã trúng tuyển vào các Trường Đại học thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, nếu học viên có học lực khá và hạnh kiểm tốt thì có thể được xem xét để bố trí nội trú miễn phí tại ký túc xá của tỉnh (nếu học viên có nhu cầu).

* Bán tập trung và tại chức (Áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức diện quy hoạch cán bộ và diện dự nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số):

- Trợ cấp tiền ăn theo ngày thực học (Áp dụng cho học trong và ngoài tỉnh).

+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện: Được trợ cấp 10.000 đồng/người/ngày.

+ Đối với cán bộ công chức cấp xã: Được trợ cấp 15.000 đồng/người/ngày.

- Trợ cấp viết đề tài tốt nghiệp (được thanh toán sau khi được cấp bằng):

+ Đào tạo đại học và tương đương được trợ cấp: 2.000.000 đồng/người.

+ Đào tạo trên đại học được trợ cấp như sau:

• Tiến sĩ

: 15.000.000 đồng/người.

• Bác sĩ chuyên khoa II

: 10.000.000 đồng/người.

• Thạc sĩ

: 7.000.000 đồng/người.

• Bác sĩ chuyên khoa I

: 5.000.000 đồng/người.

- Trợ cấp khác:

+ Người dân tộc thiểu số được trợ cấp 100.000 đồng/người/tháng.

+ Nữ được trợ cấp 50.000 đồng/người/tháng (nếu nữ là người dân tộc thì được trợ cấp 150.000đ/người/tháng).

+ Nữ đang trong thời gian nuôi con dưới 3 tuổi thì được trợ cấp 200.000đ/người/tháng.

(Áp dụng đối với đợt tập trung học từ 01 tháng trở lên).

- Thanh toán tiền học phí, tài liệu, nội trú, y tế phí (nếu có) theo phiếu thu của cơ sở đào tạo.

- Thanh toán chi phí đi lại:

+ Học tại TP. Hồ Chí Minh (hoặc các tỉnh): Được thanh toán tiền đi và về bằng phương tiện công cộng: 01 lần/đợt (02 lượt) đối với đợt tập trung học dưới 01 tháng; 02 lần/tháng (04 lượt) đối với đợt tập trung học từ một tháng trở lên.

+ Học trên địa bàn tỉnh: Được thanh toán tiền đi và về bằng phương tiện công cộng: 01 lần/đợt (02 lượt) đối với đợt tập trung học dưới 01 tháng; 02 lần/tháng (04 lượt) đối với đợt tập trung học từ một tháng trở lên. Không áp dụng cho học viên đang công tác trên địa bàn xã, thị trấn và các phường thuộc thị xã nơi tổ chức lớp học.

* Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đi học các lớp tin học, ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác do tỉnh mở thì học viên được đài thọ kinh phí đào tạo nhưng không được hưởng các chế độ trợ cấp đi học còn lại theo quy định này.

b) Đào tạo ở nước ngoài: Tùy theo lớp học cụ thể, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ sẽ đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét quyết định.

2. Bồi dưỡng: Áp dụng cho những lớp có thời gian thực học từ 15 ngày trở lên, cụ thể như sau:

- Trợ cấp tiền ăn theo ngày thực học (Áp dụng cho học trong và ngoài tỉnh):

+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện: Được trợ cấp 10.000 đồng/người/ngày.

+ Đối với cán bộ, công chức cấp xã: Được trợ cấp 15.000 đồng/người/ngày.

- Thanh toán tiền học phí, tài liệu, nội trú, y tế phí (nếu có) theo phiếu thu của cơ sở đào tạo.

- Thanh toán chi phí đi lại:

+ Bồi dưỡng tại Hà Nội hoặc các tỉnh từ thành phố Đà Nẵng trở ra: Được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng 01 lần (02 lượt) đối với lớp bồi dưỡng dưới 6 tháng; 02 lần (04 lượt) đối với lớp từ 6 tháng trở lên. Đối với CBCC thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được thanh toán tiền vé máy bay từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

+ Bồi dưỡng tại thành phố Hồ Chí Minh (hoặc các tỉnh): Được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng: 01 lần (02 lượt) đối với lớp bồi dưỡng có thời gian dưới 01 tháng; 02 lần/tháng (04 lượt) đối với lớp bồi dưỡng có thời gian từ 1 tháng trở lên.

+ Bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh: Được thanh toán chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng: 01 lần (02 lượt) đối với lớp bồi dưỡng có thời gian dưới 01 tháng; 02 lần/tháng (04 lượt) đối với lớp bồi dưỡng có thời gian từ 01 tháng trở lên. Không áp dụng cho học viên đang công tác trên địa bàn xã, thị trấn và các phường thuộc thị xã nơi tổ chức lớp học.

Trường hợp CBCC,VC trong thời gian đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước mà cơ sở đào tạo không bố trí nội trú thì được trợ cấp tiền ở với mức 20.000đ/người/ngày cho những ngày thực học.

* Đối với các đơn vị sự nghiệp chuyên ngành ở tỉnh (Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp - PTNT, Kiểm lâm, Quản lý thị trường):

- Khi đi đào tạo, bồi dưỡng nếu được 1 trong 4 cơ quan có thẩm quyền quyết định cử đi học thì được hưởng trợ cấp nêu tại quy định này.

- Trường hợp không được 1 trong 4 cơ quan có thẩm quyền quyết định cử đi học (do Giám đốc sở hoặc tương đương quyết định cử đi học) nhằm nâng cao trình độ chuyên môn hoặc để đạt tiêu chuẩn ngạch công chức theo quy định của Nhà nước thì không áp dụng chính sách trợ cấp nêu tại quy định này (nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của những ngành này thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tài chính nhưng không được vượt quá mức trợ cấp theo quy định này).

B. CHÍNH SÁCH THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC:

I. Đối tượng áp dụng:

1. Thu hút ngoài tỉnh: Thu hút những người có trình độ đại học và trên đại học; những người có năng khiếu đạt giải cấp quốc gia trong các lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao; những người đạt danh hiệu cao quý do nhà nước trao tặng thuộc các ngành Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thông tin về công tác tại các cơ quan ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện, thị và về công tác tại các xã, phường, thị trấn bao gồm các trình độ:

- Giáo sư - Tiến sĩ;

- Phó Giáo sư - Tiến sĩ;

- Tiến sĩ;

- Thạc sĩ;

- Bác sĩ chuyên khoa II;

- Bác sĩ chuyên khoa I;

- Đại học chính quy tốt nghiệp loại khá trở lên;

- Những người có năng khiếu đạt giải cấp Quốc gia trong các lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao:

+ Huy chương Vàng;

+ Huy chương Bạc;

+ Huy chương Đồng;

- Những người đạt danh hiệu cao quý do Nhà nước trao tặng gồm:

+ Nghệ sĩ nhân dân; Nhà giáo nhân dân; Thầy thuốc nhân dân;

+ Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú.

2. Thu hút trong tỉnh: Thu hút những người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên có năng lực thực sự, có kinh nghiệm thực tiễn hoặc những người có năng khiếu đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền điều động, tuyển dụng, hợp đồng về nơi làm việc xa nơi cư trú (Từ tỉnh xuống huyện hoặc xuống xã; từ huyện này sang huyện khác hoặc từ huyện về xã).

II. Điều kiện và thẩm quyền:

1. Điều kiện:

Việc thu hút cán bộ phải phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, người được thu hút phải có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu công việc. Việc xem xét phù hợp với nhu cầu tuyển dụng và việc đánh giá năng lực của cán bộ, công chức được thu hút phải thực hiện theo đúng quy trình và do Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ thực hiện.

2. Thẩm quyền:

a) Việc tiếp nhận, tuyển dụng nguồn nhân lực ngoài tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc Sở Nội vụ.

b) Việc tuyển dụng, điều động, hợp đồng nguồn nhân lực trong tỉnh về các cơ quan, ban, ngành tỉnh, các huyện thị, xã, phường, thị trấn do Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh quyết định, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (khi được TVTU ủy quyền), Sở Nội vụ (khi được UBND tỉnh ủy quyền).

III. Chính sách cụ thể:

Những đối tượng nêu ở phần B mục I tự nguyện làm việc lâu dài từ 5 năm trở lên tại cơ quan, đơn vị theo sự phân công của tổ chức, sau khi được tuyển dụng hoặc tiếp nhận đối với những người ngoài tỉnh và được tuyển dụng hoặc điều động, hợp đồng đối với những người trong tỉnh thì ngoài việc được hưởng lương theo ngạch, bậc và phụ cấp (nếu có) còn được hưởng trợ cấp ban đầu cho từng đối tượng với mức sau:

+ Giáo sư - Tiến sĩ

: 40.000.000 đồng/người.

+ Phó Giáo sư - Tiến sĩ

: 35.000.000 đồng/người.

+ Tiến sĩ chuyên ngành

: 30.000.000 đồng/người.

+ Bác sĩ chuyên khoa II

: 25.000.000 đồng/người.

+ Thạc sĩ

: 20.000.000 đồng/người.

+ Bác sỹ chuyên khoa I

: 15.000.000 đồng/người.

+ Sinh viên Đại học chính quy tốt nghiệp loại khá trở lên:

• Loại giỏi, xuất sắc

: 5.000.000 đồng/người.

• Loại khá

: 2.000.000 đồng/người.

+ Những người có năng khiếu đạt giải trong các lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao cấp Quốc gia:

• Huy chương Vàng

: 3.000.000 đồng/người.

• Huy chương Bạc

: 2.500.000 đồng/người.

• Huy chương Đồng

: 2.000.000 đồng/người.

+ Những người được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý:

• Nghệ sĩ ND, Nhà giáo ND, Thầy thuốc ND

: 30.000.000 đồng/người.

• Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú

: 20.000.000 đồng/người.

Thời điểm để nhận trợ cấp ban đầu là sau 6 tháng tính từ ngày nhận công tác.

Những người cùng một lúc có nhiều bằng cấp, danh hiệu, huy chương khác nhau thì chỉ được hưởng một mức trợ cấp tỉnh theo văn bằng hoặc danh hiệu, huy chương cao nhất.

Những người có bằng đại học được thu hút về các xã, phường, thị trấn thì ngoài việc được hưởng khoản trợ cấp ban đầu, hàng tháng còn được trợ cấp thêm 200.000đ/người (trong thời gian 24 tháng, tính từ ngày nhận công tác).

Sau thời gian công tác ít nhất là 5 năm, nếu những cán bộ, công chức thuộc diện thu hút có nguyện vọng được đào tạo ở bậc cao hơn thì được xem xét để giải quyết cho đi đào tạo và được trợ cấp chế độ đi học theo quy định hiện hành của tỉnh.

Trường hợp nếu cán bộ, công chức nghỉ công tác khi chưa đủ thời gian quy định là 5 năm và chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý thì phải hoàn trả lại cho ngân sách tỉnh toàn bộ chế độ đãi ngộ đã được hưởng nêu tại quy định này.

Đối với những CBCC,VC có thời gian công tác tại tỉnh Bình Phước từ 5 năm trở lên (tính đến ngày quy định này có hiệu lực):

- Nếu là những người tốt nghiệp Cử nhân chính trị hệ tập trung, các lớp đào tạo sau đại học hệ tập trung được trợ cấp bằng mức trợ cấp đi thực tế, viết và bảo vệ luận văn, luận án tốt nghiệp tương ứng với trình độ đào tạo tập trung theo bản quy định này.

- Nếu là những người thuộc ngành Giáo dục - Đào tạo, Y tế, VH-TT được nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân; Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc nhân dân; Nghệ sỹ ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân thì sẽ được tỉnh xem xét cấp trợ cấp với mức bằng 50% trợ cấp ban đầu của đối tượng thu hút.

C. PHƯƠNG THỨC CẤP PHÁT VÀ THANH QUYẾT TOÁN:

Hàng năm đơn vị sử dụng ngân sách lập dự toán chi cho đào tạo, bồi dưỡng gửi cơ quan tài chính cùng cấp xét duyệt để làm cơ sở và thanh quyết toán. Phương thức thanh toán như sau:

I. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, Đảng, Đoàn thế cấp tỉnh, huyện:

1. Trường hợp được một trong bốn cơ quan có thẩm quyền: Thường vụ Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh quyết định cử đi học, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (khi được TVTU ủy quyền), Sở Nội vụ (khi được UBND tỉnh ủy quyền):

- Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng về hành chính Nhà nước (bao gồm: Bồi dưỡng quản lý Nhà nước, đào tạo tiền công vụ, trung cấp hành chính và đại học, sau đại học hành chính), lý luận chính trị (bao gồm: Trung cấp, cao cấp và đại học, sau đại học chính trị), chuyên môn nghiệp vụ sau đại học: Học viên được thanh toán các khoản nêu tại quy định này từ khoản chi đào tạo ngoài định mức giao khoán cho đơn vị và quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp. Trường hợp mức chi thực tế cao hơn dự toán đã giao đầu năm thì cơ quan tài chính sẽ cân đối bổ sung.

- Đối với các lớp bồi dưỡng hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển giao công nghệ, các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ: Học viên được thanh toán các khoản nêu tại quy định này do thủ trưởng cơ quan, đơn vị sắp xếp chi trong kinh phí đã giao hàng năm cho đơn vị và quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp.

2. Trường hợp không được 1 trong 4 cơ quan có thẩm quyền trên cử đi học mà do cơ quan chuyên ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị cử đi học các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên môn nghiệp vụ và các lớp không thuộc nội dung đào tạo, bồi dưỡng nêu trên (sau khi có ý kiến thoả thuận của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đối với cán bộ thuộc khối Đảng, đoàn thể hoặc Sở Nội vụ đối với cán bộ thuộc khối Nhà nước): Do cá nhân chịu một phần và thủ trưởng cơ quan, đơn vị sắp xếp chi hỗ trợ một phần từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên đã giao hàng năm cho đơn vị và quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp nhưng không được vượt quá mức quy định.

II. Đối với CBCC cấp xã:

1. Trường hợp được 1 trong 4 cơ quan có thẩm quyền cử đi học: Các lớp đào tạo, bồi dưỡng hành chính Nhà nước (bao gồm: Bồi dưỡng quản lý Nhà nước, trung cấp hành chính, đại học hành chính), lý luận chính trị (bao gồm: Trung cấp, cao cấp, cử nhân), chuyên môn nghiệp vụ (bao gồm: Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trung học, cao đẳng, đại học): Học viên được thanh toán các khoản nêu tại quy định này do Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, thị (đối với các lớp mở tại huyện) hoặc Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh & Xã hội (đối với các lớp còn lại) thanh toán từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh (đã phân cấp về cho các huyện, thị xã) và quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp.

2. Trường hợp không được 1 trong 4 cơ quan có thẩm quyền trên cử đi học mà do Chủ tịch UBND các huyện, thị cử đi (sau khi có ý kiến thoả thuận của Ban Tổ chức Tỉnh ủy đối với các lớp chính trị, nghiệp vụ Đảng, đoàn thể hoặc Sở Nội vụ đối với các lớp còn lại): Các chế độ đi học của học viên do ngân sách huyện, thị chi trả.

III. Đối với cán bộ thuộc đơn vị ngành dọc của TW đóng trên địa bàn tỉnh:

Trường hợp được 1 trong 4 cơ quan có thẩm quyền cử đi học hoặc trường hợp do cơ quan sử dụng cán bộ cử đi học sau khi có ý kiến thoả thuận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy quyền) hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh: Học viên được đơn vị thanh toán các khoản nêu tại quy định này từ nguồn ngân sách địa phương cấp và quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp.

IV. Đối với cán bộ trong các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh:

- Đối với viên chức quản lý Doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh (kể cả DNNN đã cổ phần hoá): Do đơn vị chi.

- Đối với viên chức đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp: Do Sở Tài chính cấp phát qua Sở Nội vụ để thanh toán từ khoản chi đào tạo ngoài định mức giao khoán cho đơn vị.

V. Đối với diện thu hút nguồn nhân lực và diện dự nguồn:

1. Đối với cấp tỉnh:

- Về thu hút nguồn nhân lực: Do Sở Tài chính cấp phát qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy (nếu thu hút về các cơ quan Đảng, Đoàn thể) hoặc Sở Nội vụ (nếu thu hút về các cơ quan hành chính, sự nghiệp) để thanh toán từ nguồn ngân sách của tỉnh ngoài định mức giao khoán cho đơn vị.

- Về diện được cử đi đào tạo dự nguồn: Do Sở Tài chính cấp phát qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy (nếu đi đào tạo các lớp Lý luận chính trị và nghiệp vụ cán bộ Đảng, Đoàn thể) hoặc Sở Nội vụ (đối với các lớp còn lại) để thanh toán từ khoản chi đào tạo ngoài định mức giao khoán cho đơn vị.

2. Đối với cấp huyện, cấp xã: Về thu hút nguồn nhân lực và diện được cử đi đào tạo để dự nguồn đều do phòng Tài chính huyện, thị cấp phát qua phòng Nội vụ - LĐTB&XH để thanh toán từ ngân sách của tỉnh và kinh phí đào tạo của tỉnh (đã phân cấp về cho các huyện, thị) ngoài định mức giao khoán cho đơn vị.

VI. Khoản trợ cấp hàng tháng đối với các trường hợp được thu hút về công tác tại xã: Khoản trợ cấp hàng tháng (24 tháng tính từ ngày nhận công tác) do ngân sách xã chi trả, nếu thiếu ngân sách huyện sẽ bổ sung.

VII. Các trường hợp thuộc đối tượng được trợ cấp bằng trợ cấp đi thực tế viết và bảo vệ luận văn, luận án tốt nghiệp hoặc 50% trợ cấp ban đầu của đối tượng thu hút: Do Sở Tài chính cấp phát qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy (nếu là CBCC, VC thuộc các cơ quan Đảng, Đoàn thể) hoặc Sở Nội vụ (nếu là CBCC, VC thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp) để thanh toán từ khoản chi đào tạo ngoài định mức giao khoán cho đơn vị.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy hàng năm có trách nhiệm tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh và Thường vụ Tỉnh ủy trong việc cử người đi học đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định; đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc thu hút người trong và ngoài tỉnh đảm bảo phù hợp với nhu cầu bổ sung cán bộ cho tỉnh theo mục B nêu tại quy định này.

2. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực.

3. Trường Chính trị tỉnh và các cơ sở đào tạo khác của tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ để tiến hành lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và tổ chức thực hiện sau khi kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện theo nội dung quy định này, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện quy định này về Tỉnh ủy và UBND tỉnh biết.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có gì khó khăn, vướng mắc, các ngành, các cấp báo cáo về UBND tỉnh biết để giải quyết.

Việc sửa đổi, bổ sung bản quy định này do Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 159/2005/QĐ-UBND ngày 21/12/2005 về Quy định chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.106

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.90.160
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!