QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP
PHÒNG PHÁP CHẾ Ở CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN, CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THUỘC ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày
04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ
máy của tổ chức pháp chế;
Căn cứ Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 07/3/2012
của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ
chức pháp chế;
Căn cứ Quyết định số 1062/QĐ-UBND ngày 06/8/2012
của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thành lập phòng Pháp chế và bố trí công
chức, nhân viên chuyên trách pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh,
các doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh quản lý theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP
ngày 04/7/2011 của Chính phủ.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình
số 224/TTr- SNV ngày 29 tháng 8 năm 2012;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập phòng Pháp chế ở các cơ
quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh như sau:
I. Thành lập phòng Pháp chế ở 14 cơ quan chuyên
môn theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP:
1. Sở Nội vụ;
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư;
3. Sở Tài chính;
4. Sở Công Thương;
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
6. Sở Giao thông vận tải;
7. Sở Xây dựng;
8. Sở Tài nguyên và Môi trường;
9. Sở Thông tin và Truyền thông;
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
12. Sở Khoa học và Công nghệ;
13. Sở Giáo dục và Đào tạo;
14. Sở Y tế.
II. Thành lập phòng Pháp chế ở 03 cơ quan chuyên
môn, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số
55/2011/NĐ-CP:
1. Sở Ngoại vụ;
2. Ban Dân tộc tỉnh;
3. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-
Lạng Sơn.
Điều 2. Vị trí, chức năng của phòng Pháp chế
1. Phòng Pháp chế ở các cơ quan chuyên môn, cơ
quan quản lý Nhà nước thuộc UBND tỉnh là phòng nghiệp vụ của cơ quan có chức
năng tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước
bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện
công tác pháp chế theo quy định của pháp luật.
2. Phòng Pháp chế chịu sự quản lý, kiểm tra về
công tác pháp chế của Sở Tư pháp và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ
trong công tác pháp chế của Vụ Pháp chế thuộc Bộ chuyên ngành.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của phòng Pháp chế
Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Pháp chế thực hiện
theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp
chế.
Điều 4. Tổ chức và biên chế của phòng Pháp chế
1. Tổ chức:
Phòng Pháp chế có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng
và các công chức chuyên môn nghiệp vụ.
Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng
cơ quan, trước pháp luật về toàn bộ công tác của Phòng; Phó trưởng phòng được
Trưởng phòng giao, giúp Trưởng phòng quản lý, điều hành công tác của Phòng,
chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, Thủ trưởng cơ quan, trước pháp luật về
công tác được giao.
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Thủ trưởng cơ
quan bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo tiêu chuẩn do UBND tỉnh quy định và thực hiện
các chế độ chính sách theo phân cấp của UBND tỉnh và quy định của pháp luật.
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và công chức
thuộc phòng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ được giao.
2. Biên chế:
Biên chế của Phòng Pháp chế từ 03 đến 05 người,
là biên chế công chức hành chính trong tổng biên chế công chức hành chính của
cơ quan được UBND tỉnh giao; Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng
kế hoạch biên chế công chức của Phòng Pháp chế, trình UBND tỉnh, để UBND tỉnh
đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, quyết định.
Điều 5. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ
trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.