BỘ CÔNG AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/2007/QĐ-BCA
(X13)
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 01 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CỤC CẢNH SÁT ĐIỀU TRA
TỘI PHẠM VỀ THAM NHŨNG
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc
hội Khóa XI thông qua ngày 09-12-2005;
Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Tổ
chức điều tra hình sự năm 2004 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại
kỳ họp thứ 45 ngày 14-12-2006;
Căn cứ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP, ngày 14
tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức Bộ Công an;
Căn cứ Quyết định số 1438/2004/QĐ-BCA (X13),
ngày 14-12-2004 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và tổ chức bộ máy của Tổng cục Cảnh sát;
Xét đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục
Cảnh sát và đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân
dân,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng là đơn
vị thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trực thuộc Tổng cục Cảnh sát; Cục
Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng có trách nhiệm tham mưu giúp Tổng cục
trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ đạo,
hướng dẫn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng trong cả nước tiến
hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm
tham nhũng; trực tiếp điều tra các vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật
và của Bộ trưởng Bộ Công an.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Nghiên cứu nắm vững đường lối, chủ trương, chính
sách kinh tế của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tình hình hoạt động của các loại
tội phạm tham nhũng và công tác phòng ngừa đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm
tham nhũng để tham mưu giúp Tổng cục trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều
tra Bộ Công an và đề xuất Bộ trưởng quyết định chủ trương, kế hoạch, biện pháp
phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý các loại tội phạm tham nhũng và tổ chức
thực hiện quyết định đó.
2. Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn và trực tiếp
tiến hành công tác xây dựng và sử dụng mạng lưới bí mật, chuyên án trinh sát,
tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, điều tra, xử lý vi phạm và tội phạm
tham nhũng theo quy định của pháp luật.
3. Tiến hành điều tra các vụ án về những tội phạm,
đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp về tham nhũng có liên quan đến nhiều địa phương
hoặc với người nước ngoài thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều
tra cấp tỉnh nhưng xét thấy cần thiết trực tiếp điều tra; tiếp nhận, tham gia điều
tra tố tụng những vụ án do các đơn vị thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành
nhưng có dấu hiệu tham nhũng; tiếp nhận điều tra tố tụng những vụ án do các đơn
vị được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra; tiếp nhận điều tra các
vụ án tham nhũng từ đơn thư tố giác tội phạm, thông tin báo chí và cơ quan tổ
chức xã hội, công dân cung cấp, chuyển giao theo quy định của pháp luật, của Bộ
trưởng và Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra.
4. Được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt nhằm
làm tốt công tác phòng ngừa và điều tra tội phạm tham nhũng; phối hợp với các
cơ quan quản lý Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước phòng, chống
tội phạm tham nhũng có hiệu quả; được kiểm tra hành chính việc công khai minh bạch
trong hoạt động tài chính của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; kiểm tra việc kê
khai tài sản khi có dấu hiệu bất minh; được yêu cầu các tổ chức, cá nhân báo
cáo giải trình những vấn đề liên quan theo quy định của Luật Phòng, chống tham
nhũng.
5. Kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật,
nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và của Bộ trưởng về
công tác điều tra tội phạm tham nhũng theo quy định; được quyền yêu cầu các tổ
chức, cơ quan, doanh nghiệp và công dân cung cấp tài liệu, phối hợp làm rõ các
hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, các tổ chức của cơ quan doanh nghiệp;
yêu cầu đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, các đơn vị công an nhân dân chuyển
giao các vụ án tham nhũng đang điều tra nhưng có khó khăn, vướng mắc hoặc có dấu
hiệu bỏ lọt tội phạm.
6. Trong trường hợp đặc biệt, Cục trưởng Cục Cảnh
sát điều tra tội phạm về tham nhũng được báo cáo xin ý kiến trực tiếp Thường vụ
Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Ban Chỉ đạo chống tham nhũng
của Chính phủ.
7. Tổ chức việc truy tìm, ra quyết định truy nã,
truy bắt người phạm tội tham nhũng và kiểm tra, đôn đốc, theo dõi kết quả thực
hiện việc truy nã, truy tìm theo quy định.
8. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ lực lượng Cảnh
sát điều tra tội phạm về tham nhũng ở địa phương, tham gia công tác quản lý đối
tượng phạm tội tham nhũng bị quản chế, cấm cư trú, cư trú bắt buộc, cải tạo
không giam giữ, án treo cư trú tại địa bàn dân cư; thực hiện công tác xử phạt
hành chính và áp dụng các biện pháp hành chính khác theo quy định của pháp luật.
9. Thông qua công tác đấu tranh, điều tra, xử lý tội
phạm tham nhũng, phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để đề xuất,
kiến nghị với các ngành chủ quản, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội có kế hoạch
chấn chỉnh, khắc phục kịp thời để phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả cao.
10. Sơ kết, tổng kết các chuyên đề đấu tranh, điều
tra, xử lý tội phạm tham nhũng để đề xuất các chế độ chính sách, quy trình công
tác của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, góp phần xây dựng
lý luận, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, chiến đấu của lực
lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng. Tham gia xây dựng nội dung,
chương trình, biên soạn giáo trình, bài giảng tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng
Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ
chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
11. Phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề
xuất bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Thủ trưởng và Điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều
tra thuộc lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng theo quy định.
12. Thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về công tác điều
tra tội phạm tham nhũng theo quy định của Bộ trưởng và Tổng cục trưởng Tổng cục
Cảnh sát.
13. Thực hiện công tác xây dựng lực lượng, công tác
hậu cần của Cục theo quy định.
14. Thực hiện những nhiệm vụ khác thuộc chức năng của
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng do Bộ trưởng và Tổng cục trưởng Tổng
cục Cảnh sát giao.
Điều 3. Tổ chức bộ máy
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng do Cục
trưởng chỉ huy, có các Phó Cục trưởng giúp việc.
Tổ chức bộ máy Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về
tham nhũng gồm:
1. Phòng Tham mưu (Phòng 1);
2. Phòng Điều tra án tham nhũng trong đầu tư xây dựng
cơ bản (Phòng 2);
3. Phòng Điều tra án tham nhũng trong quản lý đất
đai, tài nguyên (Phòng 3);
4. Phòng Điều tra án tham nhũng trong lĩnh vực tài
chính và quản lý tài sản công (Phòng 4);
5. Phòng Điều tra án tham nhũng trong lĩnh vực quản
lý Nhà nước và trong cơ quan quản lý Nhà nước (Phòng 5);
6. Phòng Điều tra án tham nhũng trong lĩnh vực kinh
tế tổng hợp và quản lý các dự án chương trình trọng điểm (Phòng 6);
7. Phòng Điều tra án tham nhũng khu vực miền Trung
và Tây Nguyên (Phòng 7);
8. Phòng Điều tra án tham nhũng khu vực Nam Bộ
(Phòng 8).
Mỗi phòng do Trưởng phòng phụ trách, có 02 đến 03
Phó Trưởng phòng giúp việc.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của
các Phòng do Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng đề xuất, Tổng
cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quyết định sau khi đã trao đổi thống nhất với Tổng
cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể
từ ngày ký; thay thế Quyết định số 1816/2006/QĐ-BCA (X13) ngày 13-11-2006, của
Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cục
Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Các đồng chí: Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực
thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đồng
chí Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng chịu trách nhiệm
thi hành quyết định này.
|
T/M. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng: Lê Hồng Anh
|