ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/2012/QĐ-UBND
|
Ninh Thuận, ngày 13
tháng 01 năm 2012
|
QUYẾT
ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH GIẢI QUYẾT CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA” VÀ CƠ CHẾ
“MỘT CỬA LIÊN THÔNG” TẠI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08
tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định về kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22
tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một
cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
35/2008/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và
Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở
Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo
thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ
trình số 92/TTr-SNV ngày 10 tháng 01 năm 2012 và báo cáo kết qủa thẩm định của
Sở Tư pháp tại văn bản số 04/BC-STP ngày 03 tháng 01 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định giải quyết các
thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và cơ chế “một cửa liên thông” tại Sở
Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban
hành và thay thế Quyết định số 55/2009/QĐ-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Ban hành Quy định giải quyết các thủ tục hành
chính theo cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” tại Sở Giáo dục và Đào
tạo tỉnh Ninh Thuận.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám
đốc các Sở, ban, ngành; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Thanh
|
QUY
ĐỊNH
GIẢI
QUYẾT CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA” VÀ CƠ CHẾ “MỘT CỬA LIÊN
THÔNG” TẠI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2012
của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
A. CÁC THỦ TỤC HÀNH
CHÍNH THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA”
I. Thủ tục chuyển
trường
1. Cơ sở pháp lý: Quyết định số
51/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 25 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo về việc ban hành quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các
trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
2. Đối tượng áp dụng:
- Học sinh chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ
hoặc người giám hộ;
- Học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về
gia đình hoặc có lý do thật sự chính đáng để phải chuyển trường.
3. Thẩm quyền giải quyết: Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo.
4. Hồ sơ: 01 bộ, gồm:
- Đơn xin chuyển trường do cha hoặc mẹ hoặc
người giám hộ ký;
- Học bạ (bản chính);
- Bằng tốt nghiệp cấp học dưới - có chứng
thực (đối với lớp 10 do chưa cấp bằng chính, nên có thể thay bằng giấy chứng
nhận tốt nghiệp tạm thời);
- Giấy khai sinh (bản sao);
- Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 đầu
cấp Trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp;
- Giấy giới thiệu chuyển trường do Hiệu
trưởng trường học nơi đi cấp;
- Giấy giới thiệu chuyển trường do Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp Trung học phổ thông) nơi đi cấp (đối với
trường hợp xin chuyển đến từ tỉnh, thành phố khác);
- Các giấy tờ hợp lệ để được hưởng chế độ ưu
tiên, khuyến khích trong học tập, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp (nếu có);
- Hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận tạm trú dài
hạn hoặc quyết định điều động công tác của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ tại
nơi sẽ chuyển đến với những học sinh chuyển nơi cư trú đến từ tỉnh, thành phố
khác;
- Giấy xác nhận của chính quyền địa phương
nơi học sinh cư trú với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia
đình;
- Giấy xác nhận điểm học kỳ I (hoặc học kỳ
II) nếu chuyển trường giữa năm học thì phải có chữ ký của giáo viên chủ nhiệm
và có xác nhận của Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng trường đã được phân công.
5. Quy trình và thời gian giải quyết: 02 ngày
làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở
Giáo dục và Đào tạo kiểm tra hồ sơ hợp lệ, thì chuyển ngay đến Phòng Giáo dục
trung học;
- Phòng Giáo dục trung học thẩm định, xử lý
hồ sơ: 01 ngày;
- Giám đốc Sở ký duyệt: 01 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trả kết quả cho đương
sự ngay trong ngày.
6. Lệ phí: theo quy định của pháp luật.
II. Thủ tục chỉnh sửa
các chi tiết hộ tịch trong văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ
thông (hệ phổ thông và hệ bổ túc)
1. Cơ sở pháp lý:
- Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20
tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế
văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân;
- Công văn số 6025/THPT ngày 17 tháng 7 năm
2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý, cấp phát bằng trung
học phổ thông, trung học cơ sở;
- Công văn số 6477/GDTX ngày 30 tháng 7 năm
2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý, cấp phát bằng bổ túc
trung học phổ thông, bổ túc trung học cơ sở.
2. Đối tượng áp dụng: cá nhân có văn bằng tốt
nghiệp sai lệch các chi tiết về hộ tịch (họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi
sinh).
3. Thẩm quyền giải quyết: Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo.
4. Hồ sơ: 01 bộ, gồm:
- Giấy khai sinh;
- Đơn đề nghị điều chỉnh văn bằng tốt nghiệp
(theo mẫu);
- Đơn đề nghị cấp bản sao văn bằng tốt nghiệp
(theo mẫu);
- Giấy chứng minh nhân dân (nếu có);
- Ảnh dán văn bằng (cỡ
3x4cm, quy cách như ảnh dán văn bằng tốt nghiệp).
5. Quy trình và thời gian giải quyết: 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở
Giáo dục và Đào tạo kiểm tra hồ sơ hợp lệ và chuyển Phòng Giáo dục trung học:
01 ngày;
- Phòng Giáo dục trung học thẩm định, xử lý
hồ sơ: 02 ngày;
- Giám đốc Sở ký duyệt: 01 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trả kết
quả cho đương sự: 01 ngày.
6. Lệ phí: theo quy định của pháp luật.
III. Thủ tục cấp phát
bản sao văn bằng tốt nghiệp
1. Cơ sở pháp lý:
- Thông tư số 20/2002/TT-BGD&ĐT ngày 12
tháng 4 năm 2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện việc
cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ và xác nhận các giấy tờ khác trong lĩnh vực
giáo dục;
- Công văn số 6025/THPT ngày 17 tháng 7 năm
2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý, cấp phát bằng trung
học phổ thông, trung học cơ sở;
- Công văn số 6477/GDTX ngày 30 tháng 7 năm
2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý, cấp phát bằng bổ túc
trung học phổ thông, bổ túc trung học cơ sở;
- Công văn số 10453/GDTrH ngày 24 tháng 10
năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cấp bằng và bản sao bằng tốt
nghiệp;
- Công văn số 6408/BGD&ĐT-GDTrH ngày 25
tháng 7 năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hoàn thiện và quản lý cấp
phát bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông năm 2006;
- Công văn số 12156/BGD&ĐT-GDTrH ngày 30
tháng 10 năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hoàn thiện bằng tốt nghiệp
trung học cơ sở, trung học phổ thông và sử dụng sổ quản lý.
2. Đối tượng áp dụng: cá nhân có nhu cầu xin
cấp bản sao văn bằng tốt nghiệp.
3. Thẩm quyền giải quyết: Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo.
4. Hồ sơ:
a) Trường hợp còn lưu giữ bản chính văn bằng
tốt nghiệp: 01 bộ, gồm:
- Đơn đề nghị cấp bản sao văn bằng tốt nghiệp
ghi đầy đủ các nội dung của bản chính văn bằng tốt nghiệp (theo mẫu) - Bản
chính văn bằng tốt nghiệp.
- Ảnh dán bản sao văn bằng (cỡ 3x4cm, quy
cách như ảnh dán văn bằng tốt nghiệp);
b) Trường hợp do bị thất lạc hoặc bị hư hỏng
văn bằng do cá nhân bảo quản: 01 bộ, gồm:
- Đơn đề nghị cấp bản sao văn bằng tốt nghiệp
ghi đầy đủ các nội dung của bản chính văn bằng tốt nghiệp (theo mẫu).
- Đơn trình bày nguyên nhân thất lạc hoặc hư
hỏng, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền:
+ Trường hợp hư hỏng, thất lạc do cá nhân bảo
quản tại gia đình thì chính quyền địa phương xác nhận.
+ Trường hợp do cơ quan làm hư hỏng, thất lạc
thì cơ quan nào làm hư hỏng, thất lạc thì cơ quan đó xác nhận.
+ Trường hợp thất lạc khác thì do Công an địa
phương xác nhận.
- Giấy chứng minh nhân dân.
- Ảnh dán bản sao văn bằng (cỡ 3x4cm, quy
cách như ảnh dán văn bằng tốt nghiệp).
5. Quy trình và thời gian giải quyết: 03 ngày
làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở
Giáo dục và Đào tạo kiểm tra hồ sơ hợp lệ thì chuyển ngay đến Phòng Giáo dục
trung học;
- Phòng Giáo dục trung học thẩm định, xử lý
hồ sơ: 01 ngày;
- Giám đốc Sở ký duyệt: 01 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao trả
kết quả cho đương sự: 01 ngày.
6. Lệ phí: theo quy định của pháp luật.
IV. Thủ tục công nhận
trường mầm non đạt chuẩn quốc gia
1. Cơ sở pháp lý:
- Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16
tháng 7 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công nhận trường
Mầm non đạt chuẩn quốc gia;
- Công văn số
8915/BGDĐT-GDMN ngày 26 tháng 9 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chỉ
đạo xây dựng và công nhận trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia.
2. Đối tượng áp dụng:
nhà trường, nhà trẻ đạt danh hiệu tiên tiến năm liền kề với năm đề nghị công
nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
3. Thẩm quyền giải
quyết: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
4. Hồ sơ: 02 bộ, mỗi
bộ gồm:
- Tờ trình đề nghị
được xét công nhận trường đạt chuẩn;
- Báo cáo của nhà
trường, nhà trẻ về quá trình xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia;
- Văn bản đề nghị công nhận trường Mầm non
đạt chuẩn quốc gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố ký;
- Biên bản kiểm tra trường Mầm non đạt chuẩn
quốc gia.
5. Quy trình và thời gian giải quyết: 30 ngày
làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ hợp
lệ: 01 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chuyển Phòng Giáo dục
Mầm non thẩm định, xử lý hồ sơ: 03 ngày;
- Phòng Giáo dục Mầm non tham mưu lãnh đạo Sở
có Tờ trình dự thảo quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, thẩm định trường đạt
chuẩn quốc gia trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: 05 ngày;
- Đoàn kiểm tra tiến hành thẩm định kết quả
kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chuẩn quy định có đủ điều kiện đạt chuẩn: 03
ngày;
- Phòng Giáo dục Mầm non tham mưu lãnh đạo Sở
có tờ trình dự thảo quyết định công nhận trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: 12 ngày;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét và phê duyệt quyết định công nhận trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia: 05
ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
giao trả kết quả cho tổ chức: 01 ngày.
6. Lệ phí: không.
V. Thủ tục
công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia
1. Cơ sở pháp lý: Quyết định số
32/2005/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 10 năm 2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc
ban hành Quy chế công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
2. Đối tượng áp dụng: tổ chức.
3. Thẩm quyền giải quyết: Chủ tịch Ủy
ban nhân tỉnh Ninh Thuận.
4. Hồ sơ: 02 bộ, mỗi bộ gồm:
- Tờ trình đề nghị được xét công nhận
trường đạt chuẩn;
- Báo cáo của nhà trường theo từng nội
dung đã được quy định về xây dựng trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia;
- Văn bản đề nghị công nhận trường tiểu
học đạt chuẩn quốc gia của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;
- Biên bản kiểm tra mức chất lượng tối
thiểu (theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 32/2005/QĐ-BGD&ĐT của
Bộ Giáo dục và Đào tạo);
- Biên bản kiểm tra trường Tiểu học
đạt chuẩn quốc gia (theo Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quyết định số
32/2005/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
5. Quy trình và thời gian giải quyết:
30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
tiếp nhận hồ sơ hợp lệ: 01 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
chuyển Phòng Giáo dục tiểu học thẩm định, xử lý hồ sơ: 03 ngày;
- Phòng Giáo dục tiểu học tham mưu
lãnh đạo Sở có tờ trình dự thảo quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, thẩm định
trường đạt chuẩn quốc gia trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: 05
ngày;
- Đoàn kiểm tra tiến hành thẩm định kết quả
kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chuẩn quy định có đủ điều kiện đạt chuẩn: 03
ngày;
- Phòng Giáo dục tiểu học tham mưu lãnh đạo Sở
có tờ trình dự thảo quyết định công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: 12 ngày;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét và phê duyệt quyết định công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia: 05 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
giao trả kết quả cho tổ chức: 01 ngày.
6. Lệ phí: không.
VI. Thủ tục
công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia
1. Cơ sở pháp lý: Thông tư số
06/2010/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường
phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia.
2. Đối tượng áp dụng: tổ chức.
3. Thẩm quyền giải quyết: Chủ tịch Ủy
ban nhân tỉnh Ninh Thuận.
4. Hồ sơ: 02 bộ, mỗi bộ gồm:
- Văn bản của nhà
trường đề nghị được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia;
- Báo cáo thực hiện các tiêu chuẩn quy
định trong Chương II của quy chế ban hành kèm theo Thông tư số
06/2010/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kèm theo sơ
đồ cơ cấu các khối công trình của nhà trường;
- Biên bản tự kiểm tra của trường và
biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra cấp tỉnh.
5. Quy trình và
thời gian giải quyết: 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
- Bộ phận tiếp nhận và
trả kết quả tiếp
nhận hồ sơ hợp lệ: 01 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và
trả kết quả chuyển
Phòng Giáo dục trung học thẩm định, xử lý hồ sơ: 03 ngày;
- Phòng Giáo dục trung học tham mưu
lãnh đạo Sở có Tờ trình dự thảo quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công nhận
trường đạt chuẩn quốc gia trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: 05
ngày;
- Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, đánh giá
theo các tiêu chuẩn quy định có đủ điều kiện đạt chuẩn: 03 ngày;
- Phòng Giáo dục trung học tham mưu lãnh đạo Sở
có Tờ trình dự thảo quyết định công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: 12 ngày;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét và phê duyệt quyết định công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia: 05 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
giao trả kết quả cho tổ chức: 01 ngày.
6. Lệ phí: không.
VII. Thủ tục
thành lập trung tâm ngoại ngữ - tin học
1. Cơ sở pháp lý: Thông tư số
03/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 01 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy
chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học.
2. Đối tượng áp dụng: tổ chức, cá
nhân.
3. Thẩm quyền giải quyết: Chủ tịch Ủy
ban nhân tỉnh Ninh Thuận hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (nếu được Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền).
4. Hồ sơ: 02 bộ, mỗi bộ gồm:
- Tờ trình xin thành lập Trung tâm;
- Đề án thành lập Trung tâm;
- Sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm
Giám đốc;
- Bản sao bằng, chứng chỉ của đội ngũ giáo
viên.
5. Quy trình và thời gian giải quyết: 15 ngày
làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, chuyển
ngay cho Phòng Giáo dục chuyên nghiệp;
- Phòng Giáo dục chuyên nghiệp thẩm định, xử
lý hồ sơ, tổ chức kiểm tra, thẩm định có đủ điều kiện theo quy định: 03 ngày;
- Phòng Giáo dục chuyên
nghiệp tham mưu lãnh đạo Sở có Tờ trình dự thảo quyết định thành lập trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt:
06 ngày;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét và phê duyệt quyết định hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (trong trường
hợp được ủy quyền) ra quyết định thành lập): 05 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
giao trả kết quả cho tổ chức, cá nhân: 01 ngày.
6. Lệ phí: không.
VIII. Thủ tục
công nhận phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
1. Cơ sở pháp lý: Thông tư số
36/2009/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 12 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy
định kiểm tra, công nhận phổ cập Giáo dục tiểu học và phổ cập Giáo dục tiểu học
đúng độ tuổi.
2. Đối tượng áp dụng: tổ chức.
3. Thẩm quyền giải quyết: Chủ tịch Ủy
ban nhân tỉnh Ninh Thuận.
4. Hồ sơ: 02 bộ, mỗi bộ gồm:
- Tờ trình đề nghị công nhận đơn vị
đạt chuẩn về phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (kèm theo Biên bản tự kiểm
tra; Quyết định của đơn vị cấp huyện công nhận đơn vị cơ sở; Danh sách học sinh
hoàn thành chương trình cấp tiểu học; Sổ theo dõi phổ cập giáo dục; Sổ đăng
bộ);
- Báo cáo tình hình thực hiện và kết quả phổ
cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi;
- Các biểu thống kê tổng hợp tình hình học
sinh trong độ tuổi phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đội ngũ giáo viên
tiểu học và cơ sở vật chất cho Giáo dục tiểu học.
5. Quy trình và thời gian giải quyết: 30 ngày
làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ hợp
lệ: 01 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chuyển Phòng Giáo dục
tiểu học thẩm định, xử lý hồ sơ: 03 ngày;
- Phòng Giáo dục tiểu học tham mưu lãnh đạo
Sở có Tờ trình dự thảo quyết định thành lập Đoàn kiểm tra phổ cập Giáo dục tiểu
học đúng độ tuổi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: 05 ngày;
- Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại các
đơn vị cơ sở: 03 ngày;
- Phòng Giáo dục tiểu học tham mưu lãnh đạo
Sở có Tờ trình dự thảo quyết định công nhận phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ
tuổi trình
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: 12 ngày;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét và phê duyệt quyết định: 05 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
giao trả kết quả cho tổ chức: 01 ngày.
6. Lệ phí: không.
IX. Thủ tục
cấp giấy phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Cơ sở pháp lý:
- Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày
31 tháng 01 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm
học thêm;
- Quyết định số 265/2007/QĐ-UBND ngày
17 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về ban hành Quy định
quản lý, tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
- Quyết định số 212/2009/QĐ-UBND ngày
30 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc sửa đổi, bổ
sung Điều 10 Quyết định số 265/2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2007.
2. Đối tượng áp dụng: tổ chức, cá nhân
thực hiện dạy thêm, học thêm.
3. Thẩm quyền giải quyết: Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận.
4. Hồ sơ: 02 bộ, mỗi bộ gồm:
- Đơn đề nghị cấp phép dạy thêm, học
thêm đã được xét duyệt theo quy định về quản lý dạy thêm học thêm của Hiệu
trưởng theo từng đơn vị trường (nếu từ 02 giáo viên trở lên cùng một đơn vị thì
lập danh sách đề nghị của thủ trưởng đơn vị);
- Đối với các trường trực thuộc Phòng
Giáo dục và Đào tạo phải có sự xét duyệt và đề nghị bằng văn bản của lãnh đạo
Phòng Giáo dục và Đào tạo;
- Đối với người ngoài ngành: dạy thêm
các môn cấp trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp xét duyệt
(dạy thêm các môn cấp trung cấp cơ sở, tiểu học do Phòng Giáo dục và Đào tạo
phê duyệt và đề nghị);
- Đơn xin học thêm của người học thêm;
- Thuyết minh của người dạy thêm về
danh sách người học theo nhóm, lớp.
5. Quy trình và thời gian giải quyết:
15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ
phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và chuyển
ngay cho Phòng chức năng (Phòng Giáo dục trung học hoặc Phòng Giáo dục tiểu học);
- Phòng chức năng tổ chức thẩm định, xử lý hồ
sơ và tham mưu lãnh đạo Sở xem xét: 13 ngày;
- Lãnh đạo Sở ký duyệt quyết định cấp giấy phép dạy thêm
học thêm: 01 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao trả kết
quả cho cá nhân, tổ chức:
01 ngày.
6. Lệ phí: không.
X. Thủ tục
công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp
1. Cơ sở pháp lý: Quyết định số
77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về trình
tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài
cấp.
2. Đối tượng áp dụng: cá nhân.
3. Thẩm quyền giải quyết: Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận.
4. Hồ sơ: 01 bộ, gồm:
- Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ
sở giáo dục nước ngoài cấp (theo mẫu);
- Bản sao văn bằng do cơ sở giáo dục
nước ngoài cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng
thực;
- Bản sao kết quả quá trình học tập
tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có
thẩm quyền chứng thực.
5. Quy trình và thời gian giải quyết:
15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và chuyển Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo
dục: 01 ngày;
- Phòng Khảo thí và Kiểm định chất
lượng giáo dục thẩm định, xử lý hồ sơ và tham mưu lãnh đạo Sở xem xét: 12 ngày;
- Lãnh đạo Sở ký duyệt: 01 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
giao trả kết quả cho cá nhân: 01 ngày.
6. Lệ phí: không.
* Sơ đồ luân chuyển hồ sơ:
- Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền giải
quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền giải
quyết của Giám đốc Sở:
XI. Thủ tục
giải quyết khiếu nại
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 29 tháng 11
năm 2005;
- Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng
11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu
nại, tố cáo.
2. Thẩm quyền giải quyết: Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo.
3. Thủ tục:
- Người khiếu nại lần đầu phải khiếu nại với
người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi
hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái
pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
* Trường hợp khiếu nại được ủy quyền thì việc
ủy quyền phải bằng văn bản và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn nơi người được ủy quyền cư trú.
* Trường hợp khiếu nại là người đại diện thì
người đại diện phải có giấy tờ hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn nơi người cư trú;
- Cơ quan thực hiện quyền khiếu nại thông qua
người đại diện là thủ trưởng cơ quan. Thủ trưởng cơ quan có thể ủy quyền cho
người đại diện theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức thực hiện quyền khiếu nại thông qua
người đại diện là người đứng đầu tổ chức được quy định trong quyết định thành
lập tổ chức hoặc trong điều lệ của tổ chức. Người đứng đầu có thể ủy quyền cho
người đại diện theo quy định của pháp luật.
4. Quy trình và thời gian giải quyết:
- Trường hợp đơn khiếu nại không thuộc thẩm
quyền giải quyết thì không có trách nhiệm thụ lý nhưng có văn bản chỉ dẫn, trả
lời người khiếu nại trong thời gian thực hiện là 5 (năm) ngày;
- Trường hợp đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền
giải quyết nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý theo quy định của Luật Khiếu
nại, tố cáo thì có văn bản trả lời người khiếu nại biết rõ lý do không thụ lý
trong thời hạn là 5 (năm) ngày;
- Trường hợp đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền
giải quyết có trách nhiệm phải thụ lý:
+ Thanh tra Sở Giáo dục
và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ, trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định
thụ lý trong thời hạn thực hiện là 5 (năm) ngày.
+ Thực hiện nghiệp vụ là 20 (hai mươi) ngày
bao gồm các bước công việc: gặp gỡ, đối thoại trực tiếp người khiếu nại, trường
hợp người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật thì luật sư có quyền tham
gia trong quá trình giải quyết khiếu nại.
+ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết
định giải quyết khiếu nại: 5 (năm) ngày.
+ Quyết định được gửi cho người khiếu nại,
người có quyền và lợi ích liên quan và quyết định được công bố công khai;
- Thời gian giải quyết:
+ Trường hợp đơn giản: 30 ngày (tính từ ngày
thụ lý để giải quyết).
+ Trường hợp phức tạp: 45 ngày (tính từ ngày
thụ lý để giải quyết).
* Sơ đồ luân chuyển hồ sơ:
B. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA LIÊN THÔNG”
I. Thủ tục mở trường
trung học phổ thông tư thục
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật Giáo dục năm 2005;
- Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4
năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn
hoá và thể dục thể thao;
- Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8
năm 2006 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Giáo dục;
- Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng
3 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở,
trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
- Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng
3 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của
trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường
phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.
2. Đối tượng áp dụng: cá nhân hoặc tổ
chức đề nghị thành lập và tự đầu tư.
3. Điều kiện thành lập: trường tư thục
được xét thành lập khi bảo đảm có đủ các điều kiện quy định tại điều lệ nhà
trường tương ứng.
4. Thẩm quyền giải quyết: Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh.
5. Hồ sơ: 05 bộ, mỗi bộ gồm có:
- Đơn đề nghị thành lập trường (theo
mẫu);
- Đề án tổ chức và hoạt động của
trường; bản cam kết xây dựng trường sở tương ứng với quy mô ngành, nghề đào tạo
theo dự kiến trong khoảng thời gian 5 (năm) năm đầu;
- Văn bản do cấp có thẩm quyền xác
nhận về khả năng tài chính, về cơ sở vật chất kỹ thuật của cá nhân hoặc tổ chức
cam kết đóng góp đầy đủ và đúng hạn để xây dựng trường;
- Hồ sơ xác nhận quyền sử dụng đất
hoặc văn bản thoả thuận của cấp có thẩm quyền về việc giao đất xây dựng trường;
- Hồ sơ về nhân sự:
+ Danh sách dự kiến và lý lịch của
Hiệu trưởng, các cán bộ quản lý của nhà trường có xác nhận của cơ quan có thẩm
quyền về quản lý nhân sự; văn bằng, chứng chỉ cao nhất (có công chứng).
+ Danh sách giáo viên cơ hữu kèm theo
bản cam kết tham gia giảng dạy cho trường, văn bằng photocopy của từng giáo
viên.
6. Quy trình và thời gian giải quyết:
30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sưo hợp lệ và chuyển ngay đến Phòng Tài
chính - Kế hoạch;
- Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp
với Phòng Tổ chức - Cán bộ tổ chức thẩm định các điều kiện có trong hồ sơ và
chuyển kết quả đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: 03 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của
Sở Giáo dục và Đào tạo chuyển hồ sơ đến các sở, ngành có liên quan lấy ý kiến
thẩm định. Các sở, ngành có liên quan thẩm định và chuyển kết quả đến Sở Giáo
dục và Đào tạo: 20 ngày;
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định: 15
ngày.
+ Sở Xây dựng thẩm định: 20 ngày.
+ Sở Tài chính thẩm định: 20 ngày;
- Phòng Tài chính - Kế hoạch của Sở
Giáo dục và Đào tạo tham mưu lãnh đạo Sở có tờ trình và dự thảo quyết định
thành lập trường để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: 01 ngày;
- Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và phê
duyệt: 05 ngày;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của
Sở Giáo dục và Đào tạo giao trả kết quả cho đương sự: 01 ngày.
7. Lệ phí: theo quy định của
pháp luật.
* Sơ đồ luân chuyển hồ sơ: