BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 225-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 12 năm 2024
|
QUY ĐỊNH
VỀ
GIẢI MẬT THÔNG TIN CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ KỶ LUẬT CỦA ĐẢNG
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII,
Ban Bí thư quy định về giải mật thông tin công tác
kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về nguyên tắc, trình tự,
thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm giải mật đối với thông tin bí mật nhà nước về
công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được ban hành, lưu trữ tại cấp ủy,
tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp trong toàn Đảng.
2. Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng,
cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp và các cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật
của Đảng là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cấp ủy, tổ chức đảng,
cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, được người có thẩm quyền của
cơ quan, tổ chức đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản.
2. Bí mật nhà nước về công tác kiểm tra, giám
sát và kỷ luật của Đảng là thông tin có nội dung quan trọng về công tác kiểm
tra, giám sát và kỷ luật của Đảng do người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ
quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định
của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây
nguy hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc và của Đảng.
Hình thức chứa bí mật nhà nước về thông tin công
tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng bao gồm: Tài liệu, vật, địa điểm, lời
nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
3. Giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám
sát và kỷ luật của Đảng là việc xoá bỏ độ mật của bí mật nhà nước về thông
tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
4. Đương nhiên giải mật là tự động xoá bỏ độ
mật của bí mật nhà nước mà không cần phải xem xét, đánh giá, quyết định việc giải
mật.
Điều 3. Nguyên tắc giải mật
1. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất,
chặt chẽ, toàn diện của Đảng.
2. Bảo đảm lợi ích, an ninh quốc gia của Đảng, Nhà
nước và của cơ quan, tổ chức.
3. Thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền và trách
nhiệm, trình tự, thủ tục theo quy định.
4. Các thông tin bí mật nhà nước về công tác kiểm
tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được cấp có thẩm quyền cho phép công bố thì
thông tin đó (trong các tài liệu khác) cũng được coi là giải mật.
Điều 4. Các hành vi nghiêm cấm
1. Lợi dụng việc giải mật để làm lộ, làm mất, chiếm
đoạt, mua bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí
mật nhà nước; thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái
pháp luật; sao chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu,
vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật; xuyên tạc, bôi nhọ, gây ảnh hưởng tới
danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của tổ chức.
2. Thực hiện giải mật thông tin công tác kiểm tra,
giám sát và kỷ luật của Đảng không đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền
và trách nhiệm theo quy định.
3. Các hành vi khác trái với quy định của Luật Bảo
vệ bí mật nhà nước, Quy định này và các văn bản có liên quan.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Thời hạn bảo vệ bí mật
nhà nước
1. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin
công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là khoảng thời gian được tính từ
ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến khi hết thời hạn như sau:
a) 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật.
b) 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật.
c) 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.
2. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin
công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có thể được xác định ngắn hơn
thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này và phải được xác định cụ thể trên dấu
"THỜI HẠN BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC" đóng trực tiếp lên tài liệu hoặc vật
chứa bí mật nhà nước khi xác định độ mật.
3. Đối với bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm
tra, giám sát và kỷ luật của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định độ Tuyệt mật thì việc giải mật
một phần hoặc toàn bộ hồ sơ, tài liệu chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật do Bộ
Chính trị quyết định.
4. Độ mật và thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về
thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng chứa trong một bộ hồ
sơ, tài liệu được xác định theo tài liệu có độ mật cao nhất, có thời hạn bảo vệ
bí mật nhà nước dài nhất (nếu cùng một độ mật) được lưu trong hồ sơ đó.
Điều 6. Gia hạn thời hạn bảo vệ
bí mật nhà nước
1. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin
công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được gia hạn nếu thực hiện giải
mật sẽ gây nguy hại đến lợi ích, an ninh quốc gia, dân tộc và của Đảng.
Chậm nhất 60 ngày trước ngày hết thời hạn bảo vệ bí
mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, người
đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy xác định
bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Mỗi lần gia
hạn không quá thời hạn quy định tại Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều
5 Quy định này.
2. Bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra,
giám sát và kỷ luật của Đảng sau khi gia hạn phải được đóng dấu gia hạn thời hạn
bảo vệ bí mật nhà nước, có văn bản xác định việc gia hạn.
Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày bí mật nhà nước về thông
tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được gia hạn, cấp ủy, tổ chức
đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy đã gia hạn phải thông báo bằng văn
bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi nhận
được thông báo về việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về thông tin
công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có trách nhiệm đóng dấu
"GIA HẠN THỜI HẠN BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC", có văn bản xác định việc
gia hạn đối với bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Điều 7. Giải mật bí mật nhà nước
về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng
1. Bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra,
giám sát và kỷ luật của Đảng được đương nhiên giải mật trong các trường hợp
sau:
a) Hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và thời gian
gia hạn bí mật nhà nước được quy định tại Điều 5, Điều 6 của Quy
định này mà không tiếp tục được gia hạn.
b) Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước về thông tin
công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng không còn thuộc danh mục bí mật
nhà nước.
Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc tổ
chức đảng xác định bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra, giám sát và
kỷ luật của Đảng phải đóng dấu, có văn bản xác định việc giải mật và thông báo
ngay bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Giải mật bí mật nhà nước về thông tin công tác
kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trước thời hạn
Trường hợp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi
ích của quốc gia, dân tộc và của Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp
tác quốc tế thì có thể xem xét, quyết định giải mật toàn bộ hoặc một phần trước
thời hạn quy định tại Khoản 1, Điều 5 Quy định này.
Điều 8. Quy trình giải mật trước
thời hạn
1. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan
tham mưu, giúp việc của cấp ủy (là cơ quan xác định bí mật nhà nước) căn cứ yêu
cầu thực tiễn để quyết định thành lập Hội đồng giải mật bí mật nhà nước.
2. Thành phần Hội đồng giải mật bao gồm: Đại diện
lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy làm Chủ tịch
Hội đồng; đại diện đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước làm Thư ký
Hội đồng; đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan là thành viên Hội đồng,
số lượng thành viên Hội đồng do người có thẩm quyền ký quyết định thành lập Hội
đồng xem xét, quyết định.
3. Hội đồng giải mật có trách nhiệm xem xét việc giải
mật; thảo luận tập thể, kết luận theo đa số và tự giải thể sau khi hoàn thành
nhiệm vụ. Các ý kiến khác nhau phải ghi vào biên bản cuộc họp để báo cáo người
đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải mật quyết định.
4. Bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm tra,
giám sát và kỷ luật của Đảng sau khi giải mật phải đóng dấu, có văn bản xác định
việc giải mật; trường hợp giải mật một phần thì quyết định giải mật phải thể hiện
đầy đủ nội dung thông tin được giải mật.
5. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày có quyết định giải
mật, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy ở Trung ương
và địa phương quyết định giải mật phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi nhận được
thông báo về giải mật có trách nhiệm đóng dấu, có văn bản xác định giải mật đối
với bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
6. Hồ sơ giải mật bí mật nhà nước về thông tin công
tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng phải được lưu trữ bao gồm: Quyết định
thành lập Hội đồng giải mật; Tờ trình đề nghị giải mật bí mật nhà nước và danh
mục bí mật nhà nước đề nghị giải mật; biên bản họp Hội đồng giải mật; quyết định
giải mật và các tài liệu khác có liên quan.
Điều 9. Thẩm quyền quyết định
giải mật
1. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan
tham mưu, giúp việc của cấp ủy có thẩm quyền quyết định giải mật đối với các loại
hồ sơ, tài liệu do mình xác định bí mật nhà nước hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền giao nhiệm vụ quản lý, kế thừa sau khi cơ quan, tổ chức xác định bí mật
nhà nước được sáp nhập hoặc giải thể.
2. Đối với bí mật nhà nước về thông tin công tác kiểm
tra, giám sát và kỷ luật của Đảng do Lưu trữ lịch sử của Đảng hoặc cơ quan Bảo
mật lưu trữ các cấp bảo quản, nếu không xác định được cơ quan xác định bí mật
nhà nước thì Lưu trữ lịch sử của Đảng hoặc cơ quan Bảo mật lưu trữ quyết định
việc giải mật theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 10. Trách nhiệm giải mật
1. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan
tham mưu, giúp việc của cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức
giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng thuộc phạm
vi quản lý và thẩm quyền được giao.
2. Hội đồng giải mật thông tin công tác kiểm tra,
giám sát và kỷ luật của Đảng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo Khoản 3, Điều 8 Quy định này.
3. Đơn vị hoặc người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo
vệ thông tin bí mật nhà nước về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng
ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có trách nhiệm
định kỳ hằng năm rà soát, tham mưu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan
tham mưu, giúp việc của cấp ủy thực hiện giải mật đối với bí mật nhà nước thuộc
trường hợp cần giải mật theo quy định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với
Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn thực hiện Quy định này.
2. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp
việc của cấp ủy các cấp thực hiện Quy định này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn được giao. Mọi hành vi vi phạm Quy định này và các quy định khác của Đảng,
Nhà nước về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng
sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Định kỳ tháng 12 hằng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng,
cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có trách nhiệm xây dựng kế hoạch giải mật
thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cho năm tiếp theo đối
với những hồ sơ, tài liệu đến thời hạn giải mật.
4. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, Ủy ban kiểm tra
các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn quá trình thực hiện việc giải
mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng của cấp ủy và các
tổ chức đảng trực thuộc; định kỳ báo cáo hằng năm, báo cáo đột xuất (nếu có) với
cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp về kết quả thực
hiện Quy định này.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá
trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan
tham mưu, giúp việc của cấp ủy kiến nghị, đề xuất, báo cáo Ban Bí thư (qua Ủy
ban Kiểm tra Trung ương) xem xét, quyết định.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Trần Cẩm Tú
|