BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PTNT - BỘ TƯ LỆNH BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6074/QCPH-BNN-BTLBP
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 7 năm 2014
|
QUY CHẾ PHỐI HỢP
GIỮA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỚI BỘ TƯ LỆNH BỘ ĐỘI BIÊN
PHÒNG
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP
ngày 26/11/2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 44/2012/TT-BQP
ngày 28/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và mối quan hệ công tác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thống nhất ban hành Quy chế phối hợp như
sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung và các
quan hệ phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tư lệnh Bộ
đội Biên phòng (sau đây gọi tắt là hai Bên) trong quản lý hoạt động nghề cá;
phòng ngừa, phát hiện,ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại, khai
thác bất hợp pháp nguồn lợi thủy sản; quản lý, phát triển, bảo vệ rừng; phát hiện,
ngăn chặn, xử lý các hoạt động liên quan đến buôn lậu vật tư và sản phẩm nông
nghiệp; khai thác, mua, bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép; xây dựng
nông thôn mới; bố trí dân cư, xóa đói, giảm nghèo, ngăn chặn việc trồng và sử dụng
cây có chứa chất ma túy; kiểm dịch động, thực vật và phòng chống dịch bệnh; phòng
chống giảm nhẹ thiên tai; quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều;
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở
khu vực biên giới đất liền và khu vực biên giới biển (sau đây gọi tắt là khu vực
biên giới) và các lĩnh vực khác thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của hai Bên.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cấp, các đơn vị thuộc
Bộ đội Biên phòng và các cấp, các ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, các Sở, cơ quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông các tỉnh, thành
phố có khu vực biên giới.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Tập trung, thống nhất sự chỉ huy, chỉ đạo, điều
hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Bên;
2. Kịp thời, thiết thực, hiệu quả đảm bảo sự bình đẳng,
đoàn kết, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau hoàn thành nhiệm vụ được
giao;
3. Có trách nhiệm bảo vệ, giữ bí mật về lực lượng,
phương tiện, biện pháp nghiệp vụ của mỗi Bên.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Trao đổi, thông báo
tình hình
Hai Bên thường xuyên trao đổi, thông báo tình hình
liên quan đến các lĩnh vực ghi tại Điều 1 Quy chế này. Nội dung trao đổi, thông
báo tình hình bao gồm:
1. Lĩnh vực quản lý hoạt động nghề cá và bảo vệ nguồn
lợi thủy sản
a) Hoạt động của các loại phương tiện khai thác,
nuôi trồng hải sản và ngư dân Việt Nam trên các vùng biển; tàu cá ra, vào các cửa
sông, cửa lạch, cảng cá, bến cá có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Biên
phòng và lực lượng Kiểm ngư, Thanh tra Thủy sản;
b) Hoạt động tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền
vùng biển Việt Nam khai thác hải sản; việc bắt giữ, xử lý đối tượng này của lực
lượng hai Bên;
c) Tình hình hợp tác với Việt Nam của các đối tác
nước ngoài trong lĩnh vực khai thác, thu mua, chế biến, nuôi trồng hải sản trên
biển và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thời gian hoạt động tại
Việt Nam và hợp tác nghề cá với nước ngoài của tàu cá Việt Nam;
d) Công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá; xây dựng cảng
cá, khu neo đậu tránh trú bão cho các phương tiện nghề cá, quy định về đảm bảo
an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển. Sự cố, tai nạn và
kết quả tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người, phương tiện hoạt động nghề cá trên biển;
e) Khu vực hạn chế hoặc khu vực cấm hoạt động nghề
cá, khai thác nguồn lợi thủy sản;
g) Tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài kiểm
soát, bắt giữ, xử lý;
h) Tình hình chấp hành việc nghiêm cấm sử dụng chất
nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; vi phạm khu vực cấm khai thác,
thời gian tạm dừng khai thác thủy sản; vi phạm ngành nghề khai thác....
2. Lĩnh vực lâm nghiệp
a) Tình hình hoạt động của các loại phương tiện và
công dân Việt Nam, người nước ngoài liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp trong khu
vực biên giới;
b) Công tác quy hoạch phát triển, hợp tác đầu tư,
quản lý, khai thác và bảo vệ rừng; việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện
hoạt động lâm nghiệp; thiên tai, tai nạn và kết quả tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ
người, phương tiện hoạt động lâm nghiệp trong khu vực biên giới;
c) Việc cấp chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng ngập mặn
ở khu vực biên giới do các lâm trường hoặc các đơn vị làm kinh tế thuộc Bộ Quốc
phòng quản lý;
d) Tình hình liên quan đến công tác phòng cháy, chữa
cháy rừng, đặc biệt là những diện tích rừng dễ xảy ra cháy trong mùa khô hanh;
phối hợp trong tổ chức ứng cứu khi xảy ra cháy rừng;
e) Tình hình liên quan đến bảo vệ, phát triển và sử
dụng rừng ở khu vực biên giới; các dự án lâm nghiệp liên quan đến an ninh quốc
phòng đã triển khai và chuẩn bị triển khai trong khu vực biên giới thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của hai Bên;
g) Hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến
khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giấu, chế biến, tiêu thụ các loại lâm đặc sản,
động, thực vật quí hiếm, động vật hoang dã.
3. Lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật, thực vật
a) Tình hình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật,
sản phẩm thực vật xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển và
hợp tác giữa Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực kiểm dịch động vật, thực vật;
b) Tình hình dịch bệnh động vật, thực vật trong nước
và nước ngoài, các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh động, thực vật lây truyền qua
biên giới;
c) Tình trạng buôn lậu động thực vật, thuốc thú y,
thuốc bảo vệ thực vật qua biên giới.
4. Lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông
thôn mới ở khu vực biên giới:
a) Công tác giao rừng; quy hoạch, bố trí và ổn định
dân cư ra khu vực biên giới, giải quyết dân di cư tự do;
b) Chương trình xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ
cấu sản xuất và tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhằm phát triển
bền vững ở khu vực biên giới;
c) Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với
xây dựng nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới.
5. Lĩnh vực quản lý bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới:
Tình hình hoạt động của tội phạm, vi phạm pháp luật
có liên quan và kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đặc
biệt trong lĩnh vực phòng, chống khai thác, vận chuyển lâm sản, mua bán vận
chuyển động vật hoang dã trái phép, trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.
6. Lĩnh vực phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai (lụt
bão, cháy nổ, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ), quản lý, khai thác và bảo vệ
công trình thủy lợi, đê điều ở khu vực biên giới.
7. Lĩnh vực khác: Thường xuyên trao đổi kết quả thực
hiện đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và văn bản pháp luật
khác có liên quan.
Điều 5. Tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới.
Hai Bên phối hợp tham mưu cho các cơ quan chức năng
và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân ở khu vực biên giới chấp hành tốt
các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hiệp định, thỏa
thuận mà Việt Nam đã ký hoặc tham gia với các nước liên quan trong các lĩnh vực
hai Bên phối hợp.
Điều 6. Phối hợp tuần tra, kiểm
soát
1. Phối hợp hoạt động tuần tra, kiểm soát trong khu
vực biên giới nhằm quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái, quản lý các
hoạt động nghề cá trên biển; bảo vệ rừng, ngăn ngừa dịch bệnh và đấu tranh ngăn
chặn các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan;
2. Việc phối hợp tuần tra, kiểm soát giữa các đơn vị
của hai Bên phải có kế hoạch; đơn vị nào chủ trì thì đơn vị đó chỉ huy lực lượng
tuần tra, kiểm soát. Việc đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, do hai Bên thống nhất;
3. Người, phương tiện của mỗi Bên tham gia phối hợp
tuần tra, kiểm soát phải chấp hành đúng các quy định liên quan về trang phục,
biển hiệu, cờ hiệu, tín hiệu... theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Bộ Quốc phòng.
Điều 7. Xử lý các vụ việc xảy
ra
1. Khi phối hợp tuần tra, kiểm soát trong khu vực
biên giới, nếu phát hiện, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật thuộc chức
năng, quyền hạn của lực lượng nào thì lực lượng đó xử lý; nếu thuộc thẩm quyền
của hai lực lượng, thì đơn vị chủ trì tuần tra, kiểm soát xử lý; nếu vượt quá
thẩm quyền xử lý của mỗi Bên, hai Bên thống nhất báo cáo lên cấp trên giải quyết;
2. Trong quá trình độc lập tuần tra, kiểm soát nếu
phát hiện hành vi vi phạm pháp luật không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì
tiến hành lập hồ sơ ban đầu, sau đó bàn giao cho Bên kia hoặc cơ quan có thẩm
quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật. Việc bàn giao phải thực hiện đúng
nguyên tắc, thủ tục quy định. Kết quả giải quyết, xử lý phải thông báo cho nhau
ngay sau đó. Trường hợp cần tiếp tục phối hợp giải quyết phải thống nhất biện
pháp và phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể cho mỗi Bên.
Điều 8. Trong phòng, chống giảm
nhẹ thiên tai, quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều
1. Hai Bên phối hợp tham mưu chính quyền địa phương
dự kiến các khu vực có thể xảy ra thiên tai, khu vực trú, tránh an toàn cho người,
phương tiện và tài sản của nhân dân; đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục,
tuyên truyền và phổ biến biện pháp phòng, tránh thiên tai cho nhân dân;
2. Khi có thiên tai, tai nạn, hai Bên phối hợp chặt
chẽ trong trao đổi tình hình và có biện pháp thông tin nhanh nhất cho người,
phương tiện đang hoạt động trên biển và nhân dân trong khu vực biên giới biết để
chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn. Sử dụng lực lượng, phương tiện của mỗi
Bên và huy động lực lượng, phương tiện của nhân dân để tham gia ứng cứu, khắc
phục hậu quả. Thống nhất số liệu và ý kiến tham mưu đề xuất báo cáo Ban Chỉ huy
phòng chống lụt bão địa phương và Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy
ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn;
3. Mỗi Bên có trách nhiệm hướng dẫn cho tàu thuyền
của Bên kia được sử dụng cầu cảng của Bên mình khi cần thiết. Trước khi tàu
thuyền vào neo đậu, phải thông báo và được sự đồng ý của Bên kia (trừ trường hợp
khẩn cấp); đồng thời phải chấp hành đúng các quy định có liên quan;
4. Khi lực lượng làm nhiệm vụ bị sự cố, tai nạn và
yêu cầu giúp đỡ, phía Bên kia phải khẩn trương tìm mọi cách tổ chức cứu hộ, tìm
kiếm, cứu nạn với khả năng và hiệu quả cao nhất;
5. Phối hợp chặt chẽ trong xử lý các tổ chức, cá
nhân vi phạm trong quản lý, khai thác, sử dụng công trình thủy lợi và đê điều ở
khu vực biên giới; phối hợp trong công tác kiểm tra và hộ đê.
Điều 9. Trong quản lý hoạt động
nghề cá, bảo vệ rừng, kiểm dịch động vật, thực vật và xóa đói, giảm nghèo và
xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới
1. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý người, phương tiện
và các hoạt động nghề cá gồm:
a) Thống kê các loại phương tiện, đăng ký, đăng kiểm,
cấp phép hoạt động nghề cá; thống nhất nội dung in ấn, phát hành, hướng dẫn sử
dụng Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá, Sổ nhật ký khai thác;
b) Phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát người, phương
tiện và các hoạt động nghề cá đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật;
c) Thống nhất tham mưu cho Chính phủ và Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trong việc quy hoạch xây dựng cảng cá, khu neo đậu,
tránh trú bão cho phương tiện hoạt động nghề cá; xây dựng nội quy bến bãi; xây
dựng các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết, các nghiệp đoàn nghề cá....
2. Thống kê, trao đổi thông tin về phạm vi, diện
tích rừng trong khu vực biên giới cần phối hợp bảo vệ, quản lý các đường mòn,
đường lâm nghiệp, đường tuần tra biên giới; chương trình, kế hoạch bố trí dân
cư ra khu vực biên giới, giải quyết dân di cư tự do; chương trình xóa đói giảm
nghèo làm cơ sở tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền có biện pháp phát triển bền
vững, ổn định dân cư kết hợp giữa thực hiện xây dựng nông thôn mới với xây dựng
thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới.
3. Kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh động vật, thực
vật
Khi có dịch bệnh ở trong và ngoài khu vực biên giới
phải kịp thời báo cáo, thông báo và có kế hoạch phối hợp khoanh vùng, dập dịch
hoặc có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây truyền từ bên kia biên giới
vào lãnh thổ Việt Nam;
Phối hợp kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu động vật,
sản phẩm động vật, thực vật qua cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển; ngăn chặn
và xử lý kịp thời việc vận chuyển, xuất, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật,
thực vật, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trái phép qua biên giới;
Khi có kế hoạch hoặc triển khai áp dụng các biện
pháp kiểm dịch động vật, thực vật qua cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển,
bên chủ quản phải thông báo cho đơn vị Bộ đội Biên phòng cần phối hợp biết để
theo dõi và phối hợp tổ chức thực hiện.
Điều 10. Hỗ trợ nâng cao nghiệp
vụ
Khi mỗi Bên tổ chức hội nghị, tập huấn có nội dung
liên quan thì thông báo, trao đổi, tạo điều kiện cho Bên kia cử cán bộ tham gia
nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và tham gia đào tạo khi có yêu cầu.
Hai Bên thường xuyên trao đổi tài liệu, thông tin
khoa học liên quan và hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện, địa điểm đào tạo bồi
dưỡng, cơ sở nghiên cứu khoa học.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Cơ quan thường trực,
thời gian, hình thức trao đổi thông tin; phối hợp kiểm tra và sơ, tổng kết
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho
Văn phòng Bộ là cơ quan thường trực, chủ trì tổng hợp tình hình chung của các
cơ quan trực thuộc Bộ và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao cho Bộ Tham mưu là
cơ quan thường trực, chủ trì tổng hợp tình hình chung của các đơn vị trực thuộc
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để hàng tháng trao đổi tình hình liên quan một lần
bằng văn bản. Trường hợp đột xuất, khẩn cấp, các Tổng cục, Cục quản lý chuyên
ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể trao đổi trực tiếp với
Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng để phối hợp xử lý kịp thời; đối với các trường hợp
liên quan đến hoạt động của tàu cá trên biển, Tổng cục Thủy sản (Cục khai thác
và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư) và Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng
trao đổi thông tin hàng tuần bằng điện thoại hoặc Fax.
2. Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng cơ chế phối
hợp trao đổi thông tin và quy định đầu mối thường trực của mỗi Bên.
3. Kiểm tra và sơ, tổng kết
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ
Tư lệnh Bộ đội Biên phòng 2 năm tổ chức kiểm tra một lần đối với 2-3 địa
phương, 3 năm sơ kết, 5 năm tổng kết một lần;
b) Cơ quan thường trực hai Bên hàng năm lồng ghép kế
hoạch công tác năm tổ chức kiểm tra một lần đối với 3-5 đơn vị cơ sở, luân
phiên hàng quý tổ chức giao ban và tổ chức sơ kết năm một lần. Thời gian, đơn vị
được kiểm tra và thời gian giao ban, sơ, tổng kết do lãnh đạo hai Bên thống nhất
quyết định;
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên phòng hàng tháng luân phiên tổ chức giao ban, 6 tháng sơ kết,
hàng năm tổng kết, thời gian do hai Bên thống nhất.
Điều 12. Khen thưởng, kỷ luật
1. Cán bộ, chiến sỹ, nhân viên của hai Bên có thành
tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế được khen thưởng theo quy định của ngành
và của nhà nước.
2. Trường hợp vi phạm hoặc cản trở việc thực hiện
Quy chế, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng và pháp luật Việt Nam.
Điều 13. Điều khoản thi hành
1. Cơ quan thường trực hai Bên có trách nhiệm theo
dõi, tham mưu cho Lãnh đạo mỗi Bên chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế; các Tổng
cục: Thủy sản, Lâm nghiệp, Thủy lợi; các Cục: Bảo vệ thực vật, Thú y, Kinh tế hợp
tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các Cục,
đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, có trách nhiệm phối hợp với Cơ
quan thường trực hai Bên tổ chức thực hiện quy chế theo chức năng, nhiệm vụ của
mình.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố căn cứ Quy chế này, thống nhất xây dựng
và ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện. Gửi một bản kế hoạch về Cơ quan thường
trực của hai Bên để theo dõi, chỉ đạo.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế
Quy chế số 1349/QCPH-BNN-BTLBP ngày 18/5/2011.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề
phát sinh cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Cơ
quan thường trực của hai Bên để tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu đề xuất lãnh đạo
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xem xét,
quyết định./.
TƯ LỆNH
BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
Trung tướng Võ Trọng Việt
|
BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
Cao Đức Phát
|
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Quốc phòng (để báo cáo);
- Bộ Tư lệnh BĐBP;
- Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Các tỉnh, thành, đơn vị trực thuộc BTLBP60;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT(Bộ NN&PTNT, BTLBP); L136.
|
|