BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 11-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 5 năm 2021
|
QUY ĐỊNH
VỀ
TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quyết định số 145-QĐ/TW, ngày 08/8/2018 của
Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
- Căn cứ Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13/11/2018 của
Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương,
Ban Bí thư quy định về trường chính trị chuẩn như
sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Quy định này quy định các tiêu chí về trường
chính trị chuẩn.
2. Quy định này áp dụng đối với các trường chính trị
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Trường chính trị chuẩn là trường chính trị
đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định và được cấp có thẩm quyền công nhận.
2. Tiêu chí trường chính trị chuẩn là căn cứ
đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động. Mỗi tiêu
chí có các chỉ tiêu cụ thể.
Điều 3. Các mức độ trường chính
trị chuẩn và thời gian đánh giá
1. Có hai mức độ trường chính trị chuẩn, gồm chuẩn
mức 1 và chuẩn mức 2. Trường chính trị chuẩn mức 2 đạt các chỉ tiêu cụ thể của
từng tiêu chí cao hơn so với chuẩn mức 1.
2. Thời gian đánh giá các tiêu chí để công nhận trường
chính trị chuẩn là 5 năm trở về trước kể từ thời điểm trường nộp hồ sơ đề nghị
xét công nhận trường chính trị chuẩn.
Điều 4. Mục đích công nhận trường
chính trị chuẩn
Việc công nhận trường chính trị chuẩn nhằm chuẩn
hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học,
tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của trường chính trị.
Điều 5. Nguyên tắc đánh giá,
công nhận trường chính trị chuẩn
1. Tuân thủ đúng quy định.
2. Bảo đảm dân chủ, khách quan.
3. Bảo đảm công khai, minh bạch.
Chương II
TIÊU CHÍ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ
CHUẨN MỨC 1
Điều 6. Thể chế, quy định
Có đầy đủ các quy chế, quy định cụ thể hóa văn bản
của Trung ương, địa phương bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, kịp thời, hợp lý, khả
thi, không trái với văn bản của cơ quan cấp trên và được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
Điều 7. Đội ngũ cán bộ, viên chức
1. Đội ngũ cán bộ, viên chức của trường
chính trị phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh nghề nghiệp, vị
trí việc làm theo quy định của Đảng và Nhà nước.
2. Đối với lãnh đạo trường
a) Có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên về
khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn, trong đó
hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn có trình độ tiến sĩ về
khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn.
b) Có trình độ cao cấp lý luận chính trị (hoặc
tương đương).
c) Giữ ngạch giảng viên chính (viên chức hạng II)
hoặc tương đương trở lên.
d) Có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc chứng chỉ
phương pháp dạy học tích cực hoặc có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.
đ) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
e) Người đứng đầu được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm
vụ trở lên trong 5 năm liên tục. Có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý
và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
3. Đối với trưởng khoa, phó trưởng khoa
a) Có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên về
khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn.
b) Đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điểm b,
c, d, đ, e, Khoản 2, Điều 7 Quy định này.
c) Lãnh đạo khoa chỉ đạo, đề xuất thành công ít nhất
3 đề tài khoa học cấp trường trở lên.
4. Đối với trưởng phòng, phó trưởng phòng
a) Đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điểm b,
c, e, Khoản 2; Điểm a Khoản 3, Điều 7 Quy định này.
b) Tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu
quả các đề án, kế hoạch, chương trình...
5. Đối với đội ngũ giảng viên
a) Đội ngũ giảng viên (giảng viên cơ hữu và giảng
viên kiêm nhiệm) chiếm tỷ lệ ít nhất 75% tổng số cán bộ, viên chức.
b) Ít nhất 90% giảng viên có trình độ chuyên môn từ
thạc sĩ trở lên phù hợp với chuyên môn giảng dạy.
c) Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải có
trình độ trung cấp lý luận chính trị (hoặc tương đương) trở lên. Giảng viên sau
7 năm giảng dạy tại trường, có trình độ cao cấp lý luận chính trị (hoặc tương
đương).
d) 100% giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm
hoặc chứng chỉ phương pháp dạy học tích cực hoặc đã có bằng tốt nghiệp đại học
sư phạm.
đ) Ít nhất 80% giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến
thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
e) Ít nhất 60% giảng viên giữ ngạch giảng viên
chính (viên chức hạng II) hoặc tương đương trở lên.
g) 100% giảng viên áp dụng hiệu quả phương pháp dạy
học tích cực, tham gia thao giảng cấp khoa, cấp trường và đạt yêu cầu trở lên.
h) 100% giảng viên hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và
nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo quy định.
i) Xây dựng được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng
theo quy định.
Điều 8. Hoạt động đào tạo, bồi
dưỡng
1. Thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ đào tạo, bồi
dưỡng được giao.
2. Thực hiện đúng, đủ các chương trình đào tạo, bồi
dưỡng được cấp có thẩm quyền giao. Bảo đảm tỷ lệ lớp trung cấp lý luận chính trị
hệ tập trung tại trường so với hệ không tập trung ít nhất là 1/3 (1 lớp tập trung/3
lớp không tập trung).
3. Thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng
và các quy định khác về đào tạo, bồi dưỡng do cấp có thẩm quyền ban hành.
4. Thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
về chương trình, học viên, giảng viên, cơ sở vật chất, khóa bồi dưỡng, hiệu quả
sau đào tạo, bồi dưỡng. Kết quả đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đạt từ mức
khá trở lên.
Điều 9. Hoạt động nghiên cứu
khoa học, tổng kết thực tiễn
1. Mỗi năm thực hiện được ít nhất 3 đề tài khoa học
cấp trường, 5 năm thực hiện được ít nhất 3 đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc tương
đương trở lên, được nghiệm thu ở mức đạt trở lên.
2. Mỗi năm tổ chức được ít nhất 3 cuộc hội thảo
khoa học hoặc tọa đàm khoa học cấp trường, 5 năm tổ chức được ít nhất 3 cuộc hội
thảo khoa học hoặc tọa đàm khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.
3. Kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn
của nhà trường được chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp
luật. Có báo cáo kiến nghị, đề xuất tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương,
các cơ quan Trung ương từ kết quả nghiên cứu đề tài, hội thảo khoa học cấp tỉnh
trở lên.
4. Trong 5 năm, xuất bản được ít nhất 5 cuốn sách
chuyên khảo, tham khảo hoặc kỷ yếu hội thảo khoa học phục vụ đào tạo, bồi dưỡng,
nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn (không kể tài liệu, giáo trình về đào tạo,
bồi dưỡng).
5. Xuất bản được tạp chí hoặc bản tin "Thông
tin lý luận và thực tiễn" ít nhất 3 kỳ/năm. Tạp chí hoặc bản tin bảo đảm nội
dung, đúng quy định luật xuất bản.
6. Xây dựng được trang thông tin điện tử của trường,
bảo đảm chất lượng, thông tin được cập nhật thường xuyên.
Điều 10. Xây dựng văn hóa trường
đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương
1. Xây dựng được tiêu chí văn hóa ứng xử trong nhà
trường. Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh. 100% cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện ứng xử văn hóa trường
đảng theo quy định.
2. Không có cán bộ, viên chức, người lao động bị kỷ
luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Tổ chức đảng, đoàn thể của trường hoạt động hiệu
quả và hằng năm được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
4. Hằng năm, trường được đánh giá hoàn thành tốt
nhiệm vụ trở lên.
5. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường;
tham gia đầy đủ, tích cực các phong trào thi đua do cơ quan có thẩm quyền phát
động.
Điều 11. Cơ sở vật chất,
phương tiện kỹ thuật và tài chính
1. Có đủ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật phục
vụ việc dạy, học và nghiên cứu; đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng
đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; bảo đảm tăng quy
mô đào tạo tập trung.
2. Tổng diện tích sử dụng (gồm diện tích phòng học,
phòng làm việc, phòng họp, phòng hội thảo, phòng truyền thống, phòng khách, hội
trường lớn, thư viện, nhà đa năng, nhà ăn, ký túc xá, khuôn viên cây xanh hoặc
vườn hoa, đường giao thông nội bộ) bảo đảm tối thiểu 20.000 m²
3. Công tác lập kế hoạch tài chính, phân bổ, sử dụng
và quản lý tài chính đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch và hiệu
quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường.
Chương III
TIÊU CHÍ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ
CHUẨN MỨC 2
Điều 12. Thể chế, quy định
Bảo đảm yêu cầu như ở mức 1.
Điều 13. Đội ngũ cán bộ, viên
chức
1. Đối với lãnh đạo trường
a) Có trình độ chuyên môn tiến sĩ về khoa học chính
trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn.
b) Giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương
(hoặc có trình độ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng
I).
c) Xây dựng được mô hình điển hình trong hoạt động
đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các mặt công tác
được tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương hoặc Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh, Bộ Nội vụ công nhận. Có mô hình được nhân rộng trong cụm hoặc trong
khu vực hoặc trong cả nước.
2. Đối với trưởng khoa, phó trưởng khoa
a) Ít nhất 50% lãnh đạo khoa có trình độ tiến sĩ về
khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn.
b) Giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương
(hoặc có trình độ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng
I).
c) Lãnh đạo khoa chỉ đạo, đề xuất thành công ít nhất
1 đề tài khoa học cấp tỉnh trở lên.
d) Chỉ đạo, điều hành khoa đảm nhận được các nhiệm
vụ đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ được lãnh đạo trường phân công,
phân cấp.
đ) Xây dựng được mô hình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên
cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các mặt công tác được lãnh đạo trường hoặc
cấp trên công nhận.
3. Đối với trưởng phòng, phó trưởng phòng
a) Trưởng phòng hoặc phó trưởng phòng phụ trách
nghiên cứu khoa học của phòng quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học có trình độ
tiến sĩ về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân
văn.
b) Giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương (hoặc
có trình độ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp từ hạng II)
trở lên. Trong đó, người đứng đầu giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương
(hoặc có trình độ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng
I).
c) Xây dựng được mô hình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên
cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các mặt công tác được lãnh đạo trường hoặc
cấp trên công nhận.
4. Đối với đội ngũ giảng viên
a) Đội ngũ giảng viên (cơ hữu và kiêm nhiệm) có tỷ
lệ ít nhất 80% tổng số đội ngũ cán bộ, viên chức.
b) 100% giảng viên có trình độ chuyên môn từ thạc
sĩ trở lên phù hợp với chuyên môn giảng dạy, trong đó mỗi khoa có ít nhất 1 tiến
sĩ (không kể lãnh đạo khoa).
c) Giảng viên chính chiếm từ 80% trở lên trong tổng
số giảng viên của trường, trong đó có ít nhất 1 giảng viên cao cấp.
Điều 14. Hoạt động đào tạo, bồi
dưỡng
1. Bảo đảm tỷ lệ lớp trung cấp lý luận chính trị hệ
tập trung tại trường so với hệ không tập trung ít nhất là 1/2 (1 lớp tập
trung/2 lớp không tập trung).
2. Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ đào tạo,
bồi dưỡng theo quy định.
3. Thực hiện được việc đánh giá chất lượng đào tạo,
bồi dưỡng về chương trình, học viên, giảng viên, cơ sở vật chất, khóa bồi dưỡng,
hiệu quả sau bồi dưỡng. Kết quả đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đạt mức
tốt.
Điều 15. Hoạt động nghiên cứu
khoa học, tổng kết thực tiễn
1. Thực hiện ít nhất 5 đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc
tương đương trở lên, được nghiệm thu ở mức đạt trở lên.
2. Tham mưu tổ chức ít nhất 1 cuộc hội thảo khoa học
cấp bộ trở lên.
3. Xuất bản được tạp chí hoặc bản tin "Thông
tin lý luận và thực tiễn" ít nhất 4 kỳ/năm.
4. Trang thông tin điện tử được cập nhật thường
xuyên, có kết nối với một số trang thông tin điện tử của tỉnh và Trung ương.
Điều 16. Xây dựng văn hóa trường
đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương
1. Có tập thể hoặc cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được
khen thưởng từ cấp tỉnh và tương đương trở lên trong thực hiện văn hóa công sở,
văn hóa trường Đảng theo quy định.
2. Tổ chức đảng, đoàn thể của trường hoạt động hiệu
quả và hằng năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
3. Hằng năm, trường được đánh giá hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ.
4. Tham gia có chất lượng, hiệu quả các phong trào
thi đua; xây dựng được mô hình điển hình tiên tiến trong công tác đào tạo, bồi
dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được cơ quan có thẩm quyền công
nhận.
Điều 17. Cơ sở vật chất,
phương tiện kỹ thuật và tài chính
1. Có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại,
ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, giảng dạy,
học tập và nghiên cứu.
2. Tổng diện tích sử dụng (gồm diện tích phòng học,
phòng làm việc, phòng họp, phòng hội thảo, phòng truyền thống, phòng khách, hội
trường lớn, thư viện, nhà đa năng, nhà ăn, ký túc xá, khuôn viên cây xanh hoặc
vườn hoa, đường giao thông nội bộ) bảo đảm tối thiểu 30.000 m²
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh
1. Chủ trì, hướng dẫn và kiểm tra các trường chính
trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng và duy trì kết quả
của trường đạt chuẩn.
2. Công nhận hoặc thu hồi quyết định công nhận trường
chính trị chuẩn.
3. Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương,
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ và các tỉnh ủy, thành ủy thành lập hội đồng
thẩm định và tiến hành xét, công nhận trường chính trị đạt chuẩn.
4. Định kỳ tổ chức sơ kết công tác xây dựng trường
chính trị chuẩn và báo cáo kết quả với Ban Bí thư; đề xuất sửa đổi, bổ sung
tiêu chí, quy trình công nhận trường chính trị chuẩn khi cần thiết.
Điều 19. Ban Tổ chức Trung
ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ
1. Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh trong việc hướng dẫn, chỉ đạo các trường thực hiện Quy định về trường
chính trị chuẩn.
2. Tham gia thẩm định, xét công nhận trường chính
trị đạt chuẩn.
Điều 20. Tỉnh ủy, thành ủy
Chỉ đạo trường chính trị thực hiện tiêu chí, xây dựng,
bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên theo đúng quy định của Ban
Bí thư; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm chế độ, chính sách đối
với cán bộ, giảng viên, học viên; phối hợp với các cơ quan Trung ương có liên
quan trong việc thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, quy chế quản lý
đào tạo, quản lý hoạt động bồi dưỡng và các hoạt động khác do cấp có thẩm quyền
ban hành.
Điều 21. Trường chính trị tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
1. Tham mưu với tỉnh ủy, thành ủy đề án hoặc kế hoạch
xây dựng và phát triển nhà trường để đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn.
2. Tổ chức tự đánh giá và đề nghị cấp có thẩm quyền
công nhận đạt chuẩn nếu xét thấy bảo đảm các tiêu chí tại Quy định này.
3. Duy trì, phát huy các kết quả đã đạt được sau
khi được công nhận trường chính trị chuẩn.
Điều 22. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Võ Văn Thưởng
|