ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1016/2013/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày
02 tháng 7 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI ĐÔ THỊ
ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH THOÁT NƯỚC VÀ VỆ SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng
11 năm 2005;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 01 tháng 6
năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28
tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 09/2009/TT-BXD ngày 21
tháng 5 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết thực hiện một số nội dung của
Nghị định số 88/2007/NĐ-CP;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số
354/TTr-SXD ngày 11/6/2013 và Báo cáo thẩm định số 129/BCTĐ-STP ngày 24/5/2013
của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy chế quản lý thoát
nước và xử lý nước thải đô thị đối với các công trình thoát nước và vệ sinh
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 3. Giao Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, quản lý
việc thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Các Ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng,
Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch
UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4 (t/h);
- Bộ Xây dựng (b/c);
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bắc Kạn (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra VB-Bộ Tư pháp;
- TT công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu VT, CN - XDCB.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Hoàng Ngọc Đường
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI ĐÔ THỊ ĐỐI VỚI CÁC
CÔNG TRÌNH THOÁT NƯỚC VÀ VỆ SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số 1016 /2013/QĐ-UBND ngày 02/7/2013 của UBND tỉnh Bắc
Kạn)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
áp dụng
Quy chế này áp dụng cho các hoạt động thoát nước
sinh hoạt ngoài nhà trong đô thị trên địa bàn tỉnh, không bao gồm các khu công
nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi tắt là khu
công nghiệp); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động
liên quan đến thoát nước trong đô thị. Đối với các khu dân cư tập trung nông thôn
có điều kiện xây dựng hệ thống thoát nước tập trung thì khuyến khích áp dụng
theo Quy chế này.
Điều 2. Các thành phần của
hệ thống thoát nước
1. Mạng lưới thoát nước cấp 1 gồm: Hệ thống cống
bao, kênh, mương dẫn nước thải, nước mưa xả vào các kênh mương, sông, ngòi
chính có dòng chảy tiêu thoát nước cho khu vực, vùng hoặc liên vùng;
2. Mạng lưới thoát nước cấp 2 gồm: Hệ thống cống
dọc các đường phố chính có chức năng vận chuyển nước thải và nước mưa, có thể
thông qua hoặc không thông qua các trạm bơm, các trạm xử lý, hồ điều hòa... đến
hệ thống thoát nước cấp 1.
3. Mạng lưới thoát nước cấp 3 gồm: Các cống dọc
các đường, phố tại các tiểu khu, cống dẫn nước mưa, nước từ các hố ga mặt đường,
dùng để thu gom, truyền tải nước thải, nước mưa của các hộ hoặc nước bề mặt tới
mạng lưới thoát nước cấp 1 và cấp 2.
4. Công trình trên hệ thống thoát nước gồm:
Hố kiểm tra, ga thăm, cửa thu nước mưa lề đường,
cửa tràn tách nước...;
Trạm bơm nước thải, nước mưa, cống liên quan tới
trạm bơm;
Hồ điều hòa và kênh mương;
Cửa xả nước mưa hoặc nước thải đã xử lý vào môi
trường tiếp nhận;
Nhà máy xử lý nước thải, phòng thí nghiệm;
Công trình xử lý bùn cặn.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Một số từ ngữ đã được giải thích tại Điều 2 Nghị
định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ.
1. Nước mưa là nước do mây ngưng tụ rơi xuống.
2. Bùn là cặn bã hữu cơ, vô cơ có trong nước thải
hoặc nước mưa.
3. Hố kiểm tra là một thành phần của hệ thống
thoát nước công cộng, dùng để kiểm tra và làm sạch hệ thống cống bên trong của
hộ thoát nước tương ứng.
4. Ống đấu nối là đường ống nối từ hố kiểm tra
ra cống cấp 3, cấp 2 hoặc cấp 1.
5. Cống bao là tuyến cống chính có cửa tràn để
thu và truyền tải nước thải về nhà máy xử lý nước thải hoặc các trạm bơm nước
thải cục bộ.
6. Các hộ xả thải trực tiếp (hoặc hộ thoát nước
đơn lẻ) là hộ xả nước mưa, nước thải trực tiếp vào môi trường, không xả vào hệ
thống cống thoát.
7. Các gia đình, cơ quan hành chính sự nghiệp,
cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... xả nước mưa, nước thải vào hệ thống thoát
nước công cộng gọi chung là hộ xả nước gián tiếp (hoặc là hộ thoát nước).
8. Khách hàng là đối tượng có sử dụng các dịch vụ
thoát nước và ký hợp đồng dịch vụ với cơ quan vận hành hệ thống thoát nước.
9. Đơn vị vận hành hệ thống thoát nước (hoặc đơn
vị thoát nước) là tổ chức được chủ sở hữu lựa chọn để quản lý, vận hành và bảo
dưỡng hệ thống thoát nước và cung cấp các dịch vụ thoát nước theo hợp đồng quản
lý vận hành.
10. Dịch vụ thoát nước là dịch vụ đô thị mà đơn
vị được giao quản lý vận hành cung cấp, bao gồm dịch vụ thu gom, vận chuyển và
xử lý nước thải và nước mưa.
11. Các hoạt động thoát nước là tất cả các hoạt
động có liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ thoát nước từ khâu đầu tư vào hệ
thống thoát nước, lập kế hoạch, thiết kế, quản lý, thu gom, xử lý, vận hành vào
bảo dưỡng.
12. Vận hành và bảo dưỡng là toàn bộ các hoạt động
thường nhật hoặc định kỳ của đơn vị quản lý vận hành để đảm bảo hệ thống thoát
nước hoạt động một cách hiệu quả và lâu dài.
13. Hợp đồng dịch vụ thoát nước là văn bản pháp
lý được ký kết giữa đơn vị quản lý vận hành với hộ thoát nước.
14. Tiêu chuẩn dịch vụ là mức độ chất lượng dịch
vụ, phù hợp với các quy định pháp lý có liên quan, do đơn vị quản lý vận hành đề
ra và cam kết thực hiện.
15. Hợp đồng quản lý vận hành là văn bản pháp lý
được ký kết giữa chủ sở hữu hệ thống thoát nước và đơn vị quản lý vận hành được
chủ sở hữu lựa chọn để quản lý vận hành một phần hoặc toàn bộ hệ thống thoát nước
đó.
16. Biểu phí thoát nước là bảng giá tính theo
đơn vị mà hộ thoát nước phải trả cho các dịch vụ thoát nước.
17. Tiền dịch vụ thoát nước là tổng số tiền mà hộ
thoát nước phải trả theo hợp đồng dịch vụ.
18. Giếng tách là hố ga thực hiện việc đưa nước
thải vào tuyến cống thu gom khi trời không mưa và xả nước mưa vào tuyến cống dẫn
nước mưa khi trời có mưa.
19. Cống áp lực là tuyến cống dẫn nước thải có
áp suất cao hơn áp suất khí quyển.
20. Cửa vận hành cống hộp là các cửa qua cống hộp
phục vụ cho công tác nạo vét, bảo dưỡng các tuyến cống hộp.
21. Các quy định liên quan khác là các quy định
có hiệu lực pháp luật của Nhà nước Việt Nam hoặc các quy định khác được Chính
phủ Việt Nam cho phép áp dụng mà việc áp dụng bất kỳ nội dung nào trong đó có ảnh
hưởng trực tiếp hoặc/và gián tiếp đến công tác quản lý nước thải.
Điều 4. Áp dụng các quy
chuẩn xả thải
1. Nước thải từ hệ thống thoát nước và các hộ
thoát nước trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận phải bảo đảm Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc
gia QCVN 14:2008/BTNMT về nước thải sinh hoạt.
2. Nước thải khác (không phải nước thải sinh hoạt)
khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị phải đạt quy chuẩn xả thải trực tiếp vào
hệ thống theo đúng quy định. Trường hợp không đạt quy chuẩn, phải được xử lý sơ
bộ cho đạt quy chuẩn trước khi xả vào hệ thống.
3. Các hộ xả gián tiếp nước thải phải xử lý sơ bộ
trước khi đưa vào hệ thống thoát nước nếu chất lượng nước thải phát sinh vượt
quá các trị số xả thải theo quy định.
Chương II
CÁC QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC
QUẢN LÝ
Điều 5. Trách nhiệm của các
cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động thoát nước
1. UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về hoạt
động thoát nước trên địa bàn tỉnh; ban hành và chỉ đạo thực hiện các chiến lược,
định hướng phát triển thoát nước; quy định chức năng, nhiệm vụ, phân cấp quản
lý về các hoạt động thoát nước cho các cơ quan liên quan thuộc tỉnh.
2. UBND thị xã, thị trấn: Lựa chọn đơn vị quản
lý vận hành có đủ năng lực theo địa bàn quản lý.
3. Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với Sở Tài
chính trình UBND tỉnh công bố bổ sung các định mức, đơn giá dịch vụ thoát nước
đô thị còn thiếu hoặc chưa phù hợp trên địa bàn tỉnh để áp dụng; tổ chức thẩm định
giá dự toán duy tu, bảo dưỡng, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; thỏa thuận
đấu nối được lập giữa hộ thoát nước và đơn vị quản lý vận hành; tổng hợp, báo
cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh về số liệu, tình hình hoạt động thoát nước trên địa
bàn theo định kỳ và đột xuất; xử phạt theo thẩm quyền về hành vi vi phạm các
quy định khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước (theo Điều 42, Nghị định
23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ).
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Là cơ quan quản
lý nhà nước về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm trong hoạt động thoát nước;
xác định thông báo và thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo Nghị định
67/2003/NĐ-CP và Nghị định 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 của Chính phủ; Tiếp nhận,
thẩm định và trình UBND tỉnh cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn theo quy định
của Chính phủ; theo dõi, kiểm soát việc xả nước thải vào nguồn.
5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Xây dựng trong
việc thẩm định phí thoát nước; hướng dẫn việc quản lý tài chính; kiểm tra và thẩm
định quyết toán sử dụng phí thoát nước theo quy định.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu cho UBND tỉnh
về đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Thực
hiện chức năng quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi;
quản lý việc cấp, thu hồi giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
8. UBND các huyện, thị xã và UBND các xã, phường,
thị trấn, trưởng các khu phố và khu dân cư, thôn xóm: Chịu trách nhiệm phối hợp
chặt chẽ với đơn vị quản lý vận hành, các tổ chức quần chúng và tổ chức xã hội
để tuyên truyền, giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường; hướng dẫn các tổ
chức, cá nhân bảo vệ hệ thống thoát nước, phát hiện kịp thời và ngăn chặn các
vi phạm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và nguồn nước, làm hư hỏng, phá hủy các
công trình thoát nước.
9. Công an tỉnh: Có trách nhiệm tham gia phối hợp
với các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về
thoát nước theo quy định.
Điều 6. Chủ sở hữu hệ thống
thoát nước
1. UBND các huyện, thị xã và UBND các xã (đối với
các khu dân cư tập trung nông thôn), phường, thị trấn là chủ sở hữu toàn bộ hệ
thống thoát nước trên địa bàn quản lý, bao gồm:
a) Được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước;
b) Nhận bàn giao lại từ các tổ chức kinh doanh,
phát triển khu đô thị mới trên địa bàn quản lý;
c) Nhận bàn giao lại từ các tổ chức, cá nhân bỏ
vốn đầu tư để kinh doanh công trình thoát nước có thời hạn trên địa bàn quản
lý;
2. Các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị
mới trên địa bàn tỉnh được phép sở hữu, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước
trên địa bàn do mình quản lý đến khi bàn giao theo quy định.
3. Các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình
thoát nước do mình bỏ vốn đầu tư đến khi bàn giao cho UBND thị xã, thị trấn (nếu
có quy định trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư).
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của
các hộ xả nước thải và nước mưa
1. Các đối tượng sản sinh ra nước thải sinh hoạt
và nước thải khác đều có quyền và nghĩa vụ đấu nối theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật
vào hệ thống thoát nước công cộng nếu hệ thống này đã được xây dựng và sẵn sàng
để sử dụng. Công việc này phải hoàn tất trong vòng 03 (ba) tháng kể từ khi có
đơn yêu cầu đấu nối.
2. Hộ xả nước thải sinh hoạt và không phải nước
thải sinh hoạt nằm trong vùng phục vụ của hệ thống thoát nước đều phải trả tiền
cho các dịch vụ thoát nước.
3. Hộ xả nước thải đấu nối với hệ thống thoát nước
đô thị có quyền:
a) Được cung cấp các dịch vụ trong Quy định này;
b) Yêu cầu đơn vị quản lý vận hành kịp thời sửa
chữa hoặc khôi phục hệ thống thoát nước bị hư hỏng;
c) Được bồi thường các mất mát, hư hỏng do đơn vị
quản lý vận hành gây ra.
4. Đối với các công trình, nhà ở mới được xây dựng,
việc đấu nối phải được hoàn tất trước khi nhà ở, công trình đó đưa vào sử dụng.
5. Trường hợp trong một khu đất do một chủ sở hữu
mà có nhiều hộ thoát nước thì tất cả các hộ thoát nước đều bình đẳng, có quyền
và nghĩa vụ như trên.
6. Các hộ tự xử lý nước thải sau đó xả trực tiếp
vào môi trường cần phải:
a) Tuân thủ quy chuẩn xả thải vào môi trường;
b) Có Giấy phép xả nước thải của cơ quan có thẩm
quyền (đối với trường hợp yêu cầu phải cấp giấy phép theo quy định);
c) Có sự chấp thuận của đơn vị quản lý vận hành
đồng ý miễn trừ đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị.
7. Các hộ thoát nước gián tiếp phải tự trang bị
trạm bơm dâng bằng kinh phí của mình nếu nước thải của hộ đó không tự chảy được
vào hệ thống thoát nước đô thị.
8. Các hộ thoát nước gián tiếp chịu trách nhiệm
về chất lượng mọi loại nước mưa và nước thải phát sinh trong phạm vi ranh giới
khu đất của mình.
9. Hộ thoát nước thải sử dụng các dịch vụ thoát
nước có nghĩa vụ chi trả các chi phí thoát nước cho đơn vị quản lý vận hành.
10. Hộ thoát nước làm hư hỏng tài sản của các hộ
khác, làm hư hại hệ thống thoát nước hoặc gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đều
phải bồi thường thiệt hại.
Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của
chủ sở hữu hệ thống thoát nước
1. Ký hợp đồng quản lý vận hành với đơn vị có đủ
năng lực.
2. Lựa chọn đơn vị quản lý vận hành có đủ năng lực
thông qua hình thức đấu thầu hoặc giao thầu.
3. Thanh toán tiền cho đơn vị quản lý vận hành
theo giá hợp đồng và khối lượng thực hiện.
4. Chủ sở hữu hệ thống thoát nước phải cung cấp
đủ nguồn lực để mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa, phát triển hệ thống
và đóng vai trò là chủ đầu tư.
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của
đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước
1. Đơn vị quản lý vận hành được chủ sở hữu hệ thống
thoát nước giao cho nhiệm vụ thu phí thoát nước. Số tiền thu được sẽ sử dụng
vào việc chi trả cho đơn vị quản lý vận hành. Nếu thu không đủ thì ngân sách địa
phương sẽ phải bù đắp để bảo đảm vận hành bảo dưỡng theo đúng quy trình.
2. Nước thải từ khi được xả vào hệ thống thoát
nước trở thành tài sản của đơn vị quản lý vận hành.
3. Quyền của đơn vị quản lý vận hành thông qua hợp
đồng quản lý vận hành phải bao gồm:
a) Ký hợp đồng dịch vụ với khách hàng và thực hiện
mọi hoạt động theo hợp đồng dịch vụ đã ký;
b) Thu phí thoát nước;
c) Nhận thanh toán đúng thời hạn đã quy định
trong hợp đồng quản lý vận hành, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài chính do việc
thanh toán chậm gây ra đã được cụ thể hóa theo hợp đồng;
d) Đề nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
về việc xem xét, bổ sung và sửa đổi quy phạm, quy chuẩn, các định mức kinh tế -
kỹ thuật, chính sách có liên quan tới các hoạt động thoát nước;
e) Báo cáo với chủ sở hữu và đề nghị các cơ quan
hữu quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm của tổ chức và cá nhân gây ảnh hưởng
thiệt hại tới hoạt động thoát nước.
4. Nhiệm vụ của đơn vị quản lý vận hành hệ thống
thoát nước gồm:
a) Vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước, bảo
đảm việc cung cấp các dịch vụ thoát nước cho khách hàng cả về chất lượng và số
lượng theo đúng hợp đồng quản lý vận hành và hợp đồng dịch vụ đã ký;
b) Tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, phản
ánh có liên quan đến dịch vụ thoát nước, ký kết các hợp đồng dịch vụ với khách
hàng; giải quyết các khiếu nại về dịch vụ thoát nước, bảo đảm sụ hài lòng cao
nhất của khách hàng;
c) Quản lý các tài sản do chủ sở hữu giao, thường
xuyên theo dõi sự hoạt động của các công trình thoát nước và báo cáo với chủ sở
hữu tài sản;
d) Theo dõi và báo cáo với chủ sở hữu về hiệu quả
hoạt động của hệ thống thoát nước;
e) Kiểm tra, đánh giá tình trạng hoạt động của hệ
thống thoát nước, bảo đảm việc thu gom, xử lý và xả nước vào môi trường theo thỏa
thuận, sửa chữa kịp thời các trục trặc, hư hỏng;
f) Bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng
theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng quản lý vận hành và hợp đồng dịch vụ;
g) Thực hiện vận hành bảo dưỡng hệ thống thoát
nước và các tài sản khác có liên quan theo đúng các quy trình tác nghiệp đã được
phê duyệt;
h) Theo dõi, thiết lập cơ sở dữ liệu các hộ
thoát nước;
i) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống
thoát nước hàng năm hoặc đột xuất trình chủ sở hữu phê duyệt;
j) Xây dựng dự thảo về phí thoát nước gửi Sở Xây
dựng thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 10. Hợp đồng quản lý vận
hành
Được ký kết giữa chủ sở hữu và đơn vị quản lý vận
hành với nội dụng chính quy định trong Thông tư 09/2009/TT-BXD ngày 21/5/2009 của
Bộ Xây dựng quy định chi tiết thực hiện một số nội dụng của Nghị định
88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công
nghiệp.
Chương III
DỊCH VỤ THOÁT NƯỚC
Điều 11. Hợp đồng dịch vụ
thoát nước
1. Nội dung cơ bản của hợp đồng dịch vụ thoát nước
được thực hiện theo quy định tại Điều 46 Nghị định 88/2007/NĐ-CP và theo mẫu tại
Phụ lục 02, Thông tư 09/2009/TT-BXD ngày 21/5/2009 của Bộ Xây dựng.
2. Hợp đồng dịch vụ thoát nước phải được ký kết
trước khi tiến hành đấu nối vào hệ thống thoát nước.
3. Các hộ thoát nước đã đấu nối trực tiếp hoặc
chảy gián tiếp vào hệ thống thoát nước đô thị trước khi Quy định này có hiệu lực
phải ký hợp động với đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước trong thời
gian 30 ngày kể từ khi Quy định này có hiệu lực.
Điều 12. Đấu nối vào hệ thống
thoát nước
1. Việc đấu nối các hộ thoát nước vào hệ thống
thoát nước đô thị được thực hiện giữa đơn vị quản lý vận hành và hộ thoát nước.
2. Ống nối và hố kiểm tra là các bộ phận của hệ
thống thoát nước công cộng và do chủ sở hữu hệ thống hoặc đơn vị quản lý vận
hành thiết kế, xây dựng, sửa chữa, thay thế hoặc dỡ bỏ.
3. Các hộ thoát nước đều được cung cấp:
a) Một vị trí đấu nối chung cho cả nước thải và
nước mưa nếu thuộc lưu vực của hệ thống thoát nước chung;
b) Một vị trí đấu nối vào tuyến cống thoát nước
thải và một vị trị đấu nối vào tuyến cống thoát nước mưa nếu thuộc lưu vực của
hệ thống thoát nước riêng.
4. Đơn vị quản lý vận hành mới có quyền giải quyết
miễn trừ đấu nối hoặc cho phép hai hộ thoát nước hoặc nhiều hơn được đấu nối
vào cùng một vị trí đấu nối và một hố kiểm tra. Trong trường hợp này, đơn vị quản
lý vận hành sẽ phải chỉ định rõ vị trí của hố kiểm tra và vị trí đấu nối.
5. Hệ thống vệ sinh riêng của khách hàng thoát nước
kể từ công trình vệ sinh trong nhà tới hố kiểm tra thuộc về trách nhiệm của
khách hàng thoát nước, kể cả xây dựng, sửa chữa, vận hành và bảo dưỡng.
6. Đơn vị quản lý vận hành sẽ kiểm soát việc xây
dựng theo đúng quy cách ống nối từ nhà ra tới hố kiểm tra kể cả chất lượng vật
liệu và kỹ thuật thi công công trình.
Điều 13. Làm sạch và hút bể
phốt
Bể phốt do các hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh
doanh và các cơ quan (hộ thoát nước) đều phải được làm sạch và hút cặn định kỳ
tùy theo các thông số thiết kế bằng kinh phí của chủ hộ hoặc người được chủ hộ
đó ủy quyền. Đơn vị quản lý vận hành có thể tham mưu về kỹ thuật, giám sát việc
thực hiện, điều phối các hoạt động có liên quan nếu được yêu cầu và được chủ hộ
hoặc người được chủ hộ đó ủy quyền thanh toán chi phí thực hiện các công tác
này.
Điều 14. Tiếp cận với các
công trình xả nước thải
1. Hộ thoát nước phải tạo điều kiện cho đơn vị
quản lý vận hành tiếp cận tới các công trình xả nước thải bên trong nhà và cung
cấp cho đơn vị này các thông số kỹ thuật của chúng.
2. Đơn vị quản lý vận hành có quyền lấy mẫu nước
thải trong hố kiểm tra trên đường đấu nối của khách hàng bất kỳ lúc nào. Các kết
quả xét nghiệm mẫu được dùng làm cơ sở để tính phí nước thải.
3. Trong trường hợp nước thải của hộ thoát nước
bắt buộc phải đi qua khu vực của một chủ sở hữu khác trước khi đến được điểm đấu
nối của hệ thống thoát nước đô thị, thì hộ thoát nước nêu trên có quyền yêu cầu
và chủ sở hữu khu vực đó có trách nhiệm phải cho phép đường ống đấu nối của hộ
thoát nước đi qua, trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên với sự chứng kiến của
chính quyền cơ sở (xã, thị trấn hoặc phường) và đơn vị quản lý vận hành.
Điều 15. Miễn trừ đấu nối
1. Trường hợp khuôn viên ở gần nguồn tiếp nhận
và chất lượng nước thải xả ra đáp ứng được các yêu cầu theo quy chuẩn xả thải
thì hộ thoát nước có thể được miễn trừ đấu nối.
2. Trường hợp trong khu vực không có hệ thống
thoát nước tập trung thì không cần đấu nối. Tuy nhiên, hộ thoát nước phải có
trách nhiệm xử lý nước thải của mình.
Điều 16. Tiêu chuẩn dịch vụ
Đơn vị quản lý vận hành phải xây dựng mục tiêu
chất lượng dịch vụ, đồng thời công bố với khách hàng làm căn cứ để đánh giá việc
thực hiện dịch vụ. Mục tiêu chất lượng dịch vụ là một tài liệu không tách rời của
hợp đồng quản lý vận hành và hợp đồng dịch vụ thoát nước.
Điều 17. Tạm thời gián đoạn,
chấm dứt cung cấp dịch vụ thoát nước
1. Tạm dừng cung cấp dịch vụ thoát nước khi sửa
chữa hoặc thay thế hệ thống thoát nước. Đơn vị quản lý vận hành phải thông báo
cho khách hàng trước khi ngừng cung cấp dịch vụ trước 03 (ba) ngày và phải có
giải pháp thích hợp để hạn chế thiệt hại do việc ngừng cung cấp dịch vụ, bào đảm
không gây phiền hà cho khách hàng và áp dụng các giải pháp thay thế tạm thời.
Trong trường hợp đơn vị quản lý vận hành không thông báo hoặc không có giải
pháp thay thế tạm thời mà gây thiệt hại cho khách hàng thì bị xử phạt và phải bồi
thường theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị quản lý vận hành không được phép đơn
phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ. Trong trường hợp khách hàng không thực hiện
trách nhiệm chi trả tiền phí thoát nước hoặc tự ý thay đổi, sửa chữa hệ thống
thoát nước mà không có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành hoặc vi phạm
Quy chế quản lý thoát nước thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi đó,
đơn vị quản lý vận hành sẽ yêu cầu đơn vị cấp nước chấm dứt hợp đồng cấp nước.
Việc cấp nước trở lại chỉ được thực hiện khi khách hàng đã khắc phục toàn bộ
các hậu quả hoặc hoàn thành việc chấp hành việc xử phạt hoặc bồi thường do các
vi phạm của khách hàng gây ra.
3. Khi khách hàng vi phạm Quy chế này nhưng chưa
gây tác động xấu tới môi trường, đơn vị quản lý vận hành sẽ gửi thông báo lần
thứ nhất về việc vi phạm và yêu cầu khắc phục. Nếu khách hàng không khắc phục
trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo lần thứ nhất,
đơn vị quản lý vận hành sẽ gửi thông báo lần thứ hai. Nếu khách hàng vẫn tiếp tục
không khắc phục trong vòng 03 (ba) ngày làm việc, đơn vị quản lý vận hành sẽ
yêu cầu đơn vị cấp nước chấm dứt hợp đồng cấp nước. Việc cấp nước trở lại chỉ
được thực hiện khi khách hàng đã khắc phục toàn bộ các hậu quả hoặc hoàn thành
việc chấp hành việc xử phạt hoặc bồi thường do các vi phạm của khách hàng gây
ra.
4. Trường hợp khách hàng vi phạm Quy chế này và
gây hậu quả xấu cho môi trường, đơn vị quản lý vận hành sẽ yêu cầu khách hàng
khắc phục hậu quả. Trong trường hợp khách hàng không khắc phục, đơn vị quản lý
vận hành sẽ yêu cầu đơn vị cấp nước chấm dứt hợp đồng cấp nước, đồng thời khách
hàng nêu trên sẽ bị xử lý theo pháp luật. Việc cấp nước trở lại chỉ được thực hiện
sau khi khách hàng đã khắc phục toàn bộ các hậu quả hoặc hoàn thành việc chấp
hành xử phạt hoặc bồi thường do các vi phạm của mình gây ra.
5. Nếu trên điểm xả xảy ra sự cố thì đơn vị quản
lý vận hành phải báo cáo chủ sở hữu và khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất,
chậm nhất là 15 ngày làm việc, đồng thời phải có biện pháp hạn chế tối đa thiệt
hại cho môi trường xung quanh.
Chương IV
PHÍ THOÁT NƯỚC
Điều 18. Đối tượng phải
thanh toán phí thoát nước
1. Hộ thoát nước xả nước thải vào hệ thống thoát
nước phải thanh toán phí thoát nước do đơn vị quản lý vận hành cung ứng. Các
chi phí vận hành, bảo dưỡng và đầu tư sẽ từng bước được thu hồi thông qua phí
thoát nước.
2. Các hộ thoát nước xả nước thải trực tiếp ra
môi trường có nghĩa vụ trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định
tại Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường
đối với nước thải và Nghị định 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định 67/2003/NĐ-CP.
Điều 19. Lập và trình duyệt
phương án phí thoát nước
1. Trách nhiệm lập, thẩm quyền thẩm định, quyết
định phí thoát nước theo Điều 55 Nghị định 88/2007/NĐ-CP.
2. Phương án thu phí thoát nước được tính toán
trên cơ sở sau:
a) Đánh giá việc sử dụng nước sạch, việc xả nước
thải trên địa bàn;
b) Đánh giá nhu cầu, khả năng đầu tư phát triển
hệ thống thoát nước trên địa bàn;
c) Giải thích các chi phí vận hành bảo dưỡng
tương ứng với từng giai đoạn phát triển hệ thống thoát nước và cải thiện chất
lượng dịch vụ;
d) Doanh thu phí thoát nước được tính toán;
e) Đánh giá và dự báo phát triển kinh tế - xã hội,
mức sống, thu nhập hiện tại của các hộ thoát nước trên địa bàn trong thời gian
5 (năm) năm tiếp theo, tỷ lệ lạm phát và khả năng thanh toán của các hộ;
f) Các kiến nghị về các phương án thu phí thoát
nước cụ thể và lộ trình tăng phí thoát nước dựa trên các chi phí vận hành bào
dưỡng, các chi phí trả nợ vốn vay đầu tư (nếu có), doanh thu từ phí thoát nước
và mức độ bao cấp có thể của địa phương tương ứng với phương án nên trên.
Điều 20. Xác định khối lượng
nước thải thu phí và nguyên tắc tính phí
Thực hiện theo Điều 51 Nghị định 88/2007/NĐ-CP:
1. Trường hợp hộ thoát nước thải sinh hoạt có sử
dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước thị xã, thị trấn (cấp nước đô thị), khối lượng
nước thải tính phí bằng 100% khối lượng nước sạch tiêu thụ ghi trên hóa đơn tiền
nước.
2.Trường hợp hộ thoát nước thải sinh hoạt không
sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị khối lượng nước thải tính phí được
xác định dựa trên mức khoán 4m3/người/tháng và có thể điều chỉnh tùy theo sự
tăng lên của mức sống.
Điều 21. Xác định hàm lượng
chất gây ô nhiễm để thu phí
Thực hiện theo Điều 52 Nghị định 88/2007/NĐ-CP của
Chính phủ.
Điều 22. Xác định mức thu
phí thoát nước
Thực hiện theo Điều 53 Nghị định 88/2007/NĐ-CP của
Chính phủ.
Điều 23. Điều chỉnh phí
thoát nước
Thực hiện theo Điều 56 Nghị định 88/2007/NĐ-CP của
Chính phủ.
Điều 24. Sử dụng phí thoát
nước
Nguồn thu từ phí thoát nước chỉ được sử dụng cho
các hoạt động thoát nước và lần lượt theo thứ tự ưu tiên sau:
1. Thanh toán các chi phí thực hiện dịch vụ vận
hành, bảo dưỡng và sửa chữa.
2. Thanh toán dịch vụ thu phí.
3. Đầu tư bổ sung để duy trì và phát triển hệ thống
thoát nước.
Chương V
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 25. Các hành vi bị cấm
1. Phá hoại hệ thống thoát nước.
2. Cản trở các hoạt động kiểm tra thoát nước.
3. Không chấp hành các quy định về cao độ nền đất
khi xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo hạ tầng trong đô thị.
4. Đấu nối tùy tiện hoặc không theo đúng thỏa
thuận với đơn vị quản lý vận hành.
5. Xả nước thải không đạt quy chuẩn chất lượng xả
thải vào các hệ thống thoát nước hoặc nguồn tiếp nhận.
6. Pha loãng nước thải để đạt quy chuẩn chất lượng
xả thải hoặc đưa chất gây ô nhiễm vào môi trường không khí hoặc đất.
7. Bịt các cửa thu nước hoặc xả các chất không
phải là nước mưa hoặc nước thải vào hệ thống thoát nước.
8. Cung cấp thông tin sai lệch làm ảnh hưởng xấu
tới quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động thoát nước.
9. Lợi dụng chức quyền để làm phiền hà hoặc đe dọa
các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động thoát nước.
10. Các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật
về quản lý nước thải.
11. Sử dụng nước thải chưa qua xử lý để tưới cây
hoặc sử dụng vào các mục đích khác gây ảnh hướng xấu tới môi trường và sức khỏe
con người.
12. Lấn chiếm, xây dựng các công trình trong
hành lang bảo vệ của công trình thoát nước.
13. Sử dụng các công trình thoát nước vào các mục
đích khác gây ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát
nước.
Điều 26. Thanh tra, kiểm
tra
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định
về thoát nước do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành. Khi phát hiện có vi phạm
thì áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong
công tác quản lý, thực hiện, không để các đối tượng lợi dụng vi phạm.
Điều 27. Giải quyết khiếu nại,
tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo
hành vi vi phạm quy định về quản lý thoát nước.
2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm
pháp luật trong hoạt động thoát nước được thực hiện theo quy định của pháp luật
về khiếu nại, tố cáo.
3. Trong thời gian khiếu nại, tố cáo hoặc khởi
kiện, các tổ chức, cá nhân vẫn phải thi hành quyết định hành chính của cơ quan
quản lý Nhà nước có thẩm quyền về thoát nước. Khi có quyết định giải quyết khiếu
nại, tố cáo về hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước có thầm quyền hoặc quyết
định của tòa án có hiệu lực thì thi hành theo các quyết định, bản án đó.
Điều 28. Xử lý vi phạm,
khen thưởng
1. Xử lý vi phạm
a) Mọi tranh chấp về hoạt động thoát nước, công
trình thoát nước, đơn vị quản lý thoát nước và hộ thoát nước sẽ được xử lý hoặc
giải quyết theo các quy định tại Quy chế này. Trường hợp không có điều khoản áp
dụng thì xử lý hoặc giải quyết theo Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của
Chính phủ.
b) Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phát hiện,
phòng ngừa, kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm quy chế quản lý thoát nước.
c) Tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi bị cấm
trong hoạt động thoát nước được quy định tại Điều 25 của Quy chế này thì tùy
theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định.
d) Trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật
trong hoạt động thoát nước gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì đối tượng vi phạm phải bồi thường thiệt
hại.
e) Thẩm quyền xử lý vi phạm, hình thức và mức độ
xử lý thực hiện theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành; Nghị định 23/2009/NĐ-CP
ngày 27/02/2009 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động
xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây
dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở và
Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
f) Nếu hộ thoát nước cung cấp thông tin sai lệch
về chất lượng và khối lượng nước thải sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Khen thưởng: Các tổ chức, cá nhân phát hiện đối
tượng vi phạm quy định trên, kịp thời báo cáo cho đơn vị quản lý thoát nước hoặc
chính quyền địa phương nơi gần nhất, sẽ được xét khen thưởng theo quy định hiện
hành.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Tổ chức thực hiện
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm
tra, quản lý việc thực hiện Quy chế này.
2. Đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm hướng
dẫn các tổ chức và hộ thoát nước ra vùng tiếp nhận thực hiện các điều khoản có
liên quan trong quy chế này.
3. Giám đốc các Sở chuyên ngành liên quan, Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng
đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm quản lý nước thải trên địa bàn theo quy
định trong Quy chế này.
4. Mọi khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá
trình thực hiện Quy chế phải được báo cáo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền
được biết và có biện pháp khắc phục.
5. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc,
đề nghị các tổ chức và cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để được hướng dẫn
và giải quyết theo quy định./.