BỘ
TƯ PHÁP
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
06/2007/QĐ-BTP
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA BỘ TƯ
PHÁP
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo
năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo
năm 1998;
Căn cứ Luật Thanh tra năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và
các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư
pháp.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3.
Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám
đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Thanh tra Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ (Ban XDPL);
- Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra VBQPPL;
- Lưu:VT, TTR.
|
BỘ
TRƯỞNG
Uông Chu Lưu
|
QUY
CHẾ
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA BỘ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ - BTP ngày 27 tháng 6 năm
2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi áp dụng
Quy chế này quy định về trách
nhiệm, trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền
giải quyết của Bộ Tư pháp và xử lý các trường hợp khiếu nại, tố cáo không thuộc
thẩm quyền của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nguyên
tắc giải quyết
Mọi khiếu nại, tố cáo phải được
xem xét, xử lý, giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của
pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 3.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo
Người có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại, tố cáo quy định trong Quy chế này là Bộ trưởng Bộ Tư pháp (sau đây gọi
tắt là Bộ trưởng) và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại, tố cáo, bao gồm: Cục Thi hành án dân sự, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm
pháp luật, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục
Con nuôi quốc tế, Viện Khoa học pháp lý, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện
Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Trung tâm Tin học,
Nhà xuất bản Tư pháp, Thanh tra Bộ (sau đây gọi chung là các đơn vị có thẩm quyền
giải quyết khiếu nại, tố cáo).
Chương 2:
TIẾP
NHẬN, PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 4. Tiếp
nhận khiếu nại, tố cáo
Việc tiếp nhận đơn khiếu nại, tố
cáo gửi đến Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ qua văn thư cơ quan, gửi trực tiếp
tại Phòng tiếp công dân hoặc qua các hình thức hợp pháp khác được quy định như
sau:
1. Đơn gửi đích danh Bộ trưởng,
Thứ trưởng thì Thư ký Bộ trưởng, công chức giúp việc Thứ trưởng tiếp nhận và
chuyển Thanh tra để xử lý, trừ trường hợp Bộ trưởng, Thứ trưởng giao đơn
vị khác giải quyết;
2. Thanh tra tiếp nhận các đơn gửi
Thanh tra, Bộ Tư pháp và là đầu mối trong việc tiếp nhận, xử lý đơn;
3. Các đơn vị có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại, tố cáo tiếp nhận các đơn gửi cho mình. Các đơn vị và cá nhân
không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn khiếu nại, tố
cáo phải chuyển đến Thanh tra để xem xét, xử lý;
4. Việc tiếp nhận đơn tại Phòng
tiếp công dân được thực hiện theo Quy chế tiếp công dân của Bộ Tư pháp và các
quy định khác của pháp luật;
5. Việc tiếp nhận thông tin khiếu
nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự gửi đến Bộ Tư pháp qua đường dây
nóng được thực hiện theo Quyết định số 593/QĐ-BTP ngày 08 tháng 11 năm 2004 của
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường
dây nóng trong công tác thi hành án dân sự.
Điều 5. Phân
loại đơn, vào sổ theo dõi và thụ lý
1. Các đơn vị có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại, tố cáo sau khi tiếp nhận đơn tiến hành phân loại thành: đơn
khiếu nại, đơn tố cáo, đơn thuộc thẩm quyền và đơn không thuộc thẩm quyền giải
quyết. Đơn khiếu nại, tố cáo được vào sổ theo mẫu thống nhất do Thanh tra Bộ hướng
dẫn.
2. Các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc
thẩm quyền giải quyết và có đủ điều kiện thụ lý phải được vào sổ thụ lý giải
quyết.
Điều 6. Xử
lý đơn khiếu nại
Các đơn vị có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại, tố cáo sau khi nhận đơn khiếu nại xử lý như sau:
1. Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền
giải quyết và có đủ điều kiện thụ lý phải được báo cáo người có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại để quyết định việc thụ lý giải quyết trong thời hạn 10 ngày kể
từ ngày nhận đơn;
2. Đơn thuộc thẩm quyền nhưng
không đủ các điều kiện để thụ lý giải quyết theo quy định tại Điều 2 Nghị định
số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo thì có văn bản trả lời cho người
khiếu nại biết rõ lý do không thụ lý;
3. Đơn không thuộc thẩm quyền giải
quyết, đơn khiếu nại về vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai
thì không thụ lý nhưng có văn bản chỉ dẫn, trả lời cho người khiếu nại;
4. Đơn không thuộc thẩm quyền giải
quyết của Bộ Tư pháp nhưng gửi nhiều cơ quan, trong đó đã gửi đến cơ quan có thẩm
quyền giải quyết thì lưu đơn;
5. Đơn khiếu nại về công tác
thi hành án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thi hành án dân sự địa
phương, đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì Cục thi hành án
dân sự có trách nhiệm chuyển đơn, thông báo cho người khiếu nại biết, đồng thời
yêu cầu, đôn đốc cơ quan thi hành án dân sự địa phương có trách nhiệm giải quyết
và báo cáo kết quả;
6. Đơn khiếu nại về công tác
thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thi hành án dân sự, đơn
thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại,
tố cáo đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì Bộ trưởng giao
Thanh tra Bộ có trách nhiệm chuyển đơn, thông báo cho người khiếu nại biết, đồng
thời đôn đốc các đơn vị giải quyết;
7. Đơn không thuộc thẩm quyền giải
quyết do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí chuyển đến thì
gửi trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã
chuyển đơn biết;
8. Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp
chí Dân chủ và Pháp luật ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu
nại, tố cáo và Quy chế này còn phải thực hiện xử lý đơn khiếu nại theo quy định
của pháp luật về báo chí;
9. Thanh tra chịu trách nhiệm xử
lý các đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng.
Việc chỉ dẫn, trả lời quy định ở
Điều này chỉ thực hiện một lần đối với một vụ việc, trường hợp người khiếu nại
gửi kèm các giấy tờ, tài liệu là bản gốc liên quan thì trả lại các giấy tờ, tài
liệu đó.
Điều 7. Xử
lý đơn tố cáo
Các đơn vị có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại, tố cáo sau khi nhận đơn tố cáo tiến hành xử lý như sau:
1. Đơn tố cáo thuộc thẩm quyền
giải quyết và có đủ điều kiện thụ lý phải được báo cáo để người có thẩm quyền
giải quyết tố cáo quyết định việc thụ lý giải quyết trong thời hạn 10 ngày kể từ
ngày nhận đơn;
2. Đơn tố cáo không thuộc thẩm
quyền thì chậm nhất trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được phải chuyển đơn
tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo và các tài liệu, chứng cứ liên quan cho người có
thẩm quyền giải quyết;
3. Đơn tố cáo hành vi phạm tội
thì chuyển cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xử lý theo quy định tại Điều 71 Luật
Khiếu nại, tố cáo;
4. Không xem xét, giải quyết đơn
tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp
chữ ký hoặc tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại
nhưng không có bằng chứng mới;
5. Trường hợp hành vi bị tố cáo
gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, tập
thể, tính mạng, tài sản công dân; người tố cáo bị đe doạ, trù dập, trả thù thì
đơn vị nhận thông tin phải báo ngay cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn;
6. Thực hiện các trách nhiệm
khác về tiếp nhận và xử lý tố cáo.
Chương 3:
THẨM
QUYỀN, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Điều 8. Thẩm
quyền giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng
Bộ trưởng có thẩm quyền giải quyết:
1. Khiếu nại quyết định hành
chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, của cán bộ, công chức do Bộ trưởng quản
lý trực tiếp;
2. Khiếu nại mà Thủ trưởng
đơn vị thuộc Bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại;
3. Khiếu nại có nội
dung thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại;
4. Những tranh chấp về thẩm quyền
giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ trưởng;
5. Khiếu nại quyết định kỷ luật
cán bộ, công chức do Bộ trưởng ban hành;
6. Khiếu nại quyết định kỷ luật
cán bộ, công chức do Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ ban hành, của Giám đốc Sở
Tư pháp đối với công chức thi hành án dân sự địa phương và đã được các cấp này
giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại này của
Bộ trưởng là quyết định có hiệu lực thi hành.
Điều 9. Thẩm
quyền giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính,
hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp;
giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức do mình ban
hành.
2. Cục trưởng Cục Thi hành án
dân sự, ngoài thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này, còn có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại về thi hành án theo Điều 60 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm
2004.
Điều 10.
Trách nhiệm xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết khiếu nại
1. Trách nhiệm xác minh, kết luận,
kiến nghị giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng:
a) Đối với khiếu nại quyết định
hành chính, hành vi hành chính, Bộ trưởng căn cứ nội dung, tính chất vụ việc
khiếu nại để giao Chánh Thanh tra hoặc Thủ trưởng đơn vị khác thuộc Bộ hoặc
giao Chánh Thanh tra chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng đơn vị khác thuộc Bộ tiến
hành xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết;
b) Đối với khiếu nại quyết định
kỷ luật cán bộ, công chức, Chánh Thanh tra hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có
trách nhiệm xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại khi được
giao.
2. Trách nhiệm xác minh, kết luận,
kiến nghị giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng các
đơn vị thuộc Bộ:
a) Đối với khiếu nại quyết định
hành chính, hành vi hành chính thì tuỳ từng trường hợp, căn cứ nội dung, tính
chất vụ việc khiếu nại, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ giao cơ quan, bộ phận có
chuyên môn phù hợp tiến hành xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết;
b) Đối với khiếu nại quyết định
kỷ luật cán bộ, công chức thì Thủ trưởng đơn vị giao cơ quan, bộ phận quản lý
nhân sự xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết.
Điều 11.
Xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết khiếu nại
1. Đơn vị, cơ quan, bộ phận được
giao trách nhiệm xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết khiếu nại, trong thời
hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn phải báo cáo với người có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại về nội dung khiếu nại, kế hoạch giải quyết và dự thảo quyết định
xác minh. Dự thảo quyết định xác minh bao gồm các nội dung chính sau: nội dung,
thời gian xác minh và nhân sự làm công tác xác minh.
2. Trong thời hạn 5 ngày kể từ
ngày nhận được báo cáo đề xuất, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết
định xác minh; tuỳ theo tính chất, mức độ từng trường hợp có thể quyết định
thành lập Đoàn thanh tra, Đoàn xác minh hoặc cử công chức thực hiện. Trường hợp
Thanh tra được giao tiến hành xác minh thì Chánh Thanh tra ra quyết định xác
minh.
3. Căn cứ vào quyết định xác
minh, đơn vị, cơ quan, bộ phận được giao nhiệm vụ xác minh tiến hành thu thập
tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật để kết luận rõ đúng, sai về nội
dung khiếu nại và kiến nghị biện pháp giải quyết.
4. Đơn vị, cơ quan, bộ phận được
giao xác minh phải có báo cáo kết quả xác minh và có trách nhiệm dự thảo quyết
định giải quyết khiếu nại, các văn bản khác liên quan trình người giải quyết
khiếu nại.
5. Trước khi ra quyết định giải
quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại trực
tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan
để làm rõ nội dung khiếu nại và hướng giải quyết. Đối với việc giải quyết khiếu
nại lần hai, việc gặp gỡ, đối thoại chỉ thực hiện khi thấy cần thiết.
Điều 12. Ra
quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết quả giải quyết và lưu trữ hồ sơ
1. Người giải quyết khiếu nại phải
ra quyết định giải quyết khiếu nại theo qui định tại Điều 38, Điều 45 của Luật
Khiếu nại, tố cáo; không dùng công văn, thông báo, biên bản cuộc họp hoặc hình
thức văn bản khác để thay thế quyết định giải quyết khiếu nại.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại
được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại
trước đó, người có quyền, lợi ích liên quan; đối với vụ việc phức tạp thì người
giải quyết khiếu nại mời những người nói trên và đại diện tổ chức, đơn vị có
liên quan đến trụ sở cơ quan để công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại.
Nếu người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ thì quyết định giải quyết khiếu nại cần
được thông báo cho luật sư biết.
3. Trường hợp khiếu nại do cá
nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển đến, người giải quyết khiếu nại tuỳ
từng trường hợp phải có văn bản báo cáo hoặc thông báo kết quả giải quyết đến
nơi đã chuyển đơn theo quy định.
4. Trong thời hạn 05 ngày kể từ
ngày ký, các quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ
đều phải được niêm yết công khai tại nơi tiếp công dân của Bộ hoặc đơn vị đã giải
quyết khiếu nại, trừ trường hợp cần đảm bảo bí mật nhà nước.
5. Hồ sơ giải quyết khiếu nại được
lập theo quy định tại Điều 47 Luật Khiếu nại, tố cáo và lưu giữ tại đơn vị của
người được giao xác minh theo quy định về lưu trữ hồ sơ.
Điều 13. Thời
hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp, thời hạn giải quyết khiếu nại
1. Thời hiệu khiếu nại là 90
ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành
chính. Trường hợp do ốm đau, thiên tai, địch hoạ, đi công tác, học tập ở xa hoặc
vì những trở ngại khác dẫn đến người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu
nại đúng thời hiệu, thì thời gian đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Thời hạn
khiếu nại tiếp là 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu
mà không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu
nại lần đầu, trường hợp ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thời hạn trên có thể
kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
2. Thời hạn giải quyết khiếu nại
lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý, trường hợp phức tạp có thể kéo dài
hơn nhưng không quá 45 ngày. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45
ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết, trường hợp phức tạp thì thời hạn có thể kéo
dài hơn nhưng không quá 60 ngày.
3. Đối với khiếu nại quyết định
kỷ luật cán bộ, công chức:
a) Thời hiệu khiếu nại là 15
ngày kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật. Trường hợp do ốm đau, thiên tai,
địch hoạ, đi công tác, học tập ở xa hoặc vì những trở ngại khác dẫn đến người
khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại đúng thời hiệu, thì thời gian đó
không tính vào thời hiệu khiếu nại;
b) Thời hạn giải quyết khiếu nại
lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; nếu vụ việc phức tạp
thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày;
c) Thời hạn khiếu nại lần tiếp
theo là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần tiếp theo là 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp
thời hạn trên có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
4. Đối với khiếu nại về thi hành
án dân sự:
a) Thời hiệu khiếu nại lần đầu
là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật
của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Chấp hành viên. Thời hạn khiếu nại
lần tiếp theo là 15 ngày kể từ khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại;
b) Thời hạn giải quyết khiếu nại
của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại các khoản
2, 3, 4 Điều 60 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004;
c) Thời hạn giải quyết khiếu nại
của Bộ trưởng là 30 ngày, trường hợp phức tạp là 60 ngày kể từ ngày nhận được
khiếu nại.
Chương 4:
THẨM
QUYỀN, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
Điều 14. Thẩm
quyền giải quyết tố cáo của Bộ trưởng
Bộ trưởng có thẩm quyền giải quyết
tố cáo đối với các trường hợp sau:
1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp
luật, hành vi vi phạm về nhiệm vụ, công vụ của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị
thuộc Bộ và những cán bộ, công chức do Bộ trưởng bổ nhiệm và quản lý trực tiếp;
2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp
luật có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp;
3. Tố cáo mà Thủ trưởng các đơn
vị thuộc Bộ đã giải quyết, Giám đốc Sở Tư pháp trong phạm vi uỷ quyền quản lý
công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự của Bộ trưởng đã giải quyết nhưng
còn tố cáo tiếp và có cơ sở để thụ lý giải quyết. Trong trường hợp này, Bộ trưởng
giao Chánh Thanh tra xem xét, kết luận nội dung tố cáo; trường hợp kết luận việc
giải quyết có vi phạm pháp luật thì Chánh Thanh tra kiến nghị người đã giải quyết
xem xét, giải quyết lại.
Điều 15. Thẩm
quyền giải quyết tố cáo của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
có thẩm quyền giải quyết tố cáo các trường hợp sau:
1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp
luật đối với cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp theo quy định
của pháp luật về công tác quản lý cán bộ, công chức;
2. Tố cáo hành vi vi phạm về nhiệm
vụ, công vụ của cán bộ, công chức thuộc đơn vị mình.
Điều 16.
Trách nhiệm xác minh, kết luận nội dung tố cáo
1. Tố cáo mà Bộ trưởng giải quyết
lần đầu thì Thanh tra hoặc Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm xác minh, kết luận
nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý khi được giao. Các trường hợp khác
thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng thì Thanh tra có trách nhiệm xác minh, kết luận
nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý.
2. Tố cáo thuộc thẩm
quyền giải quyết của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ thì cơ quan, bộ phận
quản lý nhân sự có trách nhiệm xác minh, kết luận nội dung tố cáo và kiến nghị
biện pháp xử lý khi được giao.
Điều 17.
Xác minh, kết luận nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo
1. Đơn vị, cơ quan, bộ phận được
giao trách nhiệm xác minh, kết luận nội dung tố cáo trong thời hạn 5 ngày, kể từ
ngày nhận được đơn phải báo cáo với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo về nội
dung tố cáo, kế hoạch giải quyết, đồng thời dự thảo quyết định xác minh với các
nội dung chính sau: nội dung, phạm vi cần xác minh, thời gian hoàn thành, trách
nhiệm của những người được giao.
2. Trong thời hạn 5 ngày kể từ
ngày nhận được báo cáo đề xuất, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo ra quyết
định xác minh; tuỳ theo tính chất, mức độ từng trường hợp, có thể quyết định
thành lập Đoàn thanh tra hoặc Đoàn xác minh. Trường hợp Thanh tra được giao tiến
hành xác minh thì Chánh Thanh tra ra quyết định xác minh.
3. Căn cứ nội dung quyết định,
đơn vị, cơ quan, bộ phận được giao xác minh có trách nhiệm thu thập tài liệu,
chứng cứ theo quy định của pháp luật để kết luận rõ đúng, sai về nội dung tố
cáo và kiến nghị biện pháp xử lý.
4. Đơn vị, cơ quan, bộ phận được
giao xác minh, kết luận nội dung tố cáo có trách nhiệm dự thảo văn bản kết luận,
xử lý tố cáo cùng các văn bản khác liên quan trình người giải quyết tố cáo.
Điều 18. Ra
quyết định xử lý tố cáo, thông báo kết quả giải quyết và lưu trữ hồ sơ
1. Căn cứ kết quả xác minh, kết
luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành xử lý
theo Điều 44, Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính
phủ.
2. Trường hợp Bộ trưởng giải quyết
tố cáo thì gửi văn bản kết luận vụ việc tố cáo, quyết định xử lý cho Chính phủ
(qua Văn phòng Chính phủ), Thanh tra Chính phủ, đồng thời thông báo cho người tố
cáo kết quả giải quyết nếu họ yêu cầu, trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật
Nhà nước.
3. Trường hợp Thủ trưởng các đơn
vị, Giám đốc Sở Tư pháp giải quyết tố cáo thì gửi văn bản kết luận tố cáo, quyết
định xử lý để báo cáo Bộ trưởng, Thanh tra Bộ, đồng thời thông báo cho người tố
cáo kết quả giải quyết nếu họ yêu cầu, trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật
Nhà nước.
4. Trường hợp tố cáo do các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thì ngoài việc báo cáo, thông
báo như trên, người giải quyết tố cáo tuỳ từng trường hợp phải có văn bản báo
cáo hoặc thông báo kết quả giải quyết đến nơi đã chuyển đơn theo quy định.
5. Hồ sơ giải quyết tố cáo được
lập theo quy định tại Điều 73 Luật Khiếu nại, tố cáo và lưu giữ tại đơn vị của
người được giao xác minh theo quy định về lưu trữ hồ sơ.
Điều 19. Thời
hạn giải quyết tố cáo
Thời hạn giải quyết tố cáo không
quá 60 ngày, đối với vụ việc phức tạp không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý.
Chương 5:
CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM
TRA, GIÁM SÁT VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Quản
lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất
quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Tư pháp
theo quy định của pháp luật.
2. Chánh Thanh tra giúp Bộ trưởng
thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố
cáo trong phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp; hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ xử lý
đơn khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành quyết định giải
quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo.
3. Cục trưởng Cục Thi hành án
dân sự có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương xử lý
đơn thư khiếu nại về thi hành án dân sự theo đúng quy định của pháp luật về thi
hành án dân sự.
4. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm quản lý công tác giải
quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi đơn vị mình.
Điều 21.
Chế độ báo cáo
1. Các đơn vị có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại, tố cáo, Giám đốc Sở Tư pháp trong phạm vi được Bộ trưởng uỷ
quyền quản lý công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự có trách nhiệm báo
cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hàng tháng, 06 tháng, năm gửi về Bộ
(qua Thanh tra) để Thanh tra tổng hợp.
2. Định kỳ hàng tháng, 06
tháng, năm, Thanh tra có trách nhiệm tổng hợp số liệu, báo cáo Bộ trưởng
và thừa lệnh Bộ trưởng báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ
Tư pháp gửi Thanh tra Chính phủ.
Điều 22.
Công tác kiểm tra, giám sát
1. Chánh Thanh tra có trách nhiệm
giúp Bộ trưởng kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp trong phạm vi được Bộ trưởng
uỷ quyền quản lý công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự; khi phát hiện có
vi phạm pháp luật thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Bộ trưởng xử lý;
kiến nghị các biện pháp nhằm chấn chỉnh công tác này trong phạm vi quản lý của
Bộ trưởng.
2. Tổ chức Thanh tra nhân dân ở
cơ quan Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có
trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại, tố cáo và kiến nghị để Bộ trưởng, Thủ trưởng
đơn vị giải quyết; đồng thời thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo đó theo quy định của pháp luật và Quy chế hoạt động của Ban Thanh tra nhân
dân.
Điều 23. Tổ
chức thực hiện
Thanh tra có trách nhiệm giúp Bộ
trưởng tổ chức thực hiện Quy chế này, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc
phát sinh, kịp thời báo cáo đề xuất để sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp.