QUY CHẾ
TUYỂN DỤNG VÀ CHẾ
ĐỘ TẬP SỰ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2007
của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy chế này quy định việc tuyển dụng và chế độ
tập sự đối với công chức ở xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã trên địa
bàn tỉnh Sơn La.
Điều 2. Đối tượng điều chỉnh
Đối tượng điều chỉnh của Quy chế này là công chức
cấp xã quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ về
cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, bao gồm các chức danh:
1. Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng
công an chính quy);
2. Chỉ huy trưởng quân sự;
3. Văn phòng - Thống kê;
4. Địa chính - Xây dựng;
5. Tài chính - Kế toán;
6. Tư pháp - Hộ tịch;
7. Văn hoá - Xã hội;
Điều 3. Nguyên tắc tuyển dụng công chức
cấp xã
1. Công tác tuyển
dụng công chức cấp xã phải đảm bảo công khai, dân chủ; tuyển dụng công chức phù
hợp với chức trách nhiệm vụ được bố trí đảm nhiệm.
2. Việc tuyển dụng công chức xã, phường,
thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La được thực hiện thông qua xét tuyển.
Chương II
TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Mục I. HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC
CẤP XÃ
Điều 4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện,
thị xã quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã; Hội đồng được
sử dụng con dấu của UBND huyện, thị xã trong thời gian hoạt động và tự giải thể
khi hoàn thành nhiệm vụ. Thành phần Hội đồng tuyển dụng gồm:
1. Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND huyện, thị xã
là Chủ tịch Hội đồng.
2. Trưởng phòng Nội vụ - Lao động - TBXH là Phó
chủ tịch Hội đồng.
3. Trưởng hoặc
Phó trưởng phòng chuyên môn có liên quan là Uỷ viên Hội đồng.
4. Thư ký Hội đồng là công chức phụ trách công
tác xây dựng chính quyền cơ sở thuộc phòng Nội vụ - Lao động - TBXH huyện, thị
xã.
Điều 5. Nhiệm vụ của Hội đồng tuyển dụng
công chức.
1. Xây dựng và thông báo công khai trên các
phương tiện thông tin hoặc tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn trong
huyện, thị xã về số lượng, tiêu chuẩn, chức danh cần tuyển.
2. Ấn định thời gian nhận hồ sơ, thời gian tổ
chức xét tuyển và thời gian công bố kết quả xét tuyển công chức cấp xã.
3. Thực hiện xét tuyển công chức cấp xã theo quy
định của Quy chế này.
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình
xét tuyển.
Mục 2. TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Điều 6. Điều kiện tuyển dụng
1. Là người mang quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ
thường trú trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Người muốn được tuyển dụng vào công chức cấp
xã phải đảm bảo có đủ các tiêu chuẩn của công chức cấp xã, quy định tại Quyết
định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ về ban hành quy định tiêu
chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
3. Có hồ sơ dự tuyển gồm:
a) Đơn xin tuyển dụng làm công chức cấp xã.
b) Bản Sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định (dán ảnh
3 x 4), có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc của cơ quan,
tổ chức nơi người đó đang công tác, học tập.
c) Bản sao giấy khai sinh và các giấy tờ liên
quan để được ưu tiên trong xét tuyển.
d) Bản sao hợp lệ các văn bằng chứng chỉ và bảng
kết quả học tập phù hợp với yêu cầu của chức danh cần tuyển. Khi trúng tuyển
phải xuất trình bản chính để kiểm tra.
đ) Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế có
thẩm quyền cấp huyện trở lên cấp. Giấy chứng nhận sức khoẻ có giá trị thời hạn
6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.
Điều 7. Quy trình tuyển dụng
Bước 1. UBND xã, phường, thị trấn có nhu cầu
tuyển dụng công chức cấp xã lập Tờ trình đề nghị tuyển dụng chức danh công chức
cấp xã gửi UBND cấp huyện (qua phòng Nội vụ - Lao động TBXH tổng hợp).
Bước 2. Phòng Nội vụ - Lao động TBXH tổ chức
tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp số lượng công chức, chức danh cần tuyển của từng xã,
phường, thị trấn, báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã.
Bước 3. Chậm nhất trước 30 ngày tổ chức xét
tuyển, Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã phải thông báo số lượng, tiêu
chuẩn, chức danh và xã, phường, thị trấn có nhu cầu tuyển dụng.
Bước 4. Hội đồng tuyển dụng công chức tổ chức
xét tuyển theo chức danh đối với từng xã, phường, thị trấn.
Bước 5. Chậm nhất 30 ngày sau khi xét tuyển, Hội
đồng tuyển dụng phải hoàn thiện hồ sơ và công bố kết quả tuyển dụng công chức
trên các phương tiện thông tin hoặc tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn
trong huyện, thị xã.
Bước 6. Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết
định tuyển dụng công chức cấp xã.
Điều 8. Ưu tiên trong xét tuyển
Các đối tượng đăng ký tuyển dụng được xét tuyển
theo thứ tự ưu tiên sau:
1. Người dân tộc thiểu số.
2. Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao
động.
3. Thương binh, người hưởng chính sách như
thương binh.
4. Con liệt sỹ.
5. Con thương binh, con bệnh binh, con anh hùng
lực lượng vũ trang, con anh hùng lao động.
6. Người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đội
viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông
thôn, miền núi từ hai năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ không chuyên
trách cấp xã có thời gian làm việc liên tục tại tổ chức cấp xã từ một năm trở
lên.
7. Người có trình độ đào tạo cao hơn; trường hợp
có cùng trình độ đào tạo thì tuyển dụng người có loại tốt nghiệp cao hơn.
Điều 9. Nguyên tắc xác định người trúng
tuyển trong kỳ xét tuyển
Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển là người đủ
tiêu chuẩn, điều kiện xét tuyển và có năng lực hoàn thành nhiệm vụ, được Hội
đồng tuyển dụng nhất trí đề nghị UBND cấp huyện ra quyết định tuyển dụng.
Trường hợp có nhiều người có đủ điều kiện, tiêu
chuẩn và năng lực cùng xin dự tuyển vào một chức danh thì xét thứ tự ưu tiên
theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này.
Điều 10. Thời gian ra quyết định tuyển
dụng và nhận việc
1. Trong thời
hạn chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày công bố kết quả xét tuyển dụng, Chủ tịch UBND
cấp huyện ra quyết định tuyển dụng công chức cấp xã.
2. Trong thời
hạn chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, người được tuyển
dụng phải đến trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nhận việc.
3. Trường hợp người được tuyển dụng có lý do
chính đáng mà không thể nhận việc đúng thời hạn thì phải làm đơn xin gia hạn và
được UBND cấp xã nơi tuyển dụng đồng ý. Thời gian được gia hạn không quá 30
ngày.
4. Trường hợp người có quyết định tuyển dụng đến
nhận việc chậm quá thời hạn nói trên mà không có lý do chính đáng thì Chủ tịch
UBND cấp huyện ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyển dụng.
Chương III
CHẾ ĐỘ TẬP SỰ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Điều 11. Tập sự
1. Người được tuyển dụng vào làm công chức cấp
xã theo quy định của Quy chế này phải thực hiện chế độ tập sự trong thời gian
là 06 tháng; Căn cứ nhiệm vụ của chức danh công chức được tuyển dụng, Chủ tịch
UBND cấp xã ra quyết định cử cán bộ, công chức hướng dẫn người tập sự.
2. Không áp dụng chế độ tập sự đối với những
người đã được tuyển dụng vào cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Nghị
định số 116/2003/NĐ-CP, Nghị định số 117/2003/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Hết thời gian tập sự, người tập sự phải viết
báo cáo đánh giá kết quả tập sự của mình theo các nội dung: Phẩm chất đạo đức;
ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ý thức
chấp hành kỷ luật; kết quả làm việc và học tập trong thời gian tập sự gửi UBND
cấp xã.
4. Người hướng dẫn tập sự nhận xét, đánh giá kết
quả công tác của người tập sự bằng văn bản, gửi Chủ tịch UBND cấp xã theo các
nội dung: phẩm chất đạo đức; ý thức kỷ luật; kết quả làm việc và học tập trong
thời gian tập sự.
5. Chủ tịch UBND cấp xã đánh giá phẩm chất đạo
đức và kết quả công việc của người tập sự, lấy ý kiến nhận xét bằng văn bản của
phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Nếu người tập sự đạt yêu cầu thì UBND
cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định bổ
nhiệm chức danh và chế độ tiền lương đối với công chức. Nếu không đủ điều kiện
thì quyết định cho thôi việc.
Điều 12. Nội dung tập sự
1. Nắm vững và thực hiện nghĩa vụ của cán bộ,
công chức theo Pháp lệnh cán bộ, công chức.
2. Hiểu biết về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm
vụ của UBND cấp xã.
3. Nắm vững nội quy, quy chế làm việc của UBND
cấp xã; chức trách nhiệm vụ của công chức cấp xã quy định tại Quyết định số
04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ.
4. Trau dồi kiến thức và các kỹ năng hành chính
theo yêu cầu; nắm vững các chế độ chính sách và các quy định liên quan đến công
việc của chức danh đang công tác.
5. Giải quyết và thực hiện các công việc của
chức danh công chức sẽ được bổ nhiệm.
6. Soạn thảo văn bản hành chính và sử dụng máy
tính.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã có trách nhiệm tổ chức xét tuyển dụng công chức cấp xã theo quy định của Quy
chế này và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ theo dõi tổng hợp).
Điều 14. Sở Nội vụ tỉnh có trách nhiệm
hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng
mắc, đề nghị báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét giải quyết./.