ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2023/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày
30 tháng 3 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, QUY
TRÌNH, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, KÉO DÀI THỜI GIAN GIỮ CHỨC VỤ QUẢN LÝ,
THÔI GIỮ CHỨC VỤ, MIỄN NHIỆM ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC QUẢN LÝ TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
CÔNG LẬP TRỰC THUỘC SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG NAM BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ
11/2022/QĐ-UBND NGÀY 25/3/2022 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 18/6/2020;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày
25/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày
25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Thực hiện Quy định số 738-QĐ/TU ngày 31/10/2022
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu
cán bộ ứng cử;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số
52/TTr-SYT ngày 21/3/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm
lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm đối với
viên chức quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng
Nam ban hành kèm theo Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2022 của
Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Bổ sung khoản 5 vào Điều 3
như sau:
"Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
5. Ngoài tiêu chuẩn, điều kiện tại Quy định này, nếu
Trung ương có quy định về tiêu chuẩn chức danh khác so với quy định tại Quy định
này thì thực hiện theo các quy định của Trung ương.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều
6 như sau:
“Điều 6. Thẩm quyền bổ nhiệm
1. Thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời
gian giữ chức vụ quản lý
a) Đối với chức danh giám đốc, phó giám đốc đơn vị
thực hiện theo quy định phân cấp quản lý hiện hành.
b) Giám đốc Sở Y tế quyết định đối với các chức
danh trưởng khoa, phòng và tương đương.
c) Giám đốc đơn vị sự nghiệp trực thuộc quyết định
đối với các chức danh phó trưởng khoa, phòng và tương đương, điều dưỡng (kỹ thuật
viên, hộ sinh) trưởng khoa, Trưởng trạm Y tế, Phó Trưởng trạm Y tế.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều
7 như sau:
“Điều 7. Thời hạn giữ chức vụ
4. Thời hạn viên chức giữ một chức vụ quản lý không
quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật
hiện hành.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2,
khoản 4, khoản 6 Điều 8 như sau:
“Điều 8. Điều kiện bổ nhiệm
2. Đối với nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch
vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đối với
nguồn nhân sự từ nơi khác phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên.
Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4. Tuổi bổ nhiệm
a) Viên chức được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí quản
lý (cao hơn) phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ; trường hợp đặc biệt do cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định.
b) Viên chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới
tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo
quy định tại điểm a khoản này.
6. Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức
vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ
luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên
chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức năm 2010 được sửa đổi, bổ sung tại khoản
8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật
Viên chức năm 2019. Viên chức bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm vào chức
vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày
ký quyết định kỷ luật):
- 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách
- 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo
- 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như
sau:
“Điều 9. Tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh
1. Giám đốc
a) Trình độ chuyên môn: tốt nghiệp bác sĩ sau đại học
trở lên; đối với đơn vị hạng I, hạng đặc biệt: tốt nghiệp tiến sĩ, bác sĩ
chuyên khoa cấp II trở lên.
- Đối với Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm -
Thực phẩm: tốt nghiệp sau đại học trở lên một trong các chuyên ngành: Dược, Hoá
học (Kỹ sư các ngành: Hoá dược, Hoá phân tích, Hoá thực phẩm).
- Đối với Trung tâm Pháp y: tốt nghiệp bác sĩ sau đại
học trở lên, là giám định viên pháp y.
- Đối với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố
(có giường bệnh điều trị nội trú) tốt nghiệp bác sĩ trở lên.
- Đối với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố
(không có giường bệnh điều trị nội trú) tốt nghiệp bác sĩ trở lên, trường hợp tốt
nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành sức khoẻ khác do cấp có thẩm quyền xem xét,
quyết định.
b) Đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng III hoặc
tương đương trở lên.
c) Tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên,
là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
d) Kinh nghiệm trong công tác, quản lý: đang giữ chức
vụ quản lý cấp phó đơn vị hoặc tương đương, thời gian giữ chức vụ cấp phó đơn vị
hoặc tương đương liên tục (tính đến khi xem xét bổ nhiệm) từ đủ 02 năm (24
tháng) trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Phó Giám đốc
a) Trình độ chuyên môn:
- Tốt nghiệp bác sĩ, dược sĩ sau đại học; đối với
đơn vị hạng I, hạng đặc biệt: Tốt nghiệp tiến sĩ, chuyên khoa cấp II trở lên;
- Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: tốt nghiệp
bác sĩ sau đại học hoặc sau đại học chuyên ngành sức khoẻ khác; đối với đơn vị
hạng I, hạng đặc biệt: tốt nghiệp tiến sĩ, chuyên khoa cấp II trở lên;
- Đối với Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm -
Thực phẩm: tốt nghiệp sau đại học trở lên một trong các chuyên ngành: Dược, Hóa
học (Kỹ sư các ngành: Hóa dược, Hóa phân tích, Hóa thực phẩm).
- Đối với Trung tâm Pháp y: tốt nghiệp bác sĩ sau đại
học trở lên, là giám định viên pháp y.
- Đối với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tốt
nghiệp bác sĩ, dược sĩ đại học trở lên. Trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên
các chuyên ngành sức khoẻ khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
b) Đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng III hoặc
tương đương trở lên.
c) Tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên,
là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
d) Kinh nghiệm trong công tác, quản lý: đang giữ chức
vụ quản lý các khoa, phòng hoặc tương đương, thời gian giữ chức vụ quản lý các
khoa, phòng hoặc tương đương liên tục (tính đến khi xem xét bổ nhiệm) từ đủ 02
năm (24 tháng) trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định
3. Trưởng khoa, phòng
a) Trình độ chuyên môn
Tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp
với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.
Đối với khoa lâm sàng tại các đơn vị hạng II trở
lên: tốt nghiệp bác sĩ sau đại học trở lên.
b) Đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng III hoặc
tương đương trở lên.
c) Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trường hợp
đặc biệt nổi trội, có năng lực, chiều hướng phát triển tốt và được sự tín nhiệm
của tập thể cấp ủy, đơn vị, đoàn thể nơi công tác,...nếu chưa là đảng viên thì
do cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý viên chức xem xét quyết định và chịu
trách nhiệm.
d) Kinh nghiệm trong công tác, quản lý: đang giữ chức
vụ quản lý cấp phó các khoa, phòng hoặc tương đương; thời gian giữ chức vụ cấp
phó các khoa, phòng hoặc tương đương liên tục (tính đến khi xem xét bổ nhiệm) từ
đủ 02 năm (24 tháng) trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét,
quyết định.
4. Phó Trưởng khoa, phòng và Điều dưỡng (Hộ sinh, Kỹ
thuật viên) trưởng khoa
a) Trình độ chuyên môn
Tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp
với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.
Đối với Phó Trưởng khoa tại các khoa lâm sàng các
đơn vị hạng I và hạng đặc biệt: Tốt nghiệp bác sĩ sau đại học trở lên.
b) Đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng III hoặc
tương đương trở lên.
c) Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trường hợp
đặc biệt nổi trội, có năng lực, chiều hướng phát triển tốt và được sự tín nhiệm
của tập thể cấp ủy, đơn vị, đoàn thể nơi công tác,...nếu chưa là đảng viên thì
do cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý viên chức xem xét quyết định và chịu
trách nhiệm.
d) Kinh nghiệm trong công tác, quản lý: phải có thời
gian công tác trong lĩnh vực, công việc đảm nhiệm từ đủ 03 năm (36 tháng) trở
lên kể từ khi được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề
nghiệp viên chức (không tính thời gian tập sự). Trường hợp đặc biệt do cấp có
thẩm quyền xem xét, quyết định.
5. Trưởng, Phó Trưởng trạm Y tế
a) Trình độ chuyên môn: tốt nghiệp Trung cấp chuyên
ngành Y, Dược trở lên.
b) Đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV hoặc
tương đương trở lên.
c) Kinh nghiệm công tác
- Đối với Trưởng trạm Y tế: đang giữ chức vụ Phó
Trưởng trạm Y tế hoặc tương đương, thời gian giữ chức vụ Phó Trưởng trạm Y tế
hoặc tương đương liên tục (tính đến khi xem xét bổ nhiệm) từ đủ 02 năm (24
tháng) trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Đối với Phó Trưởng trạm Y tế: phải có thời gian
công tác trong lĩnh vực, công việc đảm nhiệm từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên kể
từ khi được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp
viên chức (không tính thời gian tập sự). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định.”
6. Sửa đổi Điều 10 như sau:
“Điều 10. Trình tự và thủ tục bổ nhiệm
1. Xin chủ trương bổ nhiệm
a) Đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm viên chức quản lý phải
trình cơ quan có thẩm quyền hoặc cấp ủy cùng cấp (đối với chức danh thuộc thẩm
quyền quản lý của đơn vị) bằng văn bản về chủ trương, số lượng, nguồn nhân sự
và dự kiến phân công công tác đối với nhân sự được dự kiến bổ nhiệm.
b) Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ
trương bổ nhiệm chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của đơn vị.
c) Chậm nhất trong 30 ngày làm việc kể từ ngày có
văn bản đồng ý về chủ trương bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu đơn
vị phải tiến hành quy trình lựa chọn nhân sự theo quy định.
2. Thực hiện quy trình đối với nguồn nhân sự tại chỗ
Quy trình nhân sự gồm 05 bước, từng hội nghị chỉ được
tiến hành khi có người đứng đầu (trừ trường hợp khuyết người đứng đầu) và có ít
nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt.
a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1)
Trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn
nhân sự quy hoạch, người đứng đầu chủ trì cùng tập thể lãnh đạo thảo luận, rà
soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình nhân sự;
đồng thời, tiến hành rà soát kết quả đánh giá, nhận xét đối với từng viên chức
trong quy hoạch (gồm cả viên chức được quy hoạch chức danh tương đương trở
lên), thông qua danh sách nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để
lấy ý kiến giới thiệu ở bước tiếp theo. Kết quả thảo luận và đề xuất được ghi
thành biên bản.
Thành phần tham dự: Giám đốc, các Phó Giám đốc, người
đứng đầu bộ phận tham mưu về công tác cán bộ.
b) Bước 2: Hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng
Căn cứ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện và
danh sách nhân sự đã thông qua ở Bước 1, người đứng đầu trao đổi, định hướng
nhân sự bổ nhiệm phù hợp với yêu cầu của đơn vị để hội nghị thảo luận và tiến
hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội
nghị này).
Thành phần tham dự: Giám đốc, các Phó Giám đốc; cấp
ủy cùng cấp (hoặc chi bộ nơi không có cấp ủy); Trưởng khoa, phòng và tương
đương; Trưởng Trạm Y tế (đối với TTYT huyện, thị xã, thành phố).
Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn:
Mỗi thành viên giới thiệu 01 người cho 01 chức
danh; người nào đạt số phiếu đồng ý cao nhất trên 50% tổng số người được triệu
tập thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới
thiệu thì chọn tất cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới
thiệu ở bước tiếp theo. Trường hợp không có người đạt số phiếu 30% trở lên thì
không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem
xét, chỉ đạo.
c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2)
Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở Bước 2, hội
nghị tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Thành phần tham dự: như quy định tại Bước 1
Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên
giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở Bước 2
hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Người nào
đạt số phiếu cao nhất trên 50% tổng số người được triệu tập đồng ý thì được lựa
chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn tất
cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp
theo (kết quả kiểm phiếu được công bố tại hội nghị này). Trường hợp không có
người đạt số phiếu từ 30% trở lên thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp
theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.
Trường hợp nhân sự giới thiệu ở bước này khác với
nhân sự được giới thiệu ở Bước 2 thì tập thể lãnh đạo họp, thảo luận, phân tích
kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, xem xét, quyết định lựa chọn nhân sự để giới thiệu
ở bước tiếp theo (bằng phiếu kín) theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết
định của mình. Người được lựa chọn phải có số phiếu giới thiệu ít nhất 2/3 trở
lên của tổng số thành viên tập thể lãnh đạo theo quy định. Trường hợp không có
người đạt sổ phiếu ít nhất 2/3 thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo
và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.
Ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhân sự, cấp có thẩm
quyền tiến hành lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của ban thường vụ đảng ủy (đảng ủy
cơ quan đối với những nơi không có ban thường vụ) hoặc chi ủy (chi bộ cơ quan
nơi không có chi ủy); xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) đối
với nhân sự để báo cáo tại hội nghị Bước 5.
d) Bước 4: Hội nghị cán bộ chủ chốt
Tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự theo danh
sách đã được giới thiệu ở Bước 3 (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị
này).
Thành phần tham dự: Giám đốc, các Phó Giám đốc; cấp
ủy cùng cấp (hoặc chi bộ nơi không có cấp ủy); Trưởng, phó khoa, phòng và tương
đương; Trưởng, Phó trưởng Trạm y tế (đối với TTYT huyện, thị xã, thành phố); Chủ
tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đối với đơn vị có
dưới 30 người thì thành phần tham dự gồm toàn thể viên chức.
Thông báo danh sách nhân sự được giới thiệu ở Bước
3; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; đánh giá, nhận xét ưu điểm,
khuyết điểm, triển vọng phát triển và dự kiến lĩnh vực phân công công tác.
Ghi phiếu giới thiệu nhân sự (có thể ký hoặc không
ký tên).
đ) Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 3)
Trên cơ sở ý kiến đánh giá, nhận xét của ban thường
vụ đảng ủy (đảng ủy cơ quan đối với những nơi không có ban thường vụ) hoặc chi ủy
(chi bộ cơ quan nơi không có chi ủy); kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; kết quả
xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) đối với nhân sự; tập thể
lãnh đạo thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín) để trình cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thành phần tham dự: như quy định tại Bước 1
Nguyên tắc lựa chọn:
- Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu so
với tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm. Trường
hợp 02 người có số phiếu ngang nhau đạt tỷ lệ 50% thì người đứng đầu xem xét, lựa
chọn nhân sự để trình; đồng thời, báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có
thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan,
đơn vị và người đứng đầu chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa
chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm.
3. Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi
khác
a) Trường hợp nhân sự do đơn vị đề xuất thì tập thể
lãnh đạo đơn vị thảo luận, thống nhất về chủ trương và tiến hành một số công việc
sau:
- Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo
nơi tiếp nhận nhân sự dự kiến bổ nhiệm.
- Bước 2: (1) Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh
đạo nơi nhân sự đang công tác về chủ trương bổ nhiệm (người được giới thiệu phải
đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập; trường hợp số phiếu
đạt tỷ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ
nhiệm xem xét, quyết định); lấy đánh giá, nhận xét của cơ quan, đơn vị, địa
phương và hồ sơ nhân sự theo quy định. (2) Gặp nhân sự để trao đổi về yêu cầu
nhiệm vụ công tác.
- Bước 3: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan thẩm định về nhân sự và lập tờ trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét,
quyết định.
Trường hợp nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và
đáp ứng yêu cầu bổ nhiệm nhưng cơ quan, đơn vị, địa phương (nơi nhân sự công
tác hoặc nơi tiếp nhận nhân sự dự kiến bổ nhiệm) hoặc nhân sự còn có ý kiến
khác nhau, chưa thống nhất thì tập thể lãnh đạo đơn vị tổng hợp, báo cáo đầy đủ
các ý kiến và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
b) Trường hợp nhân sự do cơ quan cấp trên có thẩm
quyền dự kiến điều động, bổ nhiệm từ nguồn nhân sự ngoài đơn vị thì bộ phận
tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến điều động,
bổ nhiệm tiến hành một số công việc sau:
- Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo
nơi tiếp nhận nhân sự về chủ trương điều động, bổ nhiệm.
- Bước 2: (1) Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh
đạo nơi nhân sự đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm (người được giới
thiệu phải đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập; trường hợp
người được giới thiệu có số phiếu đạt tỷ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng
đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định; lấy đánh giá, nhận xét
của cơ quan, đơn vị, địa phương và hồ sơ nhân sự theo quy định. (2) Gặp nhân sự
để trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác.
- Bước 3: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan thẩm định về nhân sự. Ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ
quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trường hợp cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện
theo quy định nhưng cơ quan, đơn vị, địa phương (nơi nhân sự công tác hoặc nơi
tiếp nhận, bổ nhiệm nhân sự) hoặc nhân sự còn có ý kiến khác nhau, chưa thống
nhất thì bộ phận tham mưu về công tác cán bộ báo cáo đầy đủ các ý kiến và trình
cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
4. Quy trình điều động, bổ nhiệm viên chức giữ chức
vụ tương đương giữa các tổ chức bên trong thuộc đơn vị.
Tập thể lãnh đạo đơn vị thảo luận, thống nhất về chủ
trương và tiến hành một số công việc sau: (1) Tập thể lãnh đạo trao đổi, cho ý
kiến biểu quyết về nhân sự điều động, bổ nhiệm (người được giới thiệu phải đạt
số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập; trường hợp số phiếu đạt
tỷ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng đầu xem xét, quyết định), (2) gặp
nhân sự để trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác, (3) lập hồ sơ, thủ tục quyết
định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền.”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều
12 như sau:
“Điều 12. Hồ sơ bổ nhiệm
5. Bản sao bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, các
văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm. Trường hợp
nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công
nhận tại Việt Nam theo quy định. Trường hợp viên chức được đề nghị bổ nhiệm đã
thuộc diện quản lý của cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thì chỉ bổ sung
văn bằng, chứng chỉ theo quy định nếu có phát sinh;”
8. Bổ sung khoản 6 vào Điều 13
như sau:
“Điều 13. Thời điểm, thời hạn và nguyên tắc thực
hiện bổ nhiệm, kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý
6. Viên chức không được bổ nhiệm lại thì cấp có thẩm
quyền xem xét, quyết định việc bố trí công tác khác theo nguyên tắc không được
bố trí chức vụ tương đương hoặc cao hơn.”
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều
16 như sau:
“Điều 16. Thủ tục bổ nhiệm lại
4. Tập thể lãnh đạo đơn vị thảo luận và biểu quyết
nhân sự
Thành phần: Thực hiện như quy định tại bước 5 quy
trình bổ nhiệm viên chức quản lý.
Tập thể lãnh đạo thảo luận, nhận xét, đánh giá và
biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Viên chức được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt
tỷ lệ trên 50% tổng số người được triệu tập ở các hội nghị (nêu tại khoản 3, 4
Điều này) đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% (không quá bán) thì do người
đứng đầu quyết định; trường hợp dưới 50% đồng ý thì báo cáo cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định.
Người đứng đầu đơn vị ra quyết định bổ nhiệm lại
theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.”
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 3
Điều 17 như sau:
“Điều 17. Thủ tục kéo dài thời gian giữ chức vụ
đến tuổi nghỉ hưu
3. Tập thể lãnh đạo đơn vị tổ chức thảo luận, xem
xét, nếu viên chức còn sức khỏe, uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì thống
nhất biểu quyết bằng phiếu kín việc kéo dài thời gian giữ chức vụ đến tuổi nghỉ
hưu.
Nhân sự được đề nghị kéo dài thời hạn giữ chức vụ đến
tuổi nghỉ hưu phải đạt tỷ lệ trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng
ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng đầu quyết
định; trường hợp dưới 50% đồng ý thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định
theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc kéo dài
thời gian giữ chức vụ quản lý đến tuổi nghỉ hưu đối với viên chức.”
Điều 2. Bãi bỏ Chương III (Điều
19 và Điều 20) của Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm,
bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm
đối với viên chức quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế
tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của
Ủy ban nhân dân tỉnh;
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2023. Các nội dung khác tại Quy định về điều
kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian
giữ chức vụ quản lý, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm đối với viên chức quản lý tại
các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam ban hành kèm
theo Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh
không thuộc phạm vi sửa đổi, bổ sung tại Quyết định này vẫn còn hiệu lực thi
hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Nội vụ (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBPPL (b/c);
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH Quảng Nam;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, HCTC, NCKS (80b).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Trí Thanh
|