BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1182/QĐ-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 5 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG THIÊN
TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên
và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính
phủ quy định tổ chức hoạt động ứng phó, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Theo đề nghị của Tổng cục
trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1793/QĐ-BTNMT
ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và
Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ và các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và
Tìm kiếm cứu nạn của Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ
huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ chủ trì tổ chức và kiểm
tra việc thực hiện Quyết định; theo dõi, tổng hợp, báo cáo khó khăn, vướng mắc
trong quá trình thực hiện Quyết định, trình Trưởng ban xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, TCKTTV.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Công Thành
|
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM
CỨU NẠN BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1182/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 05 năm 2023
của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về trách
nhiệm và công tác phối hợp ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố của Ban Chỉ
huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường (dưới
đây viết tắt là Ban Chỉ huy).
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các
thành viên Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy, các cơ quan, tổ chức,
cá nhân trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 3.
Nguyên tắc làm việc
1. Ban Chỉ huy thực hiện đúng
nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP
ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của
Chính phủ quy định tổ chức hoạt động ứng phó, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách
nhiệm của Trưởng ban và từng thành viên Ban chỉ huy, nhất là khi có tình huống
khẩn cấp về thiên tai.
2. Các thành viên Ban Chỉ huy,
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phải chủ động, kịp thời giải quyết theo thẩm
quyền hoặc tham mưu đề xuất xử lý công việc liên quan đến công tác phòng, chống
thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo đúng phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm được
phân công, đúng Quy chế hoạt động và quy định của pháp luật.
3. Bảo đảm công tác chỉ đạo của
Ban Chỉ huy, Trưởng ban Chỉ huy; thông tin, báo cáo kịp thời, chính xác, đầy đủ
đến Trưởng ban, Lãnh đạo Bộ về tình hình thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự
cố; triển khai nhiệm vụ sau khi có chỉ đạo của Trưởng ban; vận hành đồng bộ, phối
hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Bộ, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương
trong phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn. Mọi tình huống
thiên tai nguy hiểm trên phạm vi cả nước được theo dõi, chỉ đạo ứng phó kịp thời,
hiệu quả.
4. Đảm bảo liên lạc thường
xuyên, liên tục giữa các thành viên Ban Chỉ huy với Văn phòng thường trực để giải
quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công kịp thời, hiệu quả, nhất
là khi có tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Chương II
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, TRÁCH
NHIỆM CỦA BAN CHỈ HUY, VĂN PHÒNG THƯỜNG TRỰC
Điều 3. Tổ
chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy
1. Ban Chỉ huy gồm Trưởng ban,
02 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Thành phần và số lượng thành viên Ban Chỉ huy
do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định.
2. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy được
quy định tại Điều 2 Quyết định số 666/QĐ-BTNMT ngày 23 tháng 3
năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Ban Chỉ
huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Ban Chỉ huy có Văn phòng thường
trực để tham mưu, giúp Ban Chỉ huy chỉ đạo, điều hành, tổ chức, điều phối thực
hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Điều 4.
Trách nhiệm của Trưởng ban
1. Phụ trách chung, chịu trách
nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về hoạt động của Ban Chỉ huy.
2. Chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc
báo cáo Bộ trưởng chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và hỗ trợ các địa
phương ứng phó với thiên tai thuộc nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;
công tác khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố môi trường và tìm kiếm cứu nạn của
Bộ Tài nguyên và Môi trường trên phạm vi toàn quốc.
3. Chỉ đạo, tổ chức triển khai
thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ huy được giao tại các văn bản của Ban chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan
đến công tác phòng, chống thiên tai .
4. Chỉ đạo việc lập kế hoạch,
phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dài hạn và hàng năm.
5. Phân công, đôn đốc, kiểm tra
việc thực hiện nhiệm vụ của các Phó Trưởng ban và các thành viên Ban Chỉ huy.
6. Phê duyệt kế hoạch tài chính
hàng năm và đột xuất cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn.
7. Quyết định triệu tập các cuộc
họp thường kỳ, bất thường của Ban Chỉ huy và Thủ trưởng các cơ quan có liên
quan khi cần thiết.
8. Ký ban hành các công điện,
văn bản chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai.
9. Chỉ đạo việc tổ chức sơ kết,
tổng kết công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
hàng năm của Bộ.
10. Thực hiện các nhiệm vụ đột
xuất liên quan đến công tác phòng chống thiên tai do Trưởng Ban chỉ đạo quốc
gia về phòng chống thiên tai phân công.
Điều 5.
Trách nhiệm các Phó Trưởng ban
1. Phó Trưởng ban thường trực
a) Thay mặt Trưởng ban giải quyết
công việc khi Trưởng ban đi công tác.
b) Giúp Trưởng ban chỉ đạo thực
hiện các hoạt động của Ban Chỉ huy, giải quyết các công việc thường nhật, chủ động
xử lý các tình huống về thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi Trưởng ban ủy quyền.
Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về điều hành hoạt động của Văn phòng thường
trực.
c) Báo cáo, đề xuất Trưởng ban
chủ trì họp chỉ đạo ứng phó tình huống thiên tai; phối hợp với Ban Chỉ huy các
Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn.
d) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc
việc lập, thực hiện kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn của Bộ.
đ) Chỉ đạo, tổ chức triển khai
thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy.
e) Chỉ đạo, kiểm tra công tác
phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ được Trưởng ban phân công phụ
trách.
g) Tổng hợp, lập quy hoạch, kế
hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dài hạn và hàng năm
của Bộ, trình Trưởng ban phê duyệt.
h) Chỉ đạo việc chuẩn bị nội
dung, chương trình các cuộc họp của Ban Chỉ huy.
i) Thực hiện các nhiệm vụ khác
do Trưởng ban phân công.
2. Phó Trưởng ban
a) Trực tiếp chỉ đạo Hệ thống dự
báo khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
b) Chỉ đạo tổng hợp diễn biến của
thiên tai và tình hình công tác phòng, chống để tham mưu cho Trưởng ban chỉ đạo
xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra.
c) Điều hành các hoạt động của
Ban Chỉ huy khi được ủy quyền.
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác
do Trưởng ban và Phó trưởng ban thường trực giao.
Điều 6.
Trách nhiệm các Ủy viên Ban Chỉ huy
1. Nhiệm vụ chung
a) Chủ động thực hiện nhiệm vụ
được Trưởng ban phân công.
b) Kiểm tra, đôn đốc thực hiện
kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm, điều kiện ứng phó
với tình huống khẩn cấp của đơn vị; kiểm tra việc tổ chức đào tạo, huấn luyện,
quản lý vật tư, phương tiện; đầu tư, trang bị phục vụ phòng, chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn theo chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành được giao.
c) Tham gia xây dựng quy hoạch,
kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dài hạn và hàng
năm của Bộ.
d) Chủ động tham mưu, phối hợp
với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện phương án phòng, chống thiên
tai, khắc phục sự cố do thiên tai gây ra và tìm kiếm cứu nạn của ngành trên phạm
vi toàn quốc.
đ) Chuẩn bị phương tiện, lực lượng
để triển khai kịp thời công tác ứng phó và xử lý, khắc phục các sự cố, thiên
tai.
e) Huy động nguồn lực của đơn vị
để ứng cứu, chi viện cho các địa phương và các công trình trọng điểm trong trường
hợp khẩn cấp.
g) Phản ánh, cung cấp kịp thời,
chính xác các thông tin về diễn biến, tình hình phòng, chống, khắc phục hậu quả
thiên tai về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy để tổng hợp, báo cáo.
h) Thực hiện nhiệm vụ cụ thể do
Trưởng ban phân công và nhiệm vụ đột xuất khác do Trưởng ban giao.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Ủy viên thuộc Văn phòng Bộ
Chủ trì, phối hợp với Tổng cục
Khí tượng Thủy văn bảo đảm công tác tiếp nhận, ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt
động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ được triển khai kịp thời,
hiệu quả; bố trí phương tiện, phòng họp, thiết bị phục vụ công tác chỉ đạo, kiểm
tra hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Lãnh đạo Bộ và các
thành viên Ban Chỉ huy; kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn tại trụ sở Bộ.
b) Ủy viên thuộc Vụ Kế hoạch -
Tài chính
Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ phân bổ
kinh phí và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, nguồn kinh phí ngân sách cấp cho
các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi quản lý
của Bộ và hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai theo đúng các quy định
về quản lý tài chính hiện hành.
c) Ủy viên thuộc Cục Biển và Hải
đảo Việt Nam
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với Tổng cục Khí tượng Thủy văn trong hoạt động phối hợp phòng, chống và xử lý,
khắc phục sự cố tràn dầu và các sự cố trên biển do thiên tai gây ra.
d) Ủy viên thuộc Cục Biến đổi
khí hậu
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo dõi tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng
các giải pháp ứng phó.
đ) Ủy viên thuộc Cục Chuyển đổi
số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với Tổng cục Khí tượng Thủy văn đảm bảo đường truyền, thông tin liên lạc phục vụ
công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ.
e) Ủy viên thuộc Cục Địa chất
Việt Nam
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo dõi, cảnh báo các hiện tượng tai biến địa
chất tại khu vực xảy ra thiên tai.
g) Ủy viên thuộc Cục Đo đạc, Bản
đồ và Thông tin địa lý Việt Nam
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp với
Tổng cục Khí tượng Thủy văn cung cấp các loại bản đồ phục vụ công tác phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
h) Ủy viên thuộc Cục Khoáng sản
Việt Nam
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; phối hợp với Tổng
cục Khí tượng Thủy văn theo dõi, cảnh báo các tình huống sự cố về sụt lún, sạt
lở đất, tràn, vỡ đập, hồ chứa thải...tại khu vực khai thác khoáng sản khi xảy
ra thiên tai.
i) Ủy viên thuộc Cục Kiểm soát
ô nhiễm môi trường
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với Tổng cục Khí tượng Thủy văn triển khai hoạt động phòng ngừa, ứng phó và xử
lý, khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai, sự cố gây ra.
k) Ủy viên thuộc Cục Quản lý
Tài nguyên nước
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát thẩm định quy hoạch, kế hoạch khai
thác sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông; phối hợp
chia sẻ, cung cấp thông tin số liệu về vận hành hồ chứa và giám sát việc thực
hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa đảm bảo mục tiêu phòng, chống thiên
tai.
l) Ủy viên thuộc Cục Quy hoạch
và Phát triển tài nguyên đất
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc rà soát, thẩm định quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất gắn với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
m) Ủy viên thuộc Cục Viễn thám
quốc gia
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo dõi, cung cấp ảnh viễn thám phục vụ công
tác dự báo, cảnh báo và ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
n) Ủy viên thuộc Quỹ Bảo vệ Môi
trường Việt Nam
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh và các
đơn vị có liên quan để xin chủ trương Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ
trợ tài chính kịp thời cho công tác phòng, chống, xử lý, khắc phục sự cố môi
trường do thiên tai gây ra.
o) Ủy viên thuộc Viện Khoa học
Địa chất và Khoáng sản
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đơn vị có liên quan trong hoạt động
nghiên cứu khoa học về địa chất, khoáng sản phục vụ phòng, chống thiên tai.
p) Ủy viên thuộc Viện Khoa học
Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; chủ trì, phối hợp
với Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đơn vị có liên quan trong hoạt động
nghiên cứu khoa học phục vụ phòng, chống thiên tai; phối hợp cung cấp thông tin
dự báo, cảnh báo thiên tai theo quy định.
q) Ủy viên thuộc Viện Khoa học
tài nguyên nước
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế
hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; cung cấp kết quả
nghiên cứu các biện pháp, công nghệ về cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét, trượt lở đất
đá cho Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia góp phần nâng cao độ chính
xác của các bản tin dự báo, cảnh báo.
r) Ủy viên thuộc Trung tâm Dự
báo khí tượng thủy văn quốc gia
Chịu trách nhiệm về hoạt động dự
báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn; báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời
các thông tin về thiên tai cho các thành viên Ban Chỉ huy và Văn phòng thường
trực Ban Chỉ huy để phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm
cứu nạn.
Điều 7. Văn
phòng thường trực Ban Chỉ huy
1. Tổ chức
a) Tổng cục Khí tượng Thủy văn
là Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy.
b) Tổng cục trưởng Tổng cục Khí
tượng Thủy văn kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy.
c) Giúp việc cho Phó Trưởng ban
thường trực có các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các Vụ chức
năng của Tổng cục.
- Địa chỉ: số 8 Pháo Đài Láng,
Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
- Điện thoại Văn phòng thường
trực: 024 32673199 (số máy lẻ 410)
- Email: [email protected]
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Giúp Ban Chỉ huy thực hiện
các nhiệm vụ của Ban.
b) Tổng hợp diễn biến của thiên
tai và công tác phòng, chống; báo cáo Trưởng ban chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu
quả các tình huống thiên tai xảy ra.
c) Tham mưu, trình Lãnh đạo Ban
Chỉ huy quyết định ban hành các báo cáo và văn bản chỉ đạo phòng, chống thiên
tai thuộc trách nhiệm của Bộ.
d) Đôn đốc, kiểm tra các đơn vị
trong ngành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn; chủ động phối hợp với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia
về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai
và Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan trong các hoạt động phòng chống,
khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đề xuất biện pháp phòng ngừa,
khắc phục hậu quả thiên tai gây ra; tổng hợp, đề xuất việc hỗ trợ kinh phí đối
với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
đ) Phối hợp với các cơ quan, địa
phương chuẩn bị điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động kiểm tra công tác phòng
ngừa, chuẩn bị ứng phó thiên tai theo phân công của Ban chỉ đạo quốc gia về
phòng, chống thiên tai đối với các thành viên Ban chỉ đạo thuộc Bộ.
e) Đôn đốc các đơn vị trong
ngành thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn ứng dụng các tiến bộ khoa học về
phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.
g) Chuẩn bị nội dung, chương
trình các hội nghị, hội thảo sơ kết, tổng kết đánh giá về công tác phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ; nội dung các cuộc họp Ban Chỉ huy và các
báo cáo khác theo yêu cầu của Trưởng ban; cung cấp tài liệu, thông tin kịp thời
liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các thành
viên Ban Chỉ huy.
h) Tổ chức thường trực theo quy
định về chế độ trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm để
tổng hợp thông tin, giúp Trưởng ban chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả các hoạt động
phòng, chống thiên tai.
i) Chủ trì lập kế hoạch, phương
án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dài hạn và hàng năm của Bộ.
k) Xây dựng báo cáo tổng kết
công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm của Bộ.
l) Lập dự toán kinh phí hoạt động
thường xuyên hàng năm của Ban Chỉ huy.
m) Quản lý công văn, tài liệu
theo quy định của Nhà nước.
Chương
III
PHỐI HỢP ỨNG PHÓ CÁC
TÌNH HUỐNG THIÊN TAI, SỰ CỐ DO THIÊN TAI GÂY RA
Điều 8.
Nguyên tắc phối hợp
1. Phối hợp, huy động mọi nguồn
lực để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của
Bộ.
2. Chủ động, sẵn sàng lực lượng,
phương tiện cho hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo từng
lĩnh vực, đơn vị trong Bộ; báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi xét thấy
tình huống vượt quá khả năng của đơn vị.
3. Chỉ đạo ứng phó các tình huống
thiên tai phải bảo đảm nguyên tắc chỉ huy thống nhất, phân công cụ thể, chủ động,
kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế tình huống thiên tai.
Điều 9. Ứng
phó với các thiên tai liên quan đến khí tượng thủy văn
1. Tổng cục Khí tượng Thủy văn
chỉ đạo:
a) Trung tâm Dự báo khí tượng
thủy văn quốc gia thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; cung cấp kịp
thời, đầy đủ, chính xác các thông tin về thiên tai (theo quy định tại Quyết định
số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của
Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ
rủi ro thiên tai) cho Văn phòng thường trực và các thành viên Ban Chỉ huy phục
vụ công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
b) Vụ Quản lý dự báo khí tượng
thủy văn tổ chức trực ban theo dõi, tổng hợp diễn biến của thiên tai và công
tác chuẩn bị phòng, chống để tham mưu kịp thời cho Lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ huy chỉ
đạo, xử lý các tình huống thiên tai.
2. Viện Khoa học Khí tượng Thủy
văn và Biến đổi khí hậu thực hiện quy định về việc phối hợp cung cấp thông tin
dự báo thời tiết, bão, mưa lớn, theo Quyết định số 2050/QĐ-BTNMT ngày 07 tháng
9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế phối hợp
về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn giữa Trung tâm khí tượng thủy văn quốc
gia với Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; cung cấp thông
tin dự báo lũ lớn sông Hồng, lũ quét, ngập lụt.
3. Viện Khoa học Địa chất và
Khoáng sản theo dõi, đánh giá, phối hợp dự báo và phân vùng cảnh báo nguy cơ
trượt lở đất đá theo các mức độ dễ bị tổn thương, gây tai biến địa chất và đề
xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại kịp thời.
4. Văn phòng Bộ phối hợp với Tổng
cục Khí tượng Thủy văn bố trí phương tiện, phòng họp và thiết bị phục vụ công
tác chỉ đạo, kiểm tra xử lý các tình huống thiên tai của Ban Chỉ huy; phối hợp
trình Lãnh đạo Bộ, Trưởng Ban ký ban hành các Công điện, văn bản chỉ đạo công
tác phòng, chống thiên tai.
5. Cục Quản lý tài nguyên nước phối
hợp với Tổng Cục Khí tượng thủy văn chia sẻ thông tin số liệu về vận hành hồ chứa
phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
6. Cục Chuyển đổi số và Thông
tin dữ liệu tài nguyên môi trường có các biện pháp nhằm bảo đảm đường truyền,
thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
7. Cục Viễn thám quốc gia phối
hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo dõi, cung cấp ảnh viễn thám phục vụ
công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.
8. Cục Biển và Hải đảo Việt Nam
theo dõi diễn biến của các thiên tai để tham mưu kịp thời cho Trưởng ban về
công tác phối hợp giám sát, giải quyết, khắc phục sự cố tràn dầu trên biển do
thiên tai gây ra.
9. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi
trường phối hợp với các đơn vị, địa phương theo dõi tình hình ô nhiễm môi trường
tại khu vực có thiên tai xảy ra; xây dựng kế hoạch phối hợp, hỗ trợ chính quyền
địa phương đề xuất các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô nhiễm sau
thiên tai.
10. Cục Địa chất Việt Nam theo
dõi hiện tượng tai biến địa chất tại khu vực xảy ra thiên tai; phối hợp với
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo cho các cơ quan, đơn vị
và nhân dân tình hình sạt lở đất để có phương án phòng, tránh.
11. Cục Khoáng sản Việt Nam
theo dõi các khu vực khai thác khoáng sản, phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng
thủy văn quốc gia, cảnh báo các tình huống sự cố về sụt lún, sạt lở đất, tràn,
vỡ đập, hồ chứa thải...tại khu vực khai thác khoáng sản khi xảy ra thiên tai.
12. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông
tin địa lý Việt Nam cung cấp các loại bản đồ phục vụ công tác phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
13. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt
Nam phối hợp với các đơn vị và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để hỗ trợ
tài chính kịp thời cho công tác phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự
cố môi trường do thiên tai gây ra.
Điều 10. Ứng
phó với động đất, sóng thần
1. Khi nhận được tin báo động đất
(rủi ro thiên tai từ cấp 1 trở lên), cảnh báo sóng thần, Tổng cục Khí tượng Thủy
văn chỉ đạo Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn, Hệ thống dự báo khí tượng thủy
văn quốc gia và các đơn vị trực thuộc tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ, tham
mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ huy chỉ đạo các biện pháp ứng phó kịp thời
theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Văn phòng Bộ phối hợp với Tổng
cục Khí tượng Thủy văn bố trí phương tiện, phòng họp và thiết bị phục vụ công
tác chỉ đạo, kiểm tra xử lý các tình huống thiên tai của Ban Chỉ huy; trình
Lãnh đạo Bộ, Trưởng Ban ký ban hành các Công điện, văn bản chỉ đạo công tác
phòng, chống.
3. Cục Chuyển đổi số và Thông
tin dữ liệu tài nguyên môi trường có các biện pháp nhằm bảo đảm đường truyền,
thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
4. Trung tâm Dự báo khí tượng
thủy văn quốc gia phối hợp với Viện Vật lý địa cầu và các đơn vị có liên quan để
khoanh vùng, tăng cường dự báo khí tượng thủy văn cho khu vực xảy ra động đất,
sóng thần phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả.
5. Cục Biển và Hải đảo Việt Nam
tăng cường quan trắc và truyền số liệu mực nước biển phục vụ công tác cảnh báo
sóng thần; xử lý kịp thời những sự cố xảy ra trên biển.
6. Viện Khoa học Địa chất và
Khoáng sản theo dõi, khoanh định, phân vùng các khu vực có nguy cơ cao, dễ xảy
ra tai biến, trượt lở đất đá để có thông tin kịp thời phục vụ công tác tìm kiếm,
cứu nạn.
7. Cục Viễn thám quốc gia phối
hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo dõi, cung cấp ảnh viễn thám phục vụ
công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần.
8. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi
trường phối hợp với các đơn vị, địa phương theo dõi tình hình ô nhiễm môi trường
tại khu vực có xảy ra động đất, sóng thần; xây dựng kế hoạch phối hợp, hỗ trợ
chính quyền địa phương đề xuất các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô
nhiễm sau thiên tai.
9. Ngay sau khi xảy ra động đất,
sóng thần, các đơn vị phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu
người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích; đồng thời tổng
hợp thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo các biện pháp
cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.
10. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt
Nam phối hợp với các đơn vị và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để hỗ trợ
tài chính kịp thời cho công tác khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường
do động đất, sóng thần gây ra.
Điều 11. Ứng
phó, khắc phục sự cố môi trường do thiên tai gây ra trên đất liền
1. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi
trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm
môi trường tại khu vực xảy ra thiên tai; xây dựng kế hoạch phối hợp, hỗ trợ
chính quyền địa phương đề xuất các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô
nhiễm sau thiên tai. Cung cấp thông tin về vị trí, khu vực xảy ra sự cố môi trường
cho Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để tăng cường công tác dự báo
khí tượng thủy văn phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
2. Trung tâm Dự báo khí tượng
thủy văn quốc gia tăng cường dự báo khí tượng thủy văn cho khu vực xảy ra sự cố
phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả.
3. Cục Viễn thám quốc gia phối
hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo dõi, cung cấp ảnh viễn thám phục vụ
công tác khắc phục hậu quả sự cố.
4. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt
Nam phối hợp với các đơn vị và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để hỗ trợ
tài chính kịp thời cho công tác khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.
Điều 12. Ứng
phó với sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu trên biển
1. Cục Biển và Hải đảo Việt
Nam:
a) Phối hợp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ ứng phó; chủ trì công tác khắc phục,
giải quyết hậu quả và đòi bồi thường do sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu
trên biển gây ra; tổ chức khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển,
sự cố tràn dầu trên biển thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
b) Hướng dẫn điều tra, đánh
giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại về môi trường biển;
xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường do sự cố môi trường biển, sự
cố tràn dầu trên biển gây ra.
c) Cung cấp thông tin về vị trí,
khu vực xảy ra sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu trên biển cho Trung tâm Dự
báo khí tượng thủy văn quốc gia để tăng cường công tác dự báo phục vụ công tác ứng
phó, khắc phục hậu quả.
2. Trung tâm Dự báo khí tượng
thủy văn quốc gia tăng cường dự báo khí tượng thủy văn cho khu vực xảy ra sự cố
phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả.
3. Cục Viễn thám quốc gia phối
hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam theo dõi,
cung cấp ảnh viễn thám phục vụ công tác khắc phục hậu quả sự cố.
4. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt
Nam phối hợp với các đơn vị và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để hỗ trợ
tài chính kịp thời cho công tác khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.
Điều 13. Ứng
phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước
1. Cục Quản lý tài nguyên nước
chủ trì, phối hợp với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều
tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Bộ, ngành, cơ
quan, đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ để ứng phó, khắc phục hậu quả
sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo thẩm quyền. Cung cấp thông
tin về vị trí, khu vực sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước cho Trung
tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để tăng cường dự báo khí tượng thủy văn
cho khu vực.
2. Trung tâm Dự báo khí tượng
thủy văn quốc gia tăng cường dự báo khí tượng thủy văn cho khu vực xảy ra sự cố
phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả.
3. Cục Viễn thám quốc gia phối
hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo dõi, cung cấp ảnh viễn thám phục vụ
công tác khắc phục hậu quả sự cố.
4. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi
trường phối hợp với các đơn vị, địa phương theo dõi tình hình ô nhiễm môi trường
tại khu vực; xây dựng kế hoạch phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương đề xuất
các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô nhiễm.
5. Viện Khoa học tài nguyên nước
cung cấp kết quả nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, công nghệ ứng phó, khắc phục
sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
6. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
phối hợp với các đơn vị và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để hỗ trợ tài
chính kịp thời cho công tác khắc phục sự cố.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA BAN
CHỈ HUY
Điều 14.
Chế độ làm việc và quan hệ công tác
1. Chế độ làm việc
a) Ban Chỉ huy hoạt động theo
chế độ kiêm nhiệm; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về nhiệm vụ được
phân công.
b) Ban Chỉ huy họp thường kỳ 01
lần trong năm, trong trường hợp khẩn cấp có thể họp bất thường do Trưởng ban quyết
định.
2. Điều kiện làm việc
a) Trưởng Ban Chỉ huy được sử dụng
con dấu của Bộ Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo công tác phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn.
b) Phương tiện đi lại của các
thành viên Ban Chỉ huy do từng cơ quan của các thành viên đảm nhận.
3. Quan hệ công tác
Ban Chỉ huy chịu sự chỉ đạo, hướng
dẫn về nghiệp vụ của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Uỷ ban
Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đồng thời chịu sự chỉ đạo
trực tiếp của Bộ trưởng.
Điều 15.
Chế độ trực ban
Chế độ trực ban thực hiện theo
quy định tại Quy chế về công tác trực ban, họp điều hành ứng phó thiên tai, khắc
phục sự cố của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài
nguyên và Môi trường.
Điều 16.
Chế độ thông tin, báo cáo
1. Khi có thiên tai liên quan đến
khí tượng thủy văn, sự cố môi trường do thiên tai gây ra trên đất liền, sự cố
môi trường biển, sự cố tràn dầu trên biển, sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt
nguồn nước xảy ra các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phải báo cáo đầy đủ, chính
xác, kịp thời về diễn biến thiên tai, công tác khắc phục hậu quả và thiệt hại
do thiên tai gây ra về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy.
2. Văn phòng thường trực Ban Chỉ
huy tổ chức thu nhận thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai,
Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các nguồn thông
tin đáng tin cậy khác để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn; cập nhật các thông tin, báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ về công tác phòng,
chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổng hợp báo cáo, xử lý
thông tin hoặc trình Trưởng ban xử lý kịp thời.
3. Theo nhiệm vụ được giao, các
đơn vị tổng hợp và báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy trước ngày 25/12
hằng năm về tình hình thiên tai liên quan đến khí tượng thủy văn, sự cố môi trường
do thiên tai gây ra trên đất liền; sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu trên
biển; sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và công tác ứng phó, khắc
phục.
4. Việc báo cáo, cung cấp số liệu
về thiệt hại do thiên tai gây ra trong toàn ngành cho Ban chỉ đạo quốc gia về
phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu
nạn, các cơ quan thông tin đại chúng phải được Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban
thường trực phê duyệt.
Điều 17.
Kinh phí hoạt động
1. Kinh phí hoạt động của Ban
Chỉ huy được cấp từ ngân sách Nhà nước hằng năm trên cơ sở kế hoạch và dự toán
ngân sách của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy)
và được Bộ giao dự toán theo các quy định quản lý tài chính hiện hành.
2. Kinh phí hoạt động thường
xuyên của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy được sử dụng để chi theo quy định tại
Thông tư số 85/2020/TT-BTC ngày 01 tháng 10
năm 2020 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt
động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng,
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Tổ
chức thực hiện
1. Các thành viên Ban Chỉ huy,
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm triển khai và phối hợp thực
hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện
Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng
cục Khí tượng Thủy văn để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định sửa
đổi, bổ sung./.