BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
*
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số 262-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 02 năm 2025
|
QUY ĐỊNH
VỀ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH SỐ 22-QĐ/TW, NGÀY 28/7/2021 CỦA BAN CHẤP
HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ KỶ LUẬT CỦA ĐẢNG
- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII;
- Căn cứ Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 của
Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ
chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành
Quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của
Đảng như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều
1. Sửa đổi, bổ sung các
Khoản 1, 5, 6, 12, Điều 3 như sau:
“1. Ủy ban kiểm tra các cấp được lập từ đảng ủy cơ
sở trở lên, do cấp ủy cùng cấp bầu, gồm một số đồng chí trong cấp ủy và một số
đồng chí ngoài cấp ủy. Các thành viên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoạt động
chuyên trách và kiêm nhiệm. Ủy ban kiểm tra đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc
Trung ương; quận ủy, huyện ủy, thị ủy, thành ủy (thuộc tỉnh ủy, thành ủy) và
tương đương có thành viên kiêm nhiệm là trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức
cấp ủy là cấp ủy viên, chánh thanh tra cùng cấp (nếu có).
5. Chủ thể kiểm tra, giám sát gồm: Chi bộ, đảng ủy
bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy
từ cấp trên cơ sở trở lên; Ủy ban kiểm tra; các ban đảng, văn phòng cấp ủy (gọi
chung là các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy).
6. Đối tượng kiểm tra, giám sát gồm: Chi ủy, chi bộ,
đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường
vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra; các
cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; đảng viên.
12. Thời hiệu xử lý kỷ luật của Đảng là thời hạn mà
khi hết thời hạn đó, tổ chức đảng, đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý
kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm tổ chức đảng, đảng viên
thực hiện hành vi vi phạm đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến
mức phải xử lý kỷ luật”.
2. Sửa đổi, bổ sung
Tiết đ, Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 4 như
sau:
“đ) Ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định phối
hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; giữa
các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với các cơ quan liên quan”.
3. Sửa đổi, bổ sung các
Mục c, e, Tiết 2.3.1, Điểm 2.3, Khoản 2, Mục e, Điều 4 như sau:
“c) Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm;
phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo
đức, lối sống của đảng viên.
e) Việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo,
bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công
tác, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, nâng ngạch, chuyển ngạch, bố trí, sử dụng, giới
thiệu ứng cử, bầu cử, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ”.
4. Lược bỏ
Điều 6.
5. Sửa đổi, bổ sung
Điểm 1.4, Khoản 1, Điều 8 như sau:
“1.4. Trường hợp ủy ban kiểm tra có ý kiến khác với
ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy thì ủy ban kiểm tra phải chấp hành kết luận, quyết
định của ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy, đồng thời báo cáo ủy ban kiểm tra cấp
trên. Trường hợp ủy ban kiểm tra cấp trên có ý kiến khác với ban thường vụ, cấp
ủy cấp dưới thì báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét, quyết định. Trường hợp ủy ban
Kiểm tra Trung ương có ý kiến khác với đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc
Trung ương thì báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị xem xét, quyết định”.
6. Sửa đổi, bổ sung
Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 8 như sau:
"2.1. Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Số lượng từ 23 đến 25 Ủy viên (trong đó có 2 đến 3 Ủy
viên kiêm nhiệm), trong đó không quá một phần ba là Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng. Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm Chủ nhiệm và các Phó Chủ
nhiệm; số lượng Phó Chủ nhiệm do Bộ Chính trị quyết định”.
7. Lược bỏ
Điểm 2.3, Khoản 2, Điều 8.
8. Bổ sung Điểm 2.3a,
Khoản 2, Điều 8 như sau:
“2.3a. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy các cơ quan Đảng
Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc,
các đoàn thể Trung ương.
- Số lượng từ 9 đến 11 ủy viên; riêng Ủy ban Kiểm
tra Đảng ủy Chính phủ từ 11 đến 13 Ủy viên, gồm một số Ủy viên kiêm nhiệm và
chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra là đồng chí Phó Bí thư hoặc Ủy viên Ban
Thường vụ Đảng ủy kiêm nhiệm”.
9. Sửa đổi, bổ sung
Điểm 2.10, Khoản 2, Điều 8 như sau:
“2.10. Tổ chức bộ máy, số lượng ủy viên ủy ban kiểm
tra đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cơ sở thuộc Quân ủy Trung ương, Đảng ủy
Công an Trung ương, Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng
ủy Quốc hội và Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương do Ủy ban Kiểm
tra Trung ương hướng dẫn sau khi thống nhất với các đảng ủy nêu trên và Ban Tổ
chức Trung ương”.
10. Sửa đổi, bổ sung gạch
đầu dòng thứ 3, Phần a, Mục 3.2.1.2, Tiết
3.2.1, Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 8 như sau:
“- Việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham
nhũng lãng phí, tiêu cực”.
11. Sửa đổi, bổ sung
Điểm 4.4, Khoản 4, Điều 8 như
sau:
“4.4. Hướng dẫn các cơ quan tham mưu, giúp việc của
cấp ủy cùng cấp, và cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra cấp dưới về công tác
kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chỉ đạo kiện toàn ủy ban kiểm tra, tổ chức bộ
máy cơ quan ủy ban kiểm tra, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra”.
12. Bổ sung Khoản 5,
Điều 8 như sau:
“5. Thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập.
5.1. Kiểm soát tài sản, thu nhập
a) Đối tượng kiểm soát: Đảng viên là cán bộ thuộc
diện ban thường vụ cấp ủy cùng cấp quản lý (không phải là bí thư, phó bí thư
cùng cấp) và đảng viên có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công tác trong các
cơ quan đảng cùng cấp và cấp dưới theo quy định.
b) Nội dung kiểm soát: Tài sản, thu nhập của đảng
viên kê khai và của người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản, thu nhập của
đảng viên (vợ hoặc chồng, con chưa thành niên).
5.2. Thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập
- Ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp huyện trở lên có thẩm
quyền quyết định xác minh tài sản, thu nhập của đảng viên thuộc diện ban thường
vụ cấp ủy cùng cấp quản lý và đảng viên có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập
công tác trong các cơ quan đảng cùng cấp và cấp dưới theo quy định.
- Xác minh về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của
bản kê khai tài sản, thu nhập; nguồn gốc, biến động tài sản, thu nhập của đảng
viên và người có quyền, nghĩa vụ liên quan (vợ hoặc chồng, con chưa thành niên
của đảng viên).
- Kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của
bản kê khai tài sản, thu nhập và nguồn gốc, biến động tài sản, thu nhập”.
13. Sửa đổi, bổ sung các
Khoản 1, 8, 12, Điều 9 như sau:
“1. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải
được xử lý công minh, chính xác, kịp thời; tất cả tổ chức đảng, đảng viên đều bình
đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ
luật nghiêm minh.
8. Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với
tổ chức đảng, đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự
phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật
thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định.
12. Tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, sai phải
được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện
theo quy định của Bộ Chính trị”.
14. Sửa đổi, bổ sung
Khoản 7, Điều 16 như sau:
“7. Quyết định kỷ luật, quyết định giải quyết khiếu
nại kỷ luật đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên vi phạm phải được giao cho tổ
chức đảng và đảng viên vi phạm để chấp hành. Nếu cần thông báo rộng hơn thì do
cấp ủy hoặc tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên
quyết định”.
15. Sửa đổi, bổ sung
Khoản 4, Điều 22 như sau:
“4. Đối với các hình thức kỷ luật do Ban Chấp hành
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định
thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cấp quyết định kỷ
luật cuối cùng, sau khi xem xét, kết luận phải biểu quyết bằng phiếu kín việc
quyết định hình thức kỷ luật cụ thể. Việc tính số phiếu biểu quyết để quyết định
hình thức kỷ luật thực hiện như quy định tại Điểm 3.1, Khoản 3,
Điều 15 của Quy định này”.
16. Sửa đổi, bổ sung
Khoản 1, Điều 30 như sau:
“1. Trường hợp đặc biệt, đối với những vụ việc đang
trong quá trình điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhận thấy đảng viên có
dấu hiệu liên quan đến trách nhiệm cá nhân hoặc có những dấu hiệu vi phạm
nghiêm trọng, nếu để đương chức sẽ gây trở ngại cho việc xem xét, kết luận, thì
ngoài việc đã đình chỉ sinh hoạt đảng hoặc đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng
có thẩm quyền quyết định đình chỉ chức vụ trong Đảng mà đảng viên đó đang đảm
nhiệm; đồng thời, giao trách nhiệm cho cấp ủy quản lý đảng viên đó chỉ đạo tổ
chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội quyết định đình chỉ
chức vụ về chính quyền, đoàn thể theo thẩm quyền”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tổ chức nghiên cứu,
quán triệt và triển khai thực hiện Quy định này.
2. Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Nơi nhận:
- Các đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực
thuộc Trung ương,
- Các ban đảng Trung ương,
- Các cấp ủy trực thuộc Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương, Đảng ủy Chính phủ,
Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BAN CHẤP
HÀNH TRUNG ƯƠNG
TỔNG BÍ THƯ
Tô Lâm
|