BỘ NỘI VỤ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 04/2003/QĐ-BNV
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 02
năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI) CỦA HỘI CHÂM CỨU VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Luật số 102/SL-L004 ngày
20/5/1957 qui định về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định 181CP ngày
9/11/1994 của Chính phủ về việc qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ
chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ);
Căn cứ quyết định số 158/QĐ-TTg
ngày 02/03/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ủy nhiệm
Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ)
cho phép thành lập Hội,
Xét đề nghị của ông Chủ tịch Hội
Châm cứu Việt Nam và của Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Phê duyệt bản Điều lệ (sửa đổi) của Hội
Châm cứu Việt Nam đã được Đại hội toàn quốc lần thứ VI thông qua ngày
26/12/2002.
Điều 2.
Ông Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Vụ trưởng
Vụ Tổ chức phi chính phủ có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2.
- Lưu VT, TCPCP.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Đặng Quốc Tiến
|
ĐIỀU LỆ
HỘI
CHÂM CỨU VIỆT NAM
(Sửa đổi, nhiệm kỳ VI: 2003 - 2008)
Hội Châm cứu Việt Nam (dưới đây gọi tắt
là Hội Châm cứu, hoặc Hội) là tổ chức Xã hội - Nghề nghiệp của những người
nghiên cứu, giảng dạy, chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu và các phương pháp
điều trị - dự phòng theo y học cổ truyền không dùng thuốc trong ngành y tế -
công và tư, đang tại chức hay đã nghỉ hưu, quân y và dân y - cùng đoàn kết phấn
đấu góp phần vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của quân
và dân, xây dựng nền y học Việt Nam XHCN.
Hội có tư cách pháp nhân, hoạt động tự
chủ về tài chính và phi lợi nhuận. Hội hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật Việt
Nam và theo Điều lệ này, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sự
quản lý về Nhà nước của Bộ Y tế. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam.
Hội Châm cứu Việt Nam có quan hệ chặt
chẽ với Viện Châm cứu Việt Nam, Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Hội Đông Y Việt
Nam, Tổng hội Y Dược học Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam
và các tổ chức, các đơn vị hữu quan khác.
Hội quan hệ, hợp tác với các tổ chức
xã hội trong khu vực và trên thế giới theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn
nhau, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt
Nam tham gia ký kết hoặc công nhận, phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế.
Hội Châm cứu Việt Nam là thành viên của
Liên hiệp Hội Châm cứu thế giới (WFAS) trong lĩnh vực chuyên môn châm cứu và
quan hệ quốc tế chuyên ngành.
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Tên Hội
Hội lấy tên là HỘI CHÂM CỨU VỆT NAM
Điều 2.
Hội Châm cứu
Việt Nam là một tổ chức xã hội-nghề nghiệp, của những người nghiên cứu, giảng dạy,
chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu và các phương pháp điều trị - dự phòng theo
YHCT không dùng thuốc trong ngành Y tế - công và tư, đang tại chức hay đã nghỉ
hưu, quân y và dân y - cùng đoàn kết phấn đấu góp phần vào việc chăm sóc, bảo vệ
sức khỏe của quân và dân, xây dựng nền y học Việt Nam XHCN.
Điều 3.
- Hội Châm cứu
Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước.
- Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu
và tài khoản riêng tại ngân hàng.
- Trụ sở của Hội đặt tại Thủ đô Hà Nội.
Chương 2.
NGUYÊN TẮC VÀ TỔ
CHỨC CỦA HỘI
Điều 4. Nguyên tắc
hoạt động và tổ chức Hội
1. Nguyên tắc hoạt động.
Hội Châm cứu Việt Nam hoạt động trên
nguyên tắc:
- Tự nguyện
- Tự quản
- Tự chủ về tài chính
2. Tổ chức Hội:
Hội được tổ chức tại Trung ương và địa
phương;
Hội Châm cứu địa phương được tổ chức
và hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương hoặc quận, huyện, thị xã (hay thành phố trực
thuộc tỉnh).
Các Hội Châm cứu tại địa phương do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định
thành lập theo các trình tự và quy định của pháp luật.
Các Hội Châm cứu tại địa phương có
con dấu, tài khoản riêng và trụ sở làm việc theo quy định của pháp luật.
Hội Châm cứu Việt Nam và các Hội Châm
cứu địa phương được thành lập các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật
và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của các đơn vị đó.
Điều 5.
Đại hội đại biểu
hoặc Đại hội toàn thể là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội.
Hội Châm cứu Việt Nam và Hội Châm cứu
địa phương có Ban chấp hành (BCH) do Đại hội bầu ra. Số lượng
Ủy viên BCH tùy theo tổng số hội
viên.
Điều 6.
Việc bầu Ban Chấp
hành được tiến hành theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ và được Đại hội thông
qua. Nếu có 50% trở lên số đại biểu dự đại hội không thông qua thì phải hiệp
thương lại.
Điều 7.
Đại hội đại biểu
toàn quốc Hội Châm cứu Việt Nam là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Châm cứu
Việt Nam, nhiệm kỳ 5 năm. Trường hợp có 2/3 số Ủy viên BCH hoặc quá 1/2 số Hội
và Chi hội trực thuộc yêu cầu thì có thể triệu tập Đại hội bất thường.
Trường hợp kéo dài nhiệm kỳ phải được
2/3 số Ủy viên Ban Chấp hành đồng ý và thời gian kéo dài
không quá 06 tháng.
Đại hội có nhiệm vụ:
- Thông qua báo cáo công tác nhiệm kỳ
và phương hướng nhiệm kỳ tới.
- Bầu BCH Trung ương Hội.
- Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội.
Điều 8.
Ban Chấp hành
Trung ương là cơ quan điều hành hoạt động của Hội, có nhiệm vụ thực hiện nghị
quyết của Đại hội đề ra.
BCH bầu Ban Thường vụ để điều hành
công tác thường xuyên của Hội, số Ủy viên Thường vụ không quá
1/3 số Ủy viên BCH. Ban Thường vụ gồm có:
- Chủ tịch
- Các phó Chủ tịch
- Tổng thư ký
- Các phó tổng thư ký
- Và một số Ủy viên
Thường vụ.
Ban Thường vụ cử ra Ban thường trực từ 3-7 người để giải quyết công việc thường xuyên của
Hội.
Sinh hoạt của BCH Trung ương 1 - 2
năm họp một lần. Nếu không họp phải thông báo rõ lý do.
Ban Thường vụ 3 - 6 tháng họp một lần.
Điều 9.
Hội Châm cứu tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương tổ chức Đại hội năm năm 1 lần và là thành viên
tự nguyện của Hội Châm Cứu Việt Nam.
Chương 3.
NHIỆM VỤ CỦA HỘI
Điều 10. Hội
châm cứu Việt Nam có nhiệm vụ:
1. Giúp đỡ hội viên trau dồi y đức,
không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để cùng
nhau phấn đấu xây dựng và phát triển ngành châm cứu Việt Nam theo hướng xã hội
hóa và hiện đại hóa.
2. Góp phần vào công tác chăm lo sức
khỏe cho nhân dân, đoàn kết với các tổ chức Y Dược học
khác cùng xây dựng nền Y học Việt Nam XHCN.
3. Chấp hành nghiêm túc đường lối, chủ
trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy chế của ngành Y tế.
4. Tham gia ý kiến với ngành Y tế về
các mặt công tác có liên quan đến việc xây dựng và phát triển ngành châm cứu
như: Phòng bệnh, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học về châm cứu, đào tạo cán bộ
chuyên khoa châm cứu, xuất bản các sách báo, tranh, tượng... về châm cứu và các
quan hệ với nước ngoài về châm cứu.
5. Tham gia cùng ngành Y tế các cấp
trong việc xét duyệt đăng ký và kiểm tra hành nghề châm cứu cho các đơn vị và
cá nhân.
6. Góp phần phát triển đội ngũ chuyên
khoa châm cứu ngày càng lớn mạnh.
7. Tổng kết, phổ biến kinh nghiệm về
những kết quả chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, làm cho
phương pháp châm cứu ngày càng phong phú, góp phần bổ sung những kinh nghiệm
quý báu cho nền y học Việt Nam qua các hình thức: Hội thảo, sinh hoạt khoa học,
qua Tạp chí châm cứu của Hội và báo chí y học, khoa học ở TW và các địa phương.
8. Trao đổi kinh nghiệm với các Hội Y
Dược học khác để củng cố, phát triển ngành châm cứu.
9. Mở rộng hợp tác khoa học kỹ thuật
châm cứu, trao đổi kinh nghiệm với Hội Châm cứu của các nước trong Liên hiệp Hội
Châm cứu thế giới (WFAS) và các nước chưa có Hội Châm cứu - chủ yếu là các nước
trong khối Đông Nam á theo đúng luật pháp của Nhà nước.
10. Chủ trì các Hội nghị khoa học kỹ
thuật châm cứu thế giới.
11. Tham gia giảng dạy các lớp châm cứu
từ cơ sở đến cao học ở nước ngoài theo đề nghị của Hội Châm cứu hoặc các cơ
quan y tế và trường đại học các nước.
12. Tham gia tổ chức các trung tâm
châm cứu ở nước ngoài theo hiệp định đã ký giữa hai nước, cử các đoàn chuyên
gia châm cứu Việt Nam sang giúp các nước bạn khám chữa bệnh và hướng dẫn nghiệp
vụ tại các trung tâm theo quy định của pháp luật.
13. Tổ chức các đoàn đại biểu Hội
Châm cứu Việt Nam đi dự các Hội nghị quốc tế về châm cứu hoặc
tới thăm và làm việc ở các nước theo lời mời của Hội Châm
cứu nước sở tại.
14. Tổ chức các đợt thi lấy bằng châm
cứu quốc tế trong khu vực mà WFAS đã phân công cho Hội Châm cứu Việt Nam.
Chương 4.
HỘI VIÊN
Điều 11.
Những người có
đủ tiêu chuẩn sau đây được tham gia vào Hội Châm cứu Việt Nam: Là bác sĩ, lương
y, y sĩ, y tá, kỹ thuật viên châm cứu và những nhà khoa học có làm công tác giảng
dạy, nghiên cứu về châm cứu, chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu và các phương
pháp Đông Y không dùng thuốc khác, đang công tác trong các cơ quan y tế Nhà nước
(quân và dân y), trong các tổ chức xã hội về y tế, hoặc đã nghỉ hưu, hoặc đang
được phép hành nghề của cơ quan y tế địa phương, thiết tha với sự phát triển
châm cứu, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội.
Điều 12. Hội
viên danh dự
Những người
không hội đủ các tiêu chuẩn của điều 11 hoặc là người nước ngoài nhưng có công
đóng góp cho Hội được xét công nhận là Hội viên danh dự của Hội.
Hội viên danh dự được tham gia các hoạt
động của Hội, nhưng không có quyền biểu quyết các nghị quyết của Hội, không được
tham gia ứng cử, bầu cử các chức vụ lãnh đạo của Hội.
Điều 13. Quyền của
hội viên:
1. Tham gia các hoạt động của Hội.
2. Được ứng cử, đề cử vào các cơ quan
lãnh đạo của Hội, được thảo luận và biểu quyết các công việc của Hội.
3. Được tham gia hoặc nhận sự hỗ trợ
của Hội để giải quyết các khó khăn cuộc sống, nâng cao tri thức, bảo vệ các quyền
và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình; Được sử dụng các dịch vụ do Hội cung
cấp với những điều kiện ưu đãi.
4. Được đề xuất, góp ý kiến và đề nghị
Hội kiến nghị với các cơ quan hữu quan về các vấn đề mà mình quan tâm.
5. Được đề nghị ra khỏi Hội khi không
có nguyện vọng tiếp tục tham gia Hội.
Điều 14. Nghĩa vụ
của Hội viên:
1. Tham gia sinh hoạt Hội tại một Hội
mình đăng ký.
2. Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Hội,
nghị quyết của Đại hội cũng như các quyết định khác của Hội.
3. Tham gia các hoạt động và hoàn
thành tốt nhiệm vụ được Hội phân công.
4. Đoàn kết, hợp tác với các hội viên
khác để cùng phấn đấu thực hiện mục đích của Hội; Tham gia
đóng góp vào việc tuyên truyền và vận động phát triển Hội.
Điều 15. Gia nhập
Hội.
Mọi cá nhân có đủ điều kiện qui định
tại điều 11 của Điều lệ này, có thể nộp đơn xin gia nhập Hội tại một đơn vị phù
hợp với điều kiện cá nhân mình. Trường hợp có nhu cầu thay
đổi nơi tham gia sinh hoạt Hội, hội viên phải làm thủ tục đăng ký chuyển sinh
hoạt.
Chương 5.
TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 16.
1. Tài
chính của Hội gồm:
- Tiền hỗ trợ của Nhà nước
- Tài trợ của các cơ quan, đoàn thể
và cá nhân trong và ngoài nước.
- Hội phí
- Thu nhập ở các hoạt động xây dựng
quỹ khác được Nhà nước cho phép.
- Hội viên mỗi năm đóng hội phí một lần
(theo quy định của TW Hội).
2. Phần chi:
- Chi cho các hoạt động của Hội
- Chi khen thưởng
- Hành chính phí
3. Ban Chấp hành Hội cử kế toán và thủ
quỹ theo dõi việc thu chi đúng nguyên tắc và quy định của Bộ Tài chính, thực hiện
thanh quyết toán hàng năm đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Chương 6.
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ
LUẬT
Điều 17.
Những đơn vị
và cá nhân hội viên có thành tích xuất sắc với các công tác Hội sẽ được Hội
khen thưởng hoặc có thể đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng.
Điều 18.
Hội viên hành
động trái với tôn chỉ, mục đích, Điều lệ và Nghị quyết của Hội, hoặc làm tổn
thương đến thanh danh, uy tín của Hội, thì tùy theo mức độ khuyết điểm mà phê
bình, cảnh cáo hoặc khai trừ khỏi Hội.
Những hội viên bị
kỷ luật của chính quyền, xét thấy không còn đủ tư cách, tiêu chuẩn của hội viên
thì xóa tên trong danh sách hội viên.
Chương 7.
SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ
Điều 19.
Chỉ có Đại hội
đại biểu toàn quốc của Hội Châm cứu Việt Nam mới có quyền sửa đổi Điều lệ này.
Bản Điều lệ này gồm có 7 (bảy) chương
và 19 Điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Châm cứu Việt Nam
thông qua ngày 26 tháng 12 năm 2002.
Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày được Bộ Nội Vụ ra quyết định công nhận./.