ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
13/2014/QĐ-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 28
tháng 05 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH VỀ BẢO TỒN VOI TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết
số 78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc
quy định một số chính sách bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Tờ trình số 179/TTr-SNNNT ngày 24/9/2013, Công văn số
604/SNNNT-BTV ngày 28/4/2014 về việc đề nghị Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các
chính sách về bảo tồn Voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục
thực hiện các chính sách về bảo tồn Voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối
hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp
huyện có liên quan triển khai, theo dõi, kiểm
tra, tổng hợp tình hình thực hiện Quyết
định này và định kỳ báo cáo với Ủy ban
nhân dân tỉnh.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày
ban hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (thay b/c);
- Bộ NN&PTNT (thay b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- Vụ pháp chế - Bộ NN&PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, PCTUBND tỉnh;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Công báo tỉnh;
- Báo Đắk Lắk; Đài PTTH tỉnh; Website tỉnh;
- VP UBND tỉnh (Lđạo, các phòng);
- Lưu: VT, NN&MT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Hoàng Trọng Hải
|
QUY ĐỊNH
VỀ
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH VỀ BẢO TỒN VOI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK
LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND,
ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Đắk Lắk)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực
hiện các chính sách về bảo tồn Voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo Nghị quyết số
78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của Hội đồng
nhân dân tỉnh về việc quy định một số chính sách bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk (sau
đây gọi tắt là Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND).
2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình có nuôi dưỡng, sử dụng Voi
nhà (sau đây gọi chung là chủ Voi); các cơ quan, tổ chức quản lý bảo tồn Voi;
các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh
sống, sản xuất, hoạt động hợp pháp trong khu vực có Voi hoang dã cư trú, di
chuyển và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc tổ chức thực hiện
Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ
TỤC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH VỀ BẢO TỒN VOI
Điều 2. Quy trình thực hiện
chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm nhiệm vụ bảo tồn Voi
1. Quy định về đối tượng và nội dung chi hỗ trợ:
a) Nội dung chi hỗ trợ theo chính sách đào tạo, bồi
dưỡng nguồn nhân lực làm nhiệm vụ bảo tồn Voi quy định tại điểm a khoản 2 Điều
1 Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND giao cho Trung tâm bảo tồn Voi tổ chức thực hiện
đảo tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm nhiệm vụ bảo tồn Voi.
b) Nội dung chi hỗ trợ bao gồm: vé đi, về bằng
phương tiện giao thông công cộng từ nơi cư trú, công tác đến cơ sở đào tạo, bồi
dưỡng theo quy định của Nhà nước; kinh phí mua tài liệu của chương trình khóa học theo quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; các khoản chi phí tổ
chức lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, khảo sát thực tế
theo quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; chi phí ăn, ở theo quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
2. Quy định về yêu cầu, điều kiện để được hưởng chính
sách hỗ trợ:
Các đối tượng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải
đúng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND .
3. Trình tự thực hiện:
a) Hàng năm Trung tâm bảo tồn Voi xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân
lực làm nhiệm vụ bảo tồn Voi gửi Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gồm
các nội dung chính sau đây:
- Số lớp, số lượng học viên dự kiến cử đi đào tạo,
bồi dưỡng;
- Nội dung đào tạo, bồi dưỡng;
- Các cơ sở dự kiến đào tạo, bồi dưỡng;
- Thời gian đào tạo, bồi dưỡng;
- Dự kiến nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
b) Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị
quyết số 78/2012/NQ-HĐND và các quy định của pháp luật liên quan, Sở Nội vụ
trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết
định phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm nhiệm vụ bảo tồn
Voi.
c) Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ trương, dự toán và khả năng ngân sách của
địa phương, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư xem xét, tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện.
d) Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, văn bản cấp phát kinh phí của Sở Tài chính,
Trung tâm bảo tồn Voi tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
nguồn nhân lực làm nhiệm vụ bảo tồn Voi và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo
quy định.
Điều 3. Quy trình thực hiện chính sách quy hoạch đất đai tạo nơi
chăn thả Voi nhà
1. Quy định về đối tượng và nội dung chi hỗ trợ:
a) Nội dung chi hỗ trợ theo chính sách quy hoạch đất
đai tạo nơi chăn thả Voi nhà quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND giao cho Trung
tâm bảo tồn Voi tổ chức thực hiện quy hoạch đất đai tạo nơi chăn thả Voi nhà.
b) Nội dung chi hỗ trợ bao gồm: chi phí khảo sát
quy hoạch hiện trạng, chi phí thiết kế và thẩm định thiết kế kỹ thuật, chi phí
xây dựng 2 khu chăn thả Voi nhà (bao gồm cả nguồn thức ăn, nước uống, khoanh
nuôi, phục hồi tái sinh rừng) tại huyện Lắk và huyện Buôn Đôn.
2. Trình tự thực hiện:
a) Trung tâm bảo tồn Voi phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện (Lắk,
Buôn Đôn), các cơ quan, tổ chức có liên
quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt quy hoạch và giao đất xây dựng 2 khu chăn thả Voi nhà tại 2 huyện Lắk và
Buôn Đôn.
b) Trung tâm bảo tồn Voi xây dựng thiết kế kỹ thuật
gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
c) Căn cứ Quyết định phê duyệt
thiết kế kỹ thuật của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí cho Trung tâm bảo tồn Voi xây dựng 2
khu chăn thả Voi nhà và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định.
Điều 4. Quy trình thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và
phát triển đàn Voi nhà
1. Quy định về đối tượng và nội dung chi hỗ trợ:
a) Nội dung chi hỗ
trợ theo chính sách chăm sóc sức khỏe,
bảo tồn và phát triển đàn Voi nhà quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết
số 78/2012/NQ-HĐND giao cho Trung tâm bảo tồn Voi tổ chức thực hiện công tác
chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và phát triển
đàn Voi nhà.
b) Nội dung chi hỗ
trợ bao gồm: kinh phí mua sắm dụng
cụ y tế, chi phí khám chữa bệnh và tiền thuốc điều trị bệnh cho Voi.
2. Trình tự thực hiện:
a) Hàng năm Trung tâm bảo tồn Voi xây dựng kế hoạch
tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe,
bảo tồn và phát triển đàn Voi nhà gửi Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ trương, dự toán và khả năng ngân sách của
địa phương, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện
c) Căn cứ văn bản cấp phát kinh phí của Sở Tài
chính, Trung tâm bảo tồn Voi tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc sức
khỏe, bảo tồn và phát triển đàn Voi nhà
và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định.
Điều 5. Quy trình thực hiện chính sách hỗ
trợ Voi nhà sinh sản
1. Quy định về đối tượng và nội dung chi hỗ trợ:
a) Nội dung chi hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ Voi
nhà sinh sản quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị
quyết số 78/2012/NQ-HĐND cấp cho các chủ Voi có Voi tham gia thực hiện
quá trình sinh sản (giao phối, mang thai, sinh sản).
b) Nội dung chi hỗ trợ bao gồm: Kinh phí hỗ trợ cho
các chủ Voi có Voi tham gia thực hiện quá trình sinh sản (giao phối, mang thai,
sinh sản). Mức hỗ trợ cho các chủ Voi như sau:
- Đối với chủ Voi cái: Thời gian Voi gặp gỡ, động dục,
giao phối hỗ trợ 30 ngày trên một chu kỳ
động dục, mức hỗ trợ 500.000 đồng/ngày.
Thời gian Voi mang thai, sinh sản và nuôi con hỗ trợ 28 tháng, mức hỗ trợ như
sau: 10 tháng đầu mang thai, mức hỗ trợ
300.000 đồng/ngày và từ tháng thứ 11 trở đi đến tháng thứ 6 sau khi sinh con hỗ
trợ 18 tháng, mức hỗ trợ 600.000 đồng/ngày.
- Đối với chủ Voi đực: Thời gian Voi gặp gỡ, động dục,
giao phối hỗ trợ 30 ngày trên một chu kỳ động dục, mức hỗ trợ: 600.000 đồng/ngày.
- Đối với các nài Voi: Các nài Voi cái chăm sóc Voi
trong thời gian Voi động dục, giao phối, sinh sản, nuôi con được hỗ trợ 200.000
đồng/ngày/nài, thời gian hỗ trợ 28 tháng. Các nài Voi đực chăm sóc Voi trong thời
gian Voi động dục, giao phối được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày/nài, thời gian hỗ trợ
30 ngày.
2. Quy định về yêu cầu, điều kiện để được hưởng
chính sách hỗ trợ:
Để được hưởng chính sách hỗ trợ Voi nhà sinh sản,
các chủ Voi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Các chủ Voi phải có cam kết bằng văn bản với
Trung tâm bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk về việc tham gia thực hiện chính sách bảo tồn
Voi;
b) Các chủ Voi phải đáp ứng các điều kiện thời gian
làm việc, thời gian nghỉ ngơi của Voi, cụ
thể như sau:
- Thời gian Voi làm việc (thời gian Voi chờ khách và
chở khách du lịch) không quá 4 giờ đồng hồ trong 1 ngày, không quá 15 ngày
trong 1 tháng;
- Đối với Voi cái khi Voi đã mang thai, thời gian
làm việc của Voi không quá 2 giờ/ngày và
không quá 10 ngày /tháng. Voi phải được
nghỉ ngơi hoàn toàn khi đã mang thai từ tháng thứ mười một đến tháng thứ sáu
sau khi sinh con.
3. Quy định về thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ Voi nhà sinh sản;
- Bản cam kết về việc tham gia thực hiện chính sách
Voi nhà sinh sản;
- Văn bản xác nhận của Trung tâm bảo tồn Voi về việc chủ Voi đã cho Voi tham gia thực hiện
chính sách Voi nhà sinh sản (đối với từng công đoạn) và đã thực hiện đầy đủ những
điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ quy định trong bản Quy định này.
b) Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ hồ sơ, bản chính.
4. Thời hạn giải quyết: 20 ngày làm việc để có Quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Cách thức thực hiện: Chủ Voi nộp hồ sơ trực tiếp
tại Sở Tài chính.
6. Trình tự
thực hiện:
a) Sau mỗi công đoạn cho Voi thực hiện quá trình
sinh sản (giao phối hoặc mang thai và sinh sản), chủ Voi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ
hợp lệ theo quy định, nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tài chính.
b) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi
nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài chính xem xét hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định
thì trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
quyết định hỗ trợ cho chủ Voi thực hiện chính sách cho Voi nhà sinh sản, theo mức
hỗ trợ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND .
c) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi
nhận Tờ trình của Sở Tài chính, Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét ban hành Quyết định hỗ trợ
cho các chủ Voi nuôi Voi sinh sản.
d) Căn cứ Quyết định hỗ trợ kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính lập thủ
tục cấp kinh phí cho Trung tâm bảo tồn Voi;
Trung tâm bảo tồn Voi có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho các chủ Voi và thực hiện
thanh, quyết toán nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.
Điều 6. Quy trình thực hiện chi hỗ trợ cho các Tổ bảo vệ hoạt động
1. Quy định về đối tượng và nội dung chi hỗ trợ:
a) Nội dung chi hỗ trợ theo chính sách hạn chế xung
đột Voi-người tại Đắk Lắk quy định tại điểm f khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số
78/2012/NQ-HĐND giao cho Ủy ban nhân dân
xã chi phí cho các Tổ bảo vệ hoạt động thực hiện công tác xua đuổi Voi hoang dã
phá hoại, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và
tài sản của nhân dân.
b) Nội dung chi hỗ
trợ bao gồm: Chi mua sắm tài sản, vật dụng cho các Tổ bảo vệ để xua đuổi
Voi (đèn pin, loa, kẻng, ống đốt đất đèn,...): 20.000.000 đồng/Tổ/ năm; Chi hỗ
trợ các thành viên trong Tổ bảo vệ (xăng xe phục vụ đi lại, bồi dưỡng trực,...):
2.000.000 đồng/người/ năm.
2. Quy trình thực hiện:
a) Căn cứ vào tình hình xung đột giữa Voi hoang dã
với con người tại các thôn (buôn), Ủy ban nhân dân xã xác định nhu cầu thành lập
các Tổ bảo vệ, số lượng thành viên trong Tổ, làm Tờ trình đề nghị Ủy ban nhân dân huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương về việc
thành lập Tổ bảo vệ.
b) Sau khi có chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Tổ bảo vệ.
Ủy ban nhân dân xã xây dựng Quy chế hoạt động của Tổ bảo vệ và Quyết định thành
lập, chỉ đạo các Tổ bảo vệ hoạt động.
c) Ủy ban
nhân dân xã có Tổ bảo vệ lập Dự toán kinh phí cho các Tổ bảo vệ hoạt động gửi đến
Ủy ban nhân dân huyện, kèm theo hồ sơ gồm:
- Văn bản của
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập Tổ bảo vệ;
- Quyết định về việc thành lập Tổ bảo vệ;
- Danh sách các thành viên trong Tổ bảo vệ.
d) Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân huyện làm Tờ trình đề nghị Sở
Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành quyết định hỗ trợ kinh phí cho các Tổ
bảo vệ.
đ) Sở Tài chính xem xét hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ
cho các Tổ bảo vệ, theo mức hỗ trợ quy định
tại điểm f khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND .
e) Căn cứ Quyết định hỗ trợ kinh phí của Ủy ban
nhân dân tỉnh, Sở Tài chính lập thủ tục cấp kinh phí để thực hiện hỗ trợ theo quy định.
f) Ủy ban
nhân dân xã nhận kinh phí hỗ trợ chi phí cho các Tổ bảo vệ hoạt động và thanh
quyết toán nguồn kinh phí theo quy định.
Điều 7. Quy trình thực hiện chi hỗ trợ thiệt hại về tài sản của người dân do Voi hoang dã gây
ra:
1. Quy định về đối tượng và nội dung chi hỗ trợ:
a) Nội dung chi hỗ trợ theo chính sách hạn chế xung
đột Voi-người tại Đắk Lắk quy định tại điểm f khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND (trường hợp thiệt
hại về hoa màu và tài sản) cấp hỗ trợ thiệt hại cho các tổ chức, hộ gia đình và
cá nhân sinh sống, sản xuất, hoạt động hợp
pháp trong khu vực có Voi hoang dã cư trú, di chuyển khi bị voi tấn công gây hại,
bị thiệt hại về hoa màu và tài sản.
b) Nội dung chi hỗ
trợ bao gồm: Nhà nước hỗ trợ 100%
giá trị hoa màu, tài sản bị thiệt hại do Voi phá hoại.
2. Quy định về yêu cầu, điều kiện để được hưởng
chính sách hỗ trợ:
Để được hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại về tài sản
do Voi hoang dã gây ra thì các tổ chức, hộ
gia đình và cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Hoa màu phải được trồng, tài sản phải được đầu tư
trên đất có nguồn gốc hợp pháp (được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất hoặc đất
nằm trong quy hoạch giao cho tổ chức, hộ
gia đình và cá nhân sản xuất nông, lâm
nghiệp).
3. Quy định về thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại về hoa màu, tài sản;
- Biên bản hiện trường về việc Voi phá hoại hoa
màu, tài sản (do Ủy ban nhân dân xã lập).
b) Số lượng hồ sơ: 02(hai) bộ hồ sơ, 01 bản chính
và 01 bản sao.
4. Thời hạn giải quyết: 35 (ba mươi lăm) ngày làm
việc để có Quyết định hỗ trợ của Ủy ban
nhân dân tỉnh.
5. Cách thức thực hiện: Tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân huyện.
6. Trình tự
thực hiện:
a) Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống, sản
xuất, hoạt động hợp pháp trong khu vực có Voi hoang dã cư trú, di chuyển khi bị
voi tấn công gây hại, bị thiệt hại hoa màu, tài sản phải báo cáo với Ủy ban nhân dân xã nơi xảy ra thiệt hại để lập
biên bản hiện trường làm cơ sở cho việc đề xuất
hỗ trợ thiệt hại.
b) Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bị thiệt hại
về hoa màu, tài sản làm Đơn đề nghị hỗ trợ
thiệt hại về hoa màu, tài sản (kèm theo Biên bản hiện trường) gửi Ủy ban nhân dân huyện.
c) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ
khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân, Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Trung tâm bảo
tồn Voi xác minh, tính toán mức độ thiệt hại thực tế, làm Tờ trình (kèm theo 01
bộ hồ sơ, bản chính) đề nghị Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
quyết định hỗ trợ.
d) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi
nhận đủ hồ sơ hợp lệ của Ủy ban nhân dân
huyện, Sở Tài chính xem xét hồ sơ nếu hợp
lệ thì trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành quyết định hỗ trợ, theo mức hỗ trợ quy định tại điểm f khoản 2 Điều 1 Nghị
quyết số 78/2012/NQ-HĐND .
đ) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi
nhận được Tờ trình của Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành Quyết
định hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bị Voi hoang dã phá hoại
hoa màu, tài sản.
e) Căn cứ Quyết định hỗ
trợ kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh,
Sở Tài chính lập thủ tục cấp kinh phí để thực hiện hỗ trợ theo quy định. Các tổ
chức, hộ gia đình và cá nhân nhận nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp tại phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.
Điều 8. Quy trình thực hiện chi hỗ trợ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng
của người dân do Voi hoang dã gây ra
1. Quy định về đối tượng và nội dung chi hỗ trợ:
a) Nội dung chi hỗ trợ theo chính sách hạn chế xung
đột Voi-người tại Đắk Lắk quy định tại điểm f khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số
78/2012/NQ-HĐND (trường hợp thiệt hại về
sức khỏe, tính mạng) cấp hỗ trợ thiệt hại cho những người sinh sống, sản xuất, hoạt động hợp pháp trong khu vực có
Voi hoang dã cư trú, di chuyển khi bị voi tấn công gây hại, bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
b) Nội dung chi hỗ trợ bao gồm: Người bị Voi tấn
công được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền khám, tiền thuốc điều trị vết thương do Voi
gây ra và được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với phần (tỷ lệ) sức
khỏe bị tổn thương; trường hợp bị tử vong thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất
như đối với người lao động trong các cơ
quan Nhà nước bị tai nạn lao động tử vong.
2. Quy định về yêu cầu, điều kiện để được hưởng
chính sách hỗ trợ:
Để được hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại về sức khỏe,
tính mạng do Voi hoang dã gây ra thì người bị Voi tấn công gây hại phải sinh sống,
sản xuất, hoạt động hợp pháp trong khu vực có Voi hoang dã cư trú, di chuyển.
3. Quy định về thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại về sức khỏe con người
do Voi tấn công;
- Biên bản hiện trường về việc Voi tấn công người
(do Ủy ban nhân dân xã lập);
- Các hóa đơn, chứng từ khám, điều trị bệnh của cơ
sở y tế có thẩm quyền;
- Kết quả giám định sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm
quyền (hoặc giấy chứng tử của Ủy ban nhân
dân xã).
b) Số lượng hồ sơ: 02 (hai) bộ hồ sơ, 01 bản chính
và 01 bản sao.
4. Thời hạn giải quyết: 35 (ba mươi lăm) ngày làm
việc để có Quyết định hỗ trợ của Ủy ban
nhân dân tỉnh.
5. Cách thức thực hiện: Người bị Voi tấn công (hoặc
người đại diện cho người bị Voi tấn công) nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân huyện.
6. Trình tự thực hiện:
a) Người bị Voi tấn công gây hại về sức khỏe, tính
mạng hoặc người đại diện cho người bị Voi tấn công gây hại phải báo cáo với Ủy ban nhân dân xã để lập Biên bản hiện trường
làm cơ sở cho việc đề nghị Nhà nước hỗ trợ.
b) Người bị Voi gây hại hoặc người đại diện cho người
bị Voi gây hại gửi 02 (hai) bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân huyện (thông qua phòng Lao động, Thương binh và
Xã hội) nơi xảy ra tai nạn.
c) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ
khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân
huyện phối hợp với Trung tâm bảo tồn Voi xác minh, tính toán mức độ thiệt hại về
sức khỏe, dự kiến mức hỗ trợ và làm Tờ trình (kèm theo 01 bộ hồ sơ, bản chính)
đề nghị Sở Lao động - Thương binh và xã hội trình Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ.
d) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi
nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và xã hội xem xét hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ
cho người bị Voi gây hại theo mức hỗ trợ
quy định tại điểm f khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND .
đ) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi
nhận được Tờ trình của Sở Lao động -
Thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét ban hành Quyết định hỗ trợ cho
người bị Voi tấn công gây hại về sức khỏe, tính mạng.
e) Căn cứ Quyết định hỗ
trợ kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính lập thủ tục cấp kinh phí để thực hiện hỗ trợ theo quy định. Người
bị Voi gây hại nhận khoản hỗ trợ trực tiếp tại phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội huyện.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm triển khai thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể
và Ủy ban nhân dân các huyện có Voi phổ
biến, hướng dẫn các địa phương, các chủ Voi thực hiện Nghị quyết số
78/2012/NQ-HĐND và Quy định này, định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo kết quả thực
hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Chỉ đạo
Trung tâm bảo tồn Voi:
- Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo bồi
dưỡng nguồn nhân lực làm nhiệm vụ bảo tồn Voi theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của bản Quy định;
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, giúp
Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch và tổ chức xây dựng các khu chăn thả Voi nhà
theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của bản Quy định;
- Xây dựng kế hoạch tài chính và tổ chức triển khai
thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và phát triển đàn Voi nhà theo quy
định tại khoản 2 Điều 4 của bản Quy định;
- Hướng dẫn các chủ Voi thực hiện các yêu cầu, điều
kiện trong quá trình thực hiện chính sách Voi nhà sinh sản; hướng dẫn các chủ
Voi làm hồ sơ và xác nhận hồ sơ cho các chú Voi theo quy định tài khoản 2, 3 Điều
5 của bản Quy định;
- Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch và xây dựng hai
khu chăn thả Voi nhà tại huyện Lắk và huyện Buôn Đôn theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của bản Quy định;
- Phối hợp Ủy ban nhân dân huyện tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương thành lập
các Tổ bảo vệ ở những địa phương thường xuyên có Voi hoang dã cư trú, di chuyển;
hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã thành lập và chỉ đạo
các Tổ bảo vệ hoạt động; xác minh thiệt hại do Voi hoang dã gây hại theo quy định
tại khoản 2 Điều 6, điểm c khoản 6 Điều 7 và điểm c khoản 6 Điều 8 của bản Quy
định;
- Phối hợp với các Chủ rừng, Ban quản lý rừng đặc dụng,
phòng hộ, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao hoặc cho
thuê rừng và đất rừng quy hoạch bảo tồn
các sinh cảnh, xây dựng nguồn thức ăn, nước uống cho Voi theo quy định tại điểm
e khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND .
c) Chủ trì tổng
hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình
triển khai thực hiện Nghị quyết số
78/2012/NQ-HĐND và các nội dung trong bản Quy định này, trong trường hợp cần
thiết tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất
Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND hoặc điều
chỉnh Quy định cho phù hợp.
2. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân
lực làm nhiệm vụ bảo tồn Voi theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 của bản Quy định.
3. Sở Tài chính:
a) Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tình hình ngân sách của địa phương xem xét, tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện hỗ trợ tại các Điều 2, 4, 5, 6, 7,
8 của bản Quy định.
b) Thực hiện các nhiệm vụ về thanh quyết toán theo quy định tại Chương II của bản Quy định.
c) Chủ trì theo dõi, tổng hợp việc chi ngân sách để
thực hiện chính sách bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk, định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Sở Kế hoạch
và Đầu tư:
a) Tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các quy định tại Điều 3 của bản Quy định.
b) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện
các quy định tại các Điều 2, 4, 5, 6, 7, 8 của bản Quy định.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch và
giao đất để xây dựng các khu chăn thả Voi nhà theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của bản Quy định.
6. Sở Khoa học và Công nghệ:
Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và cá nhân có nhu cầu
và khả năng thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học về bảo
tồn Voi. Bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học-công nghệ cho các đề tài
nghiên cứu khoa học về bảo tồn Voi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị
quyết số 78/2012/NQ-HĐND .
7. Sở Lao động-Thương binh và Xã Hội:
Tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh Quyết định hỗ trợ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng người dân do Voi tấn công theo quy định tại điểm
d khoản 6 Điều 8 của bản Quy định.
8. Sở Thông tin và Truyền thông:
Tổ chức đăng tải nội dung Nghị quyết số
78/2012/NQ-HĐND và Quy định này lên trang Website của tỉnh, các phương tiện
thông tin đại chúng để các tổ chức, cá
nhân được biết và thực hiện.
9. Kho bạc nhà nước tỉnh:
Kho bạc nhà nước tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm thực
hiện việc kiểm soát các khoản chi hỗ trợ liên quan đến chính sách bảo tồn Voi của
tỉnh theo đúng quy định.
10. Đài phát thanh truyền
hình, các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh:
Thường xuyên tuyên truyền chính sách bảo tồn Voi đến
các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
11. Ủy ban
nhân dân các huyện có Voi nhà và Voi hoang dã sinh sống:
a) Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
bảo tồn Voi, cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tổ chức thực hiện Quy định này.
b) Chủ trì phối hợp với Trung tâm bảo tồn Voi:
Hướng dẫn Ủy ban
nhân dân cấp xã thành lập và chỉ đạo các Tổ bảo vệ hoạt động; tiếp nhận hồ sơ đề
nghị hỗ trợ kinh phí cho các Tổ bảo vệ;
xác minh tính toán mức độ thiệt hại do Voi hoang dã phá hoại và đề xuất cơ quan
có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí cho các Tổ bảo vệ hoạt động, hỗ trợ thiệt hại do
Voi phá hoại theo quy định tại khoản 2 Điều 6, điểm c khoản 6 Điều 7 và điểm c
khoản 6 Điều 8 của bản Quy định.
c) Phối hợp với Trung tâm bảo tồn Voi thực hiện
công tác quy hoạch các khu chăn thả Voi nhà theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của
bản Quy định
12. Trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình và cá
nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách bảo tồn Voi:
a) Các tổ chức, hộ gia đình nuôi dưỡng, sử dụng Voi
nhà có trách nhiệm cung cấp thức ăn hàng ngày cho Voi đầy đủ về số lượng và chất
lượng dinh dưỡng, khám chữa bệnh kịp thời đảm bảo sức khỏe cho Voi; thực hiện
đúng, đầy đủ các yêu cầu, điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 của bản Quy định.
b) Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống, sản
xuất, hoạt động trong khu vực có Voi hoang dã cư trú, di chuyển có trách nhiệm
xây dựng các phương án phòng tránh Voi hoang dã phá hoại hoa màu, tài sản và tấn
công con người; thường xuyên cảnh giác với sự xuất hiện của Voi hoang dã, phản ánh kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền
khi phát hiện có Voi hoang dã xuất hiện để có phương án phòng tránh, xua đuổi
Voi phá hoại, hạn chế đến mức thấp nhất xung đột giữa Voi hoang dã với con người./.