ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15/2009/QĐ-UBND
|
Vũng Tàu, ngày 20 tháng 02 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU THỰC HIỆN NGHỊ
QUYẾT SỐ 05-NQ/TU NGÀY 27/5/2008 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ PHÁT TRIỂN KINH
TẾ DU LỊCH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân
dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14/6/2005;
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/5/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về
phát triển kinh tế du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 505/SVHTTDL-TT ngày 06/10/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của UBND tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/5/2008
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015; Danh mục các công việc, nhiệm
vụ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/5/2008 của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh, Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để th/h);
- Văn phòng CP (b/c);
- Bộ Tư pháp (Cục KT văn bản);
- Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch (b/c);
- TTr TU, HĐND tỉnh (để b/c);
- Các thành viên UBND Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ và các Đoàn thể;
- Đài, Báo BR-VT (để đưa tin);
- Sở Tư pháp (để theo dõi);
- Website Chính phủ;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, V1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Văn Niên
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05-NQ/TU NGÀY 27/5/2008
CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2015
(Ban hành kèm theo quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2009 của UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu)
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu lần III đã xác định mục tiêu phấn đấu của Tỉnh đến năm 2010:
“Phấn đấu để đến năm 2010, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản trở thành một trong những
trung tâm công nghiệp, du lịch và khai thác hải sản của khu vực và cả nước, một
thương cảng quốc gia và quốc tế”.
Ngày 27 tháng 5 năm 2008, Ban Thường
vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế
du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015.
Chương trình hành động này nhằm xác
định và phân công thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm
triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát
triển kinh tế du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015.
Phần 1.
NHỮNG MỤC TIÊU, NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP
I. Mục tiêu
phát triển:
1. Mục
tiêu cơ bản:
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2010 và
tầm nhìn đến 2015 là: Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở
thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí lớn của cả nước.
Hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ hay từng phần các dự án đã có chủ đầu
tư, đã được cấp phép tại các khu vực đã được quy hoạch du lịch. Ưu tiên thu hút
các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm để thực hiện các dự án lớn: Khu du
lịch lâm viên văn hóa Núi Dinh, khu du lịch lâm viên văn
hóa Núi Minh Đạm, khu du lịch Hoa Anh Đào, các khu du lịch ở Côn Đảo.
2. Mục tiêu cụ thể:
Để đạt được các mục tiêu phát triển
đã được đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/5/2008
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể như sau:
- Đến năm 2010 sẽ đưa vào khai thác
79 dự án du lịch với các loại hình: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí, du
lịch văn hóa kết hợp thể thao, du lịch sinh thái. Đến năm 2015 đưa vào khai
thác thêm 27 dự án du lịch, trong đó có các khu phức hợp du lịch, trường đào
tạo về du lịch, tạo được sự bứt phá cho ngành kinh tế du lịch của địa phương.
- Định hình trung tâm du lịch và 4
vùng du lịch:
+ Thành phố Vũng Tàu: Là Thành phố du
lịch biển với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao ven biển, giải trí về
đêm và du lịch thương mại-hội nghị.
+ Cụm du lịch Long Hải-Phước Hải:
phát triển thành cụm văn hóa, thể thao, nghỉ dưỡng biển
kết hợp tham quan di tích, danh thắng.
+ Cụm du lịch Núi Dinh: Phát triển
loại hình du lịch nghỉ dưỡng, lâm viên văn hóa trên núi,
kết hợp với trung tâm thương mại TX. Bà Rịa thành tuyến du
lịch nghỉ dưỡng và mua sắm.
+ Cụm du lịch Bình Châu-Hồ Linh: Phát
triển các khu du lịch phức hợp bao gồm loại hình du lịch nghỉ
dưỡng kết hợp điều dưỡng, giải trí văn hóa, thể thao cao
cấp, sân golf và du lịch sinh thái.
II. Nhiệm
vụ - giải pháp:
Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ
IV của tỉnh Đảng bộ; để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác
định những nhiệm vụ và giải pháp chính phát triển ngành kinh tế du lịch như sau:
1. Đầu
tư phát triển cơ sở vật chất cho du lịch để tạo nhiều sản phẩm đa dạng và có những
sản phẩm đủ sức thu hút khách du lịch cao cấp.
a. Đầu tư từ
nguồn ngân sách nhà nước cho công tác quy hoạch du lịch
- Quản lý công tác quy hoạch du lịch đảm bảo tuân thủ quy hoạch tổng thể phát
triển ngành du lịch và các quy hoạch chi tiết đã được phê
duyệt; Tiếp tục tiến hành quy hoạch Khu Du lịch Hồ Bút
Thiền (Huyện Đất Đỏ), làm cơ sở thu hút và quản lý đầu tư vào khu vực này.
- Từ năm 2008 đến năm 2010 ngân sách
của Tỉnh sẽ đầu tư 5,166 tỷ đồng cho công tác quy hoạch
chi tiết tỷ lệ 1/2000 các khu du lịch, trong đó có 3 đồ án quy hoạch chuyển tiếp từ giai đoạn trước (2001 - 2005) với kinh phí là: 1,666
tỷ đồng và 3 đồ án quy hoạch mới với kinh phí là: 3,5 tỷ đồng, chưa tính quy
hoạch du lịch Côn Đảo.
- Khảo sát, lựa chọn địa điểm để quy
hoạch xây dựng cảng cho tàu chở khách du lịch. Kêu gọi đầu tư, có chính sách ưu
đãi cho loại hình đầu tư du lịch này để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
- Đối với huyện Côn Đảo: Phát huy giá
trị khu di tích lịch sử cách mạng đặc biệt của cả nước và giá trị sinh thái của
vườn Quốc gia Côn Đảo, khẩn trương hoàn thành quy hoạch du
lịch Côn Đảo, đảm bảo đạt yêu cầu là một khu du lịch đặc sắc tầm cỡ khu vực và
quốc tế. Trong đó có quy hoạch phát triển khu sân bay Cỏ
Ống, nâng cấp sân bay Côn Đảo, quy hoạch các khu vui chơi giải trí chất lượng
cao, các khu mua sắm, hội nghị, hội thảo; nâng cấp các di tích lịch sử trên đảo.
- Đối với Thành phố Vũng Tàu và các
huyện: Tân Thành; Long Điền; Đất Đỏ; Xuyên Mộc: trong năm 2009 hoàn thành quy
hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố Vũng Tàu và các huyện
trên cơ sở các cụm du lịch đã được xác định theo quy hoạch tổng thể phát triển
du lịch giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến 2020. Đảm bảo ổn định diện tích,
vị trí đất quy hoạch du lịch đã được UBND Tỉnh phê duyệt, không sử dụng đất du
lịch vào mục đích khác. Ngoài các khu du lịch đã được quy hoạch các huyện Tân
Thành, Châu Đức, thị xã Bà Rịa cần tiếp tục nghiên cứu một số vị trí có thể
tiếp tục phát triển các điểm du lịch phục vụ đối tượng khách kinh doanh và
khách của các khu công nghiệp, cảng biển...
b. Đầu tư các
công trình hạ tầng ngoài hàng rào các khu du lịch và các chương trình trọng tâm
phát triển du lịch từ nguồn ngân sách Tỉnh:
- Xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các
dự án du lịch theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của
Tỉnh.
- Đầu tư các công trình hạ tầng phụ
trợ cho ngành du lịch như: các trung tâm thương mại tại TP. Vũng Tàu, Phú Mỹ,
Xuyên Mộc, Đất Đỏ, khu hội chợ - triển lãm - hội nghị, khu Trung tâm Thương mại
Thái Dương tại thành phố Vũng Tàu; Nâng cấp, tu bổ các công viên, các điểm văn
hóa, đường giao thông đến các khu du lịch trọng điểm.
- Đầu tư các chương trình trọng tâm
để phát triển du lịch: tuyên truyền quảng bá du lịch; phát triển công nghệ
thông tin; đảm bảo trật tự, an toàn tại các tuyến, điểm du lịch, đào tạo nguồn
nhân lực du lịch; tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, các lễ
hội truyền thống phục vụ kinh doanh du lịch.
c. Huy động nguồn
lực từ các thành phần kinh tế nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
- Xã hội hóa các hoạt động xây dựng
cơ sở vật chất phục vụ cho việc kinh doanh các ngành nghề hỗ trợ cho ngành du
lịch, tạo thêm sản phẩm cho du lịch. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp có sẵn quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất, hình
thành các sản phẩm dịch vụ du lịch: vui chơi giải trí, văn hóa, nghệ thuật,
biệt thự, khách sạn du lịch, nhà hàng cao cấp.
- Đối với cơ sở lưu trú du lịch: tăng
cường kiểm tra, thẩm định xếp hạng khách sạn đúng theo tiêu chuẩn, trong đó chú
trọng về cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ lao động nhằm khuyến khích đầu tư,
nâng cấp các loại hình lưu trú, kể cả phòng trọ, nhà nghỉ thuộc trách nhiệm
quản lý của UBND cấp huyện, thị xã, thành phố Vũng Tàu.
- Đối với phương tiện vận chuyển
khách du lịch: tăng cường kiểm tra định kỳ, đồng thời khuyến khích tạo điều
kiện để đơn vị kinh doanh đầu tư nâng cấp phương tiện vận chuyển; Nâng cấp tàu
cánh ngầm tuyến TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu đảm bảo sạch
đẹp, tiện nghi, an toàn cho khách du lịch.
d. Phát triển các
loại hình du lịch và đa dạng hóa sản phẩm du lịch:
- Phát triển các loại hình du lịch
chủ yếu: Du lịch nghỉ dưỡng-giải trí; du lịch văn hóa-lễ
hội; du lịch MICE và du lịch sinh thái.
- Định hướng và tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp khai thác các di tích lịch sử, văn hóa có tiếng thành các điểm du
lịch văn hóa có khả năng thu hút khách: địa đạo Long Phước, chiến khu Minh Đạm,
Núi Dinh, khu di tích Hải Đăng, mộ Bà Rịa, bảo tàng dầu khí, bảo tàng nghề cá.
- Nâng quy mô
các lễ hội truyền thống tiêu biểu của Tỉnh thành lễ hội văn hóa thu hút khách
du lịch; Tái hiện các hình ảnh dựng nước và giữ nước truyền
thống của quân và dân BR-VT xưa thành sản phẩm du lịch; Ngân sách nhà nước và
doanh nghiệp cùng đầu tư phục hồi các nghề truyền thống của địa phương trở
thành điểm dừng chân, tham quan của du khách.
- Tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm
tăng nhanh lượng khách du lịch đến Tỉnh: Khai hội Văn hóa - Du lịch trong dịp Tết Nguyên đán với nội dung và hình thức hấp dẫn, luôn được đổi mới...
nhằm thu hút sự chú ý của nhân dân trong nước và khách quốc tế đối với du lịch BR-VT, Hoa hậu quí bà thành đạt vào năm 2009.
- Khuyến khích doanh nghiệp kinh
doanh khách sạn, khu du lịch và nhân dân đầu tư loại hình du lịch ẩm thực thành
thế mạnh của BR-VT với các món ăn đặc sắc, mang đậm hương
vị đặc trưng của mỗi vùng, mỗi địa phương trong Tỉnh.
- Tổ chức các sự kiện thể thao theo
phương thức nhà nước, doanh nghiệp và nhà tài trợ cùng tổ chức để thu hút khách
du lịch về Tỉnh và quảng bá thương hiệu, sản phẩm của
doanh nghiệp.
- Thu hút các thành phần kinh tế đầu
tư loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với điều dưỡng, thể thao, chơi golf ...
tạo ra loại hình du lịch đa dạng của Bà Rịa-Vũng Tàu.
- Phát triển loại hình du lịch MICE
với quy mô vừa và nhỏ, tạo mối liên kết giữa các khách
sạn, khu du lịch đủ tiêu chuẩn phục vụ khách MICE của Tỉnh với nhau và với các
hãng lữ hành quốc tế lớn, hình thành sản phẩm du lịch MICE cho Bà Rịa-Vũng Tàu
với tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu cao cấp của khách MICE.
Tiến hành đầu tư khu trung tâm hội chợ - hội nghị - hội
thảo của Tỉnh làm nền tảng cho phát triển du lịch MICE trong toàn tỉnh vào thời
gian tới.
- Hoàn chỉnh đồng bộ cơ sở hạ tầng
phục vụ du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và
Vườn Quốc Gia Côn Đảo; đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái theo
hướng thu hút các nhà đầu tư có khả năng điều hành và khả
năng tài chính bằng các chính sách ưu đãi về giá thuê môi trường, tỷ lệ thuế
suất để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái tại khu Bảo tồn thiên nhiên Bình
Châu - Phước Bửu và Vườn Quốc Gia Côn Đảo, vừa phát triển du lịch sinh thái,
vừa bảo vệ và tôn tạo môi trường rừng.
- Hình thành các tour du lịch đặc
trưng phục vụ cho từng đối tượng khách, chú trọng tour du
lịch thể thao, du lịch ẩm thực, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
- Quy hoạch, xây dựng từ 1 đến 2 cảng
chuyên dùng đón khách du lịch nhằm khai thác và phục vụ có
hiệu quả nguồn khách du lịch quốc tế trên các chuyến tàu biển cao cấp.
- Kiến nghị với Trung ương cho phép
một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh các sản phẩm du lịch mới
lạ, hấp dẫn ở ngoài khơi như: lặn biển, tàu ngầm, nhảy dù, đua thuyền xuyên
quốc gia,... để thu hút đầu tư và tạo những sản phẩm mới.
2. Duy
trì và cải thiện môi trường tự nhiên và xã hội để phát triển du lịch
a. Duy trì môi
trường tự nhiên để phát triển du lịch bền vững:
- Xây dựng Chương trình hành động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch đến năm 2010;
- Định kỳ giám sát chất lượng môi
trường tại các khu vực trọng điểm du lịch, trong các khu du lịch đang sử dụng
tài nguyên tự nhiên; giám sát chất lượng các nguồn xả thải trước khi thải vào
môi trường, giám sát các đơn vị kinh doanh thực hiện các cam kết về bảo vệ môi
trường, khảo sát đánh giá tác động môi trường ngay từ khâu lập dự án.
- Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp
chống xói lở bờ biển tại Lộc An, Bình Châu, Hồ Tràm; có biện pháp khắc phục,
khảo sát hiện tượng ao xoáy ở Chí Linh Cửa Lấp, bãi tắm Thùy Vân, đề ra các
biện pháp phòng tránh và đối phó với các sự cố thủy nạn. Xây dựng kế hoạch hàng
năm về phòng chống, các biện pháp ứng phó thiên tai và sự cố dầu tràn tại các khu du lịch ven biển.
- Nghiên cứu giải pháp để trồng cây
phủ xanh Núi Lớn - Núi Nhỏ. Gia tăng mật độ cây xanh ở bãi tắm Thùy Vân và các
khu du lịch ven biển ở Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm.
- Có giải pháp khẩn trương xử lý rác
thải tại các khu đô thị, các khu dân cư dọc tuyến biển. Di dời các cơ sở chế
biến hải sản ra khỏi đô thị và các khu trọng điểm du lịch.
- Thành lập, củng cố các tổ phòng
cháy chữa cháy ở các khách sạn, các khu du lịch - Xây dựng mạng lưới phòng
chống bão lụt ở các cơ sở, đơn vị kinh doanh ven bờ biển để phòng ngừa và giảm
thiểu tổn thất do thiên tai.
b. Đảm bảo môi
trường xã hội ổn định để phát triển du lịch:
- Tuyên truyền, giáo dục ý thức văn
minh trong quan hệ mua bán, giao tiếp với khách du lịch và ý thức giữ gìn trật
tự vệ sinh nơi công cộng trong cộng đồng dân cư. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, tăng cường công tác bình ổn giá dịch vụ du lịch,
chống các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh trong dịch vụ như hạ giá thành
bằng những sản phẩm kém chất lượng, mua chuộc hướng dẫn viên và lái xe; lừa gạt
chèn ép du khách hoặc các hình thức quấy rối, chèo kéo, đeo bám khách để bán
hàng rong.
- Chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị
kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm các quy định pháp luật
về du lịch: chế độ báo cáo định kỳ, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, xếp
hạng cơ sở lưu trú, kinh doanh các ngành nghề có điều kiện trong cơ sở lưu trú,
kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, hoạt động hướng dẫn du lịch, tiêu chuẩn
nghiệp vụ chuyên môn đối với các chức danh ngành nghề, đảm bảo vệ sinh an toàn
thực phẩm, trật tự, trị an, vệ sinh môi trường trong các cơ sở kinh doanh du
lịch, quy hoạch các khu vực dành cho
các đối tượng kinh doanh không đăng ký kinh doanh theo Nghị định 39/2007/NĐ-CP
ngày 16/3/2007 của Chính phủ.
- Tiếp tục ổn định trật tự giao thông, duy tu, bảo dưỡng các biển báo giao thông tại các tuyến
đường dẫn đến các khu du lịch, các điểm tham quan, mua sắm, giáo dục ý thức
chấp hành luật lệ giao thông của người dân, xử phạt nghiêm các trường hợp gây
mất trật tự an toàn giao thông.
- Duy trì và nâng quy mô cả về số lượng các đơn vị tham gia và chất
lượng Chương trình “Những địa chỉ tin cậy của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu” nhằm
khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ nâng cao chất lượng các
loại hình dịch vụ du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý và đảm
bảo trật tự an toàn tại các bãi tắm công cộng trên địa bàn các huyện, thành phố
Vũng Tàu. Phấn đấu trong năm 2008, 2009 xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng bãi tắm
Thùy Vân đoạn từ khách sạn Tháng 10 đến ngã ba Phan Chu Trinh, hình thành bãi
tắm được quản lý chặt chẽ, đảm bảo trật tự kinh doanh, an ninh, an toàn, bảo vệ
và tôn tạo cảnh quan môi trường. Phát triển rộng mạng lưới cấp cứu thủy nạn tại
các bãi tắm, các hồ bơi, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn
rủi ro xảy ra cho du khách.
- Kiện toàn bộ máy tổ chức của các
Ban quản lý các khu du lịch và các Phòng văn hóa, thể
thao huyện nhằm làm tốt
công tác đảm bảo trật tự kinh doanh, cứu hộ, bình ổn giá trên từng địa bàn
huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức các tổ tiếp nhận kiến nghị của du khách từ
cấp tỉnh đến cấp huyện, sớm phát hiện và xử lý các trường hợp xâm phạm quyền
lợi chính đáng của du khách.
- Trùng tu, tôn tạo các cơ sở tín
ngưỡng, tôn giáo thu hút đông du khách. Xây dựng mô hình quản lý các khu du
lịch di tích, danh thắng ở thành phố Vũng Tàu, địa đạo Long Phước, Thánh giá
Long Tân, chiến khu Minh Đạm, Niết Bàn Tịnh Xá... vừa đảm bảo trật tự tôn
nghiêm, an toàn, phục vụ nhu cầu tham quan, hành hương của du khách, vừa tạo ra
được thêm nguồn kinh phí để trùng tu các di tích, tạo thêm những sản phẩm để
phát triển kinh tế du lịch.
- Các huyện, thị xã, thành phố trùng
tu, nâng cấp các khu vực công cộng như công viên, tượng đài, các di tích,...
quản lý tốt các hoạt động lễ hội, xử phạt nghiêm các hành vi gây mất trật tự,
vệ sinh nơi công cộng, tạo môi trường tự nhiên và xã hội lành mạnh, trong sạch,
gây ấn tượng tốt đối với du khách.
3. Nâng
cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
a. Đào tạo phát
triển nguồn nhân lực du lịch:
Căn cứ quy hoạch và yêu cầu cụ thể
đối với những người làm việc trong ngành Du lịch để xây dựng và thực hiện kế
hoạch đào tạo. Theo tiêu chuẩn định mức kỹ thuật phục vụ cơ sở lưu trú của Tổng
cục du lịch, khách sạn, Resort tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao, thì hệ số lao động
phục vụ trên một phòng khoảng 1,5 người. Như vậy, dự báo đến năm 2010 với sự
phát triển của 79 dự án đầu tư khách sạn, Resort tiêu chuẩn từ 2 đến 5 sao,
ngành du lịch cần thêm khoảng 1.900 công nhân lao động thuộc các nghề đòi hỏi
kỹ thuật cao như: kỹ thuật phục vụ buồng, phục vụ bàn, lễ tân, lao động phục vụ
khác, chưa kể nhà điều hành tour, hướng dẫn viên du lịch,...
Để củng cố và phát triển nguồn nhân
lực du lịch trong giai đoạn 2006 - 2010 cần tập trung một số giải pháp sau:
- Tiến hành điều tra, thống kê và
phân loại trình độ nghiệp vụ lao động, nhu cầu đào tạo
mới, đào tạo lại nhân lực trong toàn ngành để có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi
dưỡng ngắn hạn nhằm nhanh chóng nâng cao tay nghề, trình
độ của cán bộ quản lý và nhân viên trong các cơ sở kinh doanh. Chú trọng đào
tạo công nhân kỹ thuật lành nghề ở tất cả các khâu dịch vụ. Khuyến khích hình
thức liên kết đào tạo bồi dưỡng giữa các huyện và các trường nghiệp vụ du lịch.
Trước mắt cần tập trung mở các lớp: lớp kỹ thuật phục vụ
khách sạn và phục vụ lưu trú, lớp bồi dưỡng trình độ và
vốn kiến thức lịch sử cho các hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân của các
công ty du lịch, cán bộ làm công tác thuyết minh tại các di tích lịch sử, các
điểm tham quan. Tạo điều kiện cho cán bộ công chức, các nhà quản lý kinh doanh
du lịch tham gia các khóa đào tạo dài hạn về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng
quản lý do Tổng cục Du lịch và các Bộ, Ngành tổ chức.
- Các doanh nghiệp chủ động đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để kịp thời đáp ứng
với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và của Tỉnh. Các doanh nghiệp đang kinh
doanh và các nhà đầu tư dự án du lịch lớn cần tổ chức cung
cấp thông tin về lao động trong ngành giúp cho người lao động tìm được việc làm
và giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động phù hợp, hiệu quả, nhanh
chóng.
- Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo,
bồi dưỡng đối với những vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ mang tính đặc thù như:
quan hệ giao tiếp cho các đối tượng tiếp xúc với du khách, sơ cấp cứu y tế, cấp
cứu thủy nạn, phòng cháy - chữa cháy, công tác bảo vệ an ninh trật tự... hàng
năm và hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho
người lao động trong ngành.
- Xã hội hóa công tác đào tạo nhân
lực du lịch, thu hút các nhà đầu tư có năng lực tổ chức và
tài chính đầu tư các loại hình đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, cung ứng
nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành du lịch.
b. Tuyên truyền
quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Tuyên truyền rộng rãi nhằm tạo ra
sự chuyển biến về nhận thức của các ngành, các cấp và cộng đồng nhân dân về vai
trò và hiệu quả của ngành du lịch, có các hoạt động thiết thực cùng tham gia
vào việc quảng bá hình ảnh du lịch của Tỉnh, thể hiện bằng hành vi giao tiếp
với du khách, bằng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tôn vinh nét đẹp truyền
thống tại địa bàn dân cư, góp phần thu hút khách du lịch.
- Sử dụng biểu tượng Du lịch BR-VT để
quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch. Đa dạng các loại ấn phẩm tuyên truyền về du
lịch bằng nhiều hình thức. Duy trì và cập nhật website du lịch BR-VT. Chú trọng
quảng bá hình ảnh du lịch địa phương ra các tỉnh bạn và ra nước ngoài thông qua
văn phòng các chi nhánh của các công ty trong tỉnh đóng trên địa bàn tỉnh bạn
và các tham tán thương mại ở các sứ quán Việt Nam tại nước ngoài. Nghiên cứu
giải pháp mời chuyên gia tư vấn nước ngoài về tuyên
truyền, xúc tiến du lịch để Bà Rịa - Vũng Tàu thành điểm đến của du khách quốc
tế.
- Khai thác các nguồn thông tin từ
báo chí, trao đổi thông tin hai chiều giữa báo chí với ngành du lịch, tập trung
vào các báo lớn, có tầm ảnh hưởng rộng đối với dư luận xã hội; mở rộng hợp tác
giữa Tờ tin Du lịch của Tỉnh với tờ tin du lịch của các tỉnh bạn trong toàn
quốc nhằm trao đổi thông tin hai chiều về du lịch; Tích cực, chủ động tham gia
các hội chợ, hội thảo quốc tế, tranh thủ quảng bá sản phẩm du lịch, xúc tiến
đầu tư và học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, điều hành hoạt động du lịch.
- Tăng cường công tác tuyên truyền
trong tỉnh nhằm định hướng dư luận theo hướng tích cực, ủng hộ sự phát triển
của ngành du lịch, giới thiệu các sản phẩm du lịch, giới thiệu các phương thức
kinh doanh hiện đại, phê phán các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh du lịch.
- Xây dựng hệ thống tích hợp thông
tin dữ liệu liên quan đến đầu tư phát triển du lịch, tăng cường chức năng tư
vấn, đầu tư du lịch, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện quy
trình thủ tục đơn giản, hiệu quả.
- Hướng dẫn và tạo điều kiện cho
doanh nghiệp mở rộng quảng bá ở thị trường TP. Hồ Chí
Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thị trường các tỉnh Đông Nam Bộ, thị
trường Hà Nội..., khai thác các thị trường du lịch quốc tế
trọng điểm trên cơ sở các loại hình du lịch
phù hợp với định hướng phát triển du lịch của Tỉnh và các
cam kết của Việt Nam về lĩnh vực du lịch trong Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
4. Nâng
cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch.
a. Tăng cường
quản lý nhà nước các dự án đầu tư du lịch, tích cực chuyển vốn đăng ký thành vốn thực hiện:
- Quản lý chặt chẽ quỹ đất đã quy
hoạch du lịch, đảm bảo triển khai dự án đầu tư phù hợp với định hướng phát
triển du lịch của tỉnh, tăng cường quản lý hoạt động tư
vấn đầu tư du lịch để đánh giá đúng đắn năng lực của tổ chức tư vấn và khả năng
thực hiện dự án của nhà đầu tư.
- Các cơ quan liên quan tích cực hỗ
trợ và hướng dẫn các nhà đầu tư lập thủ tục đầu tư và các
thủ tục liên quan đến đất đai để
kịp thời đưa các dự án đầu tư vào khởi công
xây dựng theo đúng tiến độ nhà đầu tư đã cam kết, chuyển vốn đăng ký thành vốn
thực hiện theo mục tiêu đã đề ra. Tập trung theo dõi đôn đốc hỗ trợ về mặt thủ
tục, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch quan trọng đối với sự phát triển
kinh tế, xã hội của Tỉnh đã có chủ trương đầu tư hoặc đã được cấp giấy chứng
nhận đầu tư như: khu du lịch Sài gòn Atlantic, khu du lịch phức hợp Hồ Tràm, Vườn thú bán hoang dã Safari Bình Châu, khu du lịch Hồ Cốc,
khu du lịch lâm viên văn hóa Minh Đạm, khu du lịch và Cáp treo Núi Lớn-Núi Nhỏ,
khu du lịch Lạc Việt và một số khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Côn Đảo.
- Giải quyết dứt điểm các vướng mắc,
khó khăn trong công tác kiểm kê, hỗ trợ, bồi thường tái định cư và đền bù giải
tỏa, khẩn trương hoàn thành công tác giao đất cho nhà đầu
tư, cắm mốc trên thực địa tại một số dự án khu vực Hồ Tràm, Hồ Cốc nhằm đảm bảo
tiến độ nhà đầu tư đã cam kết.
- Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2015, định hướng đến 2020 đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết số 06/2007/NQ-CP ngày 29/01/2007 của
Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất Tỉnh BR-VT đến
2010 đã được Chính phủ ban hành, khẩn trương đo đạc cắm mốc xác định vị trí,
diện tích đất chuyển ra khỏi lâm phần, làm cơ sở xem xét cho chủ trương đầu tư
các khu du lịch sinh thái trong khu vực rừng phòng hộ ven biển.
- Đối với các dự án đầu tư du lịch
sinh thái thuê môi trường rừng trên đất lâm nghiệp, cần có sự thống nhất và
hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư về nội dung thuê, quy trình,
thủ tục với giá thuê môi trường hợp lý, phù hợp với lợi
ích của nhà đầu tư để khuyến khích đầu tư vào loại hình du lịch sinh thái nhằm
giữ vững ổn định môi trường sinh thái theo định hướng phát triển du lịch bền
vững.
- Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu
về đầu tư; công khai danh mục đầu tư, các chính sách, thủ tục đầu tư về du lịch
của Tỉnh; quy định rõ ràng trình tự thủ tục từ khâu xin
chủ trương đầu tư cho đến khi được giao đất, thuê đất, rút ngắn thời gian và
đơn giản thủ tục khi thực hiện các dự án đầu tư. Xác định trách nhiệm làm việc
và tinh thần phục vụ của các cơ quan công quyền đối với các dự án đầu tư là để
phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
b. Quản lý nhà
nước các loại hình kinh doanh du lịch:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra các loại hình kinh doanh du lịch: lữ hành nội địa và quốc tế, cơ sở lưu trú
du lịch, hướng dẫn viên du lịch và các hoạt động dịch vụ khác trong khu du
lịch, khách sạn; Cải cách thủ tục hành chính về cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch,
xếp hạng khách sạn, cấp phép các hoạt động thương mại, văn hóa, thể thao trong khách sạn, khu du lịch. Từng bước hoàn
chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về du lịch trên
cơ sở Luật Du lịch và các văn bản của các Bộ, Ngành, bổ sung ban hành các quy
định cho phù hợp với tình hình mới trên địa bàn tỉnh, bổ sung quy chế bảo vệ
môi trường trong lĩnh vực du lịch.
- Kiện toàn, củng cố phát triển vai
trò hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch, xây dựng chương trình kế
hoạch phối hợp các Sở, Ban, Ngành địa phương nhằm phát triển kinh tế du lịch.
- Nâng cao năng lực hoạt động của
Hiệp hội Du lịch, làm tốt vai trò cầu nối giữa các cơ quan nhà nước và doanh
nghiệp, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo bồi
dưỡng nhân lực; tuyên truyền quảng bá; tiếp thị sản phẩm; bình ổn giá cả, chống
cạnh tranh không lành mạnh, v.v...
- Củng cố tổ chức hoạt động của Trung
tâm xúc tiến du lịch nhằm đủ sức thực hiện các nhiệm vụ: tuyên truyền quảng bá,
đào tạo bồi dưỡng, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng thương
hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh... trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động
cung cấp thông tin hỗ trợ cho các nhà đầu tư, khách du
lịch, tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế.
- Tăng cường hoạt động thanh tra -
kiểm tra theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho hoạt
động kinh doanh du lịch đúng pháp luật và hiệu quả. Phát huy vai trò của thanh
tra du lịch và thực hiện tốt công tác phối hợp với các
ngành chức năng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.
- Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng
lực cạnh tranh thông qua việc giới thiệu công nghệ mới,
phương thức kinh doanh mới; tổ chức quảng bá xây dựng thương hiệu; đào tạo bồi
dưỡng công nhân lao động trong ngành; hướng dẫn các doanh
nghiệp thực hiện đăng ký tiêu chuẩn chất lượng phục vụ; đa dạng hóa loại hình, phương
thức đào tạo - bồi dưỡng để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trước mắt của các doanh nghiệp trong những năm tới, bổ sung kỹ năng
nghề nghiệp cho người lao động; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, đưa vào ứng dụng
kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan đến ngành du lịch như: Phát
triển du lịch sinh thái; Đánh giá hiệu quả đầu tư, xây dựng bảng I-O (xuất - nhập thông tin) và áp dụng TSA (tài
khoản vệ tinh) ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Điều tra hoạt động du lịch
và chi tiêu của khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án Quản
lý tổng hợp dải ven bờ; Điều tra, đánh giá trữ lượng nước khoáng nóng Bắc Bình
Châu - huyện Xuyên Mộc, phục vụ điều dưỡng; Nghiên cứu tổng hợp các điều kiện tự nhiên và khoáng sản vùng biển ven bờ (0-40 m nước)
phục vụ phát triển đới duyên hải; Nghiên cứu xây dựng kế hoạch phòng ngừa và
ứng cứu sự cố dầu tràn; Nghiên cứu giải pháp đầu tư và khai thác tiềm năng văn
hóa phục vụ du lịch; Phát triển loại hình du lịch MICE; Nghiên cứu và phục chế
trang phục truyền thống người Châu Ro; Nghiên cứu, thiết kế, phục chế mô hình
súng thần công để phục vụ du khách; Nghiên cứu tác động sự hình thành của ao
xoáy ở các bãi tắm.
- Tiếp tục duy trì phong trào thi đua
trong các doanh nghiệp du lịch, biểu dương những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả,
nâng cao sức cạnh tranh bằng các đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du
khách, tuyên truyền, tiếp thị sản phẩm, đổi mới cung cách phục vụ.
- Củng cố hoạt
động du lịch ở các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn
thành phố Vũng Tàu, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn các huyện nhằm mục tiêu tập trung các lao động nhỏ
lẻ, cá thể vào tổ chức Hợp tác xã để giúp đỡ, hướng dẫn tạo công ăn việc làm
chính đáng cho họ đồng thời giảm thiểu tệ nạn bán hàng rong, kinh doanh chụp
giật tại các điểm du lịch trong tỉnh.
III. Nhiệm
vụ trọng tâm và tổ chức thực hiện từ nay đến năm 2010
1. Về quy hoạch du lịch, đầu tư hạ tầng
và quản lý tiến độ các dự án:
- Ban Quản lý phát triển Côn Đảo phối
hợp UBND Huyện Côn Đảo hoàn thành quy hoạch tổng thể phát
triển du lịch Côn Đảo trên tinh thần quyết định số 264/2005/QĐ-TTg ngày
25/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển KT-XH
huyện Côn Đảo đến năm 2020
- Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch hoàn
thành quy hoạch chi tiết khu du lịch Hồ Bút Thiền huyện
Đất Đỏ và làm thủ tục công bố quy hoạch, làm cơ sở quản lý
các dự án đầu tư du lịch vào khu vực này.
- Sở Tài nguyên Môi trường và UBND
các huyện và Thành phố Vũng Tàu tập trung tháo gỡ những
khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho
các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án lớn: Asian Coast (Hồ Tràm Strip),
Saigon Atlantis, Công viên Wonderful.
2. Về
tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch:
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ
trì xây dựng kế hoạch và chương trình Lễ Khai hội Văn hóa-Du lịch năm 2009,
2010; Tổ chức thành công Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới và Cuộc thi Hoa hậu
quý bà năm 2009.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ
đạo Trung tâm Xúc tiến Du lịch nghiên cứu, điều chỉnh các tiêu chuẩn, thể lệ
tham gia và quy chế thẩm định “Chương trình những địa chỉ
tin cậy của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu”, lập kế hoạch triển khai Chương trình đợt
II vào năm 2009.
3. Về
ổn định môi trường du lịch:
- Công an Tỉnh phối hợp với Sở Lao
động Thương binh Xã hội chủ trì cùng các ngành liên quan tiếp tục thực hiện đề
án đảm bảo trật tự trị an và vệ sinh môi trường tại các tuyến điểm tham quan du
lịch, các bãi tắm.
- Sở Tài chính chủ trì thực hiện bình
ổn giá các mặt hàng dịch vụ du lịch.
- Sở Công thương chủ trì phối hợp với
các địa phương và các ngành liên quan thực hiện Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày
16/3/2007 của Chính phủ về cá nhân kinh doanh độc lập
không phải đăng ký kinh doanh, kiên quyết giảm thiểu nạn hàng rong đeo bám du
khách, gây mất mỹ quan đô thị.
- Sở Khoa học Công nghệ xây dựng đề
tài khoa học tìm nguyên nhân, cơ chế hình thành ao xoáy khu vực Bãi Sau và đề
xuất giải pháp xử lý ao xoáy góp phần phát triển du lịch Tỉnh. Trước mắt khuyến
cáo các đội cứu hộ bờ biển xử lý các trường hợp lọt ao xoáy và tuyên truyền,
hướng dẫn khách du lịch thao tác ứng phó với ao xoáy khi tắm biển.
4. Về
các loại hình văn hóa và thương mại phục vụ cho du lịch:
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tiến hành đầu tư, nâng cấp các di tích trọng điểm đưa vào
khai thác kinh doanh du lịch như: Căn cứ Minh Đạm, Địa đạo Long Phước, Trận địa
Pháo cổ Núi Lớn-Núi Nhỏ, phối hợp với Hiệp hội Du lịch đưa các di tích vào
chương trình tham quan du lịch.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phối hợp với UBND các địa phương xây dựng chương trình nghệ thuật chuyên
nghiệp, chọn lọc các lễ hội điển hình nâng quy mô thành
sản phẩm du lịch.
- UBND huyện Côn Đảo lập và thực hiện
kế hoạch đầu tư tôn tạo, khai thác các di tích lịch sử Côn Đảo phục vụ khách du
lịch.
- Sở Công thương xây dựng và thực
hiện đề án hình thành sản phẩm chủ lực và phát triển mạng lưới kinh doanh hàng
mỹ nghệ, lưu niệm phục vụ du khách.
5. Về
đào tạo nhân lực du lịch:
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
thống kê nhu cầu đào tạo lại, đào tạo mới nhân lực từ các doanh nghiệp du lịch
và chủ đầu tư các dự án du lịch, lập kế hoạch phối hợp với các trường đào tạo
hoặc một số doanh nghiệp có khả năng mở các khóa đào tạo nhân lực cho ngành du
lịch, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng từ
nay đến năm 2010 và 2015.
Phần 2.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc
UBND Tỉnh căn cứ vào Chương trình hành động này để xây dựng kế hoạch cụ thể
triển khai chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, cơ quan.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố
có trách nhiệm khẩn trương tham mưu cho huyện ủy, thị ủy, thành ủy tổ chức
triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/5/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và
Chương trình hành động thực hiện nghị quyết.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố
tổ chức quán triệt Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn
2006-2010 và triển khai thực hiện các mặt công tác trên địa bàn của địa phương,
phổ biến Chương trình đến UBND cấp phường, xã và đề ra kế hoạch thực hiện cụ
thể nhằm huy động cộng đồng dân cư tham gia, góp phần tạo nên môi trường thuận lợi để phát triển du lịch.
4. Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch
Tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu triển khai chương trình dưới dạng các chuyên đề
công tác, phân công các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có
trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chương trình hành động phát triển kinh tế
du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015; Định kỳ 6 tháng, cả năm có báo cáo
sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện và phương hướng triển khai trình UBND Tỉnh.
6. Trong quá trình triển khai thực hiện, gặp khó khăn, vướng mắc, các cơ quan chuyên môn
thuộc UBND Tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch báo cáo, đề xuất UBND Tỉnh giải quyết./.