ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
15/2020/QĐ-UBND
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 8 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP
LUẬT VỀ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Đê điều ngày
29/11/2006;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành
chính ngày 20/6/2012;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ:
Số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết
một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; số
166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính; số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật Đê điều; số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017
quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai
thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; số 65/2019/NĐ-CP ngày 18/7/2019 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 quy định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và
bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 về kiểm
tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 296/TTr-SNN ngày 28/7/2020 dự thảo
lần 2 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp
luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn
thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày
01/9/2020. Quyết định này thay thế các Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố:
số 14/2014/QĐ-UBND ngày 14/3/2014 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác
phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội; số
46/2016/QĐ-UBND ngày 07/11/2016 bổ sung Quy chế phối hợp trong công tác phòng
ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, các
Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận,
huyện, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá
nhân có liên quan trên địa bàn Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bí Thư Thành ủy
- Các Phó Bí thư Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND và ĐĐBQHHN;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- VPUB: CVP, các PCVP, các Phòng chuyên môn;
- TT Tin học Công báo: Cổng giao tiếp điện tử TP;
- Lưu: VT, KTGiang.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sửu
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 13/8/2020 của Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định trách nhiệm phối hợp của các cấp,
các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng ngừa, xử lý
các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với Ủy ban nhân dân các cấp,
các Sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính theo quy định của pháp luật về đê điều; các tổ chức, cá nhân có hoạt
động liên quan đến đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3. Nguyên tắc chung
1. Vi phạm pháp luật về đê điều phải được phát hiện
kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng
quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải
được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm
vụ quản lý đê điều nhưng có hành vi, biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm
trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc bao che, tiếp tay cho vi phạm
pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý theo quy
định của pháp luật.
3. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành
trong công tác phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Nội dung công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan
tham gia mối liên hệ phối hợp phải tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm
không chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp, hỗ trợ hoạt
động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị xử lý và xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật về đê điều theo thẩm quyền. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình
phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phải được bàn bạc, thống nhất giải
quyết trên cơ sở thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được pháp luật quy định và yêu cầu
về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan liên quan.
Chương II
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ ĐIỀU
Điều 4. Công tác phòng ngừa vi
phạm
1. Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở ngành liên quan,
cơ quan chuyên môn về quản lý đê điều có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về đê điều.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chỉ đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão,
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên
quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều; hướng dẫn nghiệp vụ
về thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng làm công tác
thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đê điều;
b) Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất và triển khai các biện
pháp, giải pháp (công trình và phi công trình) nhằm phòng ngừa, ngăn chăn hiệu
quả các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
3. Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão:
a) Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện,
thị xã và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về đê điều;
b) Đề xuất, dự trù kinh phí cho công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trong kế hoạch chi nghiệp vụ hàng năm.
4. Hạt Quản lý đê:
a) Hướng dẫn công tác chuyên môn nghiệp vụ và tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều ở xã, phường, thị trấn thuộc địa
bàn quản lý;
b) Cung cấp các tin, bài liên quan đến vi phạm .và
xử lý vi phạm pháp luật về đê điều để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phát
trên đài truyền thanh.
5. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã:
a) Phối hợp với Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt
bão và các đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trên địa bàn;
b) Rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại
các khu vực bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều đúng quy định pháp luật về
đất đai, đê điều và các quy định pháp luật liên quan; kiên quyết xử lý, thu hồi
theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích
đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật;
c) Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra,
rà soát, cung cấp thông tin về mốc giới sử dụng đất, mục đích sử dụng đất liên
quan đến đê điều, kiến nghị xử lý đối với diện tích đất bãi sông, trong hành
lang bảo vệ đê điều sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
6. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
a) Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền và cơ quan
quản lý đê điều thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của
pháp luật về đê điều;
b) Định kỳ phát tin, bài về tình hình vi phạm và
công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên đài truyền thanh của xã,
phương, thị trấn.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản
lý, sử dụng đất khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, sử dụng đất làm
bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng, lắp dựng trạm trộn bê tông ngoài đê
đúng mục đích sử dụng đất, tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai;
b) Cung cấp thông tin về giấy phép khai thác cát
lòng sông cho chính quyền các địa phương và các đơn vị chức năng (phạm vi, ranh
giới, chiều sâu, khối lượng, phương án, thiết bị khai thác, phương tiện vận chuyển)
phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về khai thác cát lòng
sông.
8. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng chức
năng của Sở phối hợp với Chỉ cục Đê điều và Phòng chống lụt bão triển khai cắm
biển báo hạn chế tải trọng trên các tuyến đê kết hợp giao thông theo quy định.
9. Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân
quận, huyện, thị xã thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở
riêng lẻ tại khu vực ven đê, trên bãi sông theo đúng quy định.
10. Cơ quan Công an chủ động tham mưu các Sở, ban
ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã về những thông tin có liên quan đến
âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, tình hình hoạt
động của các loại tội phạm phá hoại các công trình quan trọng về an ninh Quốc
gia, các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều để có biện pháp phòng ngừa, ngăn
chặn và kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Công tác xây dựng, quản
lý, bảo vệ và xác định mốc giới bảo vệ đê điều, thoát lũ tại thực địa
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì
phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên
quan triển khai cắm mốc giới bảo vệ đê điều, thoát lũ tại thực địa.
2. Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão quản lý,
tu bổ hệ thống mốc giới đê điều, thoát lũ trên địa bàn Thành phố; cung cấp hồ
sơ, tọa độ mốc giới bảo vệ đê điều, thoát lũ cho cơ quan, đơn vị liên quan khi
được yêu cầu.
3. Hạt Quản lý đê quản lý hồ sơ, xác định mốc giới
đê điều, thoát lũ tại thực địa, phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
trong việc bảo vệ an toàn mốc giới đê điều, thoát lũ thuộc địa bàn quản lý.
4. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách
nhiệm bảo vệ an toàn mốc giới đê điều, thoát lũ trên địa bàn.
Điều 6. Công tác kiểm tra, phát
hiện và xử lý thông tin về vi phạm
1. Công tác kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm:
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi
vi phạm pháp luật về đê điều cần khẩn trương thông báo cho Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết.
b) Hạt Quản lý đê chủ trì, thường xuyên phối hợp với
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc lực lượng ở xã, phường, thị trấn
(công an, quản lý trật tự xây dựng đô thị, địa chính, quản lý đê nhân dân) kiểm
tra, phát hiện ngay từ khi mới phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
c) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo lực
lượng ở xã, phường, thị trấn (công an, quản lý trật tự xây dựng đô thị, địa
chính, quản lý đô nhân dân) phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê trong việc kiểm
tra, phát hiện và lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực
đê điều.
2. Xử lý thông tin về vi phạm:
a) Mọi tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đều có trách
nhiệm tiếp nhận và kịp thời xử lý thông tin về hành vi vi phạm pháp luật về đê
điều xảy ra thuộc phạm vi phụ trách theo quy định của pháp luật.
b) Kiểm soát viên đê điều (Hạt Quản lý đê) khi phát
hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều chủ trì, phối hợp đại diện Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc lực lượng ở xã, phường, thị trấn (công an,
quản lý trật tự xây dựng đô thị, địa chính, quản lý đê nhân dân) buộc chấm dứt
hành vi vi phạm:
- Nếu hành vi vi phạm chỉ vi phạm về lĩnh vực đê điều:
Tiến hành xác minh, lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều và phải
chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để xử phạt theo đúng quy định của
pháp luật; đồng thời có ngay văn bản gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn nơi xảy ra vi phạm đề nghị áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn không
để vi phạm phát triển; đồng thời tập hợp hồ sơ vụ việc vi phạm, kèm theo báo
cáo về tình hình vi phạm và gửi ngay đến Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Chi
cục Đê điều và Phòng chống lụt bão;
- Nếu hành vi vi phạm ngoài vi phạm về lĩnh vực đê
điều, còn vi phạm về lĩnh vực khác (đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên, môi
trường, giao thông...): Tiến hành lập biên bản làm việc, trong đó xác định cụ
thể nội dung vi phạm về lĩnh vực đê điều; đồng thời có ngay văn bản (kèm theo
biên bản làm việc) gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy
ra vi phạm đề nghị áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn không để vi phạm phát
triển và thực hiện việc lập biên bản vi phạm hành chính theo đúng quy định của
pháp luật. Đồng thời gửi ngay báo cáo đến Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt
bão, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã đề nghị xem xét chỉ đạo.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
khi nhận được hồ sơ vi phạm do Hạt Quản lý đê chuyển đến phải thành lập ngay tổ
công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm tổ trưởng tiến
hành kiểm tra, áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn không để vi phạm phát triển:
- Nếu hành vi vi phạm chỉ vi phạm về lĩnh vực đê điều:
Thực hiện ngay trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc
lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã xử phạt;
- Nếu hành vi vi phạm ngoài vi phạm về lĩnh vực đê
điều, còn vi phạm về lĩnh vực khác (đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên, môi
trường, giao thông...): Tiến hành xác minh, lập biên bản vi phạm hành chính; đồng
thời tiến hành trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc
lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã xử phạt.
Điều 7. Xử lý vi phạm
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử
phạt các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều theo thẩm quyền đối với
các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 20 Nghị
định số 104/2017/NĐ-CP. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã xử phạt.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã:
a) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn, cơ quan Công an và các lực lượng chức năng thuộc quận, huyện, thị xã xử
lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo đúng thẩm quyền quy định của
pháp luật;
b) Khi nhận được hồ sơ vụ việc vi phạm và đề nghị xử
phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nếu thuộc thẩm quyền xử
phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, phải tiến hành trình tự,
thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật;
c) Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ khi
nhận được văn bản kiến nghị xử lý vi phạm của cơ quan quản lý đê điều, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chức năng của quận, huyện,
thị xã kiểm tra, xác minh và tham mưu xử phạt hoặc chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn xử phạt theo thẩm quyền;
d) Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực
đê điều theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều
20, điểm a, điểm b khoản 1 Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25 Nghị định
số 104/2017/NĐ-CP. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch Ủy
ban nhân dân Thành phố xử phạt.
3. Hạt trưởng Hạt Quản lý đê:
a) Theo dõi, đôn đốc việc xử lý hành vi vi phạm
pháp luật về đê điều của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, người có thẩm quyền. Trường hợp hành vi vi
phạm không được xử lý hoặc xử lý không nghiêm, không dứt điểm theo đúng quy định
của pháp luật, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê tổ chức làm việc và có văn bản gửi Chủ
tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện,
thị xã, người có thẩm quyền, đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp
luật và gửi báo cáo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão;
b) Tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về
đê điều xảy ra trên địa bàn quản lý về Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Chi
cục Đê điều và Phòng chống lụt bão định kỳ hằng tháng, quí, năm và đột xuất khi
có yêu cầu;
c) Hằng năm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn rà soát, phân loại vi phạm, kiến nghị xử lý cụ thể đối với
từng trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng trên địa bàn quản lý.
4. Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt
bão:
a) Kiểm tra, xác minh, phân loại các trường hợp vi
phạm pháp luật về đê điều, chỉ đạo Hạt Quản lý đê lập hồ sơ, văn bản kiến nghị
chính quyền quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo quy định
của pháp luật;
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực
hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều
theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Định kỳ hằng tháng, quí, năm, đột xuất khi có
yêu cầu tổng hợp tình hình vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa
bàn Thành phố, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Phòng,
chống thiên tai;
d) Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực
đê điều theo thẩm quyền; tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo
cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về
lĩnh vực đê điều thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
5. Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đê điều đối
với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch thanh tra hằng năm, hoặc đột xuất được Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt;
b) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra viên thực hiện nhiệm
vụ thanh tra chuyên ngành về đê điều và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định
của pháp luật;
c) Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực
đê điều theo thẩm quyền; tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo
cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về
lĩnh vực đê điều thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
6. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Đê điều và Phòng
chống lụt bão phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra đối
với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đê
điều;
b) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xem
xét, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều khi nhận được báo
cáo, đề nghị của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, của Thanh tra Sở;
c) Chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng của
Thành phố đôn đốc Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm
pháp luật về đê điều thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật;
d) Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Đê điều và Phòng
chống lụt bão thường xuyên kiểm tra, tổng hợp báo cáo về tình hình tập kết,
trung chuyển vật liệu xây dựng, lắp dựng trạm trộn bê tông ở khu vực ngoài đê;
thành lập đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động tập kết,
kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng, lắp dựng trạm trộn bê tông ở khu vực
ngoài đê trong mùa lũ bão, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
đ) Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của
Thành phố thực hiện chức năng thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật
về đê điều và xử lý theo quy định của pháp luật.
7. Giám đốc Sở Giao thông vận tải:
a) Chỉ đạo Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp với
Cảnh sát Giao thông và các đơn vị liên quan tuần tra, ngăn chặn, xử lý xe có tải
trọng vượt quá tải trọng được phép lưu thông trên đê;
b) Chỉ đạo lực lượng chức năng chủ trì, phối hợp với
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động bến
thủy nội địa đối với các tổ chức, cá nhân mở bến bãi tập kết, trung chuyển vật
liệu xây dựng; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa đối với
các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều;
xử lý tàu, thuyền, xà lan, bè mảng neo đậu trái phép vào phạm vi bảo vệ công
trình kè bảo vệ bờ sông, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
8. Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Sở kiểm
tra, đôn đốc Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã kiểm tra,
rà soát, ngăn chặn và xử lý dứt điểm vi phạm về trật tự xây dựng liên quan đến
đê điều, ở bãi sông.
9. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối
hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát
việc quản lý, sử dụng đất ở khu vực ngoài đê, trong phạm vi bảo vệ đê điều; sử
dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng, lắp dựng trạm trộn bê tông
ngoài đê; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử
lý đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
10. Giám đốc Công an Thành phố:
a) Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường
tuần tra, xử lý các trường hợp bơm hút cát trái phép ở lòng sông, đặc biệt tại
những khu vực đê sát sông, những khu vực có kè bảo vệ bờ; phối hợp chặt chẽ với
Công an các tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của các phương tiện vận
chuyển, thiết bị khai thác cát trên sông tại khu vực giáp ranh theo quy chế phối
hợp đã được ký kết giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh giáp ranh; ngăn chặn, xử
lý triệt để các trường hợp xe quá tải trọng được phép lưu thông trên đê;
b) Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng phát hiện,
đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình đê điều và
phòng chống thiên tai, vi phạm quy định về bảo vệ lòng sông, bờ sông, bãi sông;
xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều theo thẩm quyền.
11. Chánh Thanh tra Thành phố chủ trì, phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ
chức thanh tra, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp
hành các quy định của pháp luật về đê điều, đề xuất xử lý theo đúng quy định của
pháp luật khi được Ủy ban nhân dân Thành phố giao.
12. Đối với các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh
vực đê điều thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố,
giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu Chủ
tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định xử phạt theo quy định; trường
hợp phức tạp, tổ chức họp liên ngành để thống nhất các nội dung trước khi trình
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định xử phạt.
Điều 8. Cưỡng chế, khắc phục hậu
quả
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về
lĩnh vực đê điều, nếu không tự nguyện chấp hành và đã quá thời hạn chấp hành
quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu
quả do người có thẩm quyền ban hành thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính, cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo
quy định của pháp luật.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã:
a) Tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế do Chủ tịch
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành;
b) Giao nhiệm vụ các cơ quan trực thuộc tổ chức thực
hiện quyết định cưỡng chế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã ban
hành;
c) Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện quyết
định cưỡng chế theo đề nghị của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ
chức thực hiện quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền và theo phân công của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã.
4. Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt
bão tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban
nhân dân quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức cưỡng chế các vụ việc vi phạm
pháp luật về đê điều.
5. Hạt trưởng Hạt Quản lý đê:
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trong việc
xây dựng kế hoạch, phân công lực lượng, phương án cưỡng chế;
b) Xác định mốc giới công trình đê điều, thoát lũ;
phạm vi công trình vi phạm; các vấn đề về kỹ thuật liên quan đến an toàn công
trình đê điều, thoát lũ làm cơ sở cho việc cưỡng chế, giải tỏa vụ việc vi phạm
pháp luật về đê điều.
6. Giám đốc Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị, lực
lượng chức năng có trách nhiệm xây dựng và triển khai phương án đảm bảo an ninh
trật tự, an toàn cho các lực lượng tham gia xử lý, cưỡng chế vụ việc vi phạm
pháp luật về đê điều của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng
chế của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi được yêu cầu.
Chương III
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công
tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều được khen thưởng theo quy định
của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Điều 10. Kỷ luật
1. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp quản
lý đê điều nhưng không kiểm tra, phát hiện, phối hợp với các lực lượng chức
năng tiến hành lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực
đê điều và kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt, hoặc không phát hiện kịp thời
ngay từ khi mới phát sinh vi phạm, gây khó khăn cho công tác xử lý thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về
lĩnh vực đê điều nhưng không xử lý nghiêm, dứt điểm theo quy định của pháp luật,
hoặc không kịp thời xử lý, để vi phạm phát triển vượt quá thẩm quyền, phải chuyển
hồ sơ vụ việc vi phạm lên cấp trên xử lý thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm
mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
có trách nhiệm tuân thủ những quy định tại Điều 16 Luật Xử lý vi phạm hành
chính, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 22 Nghị định
19/2020/NĐ-CP thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Các Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành Thành phố,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn Thành phố căn cứ chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm
tra, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi
phạm pháp luật về đê điều theo đúng quy định của pháp luật.
2. Kinh phí để tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vi phạm
pháp luật về đê điều do chính quyền các địa phương bố trí theo quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định
kỳ hàng năm chủ trì tổ chức sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện Quy chế,
tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan gửi
văn bản đề nghị về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.