ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/2024/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long,
ngày 19 tháng 3 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ
CHỨC CỦA BAN DÂN TỘC TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 107/2020/NĐ-CP
ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Thông tư số
01/2021/TT-UBDT ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công tác dân
tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
Theo đề nghị của Trưởng
Ban Dân tộc.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Vị trí và chức năng
1. Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh
Long là cơ quan chuyên môn ngang Sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức
năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc và
thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân
dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh
Long (sau đây gọi tắt là Ban) có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản
theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của Ủy ban
nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn,
nghiệp vụ của Ủy ban Dân tộc.
Điều 2.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Ban hành các quyết định
thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Quy hoạch, kế hoạch, đề
án, dự án và chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực
công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh;
- Phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ
quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc cho Ban và Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là cấp huyện);
- Quy định cụ thể chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban;
- Thực hiện xã hội hóa các
hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công về lĩnh vực công tác dân tộc và theo
phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.
b) Ban hành văn bản chỉ đạo,
hướng dẫn về lĩnh vực công tác dân tộc đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa
phương theo quy định của Đảng, của pháp luật và chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp
trên.
2. Trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh:
Ban hành Quyết định và các
văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về
lĩnh vực quản lý nhà nước của Ban.
3. Tổ chức thực hiện các văn
bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về công tác dân tộc
đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, giáo
dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
4. Tổ chức thực hiện các
chính sách, chương trình, đề án, dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì, quản lý, chỉ
đạo; các chính sách, đề án, công tác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao; theo dõi, tổng
hợp, sơ kết, tổng kết và đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, chính
sách dân tộc ở địa phương; tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp để giải
quyết công tác xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, di cư đối với đồng bào
dân tộc thiểu số và công tác khác liên quan đến chính sách dân tộc, đồng bào
dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
5. Tham mưu, tổ chức tiếp
đón, thăm hỏi, giải quyết các nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số theo chế
độ chính sách và quy định của pháp luật; định kỳ tham mưu tổ chức Đại hội đại
biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện; khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm
quyền khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc: trong công tác dân
tộc, thực hiện chính sách dân tộc; trong lao động sản xuất, xóa đói, giảm
nghèo; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ gìn an ninh, trật tự góp
phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
6. Chủ trì, phối hợp với các
sở, ngành có liên quan tham giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xác định xã, ấp vùng đồng
bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển; các dân tộc còn gặp nhiều khó
khăn, có khó khăn đặc thù; quyết định công nhận, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh
sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đúng trình tự, thủ tục
theo các quy định hiện hành và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy
tín.
7. Hướng dẫn chuyên môn,
nghiệp vụ về công tác dân tộc đối với công chức được bố trí làm công tác dân tộc
đối với các huyện chưa đủ điều kiện thành lập Phòng Dân tộc và giúp Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) quản lý nhà nước về công
tác dân tộc.
8. Thực hiện hợp tác quốc tế
về công tác dân tộc và các lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật và theo
phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
9. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng
tiến bộ khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công
tác quản lý nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ được giao.
10. Thực hiện công tác kiểm
tra, tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các lĩnh vực công tác
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ban; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho
cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong lĩnh vực công tác được giao theo quy
định của pháp luật.
11. Tiếp nhận những kiến nghị
của công dân liên quan đến dân tộc, thành phần dân tộc, tên gọi, phong tục, tập
quán các dân tộc thiểu số, xem xét giải quyết hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền
giải quyết theo quy định của pháp luật.
12. Tham gia, phối hợp với
các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan thẩm định các dự án, đề án do các sở, ban,
ngành và các cơ quan, tổ chức xây dựng có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước
về công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
13. Phối hợp với Sở Nội vụ
và các đơn vị có liên quan thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử
dụng hợp lý đội ngũ công chức, viên chức dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp huyện và công chức là người dân
tộc thiểu số làm việc tại Ủy ban nhân dân cấp xã, bảo đảm hợp lý cơ cấu tỷ lệ
thành phần dân tộc trên địa bàn; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án ưu tiên
tuyển dụng sinh viên dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng
vào làm việc tại cơ quan nhà nước ở địa phương.
14. Phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo và các đơn vị có liên quan trong việc cử tuyển học sinh dân tộc thiểu
số trên địa bàn tỉnh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp,
dân tộc nội trú theo quy định; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức biểu
dương, tuyên dương giáo viên; học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc là người
dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
15. Quản lý tổ chức bộ máy;
vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức thuộc Ban; thực hiện
việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ, chính sách
khác đối với công chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Ban theo
quy định và theo sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
16. Thực hiện công tác thống
kê, công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm
vụ được giao theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Dân tộc.
17. Quản lý và chịu trách
nhiệm về tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và theo phân
công, phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
18. Thực hiện các nhiệm vụ,
quyền hạn khác do Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao và
theo quy định của pháp luật.
Điều 3.
Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng
ban, 01 Phó Trưởng ban và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Trưởng ban là Ủy viên Ủy ban
nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, là người đứng đầu Ban do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ
hoạt động của Ban và thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh theo Quy chế làm việc và
phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội
đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo quy định.
Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban, là người giúp Trưởng
ban thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Trưởng ban phân công và chịu
trách nhiệm trước Trưởng ban và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân
công. Khi Trưởng ban vắng mặt, Phó Trưởng ban được Trưởng ban ủy nhiệm thay Trưởng
ban điều hành các hoạt động của Ban.
2. Biên chế:
Biên chế công chức của Ban
Dân tộc thực hiện theo quyết định giao biên chế hàng năm của cơ quan có thẩm
quyền.
Điều 4.
Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định có hiệu lực kể
từ ngày 30 tháng 3 năm 2024 và thay thế Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND ngày 07
tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long; Quyết định số
2247/QĐUBND ngày 27 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc
kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Dân tộc; Thủ trưởng các sở, ban,
ngành tỉnh, các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Ủy ban Dân tộc;
- Vụ Pháp chế -Bộ Nội vụ;
- TT.TU & HĐND tỉnh;
- CT,PCT.UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban TCTU;
- BLĐ.VP.UBT;
- Sở Tư pháp;
- Sở Nội vụ;
- Các phòng, ban, trung tâm - VP.UBND tỉnh;
- Báo Vĩnh Long (đăng báo);
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- Lưu: VT, 50.TCDNC.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lữ Quang Ngời
|