HỘI
ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
112-HĐBT
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1981
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 112 - HĐBT NGÀY 15-10-1981 VỀ CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CHÍNH QUYỀN CẤP XÃ
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ điều 107 của Hiến pháp
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của chính quyền cấp xã hiện nay,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Xã là đơn vị hành chính cơ sở của Nhà nước ở nông thôn;
chính quyền Nhà nước cấp xã bao gồm Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân xã được
nhân dân bầu ra theo Hiến pháp và pháp luật, là cơ quan quản lý Nhà nước ở xã.
Điều 2:
Chính quyền cấp xã có chức năng quản lý mọi mặt công tác của Nhà nước ở xã, nhằm
bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh ở địa
phương, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; bảo đảm
quyền lợi của công dân, chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trong
xã; động viên mọi công dân trong xã làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Điều 3:
Chính quyền Nhà nước cấp xã có những nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu như sau:
1. Về xây dựng và thực hiện kế
hoạch:
- Đối với những xã đã cơ bản
hoàn thành hợp tác hoá, Uỷ ban Nhân dân xã trực tiếp xây dựng và thực hiện các
phần kế hoạch do xã phụ trách như sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế, xã hội và
ngân sách xã; tổng hợp những chỉ tiêu chủ yếu về phát triển sản xuất, nộp thuế,
bán sản phẩm cho Nhà nước, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, vay vốn
ngân hàng... trong kế hoạch của hợp tác xã để dưa vào kế hoạch chung của xã,
báo cáo Hội đồng Nhân dân xã quyết định và trình Uỷ ban Nhân dân huyện duyệt,
kiểm tra, giúp đỡ các hợp tác xã hoàn thành kế hoạch.
- Đối với những xã đang tiến
hành hợp tác hoá, Uỷ ban Nhân dân xã chỉ đạo các ban sản xuất ấp, buôn, các tập
đoàn sản xuất, các hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; tổng hợp
các kế hoạch đó để báo cáo Hội đồng Nhân dân xã quyết định, trình Uỷ ban Nhân
dân huyện duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Quản lý ruộng đất, rừng, bãi
biển và các tài nguyên thiên nhiên khác trong xã theo pháp luật quy định.
3. Quản lý dân số, hộ tịch hộ khẩu,
sinh tử, giá thú theo chính sách, chế độ hiện hành; quản lý lao động, tổ chức
thực hiện kế hoạch phân bố lao động, chế độ và kế hoạch huy động dân công cho
Nhà nước, cho xã.
4. Quản lý và thi hành chính
sách tài chính, thu thuế, thu nợ cho Nhà nước; xây dựng và quản lý thu chi ngân
sách xã theo quy định chung.
5. Kiểm tra, đôn đốc các hợp tác
xã, tập đoàn sản xuất về các mặt công tác sau đây:
- Thực hiện kế hoạch sản xuất;
chấp hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ
đối với Nhà nước, trước hết là nghĩa vụ lương thực, thực phẩm, nghĩa vụ nộp thuế,
trả nợ.
- Thi hành đúng điều lệ hợp tác
xã tập đoàn sản xuất, trọng tâm là thực hiện đúng các nguyên tắc về sản xuất,
phân phối, sử dụng vốn và các tài sản của tập thể, sử dụng, bảo quản cơ sở vật
chất và kỹ thuật của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.
6. Thực hiện chính sách cải tạo
xã hội chủ nghĩa; quản lý thị trường, ngăn chặn mọi hành vi kinh doanh, buôn
bán trái phép; đầu cơ tích trữ.
7. Giữ gìn an ninh chính trị, trật
tự và an toàn xã hội; bài trừ tệ nạn xã hội, chống mọi hiện tượng tiêu cực; bảo
vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản, tính mạng của nhân dân. Đối với các cơ
quan, xí nghiệp, trạm, trại, cửa hàng, kho tàng, đường giao thông, ống dẫn dầu,
đường dây điện và những tài sản khác thuộc cơ quan cấp trên đặt tại xã hoặc đi
qua lãnh thổ xã, Uỷ ban Nhân dân xã có trách nhiệm bảo vệ và giúp đỡ, tạo điều
kiện cho các đơn vị đó hoàn thành nhiệm vụ.
8. Thực hiện chế độ và kế hoạch
nghĩa vụ quân sự theo đúng pháp luật và kế hoạch Nhà nước; xây dựng lực lượng
vũ trang địa phương; tổ chức chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; thực hiện công
tác hậu phương quân đội.
9. Quản lý tiểu thuỷ nông, đường
giao thông trong xã.
10. Tổ chức công tác văn hoá,
thông tin, truyền thanh, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, và quản lý các cơ sở
nói trên.
11. Chăm lo cải thiện đời sống vật
chất và văn hoá của nhân dân trong xã.
12. Phát hiện và xử lý theo quyền
hạn được giao những hành vi vi phạm pháp luật.
Giám sát các cơ sở kinh tế, văn
hoá và các cơ quan cấp trên hoạt động tại xã, chấp hành pháp luật, chính sách
Nhà nước và thi hành các nghị quyết, quyết định của chính quyền địa phương.
Uỷ ban Nhân dân xã có quyền đình
chỉ thi hành những chủ trương hoặc việc làm của các tổ chức kinh tế tập thể và
các tổ chức khác trực thuộc xã trái với pháp luật, xét thấy có hại cho Nhà nước
và tập thể, cho quyền lợi chính đáng của xã viên và công dân, nhưng phải báo
cáo ngay với Uỷ ban Nhân dân cấp huyện, hoặc thị xã biết.
Điều 4:
Hội đồng Nhân dân xã là cơ quan quyền lực Nhà nước ở xã,
hoạt động theo chế độ hội nghị, định kỳ 3 tháng một lần, khi cần có thể họp bất
thường.
Hội đồng nhân dân xã thảo luận
và quyết định các biện pháp để bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật tôn trọng và
thi hành nghiêm chỉnh ở địa phương, các công tác quan trọng có liên quan đến kế
hoạch, ngân sách xã, đến nghĩa vụ và quyền lợi, có quan hệ đến đời sống, tình cảm,
phong tục, tập quán... của nhân dân địa phương. Nghị quyết của Hội đồng nhân
dân phải biểu quyết theo đa số tán thành.
Hội đồng nhân dân xã, giám sát Uỷ
ban Nhân dân xã và các ban chuyên môn của xã, chấp hành mọi mặt công tác được
giao. Uỷ ban Nhân dân và các ban chuyên môn của xã phải trả lời nghiêm túc các
điều chất vấn do đại biểu Hội đồng nhân dân xã nêu ra.
Đại biểu Hội đồng nhân dân xã phải
gương mẫu chấp hành và có trách nhiệm vận động nhân dân địa phương nghiêm chỉnh
chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị,
nghị quyết của cơ quan chính quyền cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân
xã.
Điều 5:
Uỷ ban Nhân dân xã là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân xã, là cơ quan
hành chính Nhà nước ở xã, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân xã và cơ
quan hành chính Nhà nước cấp trên về mọi mặt công tác được giao.
Uỷ ban Nhân
dân xã làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phân công phụ trách. Mỗi
thành viên của Uỷ ban Nhân dân xã chịu trách nhiệm chung về công tác của Uỷ ban
và chịu trách nhiệm về phần công tác được tập thể phân công.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã là
người chịu trách nhiệm chính về mọi mặt công tác của Uỷ ban Nhân dân xã và bảo
đảm nguyên tắc phân công nói trên.
Điều 6:
Thành viên và sự phân công của Uỷ ban Nhân dân xã được
quy định như sau:
- Uỷ ban Nhân dân xã có từ 5 đến
7 thành viên;
- Uỷ ban Nhân dân xã miền núi có
nhiều dân tộc xen kẽ có thể có từ 5 đến 9 thành viên.
Bộ phận thường trực của Uỷ ban
Nhân dân xã gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và uỷ viên thư ký.
Tuỳ theo tình hình đặc điểm và
trình độ cán bộ, Uỷ ban Nhân dân xã có thể phân công như sau:
Chủ tịch phụ trách chung công
tác chính quyền, phụ trách công tác kinh tế, kế hoạch, trực tiếp làm trưởng ban
tài chính ngân sách xã.
Phó chủ tịch phụ trách nội
chính, trưởng công an xã.
Phó chủ tịch (xã có hai phó chủ
tịch) phụ trách nông nghiệp, xây dựng hợp tác hoá hoặc phụ trách văn hoá, xã hội,
đời sống.
Uỷ viên thư ký phụ trách văn
phòng, giúp việc chủ tịch và phó chủ tịch giải quyết công việc hàng ngày.
Uỷ viên quân sự trực tiếp là xã
đội trưởng.
Uỷ viên phụ trách giao thông,
thuỷ lợi, quản lý ruộng đất và quản lý lao động.
Các uỷ viên khác trực tiếp làm
trưởng ban chuyên môn hoặc phụ trách các thôn ấp, bản.
Điều 7:
Các ban chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân xã gồm có:
1. Ban kinh tế - kế hoạch phụ
trách các mặt công tác:
- Kế hoạch; thống kê; lao động;
ruộng đất; giao thông; thuỷ lợi; lưu thông phân phối; sản xuất nông nghiệp, ngư
nghiệp, lâm nghiệp.
- Thi hành chính sách cải tạo
xây dựng hợp tác xã.
2. Ban tài chính phụ trách các mặt
công tác: tài chính, ngân sách, thuế, kế toán, tài vụ, quỹ.
3. Ban văn hoá - xã hội, phụ
trách các mặt công tác: văn hoá và thông tin; truyền thanh; giáo dục, thể dục -
thể thao; thương binh và xã hội.
4. Công an xã, phụ trách các mặt
công tác: an ninh, trật tự, hộ tịch, hội khẩu.
5. Ban chỉ huy quân sự xã chuyên
trách công tác quân sự.
Trạm y tế, chuyên trách công tác
bảo vệ sức khoẻ.
7. Trạm bưu
điện, chuyên trách công tác liên lạc, bưu điện, thư tín.
Điều 8:
- Quan hệ công tác giữa Uỷ ban Nhân dân xã với Uỷ ban
Nhân dân huyện, thị xã, đảng uỷ xã và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế
tập thể xã được quy định như sau:
- Uỷ ban Nhân dân xã chịu sự
lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Nhân dân huyện, thị xã về các mặt công
tác của Nhà nước ở xã, thường xuyên báo cáo, xin chỉ thị và chịu sự kiểm tra,
giám sát của Uỷ ban Nhân dân huyện, thị xã.
- Uỷ ban Nhân dân xã chịu sự
lãnh đạo trực tiếp của đảng uỷ xã, có trách nhiệm tổ chức thực hiện chỉ thị,
nghị quyết của đảng uỷ, thường xuyên báo cáo xin chỉ thị và chịu sự kiểm tra,
giám sát về mọi mặt công tác của đảng uỷ.
- Uỷ ban Nhân dân xã thường
xuyên liên hệ với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để hiểu rõ ý nguyện
của nhân dân trước khi quyết định những chủ trương có liên quan đến nghĩa vụ và
quyền lợi của nhân dân; dựa vào Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể để vận động và
tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính
sách của Nhà nước, và tham gia quản lý Nhà nước ở địa phương.
- Uỷ ban Nhân dân xã tạo điều kiện
giúp đỡ các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phát triển sản xuất; đồng thời thực
hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã và tập đoàn sản xuất theo
quy định ở điểm 5, Điều 3 quyết định này.
Điều 9:
Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc
trung ương có trách nhiệm lập quy hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính
quyền xã về kiến thức, năng lực công tác; trước hết, phải có ngay kế hoạch giáo
dục, bồi dưỡng cho cán bộ chính quyền xã đang công tác để có đủ trình độ và
năng lực thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà
nước. Chính quyền các cấp tỉnh, huyện phải có kế hoạch chấn chỉnh bộ máy chính
quyền cấp xã để bảo đảm cho bộ máy được vững chắc, trong sạch liêm khiết, đoàn
kết nội bộ, dân chủ với nhân dân, nhất thiết không để những phần tử thù địch,
tham ô, vô trách nhiệm, ức hiếp nhân dân, không chấp hành chính sách... lọt vào
chính quyền cấp xã.
Điều 10:
Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương có trách
nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này và báo cáo kết quả lên Hội đồng Bộ trưởng.
Các cơ quan quản lý ngành ở
trung ương có trách nhiệm thông qua các sở ở tỉnh và các ban ở huyện để hướng dẫn
hoạt động và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách các ngành thuộc chính quyền
xã.
Đồng chí trưởng ban Ban tổ chức
của Chính phủ cùng với các ngành có liên quan, hướng dẫn và theo dõi việc thực
hiện quyết định này.